9/10/09

NHỮNG BÀI HỌC LỚN TỪ CHUYỆN NHỎ


Hoàng Ngọc Nguyên
Viet Tribune
Để khỏi mang tiếng bi quan, yếm thế, chúng ta không nói đến một cuộc khủng hoảng toàn diện đang trùm lên nước Mỹ, nhưng cũng chẳng thể phủ nhận được chúng ta đang nhìn đâu cũng thấy khủng hoảng, từ khủng hoảng kinh tế và khủng hoảng y tế là những gì dễ nhận thấy nhất, đến khủng hoảng quốc tế cho dù nước Mỹ hơn cả nửa thế kỷ nay chẳng nước nào sánh được về mặt vung tay quá trán trong viện trợ quôc tế. Và một cuộc khủng hoảng xã hội ẩn nấp an toàn dưới cái vỏ bọc “văn hóa đa hệ” (multi-culturalism), và một cuộc khủng hoảng giáo dục do sự lạm dụng và bất lực của con người trước những tiến bộ hiện đại trong những phưong tiện giáo dục. Tuần qua, Hội đồng Giám sát và Cựu Sinh Hoa Kỳ (American council of Trustees and Alumni – ACTA) đã đưa ra một báo cáo có tựa đề: Người ta sẽ học được cái gì? Một Phúc trình về những Yêu cầu Giáo dục Tổng quát tại 100 trường Đại học và Cao đẳng Hàng đầu của Đất nước (What will they learn? A report on general education requirements at 100 of the nation’s leading colleges and universities). Câu hỏi đó đã bao hàm khá toàn diện những vấn đề đang tích tụ trong nền giáo dục của Mỹ. Nhưng điểm xuất phát của câu hỏi đó chính là một câu hỏi khác: Người ta đã học được cái gì bấy lâu nay đến độ bây giờ phải ưu tư con em của chúng ta sẽ học hiểu cái gì đây? Trả lời cho câu hỏi có tính toàn diện đó rất khó, nhưng một phần câu trả lời có thể được nhìn thấy trong một chuyện đang xảy ra: đó là phản ứng của những người bảo thủ khi nghe tin Tổng thống Barack Obama sẽ đọc một bài diễn văn nhân ngày tựu trường 8-9 trong tuấn này.
Văn minh và lễ nghĩa
Dân chủ hay phi dân chủ đều có cái lố bịch riêng của nó. Cái lố bịch lớn nhất của một chế độ phi dân chủ là xem con người chẳng ra gì, chỉ là một sinh vật có nhu cầu căn bản cũng như loài vật, là chỉ cần cho no bụng mà thôi, cho nên cái nhà nước cai trị họ chẳng cần phải được chính họ bầu ra và điều khiển, và bổn phận duy nhất của nhà nước đó với ngưòi dân là làm sao cho người ta có gì bỏ vào miệng cho chắc bụng là được. Ngay cả những chuyện như nhà ở, giáo dục, y tế, nhà nước còn không có trách nhiệm, thì nói gì đến những chuyện cao siêu, siêu hình như tôn giáo, ngôn luận, chính trị. Cái lố bịch của một chế độ dân chủ, ngược lại, là ở chỗ nó chú trọng đến con người cá nhân nhiều quá, cho nên nhiều khi cũng chẳng xem con người ra gì! Người ta nhân danh nhân quyền và dân quyền mà quên đi cái quyền của người khác, quyền của xã hội có tôn ti trật tự, quyền lợi ích chung của đa số phải được tôn trọng… Ai cũng có thể có ý kiến riêng của mình về việc này việc nọ. Nhưng trong hành động người ta cần phải theo luật, những luật thành văn cũng như không thành văn, và trong luật không thành văn bao gồm cách xử thế phổ quát ở đời, dựa trên những giá trị văn hóa, nhân bản, dân tộc của một xã hội. Không thể nhân danh tự do, dân chủ mà người ta có thể quên đi chuyện lễ nghĩa, tức là ứng xử thích hợp theo những mối quan hệ giữa người với người trong xã hội.
Cái thông lệ đẹp đẽ của nhà trường từ Đông sang Tây, từ Âu sang Á, là đánh dấu ngày khai trường bằng những lời mở đầu “vàng ngọc” từ những người có trách nhiệm cao nhất trong việc dạy dỗ học sinh. Trong tiếng trống thùng thùng vang lên sau một mùa hè sân trường im ắng, ông hay bà hiệu trưởng ban huấn từ trước hàng quân học sinh im phăng phắc, áo quần đồng phục chỉnh tề. Với thầy cô trong áo mới quần mới giống như trong ngày hội đứng quanh sau lưng, thầy hay cô hiệu trưởng nói những lời nhắc nhở học sinh học hành chăm chỉ, chu toàn trách nhiệm, cố gắng vươn lên, gìn giữ kỷ luật, nghe lời thầy cô, và cố gắng phát huy những truyền thống của nhà trường là niềm tự hào chung của thầy cô và các trò. Đó là một dịp đáng nhớ trong ngày đầu năm học để xây dựng một khí thế rộn rã nơi tất cả mọi người. Và nếu trong một hoàn cảnh đặc biệt của đất nước, của xã hội, người mở đầu cho những lời mở đầu của hiệu trưởng, của thầy cô chủ nhiệm, hay của thầy cô đứng lớp giờ học đầu tiên, là người nguyên thủ quốc gia, thì đối với học sinh có thông điệp nào mạnh mẽ hơn, có sức thuyết phục hơn vể sự cam kết của xã hội đồi với sự nghiệp giáo dục của con em.
Cho nên, trong vụ một số người Cộng Hòa bảo thủ tẩy chay bài diễn văn tựu trường của ông Obama, người ta có cảm tưởng như có gì không bình thường, nếu không phải là bệnh hoạn, ở đây. Chúng ta có thể phải hỏi rằng nhân danh quyền gì mà có những bậc cha mẹ lại cho mình cái quyền, và do đó tước đoạt của con cái của họ cái quyền đến lớp nghe Tổng thống của mình, ông Barack Obama, đọc bài diễn văn khai mạc niên học mới. Và quyền gì mà một số trường cũng đe dọa không phát thanh, phát hình bài diễn văn của ông, cũng có nghĩa là tước đoạt của học sinh của mình cái quyền đó. Ông Obama có quyền nói, và người dân nói chung, và học sinh nói riêng, có bổn phận, có trách nhiệm phải nghe, không chỉ là một sự lễ độ, lịch sự với người nguyên thủ quốc gia, mà còn phải nghe để nhận định, để phản biện. Đó không những là hiệu quả của dân chủ, mà còn là nét văn minh, nét đẹp của dân chủ mà ở nước Mỹ này người Dân Chủ và Cộng Hòa đều đã chung sức xây dựng. Những chuyện ngang ngược này chắc chắn không thể xảy ra ở bất cứ nước nào khác trên thế giới, không cứ gì những nước còn là “cộng sản”, hay những nước độc tài, mà cả những nước văn minh dân chủ ở phương tây. Và người Mỹ có nên tự hào về cái dân chủ của nước họ, khi người ta không thấy có vấn đề gì trong sự thiếu tôn trọng tối thiểu và một cách văn minh với ông nguyên thủ quốc gia của mình.
Tell Laura I love her!
Ông Barack Obama đã được bầu lên làm tổng thống. Theo định nghĩa, là tổng thống, cho nên trong bất cứ ngành nào của chính quyền, của xã hội, ông cũng là người đứng đầu, hay nói cách khác là người chịu trách nhiệm cuối cùng. Như trong quân đội chẳng hạn, ông là người tổng tư lệnh tối cao (supreme commander). Hay trong giáo dục, người ta gọi ông là Người thầy cao nhất (teacher-in-chief), hay người tổng chỉ huy giáo dục, cũng chẳng có gì sai. Như vậy tại sao những người bảo thù lại lên tiếng chống việc ông đọc bài diễn văn gởi đến các học sinh trong ngày tựu trường. Họ sợ ông đầu độc, tẩy não chính trị cho học sinh. Bởi vì họ nhìn một tiền lệ ngay trong người của họ. Ông tổng thống nào cũng thỉnh thoảng có đọc diễn văn tựu trường hay nghỉ hè cho học sinh, chủ yếu là cho học sinh có một ý thức ít nhiếu về sự hiện diện của đời sống chính trị trong xã hội mà học sinh đang sống. Nhưng gần đây nhất, người ta chỉ nhớ Tổng thống George W. H. Bush cha, năm 1991, đã nói chuyện với học sinh để cho lớp trẻ có một ý thức về hiểm họa ma túy. Trước dó, một tổng thống Cộng Hòa khác, ông Ronald Reagan, đã đọc một bài vào ngày kết thúc khóa mùa thu, nhưng nội dung lại nồng nặc mùi chính trị. Vào năm 1988, trước khi ông rời khỏi Nhà Trắng, ông Reagan đã bàn với học sinh còn nhỏ về cái hiểm hoạ của việc đánh thuế và mở rộng bộ máy chính quyền.
Một bà giáo ở ngay thành phố hiện nay ông George Bush đang sinh sống, Dallas, Texas, đã nói rằng “Tôi vốn không phục ông Bush. Tôi có rất nhiếu chuyện không đồng tình với Bush trước đây. Nhưng trước đây, bao giờ tôi cũng xem ông là tổng thống của tôi, là người được dân tôi bầu lên. Nay tại sao những người Cộng Hòa lại có quyền gì tẩy chay tổng thống của họ hiện nay? Phải chăng vì ông ta là người da đen mà họ lỡ bầu lên. Hay ông không thuộc về những gia đình lớn có thế lực lớn trong chính trường Mỹ?”. Vấn đề dường như là ở chỗ đó. Điều đáng “thông cảm” cho người Cộng Hòa là họ đang bối rối, lúng túng. Bối rối, lúng túng vì họ mất cả hành pháp, lập pháp. Họ đang bị khủng hoảng lãnh đạo. Họ đang thiếu phương hướng. Và đứng trước những vấn đề khủng hoảng của quốc gia, kinh tế, y tế, quốc tế, xã hội, giáo dục, họ không có giải pháp. Họ bị động, triệt nguồn cảm hứng, và đang cố tạo cảm hứng để tái xây dựng đảng bằng đả phá, tẩy chay – như chúng ta đã thấy trong chiến dịch khủng bố đe dọa người dân dể cho họ sợ chương trình cải tổ bảo hiểm y tế của ông Obama. Và nay chúng ta đang thấy trong thái độ đối với bài diễn văn của ông Obama. Một bà mẹ ở Denver, Colorado, đã lên tiếng một cách hằn học: “Tôi là người Mỹ. Con tôi cũng là người Mỹ, cho nên tôi nghĩ rằng việc (phải nghe bài diễn văn) này là không thể được. Tôi cảm thấy rất sợ hãi ở trong nước này với những người lãnh đạo như thế bây giờ”. Phát biểu của bà cho thấy công cuộc tuyên truyền của những người Cộng Hòa bảo thủ khá thành công. Những người tai to mặt lớn trong đảng Cộng Hòa phần lớn im lặng. Và bởi thế chúng ta cần nghiêng mình trước sự khả ái và tư cách vô song của bà Laura Bush, cựu Đệ nhất Phu nhân, đã từng ở trong ngành giáo dục và thư viện. Hôm thứ ba, trong một cuộc phỏng vấn báo chí, bà nói rằng ông Obama đang thành công mặc dù tình hình có nhiều khó khăn. Bà cũng nói “Tôi nghĩ rằng có một hoàn cảnh cho tổng thống… nói chuyện với học sinh và khuyến khích con em… Các bậc cha mẹ nên học lấy gương của ông và khuyến khích con em của mình học hành chăm chỉ và cố đạt được giấc mơ con em mình ấp ủ”. Khác với ông Jeb Bush, em chồng, cứ cho ông Obama là “con người mới xã hội chủ nghĩa”, bà nói bà không nghĩ là công bằng đối với ông Obama khi gọi ông là người “xã hội chủ nghĩa” và bà cũng nói lên sự thất vọng của mình về sự phân cực ngày càng sâu sắc trong chính trị Hoa Kỳ thời nay.
Nghe bà nói, người ta không thể không nhớ đến bài hát “Tell Laura I Love Her!”.
Cuộc khủng hoảng đích thực
Mặc dù có sự chống đối đó, ông Obama hôm thứ ba vẫn lên tiếng. Tuy nhiên, để tránh sự ngộ nhận ngày càng được khích động ngay cả bởi những nhà chính trị, ông đã công bố nội dung bài nói chuyện này trước một ngày. Người ta biết rằng tuần này trận đánh chính của ông Obama là vào ngày thứ tư 9-9, khi ông ra nói chuyện trước Quốc Hội lưỡng viện về vấn đề ông quyết tâm đi tới trong việc cải tổ hệ thống bảo hiềm y tế. Bởi thế, ông muốn nhanh chóng dẹp qua một bên cái mặt trận giả tạo mà những người Cộng Hòa tạo ra để cầm chân ông, để ông lo ra. Nhưng qua bài diễn văn của ông, người ta thấy phảng phát mối ưu tư trước cuộc khủng hoảng giáo dục và sự cần thiết trong việc lên tiếng dạo đầu cho cuộc chiến sắp tới đây không phải kém cam go. Đó là cải tổ khá toàn diện hệ thống giáo dục của Mỹ.
Trong vô số vấn đề người ta đang nhận diện trong cuộc khủng hoảng giáo dục ở Mỹ, thường chỉ có những người trong ngành Hành Pháp mới cảm thấy tính cách dầu sôi lửa bỏng, có một vấn đề hết sức căng thẳng ngay cả ở giáo dục cấp dưới: đó là tỷ lệ học sinh bỏ học khá cao, thông thường rơi rụng đến 20-25% khi kết thúc trung học. Và trong số học sinh bỏ học này, phần lớn lại là những học sinh thiểu số, có gốc là da đen và Latino. Vấn đề không đơn giản chỉ là xã hội chậm tiến bộ khi trình độ dân trí của lớp trẻ bị giới hạn. Nghiêm trọng hơn đó là vấn đề phát triển có trách nhiệm của những “sắc tộc thiểu số”, sự phát triển hài hòa, sự kiểm soát nạn kỳ thị vì những khoảng cách kinh tế, giáo dục, chính trị… giữa các sắc dân. Nó còn liên quan đến vấn đề di dân, vấn đề tội ác và xây dựng gia đình…
Bởi thế, hầu như trong bài diễn văn, ông Obama chỉ nói một điều: con người ta khi đã chọn một cuộc sống có hoài bão, chí hướng, thì không thể không học được. Ông quảng diễn nhiều từ ý đó. Học không dễ, không phải không thách đố, vừa cả thời gian, vừa cả trí tuệ, vừa cả điều kiện gia đình. Đối với tuổi trẻ, không có gì quan trọng hơn cái học. Và chẳng có gì khác có thể thỏa hiệp được với nhu cầu học. Và dù cho có thách đố nào trong gia đình, trong xã hội, học sinh cũng nên cố vưọt qua tất cả để học. Đó là trách nhiệm với bản thân. Và ông cũng đưa môt lời nhắc nhở với cha mẹ: hãy cố cho con cái đi học đàng hoàng và giúp cho con học. Và một lời kết luận: bỏ học không chỉ là sự phủ nhận chính mình, mà còn quay lưng lại với đất nước, với xã hội. Bài học ngắn gọn, dễ hiểu và đầy đủ. Và nó chỉ thể hiện một ám ảnh, ưu tư: xin đừng bỏ học. Và đã học, hãy học cho giỏi. Trong báo cáo về điểm thi SAT của 1.5 triệu “học sinh tú tài” của Mỹ vào tháng trước, điểm trung bình chỉ có trong khoảng 500-510 so với điểm tối đa là 800! Nghĩa là còn thấp hơn cách đây 10 năm một chút, mặc dù người ta đã la đến khản cổ “No children left behind!” .
Một bài nói chuyện như thế, ở xã hội ta nghe cũng lọt, mà cũng làm cho xã hội tây phải suy nghĩ để bớt đi sự ích kỷ cá nhân của một số cha mẹ ít nghĩ đến con em. Đó đúng là lời của một ông thầy nói với không những học sinh mà với cha mẹ. Chúng ta dân Á Đông hãnh diện với truyền thống và tư tưởng “tam nhân đồng hành…”, “nhất tự vi sư, …”. “tiên học lễ hậu học văn”. Nếu có điều gì người da trắng nay có thể học từ người da vàng trên đất Mỹ này, thì chính là điều này. Để cho họ có thể hiểu vì sao học sinh da vàng nay có vẻ đang vươn lên đầu bảng trên tất cả các môn đọc, viết, toán, khoa học, và người da trắng nay chỉ hơn được người da đen và Latino…
Bài diễn văn của ông Obama đáng suy nghĩ vì nó cho ta thấy được sự khủng hoảng giáo dục rất nghiêm trọng của đất nước này. Và thái độ, phản ứng của một số người bảo thủ cũng đáng suy nghĩ không kém, vì nó cho ta thấy những thách đố, trở lực trong việc giải quyết những khủng hoảng quốc gia như thế.

No comments:

Post a Comment