2/5/09

Obama không có đũa thần mang lại hòa bình cho Trung ĐôngTẠP CHÍ TIÊU ĐIỂM

Tú Anh

Bài đăng ngày 05/02/2009 Cập nhật lần cuối ngày 05/02/2009 18:37 TU
Obama phải tỏ ra độc lập và cứng cỏi với cả Israel lẫn Ả rập. Thương lượng sẽ gay go, nhưng nếu diễn ra trong không khí nghiêm túc và bình đẳng, thì có nhiều khả năng mang lại cơ hội thật sự cho một thỏa thuận công bằng. Vì, theo Aaron David Miller, chuyên gia về Cận Đông, «thà không có hoà bình còn hơn là một tiến trình thương thuyết giả dối làm hại uy tín nước Mỹ»

Cựu thủ tướng Anh Tony Blair đặc phái viên về Trung Đông của bộ tứ ( Hoa Kỳ, Nga, Liên Hiệp Quốc và Liên Hiệp Châu Âu) và tổng thống Barack Obama tại Washington, ngày 05/02/2009
Ảnh : Reuters


24 giờ sau khi thay đổi chủ nhân tại Nhà Trắng, chính phủ Palestine hãnh diện cho biết, lãnh đạo chính trị thế giới đầu tiên được tân tổng thống Hoa Kỳ điện thoại là chủ tịch Palestine, Mahmoud Abbas.
Sáng thứ tư, 21/01, ngày đầu tiên của nhiệm kỳ, tân tổng thống Mỹ Barack Obama mở ngay hồ sơ Trung Đông bằng một thông điệp được báo chí quốc tế đánh giá là « rất mạnh ». Ông gọi điện cho nhiều nhà lãnh đạo Cận Đông, từ tổng thống Ai cập Hosni Moubarak, quốc vương Jordanie Abdallah đệ nhị, đến thủ tướng Israel Ehud Olmert và chủ tịch cơ quan quyền lực Palestine Mahmoud Abbas.
Theo phát ngôn viên Nhà Trắng Robert Gibbs, tổng thống Obama cam kết làm «hết sức mình» và kêu gọi các nhà lãnh đạo trong vùng cùng «hợp tác chặt chẽ mang lại hoà bình».
Hành động nhanh nhẹn của tân tổng thống Mỹ được phía Palestine hết sức «hài lòng» . Giới thân cận của chủ tịch Abbas không che dấu sự ngạc nhiên thích thú, vì không ngờ được lãnh đạo mới tại Hoa Kỳ nhanh chóng tiếp xúc.
Câu hỏi đặt ra là liệu tân tổng thống Mỹ có thể làm tốt hơn những người tiền nhiệm hay không ? Hay cuối cùng, nỗ lực sẽ dang dở nửa chừng vì không muốn mất lòng đồng minh Do Thái ?
Theo nhận định của Aaron David Miller, cố vấn của 6 chính phủ Mỹ từ Dân Chủ đến Cộng Hoà về hồ sơ Trung Đông thì Barack Obama, cũng như những vị tổng tống tiền nhiệm, vẫn sẽ tiếp tục duy trì quan hệ ưu đãi với Israel. Vì Israel có ưu tư chính đáng trước khả năng nguyên tử tiềm tàng của Iran và trước các loại rốc-két của Hezbollah, của Hamas. Nhưng để có thể mang lại một nền hoà bình, Hoa Kỳ phải chứng tỏ vai trò trung gian hoà giải, tức là không thiên vị, như thế mới chinh phục được lòng tin của khối Ả rập. Vì một nền hoà bình vững chắc, phải là hoà bình trong công bằng, tức là cả hai bên đều chấp nhận được chứ không phải chỉ có giới chính trị Israel đồng ý mà thôi . Nếu Obama thật sự muốn Ả rập và Do Thái hoà bình, thì ông phải tỏ ra «cứng cõi» hơn Bill Clinton và George Bush.
Vị cựu cố vấn chính phủ Aaron David Miller, tác giả quyển sách « The Much Too Promised Land », tạm dịch là «Miền đất lắm điều hứa», đưa ra hai khuyến cáo. Trước hết, dù phía Palestine có hành vi quá đáng, thì chuyện ưu tiên vẫn phải là cảnh cáo các hành động Israel trên hiện trường. Ông lập luận : Israel có quyền tự vệ, nhưng Hoa Kỳ không thể hậu thuẫn chính sách trừng phạt Hamas bằng cách cấm vận trợ giúp nhân đạo và phong tỏa kinh tế người dân Gaza.
Thứ đến, Obama phải tỏ ra độc lập và cứng cỏi với cả Israel lẫn Ả rập. Thương lượng sẽ gay go, nhưng nếu diễn ra trong không khí nghiêm túc và bình đẳng, thì có nhiều khả năng mang lại cơ hội thật sự cho một thỏa thuận công bằng. Vì «thà không có hoà bình còn hơn là một tiến trình thương thuyết giả dối làm hại uy tín nước Mỹ». Theo vị cựu cố vấn chính trị 6 nhiệm kỳ tổng thống Mỹ này thì thời kỳ quan hệ ưu tiên với nhà nước Do Thái có lẽ đã thay đổi. Câu hỏi đặt ra là liệu tổng thống Obama có chiếc đũa nhiệm mầu cho «cuộc chiến trăm năm» này hay chăng ?.
Sự kiện ông Obama nhanh chóng thực hiện lời cam kết lúc tranh cử và đã bổ nhiệm một sứ giả nhiều kinh nghiệm và có tiếng vô tư không thiên vị, George Mitchell làm trung gian hoà giải được công luận quốc tế hoan nghênh. Nhưng vai trò «tổng thư ký Nhà Trắng», một nhân vật tin cẩn của tổng thống lại nằm trong tay «Rambo», Rahm Emanuel, một người được xem là thân Israel.
Để tìm hiểu thêm cơ may do tân tổng thống Mỹ hy vọng mang lại và vì sao các nỗ lực hoà bình của các vị tổng thống Mỹ đều bất thành. Mời quý thính giả theo dõi phân tích của giáo sư Lê Đình Thông, đại học Paris-Nanterre.
Nghe âm thanh

No comments:

Post a Comment