Thanh Hà
Bài đăng ngày 13/01/2009 Cập nhật lần cuối ngày 13/01/2009 14:35 TUDo tình trạng kinh tế tại quốc gia năng động nhất trong Liên hiệp Châu Âu xấu đi rõ rệt, Berlin công bố kế hoạch kích cầu 50 tỷ euro. Theo giới phân tích, chính quyền Đức lấy quyết định quá trễ. Phân tích của chuyên gia Âu Dương Thệ từ thành phố Dortmund.
Chính phủ Đức đặt trọng tâm vào những công trình xây dựng hạ tầng cơ sở
(Ảnh : Reuters)
Cho đến nay, nước Đức tương đối còn đứng vững trong cơn bão kinh tế thế giới : khu vực xuất khẩu tiếp tục mang về nhiều khoản thặng dư ; thị trường lao động vẫn đủ sức tạo thêm công việc làm. Thế nhưng bước sang tháng 11, tâm trạng lạc quan của Berlin đã tan biến.
Thặng dư trong cán cân thương mại của Đức đang từ 16.4 tỷ euro rơi xuống còn chưa đầy 10 tỷ trong vỏn vẹn một tháng. Lần đầu tiên từ ba năm nay, tỷ lệ thất nghiệp của Đức tăng lên trong tháng 12 vừa qua và số người tìm việc làm vượt quá ngưỡng tâm lý ba triệu.
Nhìn đến lĩnh vực ngân hàng, các định chế tài chính của Đức vốn được coi là vững chắc bắt đầu điêu linh. Tình trạng trở nên nguy ngập đến nỗi, chính phủ phải can thiệp. Thứ năm tuần trước Berlin tuyên bố quốc hữu hóa một phần ngân hàng lớn thứ hai của Đức, tránh để tạo thêm một cơn bão tài chính trong bối cảnh vốn đã khó khăn như hiện nay.
Thêm một tin không vui khác là tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của nước Đức trong năm nay có thể là trừ 4% và 2009 là một năm cực kỳ khó khăn đối với nền kinh tế năng động nhất của Liên Hiệp Châu Âu.
Trước viễn cảnh đen tối nói trên, đêm hôm qua (12.01.09) hai đảng thuộc liên minh cầm quyền đã thông qua một kế hoạch kích thích kinh tế trị giá 50 tỷ euro trong hai năm.
Đây là kế hoạch vực dậy kinh tế quy mô nhất trong lịch sử nước Đức kể từ sau Đệ nhị Thế chiến. Trọng tâm nhắm vào việc giảm thuế cho tư nhân, cho doanh nghiệp để khuyến khích tiêu thụ và đầu tư. Mặt khác Berlin nhắm tới việc mở rộng các chương trình chi tiêu công cộng, các dự án đầu tư vào hạ tầng cơ sở của chính quyền Liên bang và địa phương.
Xin nhắc lại vào tháng 11 vừa qua, chính phủ liên minh đã công bố một kế hoạch cứu nguy kinh tế đầu tiên, trị giá 30 tỷ euro. Tuy nhiên, cả hai kế hoạch nói trên đều bị coi là quá khiêm tốn và được đưa ra quá muộn màng.
Trả lời phỏng vấn của đài RFI chuyên gia kinh tế Âu Dương Thệ từ thành phố Dormund phân tích thêm về thực trạng không mấy sáng sủa của động cơ số một Liên Hiệp Châu Âu và ông giải thích thêm về thái độ chậm trễ của nước Đức trong việc cứu nguy kinh tế
*****
Kể từ cuối mùa hè vừa qua, nhiều chuyên gia đã tỏ ra rất quan ngại trước sự sa sút đột ngột của Tây Ban Nha và Ai Len, cả hai cùng là nạn nhân trực tiếp của hiện tượng « vỡ bong bóng tín dụng và địa ốc ». Ngược lại giới quan sát đã yên tâm khi thấy nước Đức tương đối vững vàng. Giờ đây, nhiều cơ quan nghiên cứu e rằng con đê cuối cùng này đang vỡ ra từng mảnh.
Khi mà ngành công nghiệp, xuất khẩu, thị trường lao động bắt đầu bị lung lay, thì liệu chính sách kích cầu có thể là cần cẩu kéo toàn bộ kinh tế ra khỏi giai đoạn đình đốn này hay không ? Chúng ta cần có thêm thời gian để giải đáp câu hỏi này.
Có một điều chắc chắn, là sự suy thoái nhanh chóng ở Đức đã buộc chính quyền của thủ tướng Merkel phải xét lại chính sách kinh tế.
Berlin lâu nay không muốn tung ra những kế hoạch vực dậy kinh tế quy mô như Hoa Kỳ hay Anh Quốc do muốn tránh gây thêm thâm thủng ngân sách chi tiêu công cộng, nhưng tuần trước thì cũng chính bà Merkel phải công nhận rằng nước Đức « không có sự lựa chọn nào khác »
Nghe phan am thanh
No comments:
Post a Comment