9/18/08

Bài giảng của ĐTC Benedictô XVI tại quảng trường Invalides


Bài giảng của ĐTC Benedictô XVI tại quảng trường Invalides

VietCatholic News (Thứ Năm 18/09/2008 00:48)

BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA BÊNÊDICTÔ XVI
TẠI QUẢNG TRƯỜNG INVALIDES (NGÀY 15-9-2008)

Quý Huynh Hồng Y Vingt-Trois,
Chư Huynh Hồng Y và Chư Huynh trong Hội Đồng Giám Mục

Cùng quý anh chị trong Chúa Kitô,



Chúa Giêsu Kitô tập hợp chúng ta trong địa điểm tráng lệ này, giữa lòng thủ đô Paris, vào ngày Giáo Hội hoàn vũ mừng kính thánh Jean Chrysostome, một trong những vị Thánh Tiến sĩ lớn của Giáo Hội, làm chứng qua cuộc sống và qua lời giảng dạy, đã chỉ một cách hiệu quả cho các tín hữu con đường phải theo. Tôi hân hoan chào mừng chính quyền đã tiếp đón tôi trong thành phố cao quý này, nhất là Đức Hồng Y André Vingt-Trois, tôi cám ơn ngài về những ngôn từ thân yêu. Tôi chào mừng toàn thế Hồng Y, Linh Mục, Phó Tế đã quây quần quanh tôi để cử hành hy lễ Chúa Kitô. Tôi cám ơn các nhân vật, cách riêng ông Thủ Tướng, đã hiện diện ở đây sáng nay; tôi bảo đảm với quý vị về lời khẩn nguyện của tôi giúp quý vị hoàn thành sứ mạng cao cả phục vụ đồng bào.


Thư thứ nhất của thánh Phaolô gửi các tín hữu Cô rin tô giúp ta tìm được trong năm thánh Phaolô (bắt đầu ngày 28 tháng 6 vừa qua) những lời khuyên của thánh Tông đồ vẫn còn là thời sự. ‘‘Hãy xa lánh việc thờ ngẫu tượng’’ (1 Co 10, 14). Ngài đã viết cho một cộng đoàn nổi tiếng về việc thờ đa thần, bị phân hóa giữa việc chấp nhận những điều mới mẻ của Tin Mừng và việc tuân giữ những hủ tục cha truyền con nối. Xa lánh ngẫu tượng là thôi không tôn thờ và dâng các thần linh Hy Lạp các nghi lễ hiến sinh đẫm máu. Xa lánh ngẫu tượng là bắt đầu học hỏi các nhà tiên tri trong Cựu Ước cáo giác khuynh hướng chỉ biết con người nên tạo ra những hình ảnh sai lạc về Thiên Chúa. Cũng như Thánh Vịnh 113 nói về các tượng tà thần làm bằng vàng bạc do bàn tay con người làm ra, các ngẫu tượng có miệng mà không nói, có mắt mà không xem thấy, có tai mà không nghe, có mũi mà không ngửi’’ (4-5).


Không kể dân Do Thái được Thiên Chúa duy nhất mặc khải, thế giới cổ đại lệ thuộc vào việc thờ cúng ngẫu tượng. Thành phố Cô rin tô vốn có nhiều ngẫu tượng, các sai lầm về đa thần chắc hẳn đã được tố giác, bởi vì các ngẫu tượng tạo ra sự tha hóa mạnh mẽ, khiến con người xa lìa khỏi định mệnh của mình. Các ngẫu tượng ngăn cản con người nhận biết rằng Thiên Chúa Kitô là Đấng Cứu Chuộc có thật duy nhất. Chỉ có Ngài mới chỉ cho loài người con đường hướng về Thiên Chúa. Lời mời gọi xa lánh ngẫu tượng ngày nay vẫn còn thích đáng. Phải chăng thế giới hiện đại tự tạo cho mình các ngẫu tượng riêng ? Phải chăng thế giới vô tình bắt chước tín ngưỡng đa thần thời Cổ đại, khiến con người lìa khỏi cứu cách thực sự, lìa xa phúc thật được sống đời đời cùng Thiên Chúa ? Đó là vấn đề mà mọi người, trung thực với chính mính, tự đặt ra. Điều quan trọng nhất trong cuộc sống là gì ? Ta đặt điều gì lên hàng đầu ? Chữ ‘‘thần tượng’’ (idole) do tiếng Hy Lạp có nghĩa là ‘‘hình ảnh’’ (image), ‘‘khuôn mặt’’ (figure), ‘‘hình ảnh thể hiện’’ (représentation), nhưng còn là ‘‘bóng ma’’ (spectre), ‘‘ma quái’’ (fantôme), ‘‘bề ngoài phù phiếm’’ (vaine apparence). Thần tượng là một ảo ảnh (leurre, illusion), vì thần tượng khiến những kẻ tôi mọi (tôn sùng một cách mù quang) lìa khỏi thực tế để náu thân trong xứ sở bề ngoài phù phiếm. Phải chăng nỗi cám dỗ này là của riêng thời đại chúng ta, con người sa trước cơn cám dỗ này ? Sự cám dỗ tôn sùng một quá khứ không còn nữa, bằng cách quên đi những thiếu sót; sự cám dỗ tôn sùng một tương lai chưa có, bằng cách tin cậy vào sức mình, con người sẽ thực hiện được hạnh phúc vĩnh cửu trên thế gian này. Thánh Phaolô đã giải nghĩa cho tín hữu Cô lô xê rằng lòng tham tiền của không đáy là một hình thức tôn sùng thần tượng (Xem 3,5); thánh nhân còn nhắc nhở môn đệ Ti mô thê rằng lòng yêu tiền của là nguồn gốc mọi thói hư tật xấu. Để hiến thân vì đồng tiền, thánh nhân xác định, ‘‘một số người bị mất đức tin, phải chịu những day dứt không cùng’’ (1Tm 6, 10). Tiền bạc, ham muốn của cải, ham muốn quyền hành và hiểu biết phải chăng đã khiến con người xa lìa Cứu cánh thực sự, bị mất Chân lý của riêng mình ?

Anh chị em thân mến, câu hỏi mà phụng vụ hôm nay đặt ra cho chúng ta đã tìm được lời giải đáp trong cùng một phụng vụ, chúng ta đã thừa hưởng các bậc Giáo Phụ trong đức tin, đặc biệt là Thánh Phaolô. (Xem 1Co 11,23). Trong bài bình giải đoạn văn này, thánh Jean Chrysostome lưu ý rằng thánh Phaolô đã lên án nghiêm khắc việc tôn sùng thần tượng, bị coi là ‘‘lỗi nặng’’, là điều điếm nhục, một ‘‘bệnh dịch’’ thực sự. (Bài giảng 24 về Thư thứ nhất gửi tín hữu Cô rin tô). Lập tức, thánh nhân thêm rằng sự lên án triệt để về sự tôn sùng thần tượng mà không hề lên án người thờ thần tượng. Không bao giờ, trong phán đoán của chúng tôi, chúng tôi không lẫn lộn giữa tội vốn không thể chấp nhận được và kẻ có tội; ta không thể phán xét lương tâm của mỗi người, luôn luôn có thể cải tà quy chánh và có thể tha thứ. Thánh Phaolô nhắc lại điều đó cho lý trí của mỗi người: ‘‘Tôi nói với anh em như nói với những người khôn ngoan hiểu biết; anh em hãy tự mình suy xét những điều tôi nói’’ (1 Co 10, 15). Không bao giờ Thiên Chúa lại bắt con người phải từ bỏ lý trí và cũng không bao giờ lý trí mâu thuẫn với Đức Tin. Ba Ngôi Thiên Chúa duy nhất, Ngôi Cha, Ngôi Con và Thánh Thần đã tạo nên lý trí chúng ta và ban cho chúng ta đức tin, đồng thời đề nghị tự do để chấp nhận đức tin như một ân sủng quý giá. Chính sự tôn sùng thần tượng làm con người phải xa lìa viễn tượng này, từ đó lý trí có thể tạo ra thần tượng. Ta hãy xin Thiên Chúa là đấng thấy rõ ta và nghe tiếng ta kêu cầu giúp ta tẩy sạch mọi thần tượng, để đạt tới chân lý trong bản thể của riêng ta, đạt được chân lý trong bản thể vô biên !


Nhưng làm sao đến được cùng Thiên Chúa? Làm sao tìm được và tìm lại được Đấng mà con người tìm được tự đáy lòng, thường khi bằng cách quên đi bản thân ?. Thánh Phaolô mời gọi chúng ta không những dùng đến lý trí, nhưng trước hết là đức tin để tìm được Thiên Chúa. Đức tin nói với ta điều gì ? Bánh Thánh mà ta bẻ ra hiệp cùng với Mình Thánh Chúa; Chén rượu tạ ơn mà ta chúc tụng hiệp cùng Máu Thánh Chúa Kitô. Đó là sự mặc khải đặc biệt đến từ Chúa Kitô, do các Thánh Tông đồ và Giáo Hội truyền lại cho chúng ta từ hai ngàn năm. Chúa Kitô đã lập bí tích Thánh Thể vào tối Thứ Năm Tuần Thánh. Ngài mong rằng sự hy sinh của ngài phải được tái diễn một cách không đẫm máu, mỗi khi một linh mục đọc lại lời truyền phép trên bánh và rượu. Từ hai ngàn năm nay, hàng triệu triệu lần, từ nguyện đường xa xôi hẻo lánh nhất đến các thánh đường và vương cung thánh đường đồ sộ nguy nga, Thiên Chúa Phục sinh hiến mình cho dân Chúa, như vậy đã trở nên, như lời thánh Augustinô, ‘‘mật thiết vì chúng ta còn hơn cả chúng ta nữa (Xem Confessions III, 6,11).

Anh chị em thân mến, hãy năng tôn sùng bí tích Mình Máu Chúa, Thánh Thể Cực Trọng là sự hiện diện thực sự của Thiên Chúa trong Giáo Hội và cho toàn thể nhân loại. Đừng sao lãng bầy tỏ cùng Chúa lòng kính yêu. Hãy dâng lên Chúa dấu chỉ vinh dự lớn lao nhất. Bằng lời nói, bằng sự yên lặng và bằng cử chỉ, không bao giờ chấp nhận sự nhạt phai trong ta và quanh ta về đức tin trong Chúa Kitô phục sinh hiện diện trong phép Thánh Thể. Như thánh Jean Chrysostome đã nói: ‘‘Hãy kiểm tra kỹ càng những ơn huệ của Thiên Chúa không lời nào diễn tả được và mọi ơn phúc Chúa ban cho ta, khi ta dâng chén này, khi ta rước lễ để tạ ơn Chúa đã giải thoát loài người khỏi lỗi phạm, tạ ơn Chúa đã mang lại gần ngài những ai còn xa cách, đã khiến những ai thất vọng, những kẻ vô thần trong thế giới này trở thành một dân tộc huynh đệ, trở nên những kẻ đồng thừa tự của Ngôi Hai Thiên Chúa ‘’ (Bài giảng 24 về Thư thứ nhất gởi tín hữu Cô rin tô, 1). Vì chưng, thánh nhân tiếp lời, ‘‘máu thánh trong chén này chính là máu đã đổ ra bên cạnh sườn, chính máu này mà ta cùng dự phần’’ (sách đã dẫn). Thánh nhân còn nói thêm, không chỉ là sự tham dự và chia sẻ, mà còn là sự ‘‘hiệp nhất’’.

Lễ Misa là hy lễ tạ ơn ở mức cao nhất, cho phép chúng ta kết hiệp hy lễ tạ ơn với hy lễ của Đấng Cứu Chuộc, là Ngôi Con vĩnh cửu của Ngôi Cha. Thánh Lễ mời gọi chúng ta xa lánh việc thờ ngẫu tượng, vì như thánh Phaolô nhấn mạnh, ‘‘Anh em không thể vừa uống chén của Chúa, vừa uống chén của ma quỷ được’’ (1 Co 10, 21). Thánh Lễ mời gọi chúng ta phân định giữa việc vâng theo Thần khí Chúa hoặc nghe lời ác thần. Trong Thánh Lễ, ta mong mỏi chỉ thuộc về Chúa Kitô và lập lại với tâm tình biết ơn lời kêu xin của tác giả Thánh Vịnh: ‘‘Làm sao tôi đền đáp được Thiên Chúa về mọi ơn lành Chúa đã làm cho tôi ?’’(Tv 115, 12). Vâng, làm sao cảm tạ Chúa về cuộc sống Ngài đã ban cho ta ? Câu hỏi Thánh Vịnh cũng tìm được lời giải đáp cũng trong Thánh Vịnh, bởi vì Lời Chúa đáp lại đầy lòng khoan dung cho câu hỏi đặt ra. Làm sao đền đáp Chúa về mọi ơn lành ngài làm cho ta nếu không bằng cách tuân theo lời hằng sống:‘‘Ta sẽ nâng chén cứu chuộc, ta cầu khẩn Thánh Danh Chúa’’ (Tv 115, 13).


Nâng chén cứu chuộc và kêu cầu Thánh Danh Chúa, đó phải chăng là phương tiện tốt nhất để ‘‘xa lánh việc thờ ngẫu tượng’’, như Thánh Phaolô đã mời gọi chúng ta ? Mỗi lần cử hành Thánh Lễ là một lần Chúa Kitô hiện diện trong Hội Thánh nhờ phép bí tích có nghĩa là công trình cứu chuộc đã được thực hiện. Cử hành phép Thánh Thể có nghĩa là nhận biết rằng chỉ có Chúa là có thể ban cho ta hạnh phúc viên mãn, dạy ta các chân lý và giá trị đời đời không bao giờ phai tàn. Thiên Chúa hiện diện trên bàn thờ, nhưng cũng hiện diện trong đền thờ tâm khảm ta; một khi rước lễ, ta nhận được Bí tích Thánh Thể. Chỉ có ngài dạy ta phải xa lánh các ngẫu tượng, các ảo tưởng trong tâm trí.

Anh chị em thân mến, ai có thể nâng chén cứu chuộc và kêu cầu Thánh Danh Chúa nhân danh toàn thể cộng đồng dân Chúa nếu không phải là linh mục ? ngài được vị Giáo Mục truyền chức. Ở đây, các tín hữu thân mến ở Paris và vùng phụ cận cũng như trên khắp nước Pháp và các nước lân cận, cho phép tôi đưa ra lời kêu gọi tin cậy trong đức tin và nơi lòng rộng rãi của các bạn trẻ trăn trở về ơn gọi tu sĩ hoặc linh mục: các con đừng sợ. Các con đừng sợ khi tận hiến cho Chúa Kitô. Không gì có thể thay thế được sứ mệnh của các linh mục giữa lòng Giáo Hội Cũng không gì có thể thay thế một Thánh Lễ nhằm cứu chuộc thế giới. Các bạn trẻ và các bạn trung niên đang lắng nghe, các con đừng để lời mời gọi của Chúa Kitô không được trả lời. Thánh Jean Chrysostome, trong Chuyên luận về Tư tế đã cho thấy câu trả lời của con người tuy chậm đến, tuy nhiên đó là tấm gương sống động về tác động của Thiên Chúa trong sự tự do của con người được đào luyện bằng ân sủng.


Sau cùng, nếu chúng ta lấy lại Lời Chúa trong Phúc âm, ta sẽ thấy chính Chúa đã dạy việc xa lánh ngẫu tượng bằng cách mời gọi chúng ta xây nhà ‘‘trên đá’’ (Lc 6, 48). Tảng đá là ai, nếu không là chính ngài ? Các ý nghĩ, lời nói và hành động của chúng ta chỉ đạt được chiều kích thực sự nếu ta dựa vào thông điệp của Tin Mừng. ‘‘Vì lòng có đầy, miệng mới nói ra ’’ (Lc 6, 45). Khi ta nói, liệu ta có tìm điều tốt đẹp nơi người đối thoại không ? Khi ta suy nghĩ, ta có tìm cách đem ý nghĩ của ta tương hợp với ý nghĩ của Thiên Chúa không ? Khi ta hành động, ta có tìm cách gieo rắc Tình Yêu ngài đã ban cho ta không ? Thánh Jean Chrysostome còn nói rằng: ‘‘Bây giờ, nếu ta chia cùng một tấm bánh, và nếu ta trở nên cùng một thực thể, tại sao ta lại không chứng tỏ có cùng một lòng bác ái ? Cũng vì lý do này, tại sao chúng ta lại không trở nên một toàn bộ duy nhất ? …người ơi, chính Chúa Kitô đã đến tìm con để cùng con kết hợp mà con vẫn còn quá xa cách Chúa, sao con lại không muốn kết hợp với anh chị em của con ?’’ (Bài giảng 24 về Thư thứ nhất gởi tín hữu Cô rin tô, 2).

Hy vọng vẫn luôn mạnh mẽ. Giáo Hội, xây trên đá Chúa Kitô, có lới hứa về cuộc sống đời đời..., không phải vì các thành viên thánh thiện hơn những người khác, nhưng vì Chúa Kitô đã hứa cùng Thánh Phêrô: ‘‘Con là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi (Matthêu, 16, 18).Trong niềm hy vọng bất diệt này về sự hiện hữu của Chúa trong mỗi tâm hồn, trong niềm vui biết rằng Chúa Kitô ở cùng chúng ta đến tận cùng thời gian, trong sức mạnh Chúa Thánh Linh ban cho mọi người biết chấp nhận để Chúa Thánh Thần nắm bắt, các tín hữu Paris và trên khắp nước Pháp thân mến, ta phó thác vào sự tác động mạnh mẽ và lân tuất của Thiên Chúa tình yêu đã chết vì ta trên Thập giá, và sống lại vinh quang vào sáng Phục Sinh. Đối với các tâm hồn thiện chí đang lắng nghe, ta lập lại câu nói của thánh Phaolô: Hãy xa lánh việc thờ ngẫu tượng, đừng nản lòng khi làm việc lành. Nguyện xin Thiên Chúa là Cha dẫn các con về với Ngài và thắp sáng các con bằng sự vinh quang huy hoàng. Nguyện xin Con Một Thiên Chúa, là Thầy và là Anh, mặc khải cho các con vẻ đẹp khuôn mặt Phục Sinh của Chúa. Nguyện xin Thánh Thần đổ tràn cho các con ân sủng và ban cho các con niềm vui nhận biết bình an và ánh sáng của Ba Ngôi cực thánh, bây giờ và đời đời chẳng cùng. Amen !

+ ĐGH Benedictô XVI
(Chuyển ngữ: Lê Đình Thông)

Lê Đình Thông

No comments:

Post a Comment