Showing posts with label phiếm luận. Show all posts
Showing posts with label phiếm luận. Show all posts

2/18/23

Ngổn ngang trăm thứ

BS Hồ Ngọc Minh

Con gái tôi, từ thuở nằm nôi, lúc nào cũng có một con gấu nhồi bông bên cạnh. Lớn lên, đi đâu, cháu cũng đem theo con gấu nay đã “già” ấy. Vợ chồng tôi thường đùa, mai mốt lấy chồng, đem theo con gấu làm của hồi môn.

Con người ta, tự bản năng, sanh ra đời đã có tư tưởng sở hữu. Tiếp theo, qua quá trình sống còn của loài người, những vật dụng thu thập được đã góp phần vào sự tồn vong của cá thể, của gia đình, và của nhân loại.

Vì thế xưa nay sự sở hữu vật chất gần như đồng nghĩa với sự an toàn, với niềm hạnh phúc, và là những cột mốc định vị cho sự hiện hữu của mỗi cá nhân trong cuộc đời.
Nghiên cứu cho thấy, khi bị lấy đi một món đồ nào đó, não bộ của khổ chủ sẽ chịu những tín hiệu đau đớn như khi bị kim châm, điện giựt. Đồng thời nhiều nghiên cứu khác còn cho thấy đi mua sắm, một khi đã được sờ nắm vào một mặt hàng nào, 60% người tiêu thụ sẽ bỏ tiền ra để mua cho được món hàng ấy.

Mua xong, cảm giác kích hoạt trong hệ thần kinh rất phê như phê thuốc phiện, và khi hết phê thì… đi mua tiếp. Đó là một trong các lý do tại sao công ty Apple làm ăn khấm khá vì một khi đã rờ, đã cọ quẹt, đã “touch” vào các thiết bị như iPhone, iPad thì mọi người sẽ sẵn sàng “iPay.” Thêm vào đó, chủ thuyết kinh tế thị trường, nhất là ở Mỹ, cổ võ cho việc mua sắm để làm cho kinh tế thêm giàu mạnh. Các thông điệp khuyến mãi gieo vào đầu người tiêu thụ niềm tin là, mua sắm đồ sẽ đem lại niềm vui và phúc lợi.

Sự thật có phải như thế hay không?

Có một mệnh đề cần biết, mỗi một món đồ mà bạn làm chủ, chính nó sẽ làm chủ bạn từ tinh thần đến thể xác. Thí dụ bạn có một cái đồng hồ đeo tay để xem giờ. Khi sắm cái đồng hồ thứ hai, trong tâm thức của bạn có thể là “để kiểm soát được thời gian”, hay bất cứ lý do nào khác được dùng để biện minh, có khi nào bạn chạnh lòng nghĩ là mình sẽ tốn thì giờ thêm để “lo” cho cái đồng hồ thứ hai này hay không?

Nhìn quanh nhà bạn sẽ thấy trăm thứ ngổn ngang khác từ nhỏ đến lớn, từ cái đinh cho đến cái ti vi, từ trong tủ áo, từ phòng ngủ, từ nhà bếp ra đến nhà xe. Những thứ ấy sẽ tạo ra trăm mối tơ vò trong đầu của bạn, vì ngày đêm lo nghĩ đến chúng, để giữ của, và có khi, để lấy thân ra mà che của. Một nghiên cứu y khoa khác cho thấy, lo nghĩ nhiều thứ linh tinh sẽ gây ra phiền muộn kinh niên và làm cho lớp chất xám của não bộ mỏng đi.

Một nhận xét khác được thống kê xác nhận, ai cũng biết mà cứ làm lơ, đó là, không cần phải giàu, có nhiều đồ “xịn”, đồ “khủng” trong nhà mới có hạnh phúc.
Ngày xưa người ta mua sắm vì nhu cầu thiết yếu. Cái xe đi làm, cái ghế để ngồi. Ngày nay mua sắm đồ là cách để biểu hiệu cá tính, sắc thái, tư duy, địa vị xã hội của một cá nhân.

Tại sao phải là Coke mà không là Pepsi? Điệu ,“xì tin”, và “bản sắc” là ở điểm khác nhau giữa Samsung Galaxy và iPhone, vân vân và vân vân.

Trong phim khoa học viễn tưởng “In Time” do tài tử Timberlake thủ vai chính, miêu tả một xã hội mà tuổi thọ con người là đơn vị tiền tệ để đổi chác. Lương bổng được trả bằng tuổi thọ. Mua ly cà phê thì tuổi thọ bị trừ đi vài giờ.

Hết “tiền” thì lăn ra mà chết. Nhìn lại, chúng ta hiện đang sống trong cái xã hội “tưởng chừng như viễn tưởng xa xăm” ấy. Chúng ta dùng thời gian quý báu của cuộc đời để đi làm ra tiền, để tậu đồ junk, đồ linh tinh, đồ rác rưởi, rồi tốn thêm thời gian để lo lắng, để “take care” cho những món đồ ấy. Có iPhone thì phải text, phải lướt mạng, phải đọc tin trên mạng xã hội 24/7. Tệ, có người còn bán cả trái thận để đổi lấy cái iPhone!

Nói đúng ra không phải ai cũng thích lòe hàng “khủng”. Phần lớn chúng ta mua sắm và để dành đồ để lỡ khi cần, thí dụ, 12 cục xà bông tắm ở Costco vì “không thể thiếu được”, nguyên thủy vì chúng ta…nghèo. Có cả tôi trong đó. Khoảng năm 1970, ngoài làng Non Nước, Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng có một hầm rác của quân đội Mỹ, gọi là “Hầm Bứa Mỹ Thị”.

Từ cái hầm bứa này, tôi tha về nhà không biết bao là “của quý”. Thói quen ấy tồn tại đến bây giờ, tiếp tục tha đồ ở Costco, ở Amazon về hằng tuần, để lỡ khi cần. Mà khi cần lại không biết đồ ấy nhét vào góc nào, nên thôi, chạy ra mua cái khác, và mua dư thêm một tí… để lỡ lại khi cần!

Một lý do khác người ta giữ đồ cũ vì nó chứa những kỷ niệm đẹp nào đó. Thú thật, một mớ sách vở Y Khoa tôi học khi còn trong trường Y hơn 30 năm về trước vẫn còn trong tủ, cho dù có khi nào tôi đọc lại một chữ nào trong những cuốn sách ấy đâu! Mà có đọc thì chả ích lợi gì vì kiến thức khoa học ngày càng thay đổi. Bỏ sách vở ra thùng rác thì thương, mà vương vấn thì tội.

Đọc tới đây bạn đã hiểu tôi không nói chuyện phiếm mà nói về một chứng bệnh mà nhiều người bị mắc phải. “Chứng bệnh thời đại” thường xảy ra ở các nước gọi là “văn minh tiên tiến”. Chứng bệnh nầy làm hại đến sức khỏe, đến tuổi thọ của chúng ta, không thua gì ung thư, cao máu, tiểu đường. Nếu hiểu căn nguyên của tội tình, của hồ sơ bệnh lý, thì chúng ta nên bắt đầu tự chữa cái bệnh gọi là “sưu tập đồ lộn xộn”. Để tự giải thoát khỏi những gông cùm trói buộc mình vào “giai cấp của người tiêu thụ”, xin đem đồ không cần dùng cho người khác, đem cho chùa, cho nhà thờ, cho hội từ thiện, v.v…

Không muốn cho thì bán eBay làm lợi cho mình, cho nền kinh tế, đem tiền gửi về cho bà con bên nhà chẳng hạn. Món đồ nào có nhiều kỷ niệm thì chụp hình lưu niệm, rồi cũng đem cho, đem bán, đem recycle để chúng được “siêu thoát” và mình cũng được “tịnh độ” theo. Đồng thời, mỗi khi mua đồ mới thì nên nghĩ “rằng, thì, là” món hàng ấy mình sẽ trả không phải bằng tiền, kể cả tiền không có, mà sẽ trả với chính sức khỏe và tuổi thọ của mình về sau.

Nhạc sĩ Anh Bằng có một bài nhạc “không Anh Bằng” tí nào, đó là bài “Khúc Thụy Du” phổ thơ của Du Tử Lê: “…nói về cuộc đời, khi tôi không còn nữa. Sẽ lấy được những gì về bên kia thế giới ngoài trống vắng mà thôi?”

Chúng ta đã nhiều lần “bỏ của chạy lấy người”.

Chúng ta đến trong đời tay trắng và sẽ ra đi trắng tay.

Xin hãy để thời gian quý báu để mà sống và sống thật nhẹ nhàng.

BS Hồ Ngọc Minh

1/7/23

NHỮNG CÂU ĐỐI TẾT THÚ VỊ


    Trở lại với đề tài CÂU ĐỐI TẾT mà ta còn gọi là Câu Đối Mừng Xuân hay Liễn Xuân do chữ Nho là XUÂN LIỄN 春聯 mà ra. Bỏ qua những câu đối thông thường như : "Nghinh xuân nghinh phúc lộc, Đón Tết đón bình an" hay những câu chữ thường gặp trong ngày Tết như :"Thiên tăng tuế nguyệt nhân tăng thọ 天增歲月人增壽; Xuân mãn càn khôn phúc mãn môn 春滿乾坤福滿"... Ta chỉ điểm qua những câu đối đặc biệt thú vị hay có tính nghệ thuật như câu đối Tết sau đây :
                     
                     Bộc trúc nhứt thanh trừ cựu tuế,   
                          爆 竹 一 聲 除 舊 歲
                     Đào phù vạn hộ cánh tân xuân. 
                         桃 符 萬 户 更 新 春
 Có nghĩa :  
              - Pháo nổ đùng một tiếng, năm cũ đã đi qua ,
              - Lá bùa nêu dán lên, mùa xuân mới lại đến.
* Ghi Chú : 
             Bộc trúc 爆 竹 : Bộc là nổ, trúc là tre. Bộc trúc là tiếng tre nổ, nói đúng hơn là "tiếng mắt tre nổ."  Ngày xưa, chưa có pháo, người ta đốt các mắt tre già ở dưới gốc cho nó nổ thành tiếng để xua tan những xui xẻo, buồn lo... của năm cũ cho nó qua đi. Sau nầy, khi chế tạo được pháo rồi, nhưng vì tập quán ngôn ngữ đã quen, người ta vẫn dùng từ Bộc Trúc để chỉ pháo luôn. Cho nên khi dịch từ Bộc trúc,  phải biết đó là PHÁO, chứ không phải tiếng tre nổ nữa! 
             Đào Phù 桃 符 : Phù là lá bùa. Đào phù là Lá bùa dán lên cành cây đào. Tương truyền, cây đào là loại cây có thể trừ được tà ma, nên vẽ lá bùa dán lên cành đào trước cửa có thể làm cho tà ma sợ mà tránh xa... Lâu dần thành tục lệ ngày Tết, Dùng cành đào để vẽ bùa, hoặc dán lá bùa lên một cành đào, rồi treo trước cửa để trừ tà ma trong những ngày Tết.  Ở Việt Nam ta gọi là Lá Bùa Nêu, và được treo lên trên một ngọn tre còn chừa đọt,  trồng ở trước cửa nhà, gọi là Dựng Nêu. Chắc mọi người cũng đã nghe qua câu hát Ca dao :

                        Cu kêu, ba tiếng cu kêu, 
                       Trông mau đến Tết dựng nêu ăn chè... rồi chứ ?

cũng vì vậy mà chữ Đào Phù phải được dịch là "Lá bùa Nêu," chớ không phải là Lá Bùa đào.

Đó là câu đối phổ cập rộng rãi trong dân gian, cao hơn một chút, có tính chất văn học và các nét chấm phá của hội họa, câu đối mang tính nghệ thuật mà phổ biến rất rộng rãi không kém gì câu vừa nêu ở trên. Đó chính là câu đối sau đây :

                    Bộc trúc tam lưỡng thanh, nhân gian thị tuế,  
                     爆 竹 三 两 聲, 人 間 是 歲 ;
                    Mai  hoa   tứ  ngũ   điểm, thiên hạ   giai  xuân.
                     梅 花 四 五 点, 天 下 皆 春 .
Có nghĩa  : 
                 - Hai ba tiếng pháo đì đùng, nhơn gian đón mừng năm mới,
                 - Bốn năm đóa mai lấm tấm, thiên hạ đều biết xuân sang.

    Qủa là những nét chấm phá độc đáo tiêu biểu cho ngày Tết, vừa có tính văn học lại vừa mang tính chất chấm phá của hội họa và nhiếp ảnh như những hình ảnh sau đây.








       Một câu đối khác dán lên trong đêm Giao Thừa cũng rất độc đáo và không kém phần thú vị sau đây :

                  一  夜  分  二  年,  年  年  如  意;
                Nhất dạ phân nhị niên, niên niên như ý;
                  五  更  連  兩  歲,  歲  歲  平  安。
                Ngũ canh liên lưỡng tuế, tuế tuế bình an.
Có nghĩa :
        - Một tối nối hai năm, mỗi năm đều như ý;
        - Năm Canh liền hai tuổi, mỗi tuổi thảy bình an.

       Đêm Giao Thừa là đêm nối liền giữa năm cũ và năm mới và chỉ trong năm canh thì người ta đã bước từ tuổi này sang tuổi kia và mỗi năm mỗi tuổi đều được BÌNH AN NHƯ Ý !
      Câu đối vừa bình dị, dễ hiễu, vừa thực tế biết bao nhiêu, nhất là đối với những người tuổi già như chúng tôi thì "Bình an, Như ý" là điều trên hết !

















    Nhớ lúc nhỏ, mỗi buổi sáng gần ngày Tết thường ra nhà lồng chợ Cái Chanh, Cái Răng để xem các ông Đồ vườn viết câu đối Tết. Một trong các câu đối mà tôi còn nhớ cho đến hiện nay, đó chính là câu :

               一室泰和真富貴;   Nhất thất thái hòa chơn phú quý;     
               滿門春色是榮華。   Mãn môn xuân sắc thị vinh hoa.
 Có nghĩa :
              - Một nhà hòa thuận là Phú Qúy,
              - Đầy cửa màu xuân ấy Vinh Hoa.

     "Vinh Hoa Phú Quý" có nghĩa là gia đình trên thuận dưới hòa và luôn luôn vui vẻ như mùa xuân, đó mới chính là cái VINH HOA PHÚ QÚY thật sự; chớ không cần phải có nhiều tiền, nhà cao cửa rộng, làm quan lớn mới là "Vinh Hoa Phú Quý". Câu đối ý nghĩa và mang tính xây dựng thực tế biết bao! 

Thư pháp của ĐCĐ

  Nhớ...
         Khi còn ở Việt Nam, năm 1996 là năm đầu tiên Nhà Nước Việt Nam cấm đốt pháo Ăn Tết. Tôi bèn làm và dán đôi câu đối thế nầy trước cửa :
 
                       Bộc trúc vô thanh xuân nhưng chí ,
                         爆   竹   無   聲   春   仍   至 ,
                      Huỳnh mai hữu sắc phước hoàn lai.
                         黄   梅   有   色   福   還   来.
Có nghĩa :
             - Pháo đã bặt tăm xuân vẫn đến;
             - Mai còn khoe sắc phước còn theo.

     Ý là mặc dù Pháo đã không còn nổ vang nữa, nhưng mùa xuân thì vẫn cứ đến.(cấm pháo, chớ đâu cấm được mùa xuân !) và nếu Mai vàng vẫn còn khoe sắc, thì phước vẫn hãy còn đến nhà mà thôi !
      Câu đối đã đáp ứng được thời cuộc, phù hợp với hoàn cảnh thực tế đang sống...Không cho đốt pháo, nhưng Xuân vẫn cứ đến, Mai vẫn cứ nở và Tết vẫn cứ ...ăn  như thường.... !

Ông Đỗ Văn Vi, ba của ĐCĐ đứng trước câu đối Tết năm 1996

  Lại nhớ...
         Khoảng đâu thập niên 60 của Thế kỷ trước, khi ba tôi còn bán "Tiệm Hàng-Xén" trong chợ Cái Chanh; Tết năm đó có ông bác họ từ Chợ Lớn về quê ăn Tết. Thấy các ông Đồ vườn bày bàn viết liễn Tết, bác cũng ngứa nghề nổi hứng viết theo. Một trong các câu đối mà bác viết năm đó đã làm cho tôi khó quên nhất chính là câu :

                不須着急求佳景;   Bất tu chước cấp cầu giai cảnh;
                自有奇逢應早春。   Tự hữu kỳ phùng ưng tảo xuân !
Có nghĩa :
           - Đừng vội cầu chi hoàn cảnh đẹp;
           - Sẽ có kỳ phùng sớm đón xuân !

   Ý là : Chớ có vội vàng gấp gáp mà cầu xin cho được hoàn cảnh tốt đẹp; Hãy cứ lạc quan vui vẻ mà đón xuân đi rồi sẽ có những bất ngờ may mắn sẽ đến với bạn sau !... Câu đối tự nhiên, đơn giản gãy gọn mà lạc quan ý nghĩa biết bao : Cứ tự nhiên vui sống trước đã, cái gì đến tự nó sẽ đến !...

Thư pháp của ĐCĐ
    
    Nhân ngày đầu XUÂN, kính chúc cho mọi người, mọi nhà đều tràn đầy PHÚC LỘC và quanh năm đều được BÌNH AN, NHƯ Ý !

      Hẹn bài viết tới !

                                                                杜紹德
                                                             Đỗ Chiêu Đức


12/16/22

CÂU ĐỐI THÚ VỊ THEO NGÀNH NGHỀ

Tây Thi - Vương Chiêu Quân -  Điêu Thuyền - Dương Qúy Phi

















    Câu đối treo trước cổng, ngoài việc để mừng xuân đón Tết còn có tác dụng như là quảng cáo đối với các business, cửa hàng, dịch vụ... Nhất là ngày xưa khi các dịch vụ quảng cáo chưa có đa dạng và rầm rộ như hiện nay, thì Câu Đối là một hình thức quảng cáo tiếp thị trực tiếp đập vào mắt khách hàng khi họ có dịp đi ngang qua. Ví dụ như một Thẩm Mỹ Viện ở Hồng Kông đã trương bảng bằng bốn chữ "Mỹ Nhược Thiên Tiên 美若天仙". Có nghĩa là : "Đẹp như tiên ở trên trời!" và đôi câu đối như sau :

                 憑  君  麗  質, 未  必  閉  月  羞  花;
            Bằng quân lệ chất, Vị tất bế nguyệt tu hoa;
                 經  我  巧  門, 定  能  沉  魚  落  雁。
            Kinh ngã xảo môn, định năng trầm ngư lạc nhạn.
Có nghĩa :
      - Dựa vào sắc đẹp trời cho của bạn, chưa chắc đã bế nguyệt tu hoa;
      - Qua sự khéo léo của viện chúng tôi, chắc chắn sẽ trầm ngư lạc nhạn.

      TRẦM NGƯ, LẠC NHẠN, BẾ NGUYỆT, TU HOA 沉魚,落雁,閉月,羞花 là biểu tượng của Tứ Đại Mỹ Nhân 四大美人 cổ điển Trung Hoa. Đó chính là Tây Thi 西施 Trầm Ngư 沉魚, vì khi ra bờ suối giặt lụa, cá thấy nàng đẹp qúa nên đều thẹn mà lặn sâu cả xuống đáy nước. Vương Chiêu Quân 王昭君 Lạc Nhạn 落雁, vì khi ra khỏi Nhạn Môn Quan các con nhạn thấy nàng qúa đẹp nên bay không nổi đều rơi cả xuống bãi cát. Điêu Thuyền 貂蟬 Bế Nguyệt 閉月, vì khi Điêu Thuyền bái nguyệt, vầng trăng thấy nàng qúa đẹp nên đã trốn vào trong mây mà không dám chiếu thẳng xuống. Còn Dương Qúy Phi 楊貴妃 Tu Hoa, vì khi đi dạo ở Đình Trầm Hương thì các hoa đang nở đều xếp cánh lại cả thẹn trước vẻ đẹp còn hơn cả hoa xuân của Dương Phi. Trong Cung Oán Ngâm Khúc của Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều khi tả sắc đẹp của nàng cung phi cũng đã viết :

                  Chìm đáy nước cá lờ đờ lặn,
                  Lửng da trời nhạn ngẩn ngơ sa;
                  Hương trời đắm nguyệt say hoa,
                  Tây Thi mất vía Hằng Nga giật mình ! 

     Ở đây, Viện Thẩm Mỹ muốn nói là vẻ đẹp trời cho chưa chắc đã thiệt đẹp, hãy vào Viện của chúng tôi đi, bàn tay khéo léo của chúng tôi sẽ làm cho bạn chắc chắc có được vẻ đẹp một cách hoàn hảo hơn :

        - Sắc đẹp trời cho, chưa chắc đã tu hoa bế nguyệt;
        - Mỹ viện ta làm, chắc chắn sẽ lạc nhạn trầm ngư !

    


            Đi ngang qua một quán ăn, ta lại thấy bốn chữ "DĨ THỰC VI THIÊN 以食為天" ở giữa với đôi câu đối hai bên như sau :

                        食  客  裡  雖  無  名  星  巨  擘;
                Thực khách lý tuy vô danh tinh cự phách;
                        杯  盤  中  卻  有  美  酒  佳  肴。
                Bôi bàn trung khước hữu mỹ tửu giai hào.
Có nghĩa :
       - Trong thực khách đến ăn uống tuy không có người nổi tiếng tai to mặt lớn ;
       - Nhưng... Trong bàn ăn chúng tôi lại có cả rượu ngon và các thức ăn ngon.
  
    Vừa khiêm tốn vì là quán ăn nhỏ nên không có những minh tinh tai to mặt lớn đến ăn, vừa tự hào vì quán tuy nhỏ nhưng cũng có đầy đủ rượu ngon và sơn hào hải vị, và... Bảo đãm giá sẽ rẻ hơn các nhà hàng lớn !
        Bốn chữ "DĨ THỰC VI THIÊN 以食為天" có nghĩa : "Lấy cái ăn làm Trời". TRỜI ở đây chỉ cái gì đó "Cao quý nhất, cần thiết nhất". Câu nói nầy có xuất xứ từ sách Hán Thư 漢書 của Ban Cố 班固 đời Đông Hán 東漢 : Vương giả dĩ dân vi thiên, nhi dân dĩ thực vi thiên 王者以民為天,而民以食為天. Có nghĩa : "Bậc vương giả lấy dân làm cao nhất, còn dân thì lấy cái ăn làm cao nhất". Ý nói : Vua thì coi dân là cần thiết nhất, vì không có dân thì làm vua với ai đây ? Còn dân thì coi cái ăn là cần thiết nhất, vì không có cái ăn thì làm sao mà sống ?! Câu nói nầy thường hay bị nói sai thành : Dân dĩ thực vi TIÊN 民以食為先, có nghĩa : Dân thì lấy cái ăn làm trước hết. Sai mà ý không Sai, chỉ là một cách nói khác đi mà thôi, nhưng ý của chữ TIÊN 先 là Trước không mạnh bằng ý của chữ THIÊN 天 là Trời, là Cao nhất, là Cần thiết nhất, không có không được !  
      Diễn Nôm :
                     - Trong thực khách tuy không tai to mặt lớn;
                     - Trên bàn ăn vẫn đủ hải vị sơn hào !







      Sau đây là bộ câu đối Tết của một thương hiệu thương buôn với đầy đủ ý xuân với bốn chữ hoành phi "Cố Khách Doanh Môn 顧客盈門" có nghĩa : Khách hàng đầy cửa; và đôi câu đối như sau :

                 交  以  道  接  以  禮, 櫃  檯  傳  春  意;
              Giao dĩ đạo tiếp dĩ lễ, quỹ đài truyền xuân ý
                 近  者  悅  遠  者  來, 笑  臉  帶  春  風。
            Cận giả duyệt viễn giả lai, tiếu kiểm đới xuân phong.

Có nghĩa :
       - Giao tiếp phải đạo và lễ phép, chưởng quầy thoải mái như ý của mùa xuân;
       - Người gần thì vui người xa thì tìm đến, mặt luôn tươi cười tựa như đang đón gió xuân vậy.
     Giao tiếp phải đạo đúng lẽ buôn bán không đập đổ và lễ phép, xem khách hàng như là "Thượng đế", người chưởng quầy luôn luôn thoải mái như truyền cái ý xuân tươi đến với khách hàng. Và... Luôn luôn làm vui lòng người gần đẹp ý người xa, tiếp khách thì mặt luôn nở nụ cười như đang đón gió xuân vậy !

                         - Giao tiếp ân cần lễ phép, như truyền xuân ý;
                         - Vui lòng khách đến gần xa, tựa đón gió xuân !








    Trở lại với nghề thầy giáo, trước một giảng đường người ta đã đọc được bốn chữ "Học Hải Vô Nhai 學海無涯" là "Biển học không bờ bến" và một đôi câu đối Tết như sau :

                   講  台  三  尺,  可  話  古  今  中  外;
               Giảng đài tam xích, khả thoại cổ kim trung ngoại;
                   粉  筆  一  枝,  能  描  天  地  山  河。
                Phấn bút nhất chi, năng miêu thiên địa sơn hà !
Có nghĩa :
            - Bụt giảng chừng ba thước, có thể truyền đạt kiến thức trong ngoài kim cổ;
            - Phấn viết chỉ một cây, có thể vẽ nên đồ họa của trời đất núi sông !

      Khỏi phải cường điệu, tác dụng giáo dục từ xưa đến nay đều ngập tràn cả bụt giảng của người thầy và kiến thức bao la gồm cả trời đất núi sông đều từ viên phấn trắng trên tay người thầy mà ra cả !







  Khoảng thập niên 80 của Thế kỷ trước, khi tôi thất nghiệp lang thang lên Chợ Lớn, được bạn bè rủ rê mở một Tổ hợp sản xuất sơn dầu ở đường Hải Thượng Lãn Ông. Lúc Tết đến, tôi đã làm một đôi câu đối 6 chữ, như thế nầy :

               造就五光十色,     Tạo tựu ngũ quang thập sắc, 
               凑成萬紫千红.     Tấu thành vạn tử thiên hồng.
Có nghĩa :
     - Tạo nên năm màu mười sắc, (rất tiếc thành ngữ "Ngũ quang thập sắc" của tiếng Hoa, không có thành ngữ tương đương trong tiếng Việt).
     - Hợp thành ngàn tía muôn hồng.(Vạn tử thiên hồng là Muôn hồng ngàn tía).

       Đôi câu đối nầy, được ký giả của Nhật Báo SGGP bản tiếng Hoa trầm trồ và đến phỏng vấn, vì thứ nhất, câu đối lạ, lạ ở chỗ nó chỉ có 6 chữ, thứ nhì, nó đặc biệt vì nêu lên được đặc trưng màu sắc của nghề làm sơn, thứ ba, Họ không ngờ một người làm sơn, một con buôn, mà biết làm câu đối. Thế thôi.
       Sự thật, thì trước khi làm câu đối nầy, tôi đã đọc qua câu đối của Cụ Nguyễn Khuyến làm cho bà thợ nhuộm khóc chồng, câu đối như thế nầy :

         - Thiếp từ khi lá THẮM xe duyên, khi vận TÍA, lúc cơn ĐEN, 
                  ĐIỀU dại ĐIỀU khôn nhờ bố ĐỎ.
         - Chàng ở suối VÀNG có biết, vợ má HỒNG, con răng TRẮNG, 
                  TÍM gan TÍM ruột với trời XANH.
      Câu đối trên gồm đủ màu sắc của nhà thợ nhộm : Thắm, tía, đen, điều, đỏ vàng, hồng, trắng, tím, xanh.

*****

    Để kết thúc cho bài viết hôm nay, mời tất cả cùng đọc câu đối mà cũng là lời Chúc Tết đến với tất cả mọi người như sau :

                        老 老 少 少 男 男 女 女  都 添 一 歲;
            Lão lão thiếu thiếu nam nam nữ nữ  đô thiêm nhất tuế;
                        歡 歡 喜 喜 笑 笑 談 談  各 過 新 年。
            Hoan hoan hỉ hỉ tiếu tiếu đàm đàm  các qúa tân niên.
Có nghĩa :
        - Già già trẻ trẻ gái gái trai trai  đều thêm một tuổi;
        - Vui vui vẻ vẻ nói nói cười cười  cùng đón xuân sang !

    - Đô Thiêm Nhất Tuế 都添一歲 có nghĩa : Đều thêm một tuổi; Nhưng...
    - Các Quá Tân Niên 各過新年 có nghĩa là : Cùng nhau ăn Tết. Người Hoa gọi ĂN TẾT là QUÁ TÂN NIÊN 過新年. Ví dụ : Năm nay bạn "quá tân niên" ở đâu ? Có nghĩa là : Năm nay bạn ĂN TẾT ở đâu  đó !

     Chúc cho tất cả mọi người gái, trai, già, trẻ, đều nói, cười, vui vẻ để "Quá Tân Niên" !
                                                               杜紹德
                                                               Đỗ Chiêu Đức