Trở lại với đề tài CÂU ĐỐI TẾT mà ta còn gọi là Câu Đối Mừng Xuân hay Liễn Xuân do chữ Nho là XUÂN LIỄN 春聯 mà ra. Bỏ qua những câu đối thông thường như : "Nghinh xuân nghinh phúc lộc, Đón Tết đón bình an" hay những câu chữ thường gặp trong ngày Tết như :"Thiên tăng tuế nguyệt nhân tăng thọ 天增歲月人增壽; Xuân mãn càn khôn phúc mãn môn 春滿乾坤福滿門"... Ta chỉ điểm qua những câu đối đặc biệt thú vị hay có tính nghệ thuật như câu đối Tết sau đây :
Bộc trúc nhứt thanh trừ cựu tuế,
爆 竹 一 聲 除 舊 歲
Đào phù vạn hộ cánh tân xuân.
桃 符 萬 户 更 新 春
Có nghĩa :
- Pháo nổ đùng một tiếng, năm cũ đã đi qua ,
- Lá bùa nêu dán lên, mùa xuân mới lại đến.
* Ghi Chú :
Bộc trúc 爆 竹 : Bộc là nổ, trúc là tre. Bộc trúc là tiếng tre nổ, nói đúng hơn là "tiếng mắt tre nổ." Ngày xưa, chưa có pháo, người ta đốt các mắt tre già ở dưới gốc cho nó nổ thành tiếng để xua tan những xui xẻo, buồn lo... của năm cũ cho nó qua đi. Sau nầy, khi chế tạo được pháo rồi, nhưng vì tập quán ngôn ngữ đã quen, người ta vẫn dùng từ Bộc Trúc để chỉ pháo luôn. Cho nên khi dịch từ Bộc trúc, phải biết đó là PHÁO, chứ không phải tiếng tre nổ nữa!
Đào Phù 桃 符 : Phù là lá bùa. Đào phù là Lá bùa dán lên cành cây đào. Tương truyền, cây đào là loại cây có thể trừ được tà ma, nên vẽ lá bùa dán lên cành đào trước cửa có thể làm cho tà ma sợ mà tránh xa... Lâu dần thành tục lệ ngày Tết, Dùng cành đào để vẽ bùa, hoặc dán lá bùa lên một cành đào, rồi treo trước cửa để trừ tà ma trong những ngày Tết. Ở Việt Nam ta gọi là Lá Bùa Nêu, và được treo lên trên một ngọn tre còn chừa đọt, trồng ở trước cửa nhà, gọi là Dựng Nêu. Chắc mọi người cũng đã nghe qua câu hát Ca dao :
Cu kêu, ba tiếng cu kêu,
Trông mau đến Tết dựng nêu ăn chè... rồi chứ ?
cũng vì vậy mà chữ Đào Phù phải được dịch là "Lá bùa Nêu," chớ không phải là Lá Bùa đào.
Đó là câu đối phổ cập rộng rãi trong dân gian, cao hơn một chút, có tính chất văn học và các nét chấm phá của hội họa, câu đối mang tính nghệ thuật mà phổ biến rất rộng rãi không kém gì câu vừa nêu ở trên. Đó chính là câu đối sau đây :
Bộc trúc tam lưỡng thanh, nhân gian thị tuế,
爆 竹 三 两 聲, 人 間 是 歲 ;
Mai hoa tứ ngũ điểm, thiên hạ giai xuân.
梅 花 四 五 点, 天 下 皆 春 .
Có nghĩa :
- Hai ba tiếng pháo đì đùng, nhơn gian đón mừng năm mới,
- Bốn năm đóa mai lấm tấm, thiên hạ đều biết xuân sang.
Qủa là những nét chấm phá độc đáo tiêu biểu cho ngày Tết, vừa có tính văn học lại vừa mang tính chất chấm phá của hội họa và nhiếp ảnh như những hình ảnh sau đây.
Một câu đối khác dán lên trong đêm Giao Thừa cũng rất độc đáo và không kém phần thú vị sau đây :
一 夜 分 二 年, 年 年 如 意;
Nhất dạ phân nhị niên, niên niên như ý;
五 更 連 兩 歲, 歲 歲 平 安。
Ngũ canh liên lưỡng tuế, tuế tuế bình an.
Có nghĩa :
- Một tối nối hai năm, mỗi năm đều như ý;
- Năm Canh liền hai tuổi, mỗi tuổi thảy bình an.
Đêm Giao Thừa là đêm nối liền giữa năm cũ và năm mới và chỉ trong năm canh thì người ta đã bước từ tuổi này sang tuổi kia và mỗi năm mỗi tuổi đều được BÌNH AN NHƯ Ý !
Câu đối vừa bình dị, dễ hiễu, vừa thực tế biết bao nhiêu, nhất là đối với những người tuổi già như chúng tôi thì "Bình an, Như ý" là điều trên hết !
Nhớ lúc nhỏ, mỗi buổi sáng gần ngày Tết thường ra nhà lồng chợ Cái Chanh, Cái Răng để xem các ông Đồ vườn viết câu đối Tết. Một trong các câu đối mà tôi còn nhớ cho đến hiện nay, đó chính là câu :
一室泰和真富貴; Nhất thất thái hòa chơn phú quý;
滿門春色是榮華。 Mãn môn xuân sắc thị vinh hoa.
Có nghĩa :
- Một nhà hòa thuận là Phú Qúy,
- Đầy cửa màu xuân ấy Vinh Hoa.
"Vinh Hoa Phú Quý" có nghĩa là gia đình trên thuận dưới hòa và luôn luôn vui vẻ như mùa xuân, đó mới chính là cái VINH HOA PHÚ QÚY thật sự; chớ không cần phải có nhiều tiền, nhà cao cửa rộng, làm quan lớn mới là "Vinh Hoa Phú Quý". Câu đối ý nghĩa và mang tính xây dựng thực tế biết bao!
Khi còn ở Việt Nam, năm 1996 là năm đầu tiên Nhà Nước Việt Nam cấm đốt pháo Ăn Tết. Tôi bèn làm và dán đôi câu đối thế nầy trước cửa :
Bộc trúc vô thanh xuân nhưng chí ,
爆 竹 無 聲 春 仍 至 ,
Huỳnh mai hữu sắc phước hoàn lai.
黄 梅 有 色 福 還 来.
Có nghĩa :
- Pháo đã bặt tăm xuân vẫn đến;
- Mai còn khoe sắc phước còn theo.
Ý là mặc dù Pháo đã không còn nổ vang nữa, nhưng mùa xuân thì vẫn cứ đến.(cấm pháo, chớ đâu cấm được mùa xuân !) và nếu Mai vàng vẫn còn khoe sắc, thì phước vẫn hãy còn đến nhà mà thôi !
Câu đối đã đáp ứng được thời cuộc, phù hợp với hoàn cảnh thực tế đang sống...Không cho đốt pháo, nhưng Xuân vẫn cứ đến, Mai vẫn cứ nở và Tết vẫn cứ ...ăn như thường.... !
Ông Đỗ Văn Vi, ba của ĐCĐ đứng trước câu đối Tết năm 1996 |
Lại nhớ...
Khoảng đâu thập niên 60 của Thế kỷ trước, khi ba tôi còn bán "Tiệm Hàng-Xén" trong chợ Cái Chanh; Tết năm đó có ông bác họ từ Chợ Lớn về quê ăn Tết. Thấy các ông Đồ vườn bày bàn viết liễn Tết, bác cũng ngứa nghề nổi hứng viết theo. Một trong các câu đối mà bác viết năm đó đã làm cho tôi khó quên nhất chính là câu :
不須着急求佳景; Bất tu chước cấp cầu giai cảnh;
自有奇逢應早春。 Tự hữu kỳ phùng ưng tảo xuân !
Có nghĩa :
- Đừng vội cầu chi hoàn cảnh đẹp;
- Sẽ có kỳ phùng sớm đón xuân !
Ý là : Chớ có vội vàng gấp gáp mà cầu xin cho được hoàn cảnh tốt đẹp; Hãy cứ lạc quan vui vẻ mà đón xuân đi rồi sẽ có những bất ngờ may mắn sẽ đến với bạn sau !... Câu đối tự nhiên, đơn giản gãy gọn mà lạc quan ý nghĩa biết bao : Cứ tự nhiên vui sống trước đã, cái gì đến tự nó sẽ đến !...