Trong đời sống, thỉnh thoảng tôi cảm thấy trống vắng, hay khi thấy có nỗi buồn vô cớ, tôi đều tìm đến những mẫu chuyện hay những bài viết của Trang tử, Lão Tử, Tông Đông pha ... Mong tìm được một tia sáng soi rọi cho bước đi của mình trong cuộc sống đầy cam go, thăng trầm.
Gần đây, đọc được bài tản văn của Tông Đông pha "Ký Du Tùng Phong Đình" (記遊松風亭). Bài viết vỏn vẹn chưa tới 100 chữ, nhưng hàm chứa triết lý thâm sâu, rất thiết thực cho đời sống. Nguyên văn như sau:
Dư thường ngụ cư Huệ Châu Gia Hữu tự, tung bộ Tùng phong Đình hạ, túc lực bì phạp, tư dục tựu lâm chỉ tức. Vọng đình vũ thượng tại mộc mạc, ý vị thị như hà đắc đáo? lương cửu hốt viết: "Thử gian hữu thâm ma hiết bất đắc xứ," do thị như quải câu chi ngư, hốt đắc giải thoát. Nhược nhân ngộ thử, tuy binh trận tương tiếp, cổ thanh như lôi đình, tiến tắc tử địch, thoái tắc tử pháp, đương thâm ma thời dã bất phương thục hiết.
余嘗寓居惠州嘉祐寺, 縱步松風亭下, 足力疲乏,思欲就林止息. 望亭宇尚在木末, 意謂是如何得到? 良久忽曰:"此間有甚麼歇不得處, "由是如掛鉤之魚,忽得解脫.若人悟此, 雖兵陣相接, 鼓聲如雷霆, 進則死敵, 退則死法, 當甚麼時也不妨熟歇.
Dịch sát văn:
Tôi từng trọ tại chùa Gia Hữu ở Huệ Châu, một lần dạo chơi để đến Tùng phong Đình. Đi một hồi chân tự thấy mỏi, mong đến rừng núi nghỉ ngơi. Nhìn ra xa thấy mái đình vẫn còn xa tít ở trên cao, thầm nghĩ phải làm cách nào mới có thể đến được nơi dừng chân. Suy nghĩ khá lâu, bỗng bừng tỉnh: "Tại sao không nghỉ lại tại nơi đây?" Ý nghĩ vừa thoáng qua thì cảm thấy như cá cắn câu được gỡ móc. Nếu chúng ta hiểu được lý này, thì dù trong lúc giao tranh khốc liệt, trống chiêng vang trời, tiến tới thì sẽ chết vì chiến đấu với địch; lùi lại thì sẽ chết vì phạm quân luật. Ngay trong tình huống nguy ngập, cũng chẳng sao, vẫn có thể thong thả mà nghỉ ngơi.
Dịch thoát ý
Tôi từng trọ tại chùa Gia Hữu ở Huệ Châu, nơi đây cảnh chùa trang nghiêm, sơn thủy hữu tình. Những lúc rảnh rỗi, tôi thường hay du sơn ngoạn thủy. Phía sau chùa là một rừng núi có những đường mòn chạy xuyên xuất nhiều nơi, một trong những điểm tôi thường đến viếng là Tùng Phong Đình. Mái đình cong cong nằm chót vót trên cao, ngự tọa trên lối đi, ý chừng như đang chờ đón khách bộ hành và mời gọi khách dừng chân trên bước đường đăng trình. Một hôm như mọi lần, tôi thả bộ rong chơi, vô tình đi vào lối đi cũ, là đường để dẫn đến Tùng Phong Đình. Đi chưa được bao lâu, chận tự thấy mỏi, ngước nhìn lên cao, Tùng Phong Đình như đang đứng đợi và vẫy chào tôi. Tôi cố gắng bước nhanh lên, thầm mong sớm tới được Tùng Phong Đình, là điểm để dừng chân. Tôi cố gắng leo mãi leo mãi, chân tôi như hết lực, ngước nhìn lên thì Tùng Phong Đình vẫn còn xa tít ở trên cao.
Thầm nghĩ bao giờ mới đến chỗ để nghỉ ngơi cho được. Phân vân bối rối khá lâu, bỗng bừng tỉnh, chân đã mỏi, tại sao mình không nghỉ lại tại nơi đây? Ý nghĩ vừa thoáng qua như một dòng nước tịnh thủy giải thoát cho ý nghĩ cưỡng cầu là muốn đến cho được Tùng Phong Đình. Đây cũng là tâm thái tích cực của Tô Đông Pha, cách giải quyết của ông khi đương đầu với khó khăn trở ngại trong cuộc sống.
"Tự tha cho mình là trí tuệ lớn nhất của đời người," đó là cảm ngộ của tôi qua bài Tùng Phong Đình của Tô Đông Pha.
Thật vậy, con người thường hay đấu sức với chính mình. Nói đúng hơn là chống chọi với tâm thức của mình, suy nghĩ lo toan quá nhiều, tự tạo nhiều áp lực và buồn phiền cho cuộc sống.
Hồi còn đi làm tại High Tech, tôi có một người bạn rất giỏi, rất chăm chỉ trong công việc. Chẳng bao lâu, ông được cất nhắc lên làm giám đốc với số tuổi chưa đầy 40, dưới tay còn có hơn 20 nhân viên. Ngoài việc sắp đặt việc làm, quản lý nhân sự, ông còn phải hội họp nội bộ và giao lưu với khách hàng. Mỗi ngày làm việc hơn 10 tiếng, nhiều khi làm cả thứ Bảy, thậm chí Chủ Nhật. Chúng tôi thỉnh thoảng mới gặp nhau trong giờ ăn trưa, gặp nhau chỉ vỏn vẹn vài ba câu ngắn ngủi. Thấy người bạn lúc nào cũng trong trạng thái bộn bề, căng thẳng trong công việc, tôi thường nói với ông bạn câu: "cấp hành vô thiện bộ (急行無善步), có nghĩa là vội vã thì dễ vấp ngã.
Tôi là người tương đối nhàn hạ thong thả, mỗi lần gặp ông bạn tôi đều cảm thấy không khí hơi ngột ngạt, và cảm giác dường như ông bạn lúc nào cũng đang trong trạng thái khởi động, sẵn sàng tuyên chiến với thế giới.
Một hôm, tôi muốn tìm vui khuây khỏa nơi sân banh của hãng, khi vào sân chơi, lạ thay hôm đó vắng tanh. Tại một góc sân xa đằng kia, như có một người đang trầm ngâm, tôi đến gần, hóa ra là người bạn mà tôi đề cập ở bên trên; tay cầm điếu thuốc và hình như chẳng hề để ý, đếm xỉa gì đến sự hiện diện của tôi.
Tôi mở lời chào anh, nhìn lên, anh vụng về đáp trả lời chào của tôi, tôi đoán là anh đang có sự cố gì đây.
Trao đổi qua lại với anh, tôi mới biết là anh đang bị khủng hoảng bởi việc làm của hãng: gần đây anh bị khách hàng khiếu nại liên tục, cấp trên biết được nên khiển trách anh, và đáng nói hơn là anh có một thuộc cấp đắc lực nhất xin thôi việc. Anh đang hứng chịu một áp lực quá nặng nề.
Tôi rất đồng cảm và thông hiểu với anh bạn, vỗ vai, tôi nói với anh: "sinh hoạt của anh quá căng thẳng, anh nên buông xả bớt cho nhẹ gánh." Thương quá, tôi ôm choàng lấy anh, siết nhẹ. Người của anh bỗng rung lên, anh lắc nhẹ, thổn thức. Tôi quay đầu nhìn lại, ôi chao! nước mắt anh giàn giụa, hai dòng lệ tuôn trào, vô tình lời an ủi của tôi trở thành giọt nước làm tràn ly đầy. Quen nhau 10 năm, lần đầu tiên tôi thấy ông bạn của tôi xúc động đến như vậy.
Mỗi khi chúng ta tiếp trận với thế giới bên ngoài, thế giới bên ngoài tựa như chiến trường của mình, bất luận thắng hay bại, chúng ta cũng phải trả giá rất đắt. Thật vậy, xưa nay, không cuộc chiến nào có kẻ thắng.
Tương tự Tô Đông Pha khư khư cứ muốn lên đến tận Tùng Phong Đình rồi mới chịu nghỉ chân, thế thì Tùng Phong Đình sẽ trở thành một mục tiêu, một đích đến thách thức mà ông muốn chinh phục cho bằng được, ông tất nhiên phải cố gắng leo lên để đạt đến cái đích đó trong khi ông đã kiệt sức. "Tại sao mình không dừng bước, nghỉ chân tại điểm đứng này?" Sự chuyển hóa ý niệm này như ngọn đuốc sáng xua tan bóng tối phiền não. Vì biết thay đổi góc nhìn, Tô Đông Pha đã hòa giải với thế giới, với sự chấp trước của mình. Thực ra, hòa giải với thế giới tức là hòa giải với chính mình, nói cách khác, mình là thế giới; thế giới cũng là chính mình. Khi ta đã đồng hóa với thế giới thì đâu còn có đối tượng đối nghịch.
Cố gắng phấn đấu để cuộc sống được hạnh phúc mỹ mãn đương nhiên quan trọng, nhưng không nên vì thế mà đánh mất sự an lạc nhàn nhã. Buông xả không phải là mất đi; dừng lại không phải là trốn tránh lùi bước.
Đời người như cuộc chạy bộ đường dài, nhiều người ngã gục giữa đường vì không biết điều tiết, lúc nào nên chạy nhanh, lúc nào phải chạy chậm, lúc nào phải tạm dừng để uống nước nạp thêm năng lượng; cũng như khi cầm lái một chiếc xe, phải biết tùy thuộc vào địa hình địa thế mà gia giảm tốc độ.
Nho gia có câu: “Quân tử phùng thời nhi tiến, bất thời nhi thoái” (君子逢時而進,不時而退). Quân tử gặp thời cơ thuận lợi thì cố gắng tiến tới mục tiêu, nếu chưa hội đủ nhân duyên thì phải biết đặt mình trong tư thế chờ đợi, nuôi dưỡng động lực, chuẩn bị hành trang cho cơ duyên khác.
Nhà Phật nói:"Tùy duyên bất biến" (隨緣不變).
Tùy Duyên là tùy hoàn cảnh, phương tiện mà thay đổi các chi tiết cho thích hợp với cuộc sống.
Bất biến là luôn giữ tâm thanh tịnh, như bất động trước mọi biến động thuận nghịch, thăng trầm vốn dĩ của cuộc đời.
Lão tử nói: "Thượng thiện nhược thủy"(上善若水).
Thiện là tốt, đặc tính tốt nhất của nước là âm thuần chi nhuận vạn vật nhưng không tranh giành so đo; đặc tính quan trọng khác của nước là tùy duyên và lình động, nước tuôn chảy và tồn tại khắp nơi, trên cao là mây, rơi xuống là mưa, ở bầu thì tròn, ở ống thì dài, chỗ nào cũng tự tại thoải mái.
Thích Đạo Nho tam giáo tuy ba là một, đã gặp nhau trong tư tưởng: Tùy ngộ nhi an, tùy duyên tự tại. (随遇而安, 随缘自在)
Phải chăng đó cũng là ẩn ý của Tô Đông Pha trong bài Tùng phong Đình:
"Tha cho mình (không chấp trước) là trí tuệ lớn nhất trong cuộc sống."
Trường
11-29-2023
Qúa đúng, bởi vì con người thường hay tự ái dỏm, cố chấp và thích tự cao, tự đại cho nên thường khó tha thứ cho người khác và ngay cả cho chính mình !!!
ReplyDelete