Mạn đàm về „Bộ Sử Ký“ của Tư Mã Thiên
Xã hội Trung Quốc thời xưa có quan niệm:
“Nghề viết văn, viết sử, xem sao, xem lịch thì cũng gần với bọn thầy bói, thầy cúng, xướng kỹ, con hát, thế tục vẫn coi thường”. Tuy vậy, Tư Mã Thiên vẫn xem cái nghề ghi chép sử liệu của mình rất cao quý, vì ông biết nó có tác dụng to lớn đối với sự thịnh suy, hưng vong của một quốc gia.
Khổng Tử làm kinh "Xuân Thu" cũng là chép lại những sự thực lịch sử cốt để “ức chế thiên tử, chư hầu và các đại thần, nâng cao và nêu rõ vương đạo”.
Tư Mã Thiên đã để lại hàng ngàn nhân vật điển hình, sống mãi trong văn học. Riêng về mặt này, ông có thể sánh với những nhà văn lớn nhất của nhân loại. Đọc Sử Ký, cả một nhân loại mênh mông hiện ra trước mắt chúng ta, những hiệp khách như Kinh Kha, Nhiếp Chính, những danh tướng như Hàn Tín, Lý Quảng, những công tử như Tín Lăng Quân, Mạnh Thường Quân, những bạo chúa như Tần Thuỷ Hoàng, Nhị Thế…v…v…
Nhất tướng công thành vạn cốt khô: (一將功成萬骨枯), đó là lịch sử.
Sử ký là một tác phẩm có nội dung phong phú, cách diễn đạt kín đáo nên phải đọc đi đọc lại nhiều lần mới thấy hết cái hay của nó.
Đối với văn hóa thế giới, quyển Sử ký Tư Mã Thiên chiếm một địa vị đặc biệt. Nó là một công trình sử học lớn nhất của Trung Quốc và là một trong những quyển sử có tiếng nhất của thế giới.
Chắc chắn nhiều người trong chúng ta sẽ thấy Sử Ký là quyển sách của mình và dành cho Tư Mã Thiên một mối tình nồng hậu như các bạn đã có đối với Khuất Nguyên và Đỗ Phủ. Suốt đời Tư Mã Thiên không muốn gì hơn là có những người hiểu mình. Trong tác phẩm "Thư gửi Nhiệm An" có đoạn: "Người rồi sẽ có một lần chết đi; có người xem cái chết nặng như Thái Sơn, cũng có người xem nó nhẹ tựa lông hồng; khác nhau có chăng là họ dùng nó để làm gì." (人固有一死,或重于泰山,或輕于鴻毛,用之所趨異也,) Câu nói này cũng tương tự câu nói bất hủ của Văn Thiên Tường:
“Nhân sinh tự cổ thùy vô tử (人生自古誰無死)
Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh” (留取丹心照汗青)
Dịch:
Xưa nay thử hỏi ai không chết
Lưu tấm lòng son chiếu sử xanh
("Đời người xưa nay ai chẳng chết. Để lại lòng son rọi ngàn thu").
Chúng tôi xin nghiêng mình kính chào sử gia Tư Mã Thiên, một người đã trọn đời cống hiến cho nền lịch sử và văn hóa của nhân loại.
Trường
11-05-2021
Cám ơn anh Trường đã phản hồi và có những nhận xét xác đáng.
Nhà phê bình văn học Kim Thánh Thán 金聖嘆 (cuối thời Minh) đưa ra nhận xét như sau : Trung Hoa có 6 tài tử thư:
1)- Sách Trang Chu 莊周(của Trang Tử thời Chiến quốc);
2)- Ly Tao 離騷 (Khuất Nguyên Thời Chiến quốc);
3)- Sử ký 史記 (Tư Mã Thiên thời Tây-Hán);
4)- Đỗ công bộ tâp 杜工部集 (Đỗ Phủ thời Đường);
5)- Thủy Hử Truyện 水滸传 (Thị Nại Am thời Minh);
6)- Tây Sương Ký 西廂記 (Vương Thực Phổ thời Nguyên).
Không phải nghiễm nhiên "Sử Ký" được Kim Thánh Thán cho vào vị trí thứ 3 trong "lục tài thử thư". Bộ sử ký của Tư Mã Thiên đã ghi lại lịch sử Trung Quốc trong hơn 2500 năm từ thời Hoàng Đế cho đến thời Hán Vũ Đế. Pho sử ký gồm 130 thiên trong đó hai thiên dài nhất là thiên "Thế gia" ghi lại những huyền thoại về các nước chư hầu. Gọi là huyền thoại vì trước Sử ký chưa có sách nào ghi lại những sự việc liên quan đến các triều đại này. Nhưng thiên dài nhất là "liệt truyện" chiếm hơn 50% tác phẩm, như anh Trường đã nhận xét, những nhân vật truyền kỳ như Kinh Kha, Hàn Tín, Tín Lăng Quân, Mạnh Thường Quân, cũng như Bá Di Thúc Tề, Quản Trọng, Án Anh ... những sự tích của họ được kể lại trong thiên liệt truyện này. Đây là một đặc điểm của pho Sử ký của Tư Mã Thiên. Sử sách trước đó, ghi chép sự việc xảy ra trong triều đình của mỗi triều vua theo biên niên sử do sử quan ghi lại có sự giám sát của nhà vua.
"Sử ký" đã vượt qua cung cách truyền thống, đối tượng không giới hạn là triều đại vua chúa mà hướng tới con người đương đại, bộ sử ghi sự tích của các nhân vật từ nhân gian. Giá trị và sự vĩ đại của sử ký chính ở cung cách độc lập và theo một hướng mới trong việc viết sử.
Thân mến.
NNT
Đọc thêm: Đại Sử Gia - Tư Mã Thiên
Nghe:
Giới thiệu Bộ Sử Ký Tư Mã Thiên (dịch giả: Phan Ngọc qua giọng đọc của Thủy Tiên)
No comments:
Post a Comment