11/27/19

Sống Và Chết

Các bạn thân mến,
Vài tháng trước, anh Kim giới thiệu bài viết "Giữa Sống Và Chết" trên trang Blog của Lưu khâm Hưng. Tôi đã đọc nhiều lần để tìm hiểu thêm triết lý về sinh tử.
Khổng Tử nói: "Ngũ thập tri thiên mệnh" (năm mươi tuổi phải biết vận mệnh và số trời ). Chúng ta đều tròm trèm 7,8 bó, càng nên tri thiên mệnh. không những tri, còn phải thấu. Nói đến mệnh, phải nói đến sống, nói đến sống, phải bao gồm chết.
Sách vỡ thường chỉ thảo luận về cuộc sống, tức là khoảng đường từ sống đến chết. Không ai nói đến thế giới bên kia. Bởi vì nhìn không thấy, xuyên không thấu, mọi người đều cảm thấy sống chết mê man, khi chết ta đi về đâu?
Mẹ tôi qua đời sau đất nước lâm nạn, con tôi mất lúc vượt biên ngoài khơi. Hai người thân nhất vĩnh biệt, tôi hoang mang tự hỏi: " Mẹ và con đi đâu rồi?" Triết lý cuộc sống của tôi không giải đáp được câu hỏi. Mãi về sau tôi nghĩ rằng: " Mẹ và con tôi đi đến một nơi khác, nơi đó là âm giới cũng được. Thân nhân của tôi đều đến đó đoàn tụ. Như thế tôi yên tâm. Quan trọng nhất là một ngày nào đó, tôi cũng đến đó sum họp, gần gũi với người nhà. Bởi vì cái chết của Mẹ và con, tôi đâm ra không sợ chết. Chết có gì mà sợ? đi gặp và đoàn tụ với Mẹ và con mình thì sợ cái gì?

Muốn nói " nhân sinh quan" cho được trọn vẹn, phải bao gồm sinh và tử. câu nói "giữa sống và chết", tôi bỏ bớt chữ "giữa", và tạm đặt là "sống và chết" ( sinh tử quan ).
Sinh tử quan không phải thể hiện thế giới bên kia trước mặt mọi người, mà muốn nhận xét từ khía cạnh "người phải chết" để quay đầu nhìn sự trân qúi của cuộc sống. Từ đó thức tỉnh và hiểu được "vì sao chúng ta sống?" và " nên sống như thế nào?"
Ngày 18 tháng 10 năm 1978, tôi vượt biên tại bến Cát Láy, không may gặp nạn, tàu lật và chìm. Con tôi mất, tôi được cứu. Tôi thấy rất nhiều người chết trước mắt lúc tàu chìm, xót xa vô cùng với sự hy sinh của đứa con vô tội, hiểu biệt sự chết đi sống lại khi được cứu, cảm thấy sự hoang mang trong ngày tháng sống sót. Tôi chưa từng chết, nhưng có kinh nghiệm rất gần với tử vong. Tôi thấy cuộc sống, thấy có người sống rất tốt, cũng thấy có người lầm đường lạc lối, tiêu hủy tương lai của mình.
Cuộc đời thay trắng đổi đen,thay đen đổi trắng. Sau 70 năm lênh đênh sóng gió hồng trần. Tôi có một ít nhận xét về "sống và chết".

Vấn Đáp về sống chết
Học trò hỏi Khổng Tử: "Cảm vấn tử?" 敢問死?(trò muốn biết về chết).
Khổng Tử trả lời: "Vị tri sinh, yên tri tử"- 未知生,焉知死? (chưa biết sống, làm thế nào biết chết).
Ý của Khổng Tử là: Cái sống hiện tại sẽ quyết định cái chết sau này. Những việc làm trong cuộc sống và suy xét trong nội tâm sẽ quyết định nơi chúng ta đến sau khi qua đời.
Nói một cách khác, không cần phải biết chết là thế nào, lúc còn sống, chúng ta phải biết sống thiện, biết thương người, biết từ bi với chúng sinh. Đó là một thái độ sống rất tích cực của Khổng Tử.
Chúng ta sợ chết là vì còn nhiều việc chưa làm xong. cũng như sợ thi cử là vì chưa ôn hết bài vỡ. Nếu 7 giờ tối nay ta đã học xong bài, bắt đầu chơi game, mà còn xem kịch " Máu nhuộm bãi Thượng Hải", rồi ngủ một giấc đã đời. Sáng hôm sau, ta chỉ cần một cây bút, không cần mang theo sách nào cả. Bởi vì ta đã chuẩn bị xong xuôi, ai sợ ai?
Chúng ta sợ chết là vì không biết sống cho đáng. Nên làm chưa làm, nên nói chưa nói, nên cho chưa cho, đời còn hối hận.
Nếu tất cả đều làm rồi, đều cho rồi, đều thương rồi, không gì hối hận, thì chết có gì đáng sợ? Mỗi ngày có phấn đấu, có xông pha, có ánh sáng, trời cao lộng lộng, làm thế nào có ám ảnh của chết?

Tôn Trọng Sinh Mệnh

“Sinh tử quan” khiến ta biết được sống là quí, từ đó suy bụng ta ra bụng người.
Mệnh người là trọng, biết thương tiếc mệnh của mình, mới biết trân quí mệnh của người và vật khác.
Thánh hiền ngày xưa không nuôi chim trong lồng, không nuôi cá trong lu. Họ cho rằng, nuôi chim phải lấy trời đất làm lồng, để chim tung bay tưng bừng; nuôi cá phải lấy biển cả làm lu, để cá bơi nhảy vui đùa. Đó là thái độ thể hiện tự do của sự sống.
Loài người hiện nay lại đi ngược với thánh hiền ngày xưa. Chặt cây phá rừng, giết hại loài vật khác. Sự đáp trả của thiên nhiên chẳng những rất nhanh chóng, mà còn khủng khiếp vô cùng.
Gần đây, khắp nơi trên thế giới xảy ra nhiều thiên tai như động đất, cháy rừng, nước lụt, gió bão... tai nạn càng lúc càng gần, sự phá hoại càng lúc càng mãnh liệt. Thậm chí tại vùng đất cao Đà Lạt cũng bị ngập lụt vào 08-08-2019. Chuyện khó tin có thiệt.
Chuyên gia địa chất học cảnh cáo, tiếp tục phá hoại môi trường, một số thành thị và đất đai không lâu sau sẽ bị chôn vùi xuống biển. Trên quả đất, mỗi giây phút có hàng trăm loại sinh vật bị diệt chủng. Đạo Tin Lành cũng phải lên tiếng:"Người không phải Thượng Đế, không có quyền và tư cách giết hại loài vật khác."
Cảm xúc về người đời lòng tham vô đáy, thế gian còn lắm yêu ghét hận thù, nội tâm còn nhiều vô minh xao xuyến. Tôi bắt đầu chay tịnh, thấm thoát đã gần 30 năm.
Tôi không phải thúc đẩy chay tịnh và kêu gọi mọi người phải ăn chay. Nhưng chỉ muốn bày tỏ cảm nghĩ sau 30 năm chay trường_ quả thật, tôn trọng sinh mệnh và cuộc sống của loài vật khác, chính mình sẽ sống rất thản nhiên thoải mái, có thêm lòng thương và bớt ích kỷ. không sát sinh cũng là bước đầu để dẫn đến thế giới đại đồng.
Nếu ai hỏi tôi:" Tại sao tin Phật mà không tin quỉ thần?"
Tôi sẽ cợt giễu mà nói:" Tôi đi chơi với Phật, vì họ ăn chay, cho nên khi đói bụng, tôi không bị ăn mất; nhưng nếu đi chơi với quỉ thần, vì họ ăn mặn, khi đói bụng, tôi có thể bị nuốt tươi."
Đi chung với những ai biết tôn trọng sinh mệnh, bất kỳ họ là người, thần hay Phật, chúng ta chắc chắn cảm thấy an toàn vô lự. Họ biết tôn trọng mình, cũng như mình biết tôn trọng họ."Chung sống không hại"_ một lý tưởng mà mọi người đều muốn theo đuổi.

Nhân Quả Thông Ba Đời

Ba đời là: kiếp trước, kiếp này, kiếp sau.
Nếu cứ diễn tiến như thế tức là đời đời kiếp kiếp không ngừng, cũng là dòng nước chảy dài đằng đẵng vô tận của đời sống.
Thánh hiền ngày xưa dùng đời đời kiếp kiếp để hóa giải cái ngặt nghèo của vấn đề "sống và chết".
Sống trên đời, tôi chỉ nhỏ nhặt như hạt cát trên bãi biển. Sở dĩ tôi cảm thấy quan trọng là vì Cha Mẹ, con cái và người nghèo khổ. Cha Mẹ cần mình, con cái cần mình, người nghèo khổ cũng cần mình. Vì thế, tôi không hỏi kiếp trước, tôi chỉ hỏi Cha Mẹ; tôi không hỏi kiếp sau, tôi chỉ hỏi con cái và người nghèo khổ. Do đó, nhân quả ba đời của tôi là: " hiếu thảo Cha Mẹ, thương yêu con cái, giúp đỡ người nghèo, hộ trì kẻ yếu."
Đứng trên khía cạnh nhân quả nhìn ba đời:
kiếp trước nối liền với kiếp này, nghiệp của kiếp trước, kiếp này trả. kiếp sau cũng nối liền với kiếp này, nếu chúng ta quan tâm đến kiếp sau, thì kiếp này phải sống thiện, làm việc tốt, kiếp sau sẽ hưởng quả tốt. Bất luận kiếp trước hay kiếp sau, đều quyết định tại kiếp này.
Kiếp trước và kiếp sau thì xa xôi mịt mù, Cha Mẹ, con cái và người nghèo khổ luôn luôn ở trước mắt. Tại sao mình không nhìn thấy Cha Mẹ, con cái và người nghèo khổ, lại cứ muốn tìm tòi cái mê man vô tận của kiếp trước và kiếp sau?

Số Mệnh Do Mình Tạo Ra

Tôi lạy Phật không phải vì Phật có thể cứu tôi đến "niết bàn". Tôi lạy Phật cũng như tôi lạy thầy. Phật là thầy dạy dỗ học sinh. Phật là người đã giác ngộ được chân lý của cuộc sống, rồi dạy lại cho chúng ta những phương pháp làm người và cách cư xử với vũ trụ. Nếu chúng ta thực tâm tu hành, học tập theo thầy (Phật) dạy, một ngày nào đó cũng có thể đi đến chỗ toàn thiện toàn mỹ.
Luật "nhân quả" của nhà Phật không phải là xin xăm lá quẻ, không phải là coi bói xem tướng, mà nhấn mạnh rằng:"số mệnh nằm trong tay chính mình."
Nhân duyên quả báo, "nhân" trở thành "quả" bắt buộc phải có "duyên". nhân là hạt giống tạo ra trong kiếp trước, "nhân" không thể thay đổi, nhưng "duyên" có thể thay đổi. Ví dụ: hạt giống đậu và hạt giống dưa là nhân, hạt đậu không thể trở thành hạt dưa; cũng không thể đổi hạt dưa thành hạt đậu. "Nhân" là định số. Hôm nay, chúng ta muốn được đậu hoặc dưa, "duyên" là điều kiện, điều kiện là biến số. Muốn được đậu, gieo hạt đậu, cắt hạt dưa, cho thêm duyên, duyên là phân bón, đất cát, ánh sáng, không khí và nước, đồng thời phải gieo đúng mùa và cần có nhà nông biết chăm sóc. Nếu tất cả điều kiện (duyên)đầy đủ, hạt giống chắc chắn sẽ nẩy mầm, trổ bông, kết trái. Nếu chỉ có nhân, không có duyên, nhân không trở thành quả. Ví dụ: bỏ hạt đậu vào ly, đậy nắp lại, 100 năm sau vẫn không nẩy mầm, vì sao, không có “duyên.”
Số mệnh như một ly nước lã, nung sôi là nước nóng, nếu thêm bột cà-phê quấy tan là cà-phê đen, thêm chút sữa là cà-phê sữa, thêm chút đá là cà-phê sữa đá. duyên là điều kiện,duyên thay đổi, kết quả sẽ thay đổi. ý nghĩ và hành động của chúng ta đang làm sẽ xoay chuyển ngay số mệnh của mình trong cuộc sống hôm nay.

Đường Gần Thiên Đàng

vài năm trước, một người bạn theo hội từ thiện "Arpan Charity" đến "Nhà Của Người Sắp chết"(Home for the dying destitude) tại calcutta, Ấn Độ, làm công việc từ thiện hai tuần.
Mẹ Teresa sáng lập "Nhà Của Người Sắp chết" vào năm 1952. Tại đây có 7 nữ tu thường trú, tuân theo qui luật: " trong sạch, đơn thuần, phục vụ người nghèo nhất trong những người nghèo ( the poorest of the poor)."
công việc thiện nguyện tại đây là:
1.- Giặt đồ: đồ ở đây bao gồm quần áo dơ, tã dính cứt của các người bệnh. Vì không có máy giặt, nên phải giặt bằng tay hoặc giậm bằng chân. Các thiện nguyện viên mới đến làm thì "shock" lắm. Nhưng các "Sơ"( soeurs_ theo tiếng Pháp) làm điều dơ bẩn đó từ năm này qua năm khác, họ rất thản nhiên ngồi xuống dịu dàng dùng 2 tay vò giặt. Với các Sơ thì trước mắt Thượng Đế, mọi người đều bình đẳng như nhau. Người nghèo ở đây nhiều lắm, đa số là các trẻ cô nhị, tật nguyền, bại liệt, mắc bệnh "down", nói chung là thành phần bị gia đình, xã hội ruồng rẫy, bỏ rơi và các Sơ lượm về chăm sóc.
2.- Đút các em ăn sáng: hàng ngàn trẻ tật nguyền, bại liệt được dìu hay bế ra ngồi trên dãy ghế gỗ, thiện nguyện viên mớm thức ăn cho các em. Hầu hết các em đều không ăn không nuốt được, nhiều em trông thật tội, hư hại cả cột sống, và không điều khiển nổi một cơ phận nào trên cơ thể. Nói chung là những gì bất hạnh nhất mà chúng ta có thể nghĩ ra thì nơi đây đều thấy tận mắt.
Ngày 1, ngày 2 trôi qua, bạn mình bắt đầu nhận ra nhiều sự thay đổi trong nội tâm. Mỗi sáng, bạn mình đứng nhìn dòng người dài ngoằn đang xếp hàng để được phân chia công tác. Họ từ khắp nơi đổ về đây để làm từ thiện. Ai ai cũng đều tự móc tiền túi ra để mua vé đến đây làm việc thiện. Bạn mình đã tự hỏi rằng:" Tại sao? công việc của các nữ tu trong hội của Mẹ Teresa có gì mà hấp dẫn đến vậy? Hội chưa bao giờ quảng cáo, kêu gọi đóng góp, xin tiền... hay gì gì cả. Thế mà mọi người vẫn biết đến và tìm về."
" Tại sao trên đời có nhiều người bất hạnh đến thế và lại có nhiều người hy sinh đến vậy? Động lực nào đã giúp các Sơ luôn luôn mỉm cười và vui sống mỗi ngày?"
Tò mò lắm, nên bạn mình đã sống và làm theo y hệt công việc của một nữ tu hằng ngày. Hai tuần trôi qua đã tìm ra đáp số.

1.- Nguyện cầu trong cuộc sống:
Mỗi sáng sớm, các Sơ đều tập trung tại nhà chính để đọc kinh và cầu nguyện. các thiện nguyện viên đều vậy. Họ đến, không phân biệt tôn giáo, im lặng, ngồi bệt dưới đất và cùng nhau cầu nguyện. Mỗi chiều sau khi xong công việc, các Sơ lại họp nhau nơi đây và tiếp tục cầu nguyện, rồi mới đi ngủ. Bạn mình đã tham dự những buổi cầu nguyện như vậy, và lần nào cũng đều xúc động vô cùng. cảm giác là ở trên cao, Mẹ Teresa luôn mỉm cười khi các con của Mẹ đã và đang tiếp tục làm tròn nhiệm vụ Mẹ giao. Và hiểu rằng nhờ sự che chở ban phước lành của ơn trên, các Sơ mới làm được những điều vĩ đại ấy.

2.- Sự đơn giản:
Con người ở đây sống với sự đơn giản tuyệt đối. Không cell phone, không TV, không wifi, không internet, không computer, cũng không cần texting hay iPod. Họ không có cả cái ghế để ngồi. Ghế của họ là sàn đất, không xi-măng, không gỗ, không thảm. Bởi thế suy nghĩ của họ đơn giản hơn chúng ta nhiều lắm. Không tính toán, không lo toan, không ích kỷ, không ganh tỵ hẹp hòi, không thù hận đố kỵ. Và vì vậy, đầu óc họ cũng thanh thản hơn chúng ta nhiều lắm. Không sợ mất nhà, mất tiền, mất job, không sợ tai tiếng thị phi, không sợ cả cái chết dù ngày mai có đến.

3.- Niềm vui tự có:
Lúc mới đến đây, bạn mình gớm công việc giặt đồ quá đi, đã có lúc muốn bỏ về. Nhưng khi tiếp xúc với các em, mới nhận ra mình là quá hạnh phúc. Mình không phải nghèo, không phải khổ vì bệnh. Còn họ là những người nghèo khổ nhất, họ không ăn được, không tự đái ỉa được, không tự lo được, thì còn gì là cuộc sống. Vậy mà đã có nhiều em bé nhìn bạn mình cười. Nụ cười vô tư dễ thương làm sao. Trái lại, hạnh phúc như chúng mình lại thường khó cười, không muốn cười, thậm chí keo cú cả một nụ cười.
Niềm vui không phải là những trò game trên máy tính, không phải là những bữa ăn buffet no ách cả bụng, cũng không phải là những text message cứ trao đổi nhau mỗi ngày xoành xoạch. Đừng tính toán cho cái tôi của mình nhiều quá. Khi không cầu thì niềm vui sẽ tự đến.
" Nhà Của Người Sắp Chết" có một câu châm ngôn: " Không xin, không từ chối (ask for nothing,refuse nothing). Nghĩa là: chúng tôi không quảng cáo, không kêu gọi đóng góp. Nhưng nếu bạn có lòng, thì chúng tôi nhận tất cả những gì bạn tặng: tiền bạc, thời gian, công sức, một lời cầu nguyện, hay ngay cả một nụ cười.
Vui cứ đến mỗi ngày nho nhỏ
Như từng nụ hoa đỏ mọc bên hồ
vui cứ đến tự bao giờ chẳng rõ
Như suối nguồn trăm ngách chảy trăm nơi…

Hạnh phúc: CÓ hay KHÔNG

Con người ta thường cho rằng hạnh phúc là: "CÓ"_ có tài sản, quyền lực, danh vọng, địa vị... khi chưa có thì muốn có, và làm đủ mọi cách để mà có. Khi có rồi thì sợ mất hay muốn đòi cái khác cao hơn, mắc hơn, khá hơn. Nếu không có thì buồn phiền, bất mãn, khổ sở.
Nhưng với các nữ tu nơi đây thì "KHÔNG CÓ" là một hạnh phúc. Họ nghèo hơn chúng ta nhiều lắm, vì tài sản của họ chỉ là 2 bộ đồ và 2 bàn tay trắng. Nhưng họ giàu hơn chúng ta biết bao, bởi họ thật sự có trái tim và tấm lòng. và những người bất hạnh cũng vậy, với họ, sống được thêm một ngày đã là một niềm vui. Có những em bé mồ côi khi bạn mình tắm cho, em ôm lấy bạn mình bi bô câu gì đó, rồi em cười hạnh phúc; có những ông cụ gầy giơ xương ra, khi được phát trái chuối thì bẻ ngay một mẫu cho vào miệng móm mém nhai một cách ngon lành; có những bà cụ già bị bỏ rơi, khi bạn mình kéo tấm chăn lên ngực thì bà nhắm mắt ngay ngủ thật ngon. Ở đây, chẳng thấy ai cần đến thuốc an thần hay thuốc trị trầm cảm, uất ức. Phải chăng sự đơn giản đã giúp tâm hồn người nơi đây thanh thản hơn chúng ta?
Đi 2 tuần trở về, bạn mình nghiệm ra một điều:
Ở đời phải cho đi một chút gì, trong cuộc sống, có những thứ "CHO ĐI" là "ĐÓN NHẬN". Phải chăng hạnh phúc khi "không" chính là "có"? Nắm giữ cho nhiều khi nhắm mắt thì "có" cũng là "không"...
Về đến Mỹ, bạn mình sắp xếp lại thời khóa biểu của cuộc sống.
Dành thêm thời gian quan tâm đến người khác, và tự cho phép mình có những giây phút thảnh thơi_ một mình, với thiên nhiên, hay... chẳng làm gì cả. Tập bỏ bớt các sự ham muốn, sự bám víu vật chất bên ngoài, bớt ngồi chít chát meo (e-mail), face book. Dành thì giờ dạy dỗ các con và chia sẻ với người khác về giá trị thật của hạnh phúc và con người.
Ở một nơi thật xa_ những góc rất khuất của cuộc đời, vẫn có những người tuy bất hạnh nhưng thảnh thơi hơn chúng ta nhiều lắm, tuy tay trắng nhưng lại giàu có hơn chúng ta biết bao...
"Nhà Của Người Sắp Chết", một nơi trông như địa ngục, nhưng với họ lại là nơi gần thiên đàng nhất. Mượng tượng như là có một cái gì xuyên qua vòm trời xanh soi xuống đây, soi thẳng vào nội tâm của mọi người.
Phải chăng lòng thương, biết buông bỏ, không ích kỷ là con đường gần nhất để dẫn chúng ta đến thiên đàng ?
Chợt nhớ 2 câu bất hủ của đại hiền Văn Thiên Tường:
Nhân sinh tự cổ thùy vô tử? (xưa nay có ai không phải chết?)
Lưu thủ đơn tâm chiếu hạn thanh (hãy giữ lấy lòng thương để cuộc sống có giá trị)

Sống là ngẫu nhiên, chết là tất nhiên. Mỗi giây phút đều có người sống người chết; cũng như mỗi giây phút đều có hoa nở hoa tàn. Điều quan trọng là đóa hoa trong cuộc sống của mình có nở hay không? có nở đúng hương vị và sắc thái của nó hay không?
viết một bài thơ tặng các bạn. Đặt tên là:" sống và chết".

Vội sống vội chết vội đi về
Vội được vội mất vội đam mê
Có ai nẻo bước bàn chân vội
"Sinh tử" bước ra dứt não nề

Đáy nước tìm trăng mơ là ta
Đường về cõi Phật không nhớ ra
Bên ni, bên nớ đâu là bến?
"Ngã chấp" buông xuống thấy quê nhà!

Lý Trinh Trường ( biệt danh : Lý đại ngốc )

No comments:

Post a Comment