11/28/17

CÔ GÁI GỌI MẶT TRỜI

“Lắng nghe!..
Trái tim khóc màu riêng vậy”
H.T.T.

Hồi còn là học sinh trường Mỹ thuật, trong một đợt đi thực tế sáng tác ở nông thôn, tôi làm quen được với Út. Út không đẹp lắm nhưng có duyên, nhờ cái lúm đồng tiền tròn vo vo trên má mỗi khi nhoẻn cười.

Bấy giờ Út mới mười lăm tuổi. Mỗi khi rảnh việc, Út thường chạy đến xem tôi vẽ. Út tỏ ra thích những bức tranh tôi thể hiện cảnh đồng quê bằng cách chấm phá những đường nét dân gian trên các mảng màu thật nhạt. Như cảnh bờ ao với một vài con vịt đứng rỉa cánh, cảnh dòng kinh với một con bói cá cắp mồi bay vụt lên, còn để lại dưới nước một vòng tròn lan tỏa. Vẽ chán những cảnh quanh quẩn ở nhà, tôi xoay qua vẽ cảnh mặt trời trên đồng nước nổi. Để vẽ được cảnh đó, sáng nào tôi cũng dậy thật sớm. Khi tôi lịch kịch chuẩn bị các thứ bảng màu, giá vẽ, con dọi, com pa thì Út cũng thức. Tôi ở trên nhà chuẩn bị đồ lề của mình, Út ở dưới bếp nấu nước chăm trà cho ngoại. Ánh lửa rưng rức hắt vào mặt Út , bật lên những viền sáng, tự nhiên gợi cho tôi đề tài về thiếu nữ giữa đồng đứng gọi mặt trời thức giấc.

Tôi nghĩ tới đồng đưng. Những cánh đồng đưng ngút ngát, vào mùa nước nổi bị nhận chìm, trên mặt nước chỉ còn lất phất những đọt lá nào thật cao. Khi mặt trời lên, mặt nước của cánh đồng đưng có màu sắc riêng lạ lắm. Tùy theo sự dày đặc khác nhau của lớp đưng bị nhấn chìm mà sắc màu chuyển động, chuyển động liên tục theo sự phản quang của tia mặt trời ban mai chiếu xuyên qua mặt nước, rọi xuống những cọng đưng tua tủa bên dưới mà dội lại theo những góc gãy khác nhau. Nếu đặt trên nền ấy một chiếc xuồng, một thiếu nữ biết đâu tôi sẽ được một tác phẩm về sức trỗi dậy hoang sơ đầy lãng mạn.

Vậy là tôi hăm hở ra đi, hết ngày này qua ngày khác, cố gắng quan sát thật kỹ để nắm bắt cho được thần thái của sắc màu. Tôi kiên trì thể hiện bằng màu trên giấy không biết bao nhiêu lần. Chừng thấy tàm tạm, tôi mới bắt tay vào thể hiện hình tượng cô gái và mặt trời.
Lấy ai làm mẫu bây giờ? Tôi nghĩ ngay tới Út. Tôi mới dạm hỏi, Út đã cười bẽn lẽn:

– Em xấu thấy mồ, làm mẫu hư tranh anh thì sao?

Ngoại Út ngồi uống nước, hút thuốc, nghe vậy, gõ gõ ngón tay xuống bàn, nói:

– Con nhỏ này thiệt! Mầy không giúp thì còn ai giúp?

Út lại cười. Đôi mắt cũng cười. Mái tóc cũng cười. Cái lúm đồng tiền tròn vo cũng cười.

Đường từ nhà Út ra đồng đưng phải vượt cả một cánh đồng chừng năm bảy cây số; để khỏi mất thời gian của Út, tôi bắt đầu vẽ Út với mặt trời vào mỗi sáng ngay trước cửa nhà. Tôi ngồi sau lái, Út ngồi ở mũi xuồng. Tôi phải bố trí cho chiếc xuồng nằm hơi xéo tia chiếu của mặt trời. Còn Út thì ngồi xếp hai chân về phía sau, người hơi đổ về phía trước, mặt xoay về hướng mặt trời. Một tay cầm mái dầm thả một cách hờ hững trên đùi. Một tay đưa lên trán như kiểu sắp hất cho mái tóc dài xõa về phía sau. Nội chừng ấy thôi, tôi đã mất tới bốn năm buổi sáng, với bảy, tám phác thảo mà vẫn chưa thấy hài lòng. Mỗi lần thấy tôi vẽ xong mà lắc đầu, Út lo lắm. Út nhìn tôi, hỏi một cách vô tư:

-Tại em ngồi mẫu kém phải không anh Ba?  Em mắc tật cứ hay ngọ ngoạy chưn tay làm anh vẽ không được, phải không anh Ba?  Đểmơi em ráng ngồi thiệt êm cho anh vẽ nghe!

Tôi giải thích cho Út hiểu rằng, cái chính không phải là đường nét, mà là sắc màu. Tôi thất bại vì chưa diễn tả được cái đẹp hồn nhiên trong sáng của ánh nhìn trong mắt Út khi những tia mặt trời đầu tiên chiếu vào. Tôi nói với Út:

– Út biết không, khi tia mặt trời đầu tiên chiếu vào mắt em, ánh nhìn của em ngời lên ánh sáng rất diệu kỳ, đẹp không thể tưởng được; sang năm, sang năm nữa, anh quyết vẽ bằng được mới thôi.

Sau nhiều lần phác thảo chân dung tại chỗ, tôi quyết định cùng Út ra đồng để phối hợp xây dựng bố cục giữa thiếu nữ, mặt trời và đồng đưng ngay tại không gian tôi đã chọn.
Ba bốn ngày liền, tôi với Út chống xuồng ra đồng đưng để dựng phác thảo. Điều làm tôi quay quắt nhất là chọn tông màu. Thiên nhiên ngời ngợi màu sắc, tôi không làm việc sao chép lại màu sắc ấy. Cái tôi cần thể hiện là phải tìm bằng được linh hồn của sắc màu, sao cho nói lên được sự yên ắng, hoang dã bật thức dậy trong đôi mắt thiếu nữ gọi mặt trời.

Một hôm, khi đang loay hoay pha màu, tôi bỗng nghe tiếng Út reo lên sung sướng:

– Sếu về! Sếu về rồi anh Ba ơi!

Tôi ngoái lại nhìn. Đẹp quá! Đẹp tuyệt vời! Những cánh bay dìu dịu, nhẹ nhàng như đan vào nhau mà chớp ngọn nắng hừng đông. Cảmột bức tranh hoành tráng chuyển động sắc màu nâu nhạt trên nền trời xanh xám, ửng lên phơn phớt sắc hồng. Phải rồi. Tìm được tông màu rồi. Tôi cảm động đến lịm người.

– Sếu về rừng tràm, về đồng năng đó anh Ba. Vô rừng tràm coi chim đi anh Ba!

Tôi gật đầu với Út. Hai chúng tôi lúc bơi bằng dầm, lúc chống bằng sào, phải gần ba tiếng đồng hồ mới vô tới tràm chim. Những con sếu cổ trụi đứng dầm chân dưới nước như những chấm màu. Thấy người, chúng vỗ cánh bay dựng lên, tạo ra những âm thanh xao xác, mát lạnh tới xốn xang. Bay được một quãng, chúng lại đáp xuống, điểm màu cho đồng năng buổi sáng. Chúng tôi say sưa ngắm đàn sếu cổ trụi hết cả buổi. Con nào cũng to lớn và đẹp một cách duyên dáng. Con thì cần mẩn dùng cái mỏ dài đào củ năng. Con thì ngẩng cao đầu nhìn mặt trời. Nhiều con vỗ cánh nhảy múa những vũ điệu gọi mời hết sức lạ mắt.

Tới trưa, bất chợt một cơn mưa ập xuống. Tôi với Út phải tấp vô rừng tràm, căng tấm vải mủ ra đụt mưa.
Trời cứ mưa mãi. Mưa muốn hết cả buổi chiều. Lạnh và đói. Út nói:

– Dứt mưa, em lên bờ bao đập rắn mối đãi anh nghe anh Ba!

Út đập được một xâu mười mấy con. Tôi gom lá tràm khô đốt lên nướng trui. Thịt rắn mối trắng, thơm và ngọt, ăn không biết chán.

Khi chúng tôi ngồi vào xuồng thì đã xế chiều. Bầu trời vần vũ những đám mây mọng nước. Út giục:

– Bơi lẹ anh Ba! Tối là hết thấy đường đó.

Ai đã sống ở đồng nước mới biết, khi tối trời, đồng nước mênh mông ngút mắt, không còn biết hướng nào ra hướng nào. Quay phía nào cũng chỉ nước là nước, nước quây chóng mặt. Chúng tôi đã lâm vào cảnh đó giữa lắc rắc mây mưa, giữa bịt bùng bóng đêm vây bủa.

– Út ơi! Lạc đường rồi phải không?

– Chớ còn gì nữa. Đâu, ta bơi về hướng có ánh đèn kia kìa. Có gì mình hỏi đường người ta.

Ngọn đèn coi chập chờn, tưởng gần mà tới được đến đó cũng mất gần cả giờ. Đó là ngọn đèn dầu hôi của một thằng nhỏ thắp lên canh chừng vịt. Thấy chúng tôi, nó ngạc nhiên hỏi:
– Uả, anh Hai bị lạc đường sao cà?

Tôi kể cho nó nghe mọi chuyện. Nghe xong nó nói:

– Hai anh em từ sớm tới giờ chưa bỏ bụng miếng nào mà chịu thấu sao. Để tui nấu cháo vịt cho ăn.

Tôi chưa kịp ngăn lại, nó đã vọt lẹ ra gò đất quây vịt, vặn tréo cổ một con. Bầy vịt giật mình kêu quàng quạc.

Ăn uống xong xuôi, thằng nhỏ hấp háy con mắt, nói với tôi, giọng tỉnh queo:

– Tui ngủ xuồng cho, tui có nóp. Anh Hai với đứa em ngủ giường đi. Hồi chiều mắc mưa, ngủ ngoải bịnh à nghen!

Tôi từ chối cách mấy mấy nó cũng không chịu. Cuối cùng, tôi đành phải làm theo lời nó, bảo Út lên giường ngủ. Còn tôi, tôi ngồi hút khan hết điếu thuốc này tới điếu thuốc khác, chong mắt chờ trời sáng.

Quá nửa đêm, Út giật mình thức dậy, nói:

– Anh Ba nằm ké đây mà ngủ. Ngồi đó muỗi ăn thịt à.

Quả là muỗi nhiều thật. Muỗi cỏ trong đồng nhỏ lăn tăn, li ti, bay xám quanh mình, kêu ve ve như sáo thổi. Chúng đốt nhoi nhói, đau và ngứa muốn phát điên lên được.

Mệt quá, chịu hết xiết, tôi buộc phải phủi chân chun vô mùng ngủ chung với Út. Gần sáng, tôi thức giấc, thấy mình đang ôm Út trong lòng; mắc cỡ quá, tôi lật đật ngồi dậy, bước ra khỏi túp lều. Mình thật kỳ, may mà Út ngủ say không biết, chớ không dám độn thổcho rồi.

Sau bữa đó mấy ngày, tôi hoàn thành tác phẩm. Ngoại Út đứng chống nạnh, dòm dòm một hồi rồi nói:

– Chú Ba vẽ y chang con nhỏ. Mà coi bộ còn giống hơn con nhỏ. Dòm vô thấy nó man mác như xa như gần. Giỏi thiệt!

Hết hạn, tôi chép lại một phiên bản tặng Út. Út mừng húm, đòi ngoại mua khung kiếng lồng bức tranh treo lên vách nhà. Vách nhà cặp bằng lá dừa nước xé, còn nguyên sống lá chạy đổ song sóng từ trên xuống, bức tranh nổi lên rất sống động, mặc dù nó chỉ là phiên bản. Cô gái trong bức tranh như đang chớp mắt gọi mặt trời. Mái tóc bay xõa như suối mây, vờn vào không gian thấp thoáng bóng chim, bóng cá, nhòa nhạt bóng nước, bóng trời.

Bảy năm sau, Hội Mỹ thuật tổ chức cho tôi một cuộc triễn lãm chung với hai họa sĩ khác. Hàng ngày, ba chúng tôi thường thả bộ đến gallery, ngồi uống nước quan sát người xem, coi họ đánh giá tranh ra sao. Một hôm có mấy nhà doanh nghiệp Canada tới, họ dừng lại trước bức “Cô gái gọi mặt trời” của tôi. Một người nói bằng tiếng Anh:

– Vẽ rất sống. Vừa hồng hoang vừa hiện đại. Tông màu biến hóa kỳ ảo như huyền thoại. Thiếu nữ trong tranh phải là một người sống rất chân tình. Giá mái tóc được bật sáng thêm chút nữa…

Ông ta đặt cọc bức tranh 200 đô, với giá tự định 1500 đô; cao hơn giá treo tranh của tôi rất nhiều. Một ngàn năm trăm đô với tôi là cả một tài sản. Vợ chồng tôi sống trong một căn phòng tập thể ba chục mét vuông, ăn uống kham khổ. Đứa con trai đầu lòng ba tuổi, lúc nào cũng dệch miệng ra, đòi mẹ mua cho chiếc xe hơi đồ chơi chạy pin, mà chúng tôi không tài nào mua nổi.

Biết tin này, không hiểu sao vợ tôi lại hỏi:

– Này anh, cô Út của anh chắc có chồng rồi nhỉ? Bảy năm rồi còn gì!

Nghe vợ hỏi, tôi sực nhớ tới Út. Nhớ tới buổi sáng chia tay với Út.

Út bơi xuồng đưa tôi ra chợ xã. Dọc đường Út kể đủ thứ chuyện về đồng nước. Chuyện nào cũng chân chất như hột lúa hột cơm mà có duyên hết biết. Gần tới chợ, Út chợt hỏi tôi:

– Anh Ba về thành chắc nhiều con gái đẹp, dám quên ngoại, quên Út lắm nghe.

Tôi nói đùa với Út:

– Con gái thành coi màu mè sặc sỡ, chứ hơn sao được Út mà quên. Với lại, anh là sinh viên, đào đâu ra tiền mà cưới vợ thành phố.Đợi ra trường làm ăn có tiền, thể nào anh cũng về nông thôn cưới vợ.

Út gác mái dầm, nhìn tôi, nói:

– Dóc tổ! Anh Ba mà chịu cưới vợ quê!

– Thiệt chớ! Anh sẽ tìm cưới được một cô vợ giống hệt Út vầy nè!

Út đỏ mặt mắc cỡ, hứ một tiếng, rồi từ đó không nói chyện nữa, chỉ lặng lẽ chèo. Mãi tới khi đã cặp xuồng vào mé chợ, Út mới lại lên tiếng:

– Anh Ba cho Út tấm hình được không?

Tôi không có tấm hình nào. Tôi nói với Út rằng tôi ít chụp hình lắm, suốt ngày chỉ lo vẽ, quên cả đi chơi, đi chụp hình. Nghe tôi nói, Út buồn xịu xuống, mắt rưng rưng muốn khóc. Để an ủi Út, tôi rủ Út vô tiệm chụp hình chụp chung hai anh em một tấm làm kỷniệm.

Bây giờ nghe vợ tôi nói vậy, tự nhiên tôi thấy mình có lỗi. Tôi ăn cơm ở nhà Út cả tháng trời không mất đồng bạc, mà khi trở vềthành, tới một lá thư cảm ơn, thăm hỏi cũng không viết được. Vậy mà khi chia tay, tôi hứa hươu hứa vượn là dứt khoát sẽ về thăm, sẽ viết thư. Lòng đầy ân hận, ngay chiều đó, tôi tìm mua mấy món quà nhỏ, ra bến xe miền tây mua vé về thăm Út.

Tới nơi, cảm giác đầu tiên làm tôi lạnh cả người. Căn nhà vắng đến kỳ lạ. Bức tranh của Út, từ vách lá đã chuyển lên bàn thờ. Trời ơi! Út mất rồi sao? Tôi đau đớn lặng người, nước mắt trào ra mặn đắng. Thắp một nén nhang, tôi đứng lặng, chết trân trước bức phiên bản của tôi về Út.

Thấy có khách, bà hàng xóm chạy qua nói với tôi:

– Chú Ba mới về hả? Ông Bảy đi đám giỗ mơi mới về tới. Chú qua bên tui tắm rửa, ăn cơm! Cũng tới bữa rồi.

Bà hàng xóm thuộc hạng người ruột để ngoài da, bà ta kể tuồn tuột hết mọi chuyện về Út, không cần so đo ý tứ gì.

– Con nhỏ lạ lắm. Ba bốn đám tới hỏi mà nó không ưng, không chịu đám nào. Tía má nó ở xã bên qua ép, nó cũng không chịu. Với ai nó cũng nói, nó có chỗ rồi. Chừng nó bịnh, thấy thương lắm chú Ba ơi! Hễ nằm thiêm thiếp thì thôi, còn thức dậy là ứa nước mắt, hỏi:
“Anh Ba có về thăm chưa ngoại?”. Lúc đầu ai cũng tưởng nó hỏi thăm thằng Ba anh ruột nó, chừng thằng Ba từ biên giới xin về, mới biết không phải. Lúc nó chết rồi, thay bộ đồ cho nó, lục trong túi áo cũ, thấy có tấm hình chú Ba chụp chung với nó. Chèng ơi! Con nhỏ trông chú Ba mỏi con mắt. Chú thiệt là tệ! Đi gì đâu biệt tăm hơi, không biên cho nó được lá thư!

*

Trở về nhà, tôi kể lại mọi chuyện cho vợ tôi nghe, vợ tôi buồn bã nói:

– Anh ạ! Đừng bán bức tranh nữa. Cả hai đứa mình đều có lỗi với Út. Bán bức tranh đi, mình mắc tội với Út không biết bao nhiêu lần mà kể.
Hồ Tĩnh Tâm

No comments:

Post a Comment