6/19/15

BỐ Tôi

    Mỗi buổi tối, sau bữa cơm bố tôi khen :" Hôm nay mẹ mày nấu ăn ngon qúa, cám ơn." rồi ông đặt chén xuống mâm, thong thả rời phòng ăn để lên nhà trên ngồi uống trà, hay đọc báo. Chúng tôi cũng ăn xong cơm tối, mấy đứa em nhỏ thì chạy theo bố, còn mấy đứa lớn thì giúp mẹ tôi dọn dẹp dưới bếp. Khi nào xong thì sẽ lên sau để cùng bố tôi trò chuyện. Thường những câu chuyện mà chúng tôi gặp ở trường học, những câu hỏi ở trong lớp, hay những câu hỏi có liên quan đến bài vở mà chúng tôi không hiểu. Trong mắt chúng tôi, bố tôi là người rất thông minh, câu hỏi nào của chúng tôi cũng được ông giải thích thật minh bạch, rõ ràng và dễ hiểu.

     Tôi và Tâm, người em gái kế còn dọn dẹp dưới bếp, nghe tiếng gọi của bố tôi vọng xuống:
- Linh và Tâm xong chưa con?
- "Dạ xong rồi bố"... chúng tôi cùng lên tiếng thật to, rồi vội lau tay chạy lên ngồi bên bố tôi. Ông hiền từ hỏi nhỏ nhẹ:
- Hôm nay chúng con học hành ra sao? Cô giáo Tài có khỏe không con?
- Dạ thưa bố, cô giáo con hôm nay cho chúng tập thể dục vui qúa. Còn bài học cho ngày mai thì con đã làm xong khi mới đi học về hồi chiều. Vậy là tối nay chúng con được đi ngủ sớm đó bố.
      Bố tôi cười rồi quay sang nói chuyện với mẹ tôi, bà ngồi ở cái ghế dành riêng cho bà ở cuối bàn, hai tay thoăn thoắt đan cái áo len xanh cho Tịnh, người em trai kế tôi.
- Thế " Toi" cắt mấy cành hoa để ngày mai các con đem đến lớp tặng cô giáo nhá. Hoa Thược Dược nở đầy ngoài vườn trông đẹp qúa. Bà Giáo Tài chắc thích lắm đấy.
      Mẹ tôi chỉ mỉm cười khẽ gật đầu mà không nói tiếng nào. Bàn tay bà vẫn nhanh nhẹn đan từng mũi len để cho xong chiếc áo.

Những buổi tối bình thường như thế kéo dài năm tháng....Bố tôi vẫn đi làm mỗi ngày. Mẹ tôi vẫn ở nhà lo cơm nước cho chồng con. Bà may từng tấm áo cho chúng tôi; bà thu dọn nhà cửa sạch sẽ và nhất là đám hoa Thược Dược trước nhà do bà chăm sóc, tưới bón để chúng tôi đem đến trường cắm vào bình để bên cạnh bàn của cô giáo chúng tôi.
      Chúng tôi đã lớn, đôi khi chúng tôi hỏi bố tôi về chuyện sao bố gặp mẹ, chuyện ngày xưa của bố, của mẹ, nhưng những lần như thế, bố tôi thường chỉ gãi đầu, cười nhẹ và bảo nhỏ:
- Chuyện ấy hả? Để hôm nào bố rảnh bố sẽ kể cho chúng con nghe. Rồi ông nhìn mẹ tôi và nói với chúng tôi:
- Chúng con hỏi mẹ con xem sao? Rồi ông nhìn sang Mẹ tôi thầm hỏi. Mẹ tôi chỉ mỉm cười nhìn ông âu yếm rồi bảo chúng tôi sửa soạn đi ngủ, vì sáng mai còn phải dậy sớm đi học.
      Chúng tôi cùng Ồ lên một tiếng thật nũng nịu nhưng cũng theo lời bố mẹ vào phòng, tắt đèn đi ngủ.
      Những đóa hoa Thược Dược trắng như tuyết, tươi rói trong sương sớm được mẹ tôi cắt vài cành trao cho tôi và dặn:
- Con cắm hoa này vào bình và nhớ cho nước vào kẻo nó tàn. Con để trên bàn cô giáo của con, chắc cô thích lắm đấy.
- Dạ, con sẽ cắm vào bình của cô ở trên bàn trước khi cô đến lớp.
      Mẹ tôi còn dặn dò phải cẩn thận kẻo gẫy cành thì uổng lắm. Tôi nhìn mấy đóa hoa mà thầm ngưỡng phục mẹ có tài trồng hoa. Chúng tôi cùng cắp sách đến trường trong lòng vui rộn rã. Bốn chị em chúng tôi cười nói liên miên, tâm hồn trong trắng của tuổi học trò sao mà đẹp và hồn nhiên vô tận. Con đường dù dài nhưng như thâu ngắn lại, chúng tôi đã đến trường lúc nào không hay.
      Bà giáo tôi bước vào lớp, cả bọn đứng lên chào. Bà vừa khoác tay cho chúng tôi ngồi xuống và đôi mắt bà sáng hẳn lên khi nhìn thấy bình hoa tươi được đặt trịnh trọng trên bàn. Bà đưa tay nâng nhẹ một đóa hoa rồi cúi xuống ngửi. Bà nhìn chúng tôi thầm cám ơn và hỏi:
- Hoa vườn nhà ai mà đẹp thế?
     Tôi đưa tay lên thưa:
- Thưa cô, của bố mẹ con ạ. Bố mẹ con nói con đem vào biếu cô.
- Thế thì con về nói cám ơn bố mẹ con nhá. Cô cũng cám ơn con đem đến cho cô. Hoa đẹp qúa.
      Cô giáo của tôi là một người rất phúc hậu. Cô dạy dỗ chúng tôi hết lòng. Cô đã lớn tuổi, đôi khi cô bảo chúng tôi gọi cô là bà, nhưng khi cô giận cô bảo không được gọi bằng bà nữa mà phải gọi bằng cô. Cô theo chúng tôi từ mẫu giáo lên lớp ba, rồi lại trở về dạy mẫu giáo. Chúng tôi thay phiên nhau hái hoa tươi chưng bày trên bàn của cô, mỗi ngày một bình hoa mới, chúng tôi làm cô vui, cô làm chúng tôi hãnh diện là những đứa học trò ngoan. Bố mẹ chúng tôi vui vì các con của ông bà học giỏi và lễ phép. Cô tôi thường khuyên nhủ chúng tôi:
- Các con ráng học cho giỏi, mai sau các con cũng trở thành cô giáo hay thầy giáo như cô nhá. Chúng tôi bẽn lẽn cười rồi đồng "dạ" lên một tiếng thật to. Cô bắt đầu giảng bài, trong khi chúng tôi cùng ngồi im lặng để nghe cô. Giọng nói của cô vang lên đều đặn, đôi khi cô nhìn ra sân trường rồi lại quay về với chúng tôi. Tình thầy trò giờ nghĩ lại thấy thấm thía vô cùng.
      Khu vườn đầy hoa lạ và đẹp do mẹ tôi vun trồng và chăm sóc càng ngày càng tươi tốt. Cô giáo của chúng tôi mỗi ngày có bình hoa mới cắm trong bình chào đón cô mỗi khi cô vào lớp. Chúng tôi theo gió và hoa đã khôn lớn theo thời gian. Tôi và Tịnh người em trai kế đã ra trường và thi đậu vào trung học. Ngôi trường tiểu học yêu qúy của chúng tôi vẫn còn đó cho những thế hệ đi sau. Các em nhỏ của tôi lại thay chị mang vào lớp những đóa thược dược tặng cô giáo. Chúng tôi không còn nũng nịu bên bố mẹ như xưa. Mỗi đứa có một riêng tư trong suy nghĩ, trong lời ăn, tiếng nói. Nhưng bố mẹ tôi vẫn đều đặn cắt hoa cho những đứa em còn theo học với cô giáo Tài.
      Ngày Tịnh và tôi lên trung học, bố mẹ tôi đứng ở đầu ngõ nhìn chúng tôi âu yếm và dặn dò:
- Trông các con hôm nay đẹp qúa. Bố mẹ rất hãnh diện. Các con đi cẩn thận, ráng học cho giỏi. Chiều bố mẹ và các em chờ con về ăn cơm.
      Tôi và Tịnh dắt hai chiếc xe đạp mới toanh mà bố tôi mua cho chúng tôi. Tôi vui hơn bao giờ hết vì từ nay sẽ đạp xe đạp xa hơn, được chạy cho bằng thích. Tịnh khều nhẹ tay tôi:
- Dám chạy đua không?
- Sợ gì, nhưng phải đợi chị cột áo dài lên đã.
      Thế là hai đứa cắm cúi đạp xe lên dốc, xuống đồi, chạy quanh bờ hồ Xuân Hương để đến trường. Em trai tôi đến trường Trần Hưng Đạo; còn tôi dắt xe lên dốc Bùi thị Xuân. Ngày này qua ngày khác, dù trời nắng hay mưa, chúng tôi vẫn đạp xe đến trường, học hỏi nhiều hơn, thông minh hơn và lớn hẳn lên.
      Bố tôi vẫn đi làm đều đặn, dạy dỗ và đùm bọc chúng tôi rất chu đáo. Mỗi buổi tối ngồi bên bố nghe kể chuyện hay bố giảng thêm cho các con hiểu về bài học, bố tôi thường khuyên nhủ: "các con nên cố gắng học, nhà mình nghèo nhưng bố tin tưởng vào sự cố gắng học hỏi của các con. Mai này khôn lớn, các con đem hết số vốn tìm được ở nhà trường, công trình giảng dạy của thầy cô đã vun trồng trong trí óc của mỗi chúng con và đem sự hiểu biết, thành công ở nhà trường mà chúng con lấy đó làm căn bản cho chính mình, đổi lấy miếng cơm, manh áo cho đời sống, cho xã hội. Đó là cái gia tài qúy báu của bố mẹ để lại cho chúng con. Tiền bạc dù có hay không thì các con tự làm lấy mà ăn. Mình có hai tay, hai chân nhưng chỉ có một khối óc, mình phải tự mình nuôi lấy mình, không xin ai, không cầu ai, lấy lương tâm và lý trí mà sống. Điều đó làm bố mẹ mãn nguyện rồi, bố tin các con không phụ lòng bố mẹ".
      Buổi tối đen hơn, ngọn đèn làm chúng tôi hoa mắt. Những đôi mắt lim dim như nhắc nhở chúng tôi đi ngủ. Bố tôi vuốt nhẹ mái tóc tôi và em tôi, nhìn chúng tôi thật âu yếm rồi ông vươn vai: thôi, các con đi ngủ nhá, ngày mai bố phải đi làm sớm, thôi đi ngủ đi...
       Tôi nhớ lại bố tôi kể câu chuyện ngày xưa của bố. " Sao bố gặp gỡ mẹ?" Cũng vào những đêm quây quần bên bố, tôi bắt đầu hỏi và bố tôi kể lại chuyện xưa thật lý thú. Hồi ấy bố còn là một thanh niên rất đẹp trai, đang theo học một trường trung học Pháp ở Hà Nội. Ông nội và bà nội bị đấu tố và chết đi. Bố được người anh bao bọc và nuôi nấng, hai anh em nhường cơm, xẻ áo vì anh của bố tôi đã lập gia đình, nhưng không có con. Bố tôi nghỉ học kiếm việc làm giúp anh mình vì bố tôi ở chung nhà với anh mình.
       Bố tôi có chiếc xe đạp cũ, ngày ngày với công việc tìm ở chợ. Khi thì kèm học cho các con của ông giáo cuối phố; khi thì chở hàng dùm cho mấy bà bán hàng rong ngoài chợ; khi thì bán kẹo ở đầu phố....kiếm được đôi ba đồng thì bố tôi đưa cho anh. Ngày nọ bà ngoại tôi không được khỏe trong người, nên nhờ hai đứa con gái lớn của bà ra chợ bán hàng giùm mẹ. Lúc ấy mẹ tôi và dì tôi còn đang đi học nghề thợ may, việc gánh hoa ra chợ cũng khó khăn. Mẹ tôi gánh một quãng thì dì tôi gánh một quãng. hai chị em thay phiên nhau gánh thì gặp bố tôi ngỏ ý:
- Hai cô có cần tôi chở giùm không? Tôi vẫn chở giùm cho bác Cống trên đường này, hôm nay tôi không thấy bác ....
Hai chị em nhìn nhau rồi chị của mẹ tôi hỏi:
- Thế anh tính bao nhiêu tiền từ đây ra chợ? Chúng tôi không biết mẹ tôi trả anh bao nhiêu.
- Ồ, thế hai cô là con của bác ha? Bác bận hay sao mà hai cô phải gánh hàng nặng qúa...
- Cám ơn anh. Mẹ tôi không khỏe lắm...
     Thế là bố tôi quen với dì và mẹ tôi từ đó. Bố tôi vẫn giúp bà ngoại tôi mỗi ngày, riêng mẹ tôi được bố tôi chở về sau khi tan trường học may vá; nhưng chỉ chở được về hơn hai phần ba quãng đường rồi phải để mẹ tôi về một mình, vì sợ người nhà bắt gặp và nếu ông ngoại tôi biết được thì sẽ bị một trận đòn nên thân.
      Nhưng có người hàng xóm trông thấy, mách với ông ngoại tôi.
- Tôi thấy con gái ông được cậu gì chở trên xe đạp. Cậu ấy con nhà ai mà trông mặt mày sáng sủa ra phết. Cậu ấy tên gì thế hở ông? làm gi? ông biết không?
      Ông ngoại tôi không nói một lời. Bà ngoại tôi biết nhưng muốn che chở cho con , nên bà nói:
- Ô, Cậu Minh ở trên Hà Nội. Cậu ấy hay chở hàng giùm tôi ra chợ mỗi ngày đấy mà. Chắc hôm nay cậu ấy giúp cái Lan một khúc đường ấy mà. Giỏi giang thế, thật tội nghiệp...
      Chiều hôm ấy mẹ tôi hồn nhiên bước vào nhà thì thấy ông ngoại tôi ngồi chờ ở nhà ngoài. Mẹ vòng tay thưa:
- Thưa bố, con mới đi học về,
- Để sách vở xuống bàn, ngồi xuống đây cho tôi hỏi chuyện.
       Biết chuyện không may đã xảy ra, bà ngoại tôi chạy lên thì ông ngoại tôi đã quất cái roi mây trên lưng mẹ tôi và mắng:
- Mày đã quen với thằng nào? Con gái thế là hư. Thằng đó con nhà ai? Làm gi? Ở đâu? Mày phải khai không thì ông đánh cho mà chết. Từ nay tao nhốt mày ở nhà, không cho đi học nữa. Con gái thế là hư hỏng... Vừa nói, ông vừa đánh mẹ tôi. Ông lục trong cái cartable của mẹ xem tìm được gì. Nào kẹo bạc hà mà bố tôi tặng mẹ; nào những lá thư mà bố tôi viết cho người bố yêu. Riêng bức hình của bố tôi thì mẹ tôi cất giữ trong túi áo, xếp cẩn thận trong cái phong bì để khỏi hư, thỉnh thoảng đem ra nhìn lén, thế mà cũng bị ông ngoại tôi tìm được. Ông ngoại tôi đọc to lá thư của bố tôi viết cho mẹ tôi như một lời thú tội. Ông càng giận hơn khi biết bố tôi không còn bố mẹ, sẽ không môn đăng hộ đối như ông vẫn nghĩ.
      Em yêu qúy của anh,
Thế mà chúng mình quen nhau đã được một năm rồi em nhỉ? Anh sẽ ráng đem sức học của anh để tìm việc khá hơn cho tương lai chúng mình. Em tin tưởng vào anh chừng vài tháng nữa, anh sẽ nhờ anh Đăng thay mặt bố mẹ anh qua nhà xin làm lễ cưới. Có em bên cạnh, hai ta sẽ vui và hạnh phúc hơn. Tình thế hiện nay chưa biết ra sao. Anh nghe nói tháng tới thì họ cho một số dân tản cư vào Nam, em có dám theo anh không?
Em hãy nghĩ kỹ rồi cho anh hay. Chúng mình sẽ có một gia đình riêng, em sẽ là người vợ hiền yêu qúy của anh. Anh sẽ bảo bọc và cùng em xây dựng một tương lai sáng sủa hơn.
Em yêu qúy của anh. Anh chẳng mong gì hơn.
Anh,
Minh
      Mẹ tôi khóc và bà ngoại tôi rất buồn vì không can giúp được gì cho con, vì ông ngoại tôi rất nghiêm khắc. Ông biết được bố tôi còn tìm mánh lới dẫn mẹ tôi trốn vào miền Nam nên mẹ tôi bị giam cầm không được đi học nữa. Ở nhà mẹ tôi chỉ biết khóc và lo âu, vì từ nay sẽ xa bố tôi mãi mãi...
      Bố tôi biết chuyện vì bà ngoại tôi kể lại cho bố tôi nghe. Bố nói với bà ngoại tôi sẽ cố gắng đi làm để một ngày qua cầu xin cưới con gái bà. Bố tôi thẫn thờ, nhớ nhung mẹ tôi. Tấm lịch treo tường cứ dần vơi, cái đồng hồ cứ quay vòng theo ngày tháng, tình của bố tôi cho mẹ tôi càng mãnh liệt trong chờ đợi.
      Ông bác tôi bước vào nhà và trao cho bố tôi mảnh giấy màu vàng nghệ. Bố tôi mở ra đọc: "Anh, em đang ở nhà bác Phòng. Ngày mai anh đến đón em sẽ nói chuyện nhiều hơn. Mong anh. Lan"
      Bố tôi mừng qúa hỏi bác Đăng. Bác kể bà ngoại tôi thương con gái, không muốn con gái buồn nên đã nhờ bà bạn ở trên Hà Nội cho con mình tá túc. Bà ngoại tôi còn nói riêng với bác Đăng nhắn giùm: Cậu bảo cậu Minh ráng săn sóc con Lan của tôi, tôi không muốn con gái tôi cực khổ như tôi. Tôi tin tưởng nếu cậu ấy thương con gái tôi thật lòng thì mau mau ra khỏi miền Bắc tù đày này. May ra trong Nam có phần sung sướng hơn. Bà ngoại tôi lau nước mắt rồi quay qua ôm mẹ tôi, hai mẹ con khóc như mưa rồi bà ngoại đi về với gánh hàng đã vơi. Bà ngoại tôi biết trong ba đứa con gái của bà, mẹ tôi là đứa con ngoan nhất, giúp đỡ bà nhiều nhất. Bà ngoại tôi là vợ cả của ông ngoại tôi, nhưng vì bà không có con trai cho ông nối nghiệp tông đường, nên ông cho bà ngoại và ba đứa con gái ở riêng căn nhà ngoài. Sau khi ông có con trai với bà vợ kế thì mẹ tôi cùng hai chị và bà ngoại được ông ngoại đối xử tàn nhẫn. Bà ngoại tôi phải lo cơm nước cho ông và vợ ông, còn mẹ tôi phải trông em con của bà hai cho ông ngoại, tắm rửa, giặt quần áo v.v... Bà ngoại tôi không trách ông ngoại tôi, nhưng thương thầm cho các con riêng của mình và mong con mình thoát ra khỏi vòng đầy ải trong gia đình.
      Bố tôi tìm được mẹ tôi. Hai người mừng còn hơn trúng số độc đắc. Bố tôi theo anh của bố là bác Đăng cùng mẹ tôi tản cư vào Nam năm 1945. Chuyến tàu cùng một đoàn người vượt tuyến xuôi Nam. Chiến tranh lúc ấy đã bùng nổ ở khắp nơi, nạn đói ở miền Bắc đã bắt đầu hoàng hoành, người chết nằm ngổn ngang ngoài phố. Bố tôi và mẹ tôi nhìn nhau rồi bật khóc, nghĩ đến những người còn ở lại mà buồn.
      Chúng tôi ra đời ở Đà Lạt. Một thành phố êm đềm và thơ mộng mà bố mẹ tôi đã chọn để sinh sống. Bên kia núi cao, bên này thung lũng thấp; cây cối xanh tươi và khí hậu trong lành. Đà Lạt là một thắng cảnh của Cao Nguyên, văn hóa cao vì nhiều trường học. Người dân hiền hòa và lịch sự. Bố tôi rất mãn nguyện.
      Đến năm 1954, có một số người miền Bắc di cư vào Nam, lúc ấy vào mùa Hè, trường tiểu học của chúng tôi trở thành nơi tiếp đón và chỗ ở tạm cho những người mới đến. Bố tôi có đến thăm và dò hỏi tin tức xem có thân nhân của mẹ tôi không, nhưng những người mới đến rất xa lạ. Bố tôi buồn cho mẹ tôi, nhưng thời gian trôi qua cho đến ngày 30-4-1975.
      Bố tôi ở lại vì nhà có nuôi một con chó mẹ và bảy con chó con của nó. Bố tôi không nỡ bỏ nhà để chạy vào SàiGòn với chúng tôi, vì cô em gái của tôi có chồng làm cho tòa đại sứ Mỹ, có giấy tờ được đi định cư ở Mỹ. Ông sợ không ai săn sóc chúng, vả lại nếu ông vào Sàgòn thì nhà sẽ không còn khi chúng tôi trở về. Ngày chúng tôi đi thì bố tôi còn kẹt lại ở Đà Lạt. Bố tôi nói với chúng tôi rằng bố sẽ đi sau nếu tình hình cho phép. Nhưng khi Việt Cộng tràn vào thành phố Đà Lạt thì có lệnh giới nghiêm 24/24. Bố tôi bị kẹt lại trong căn nhà mà bố tôi đã xây cất cho chúng tôi, nhưng cũng bị chúng tước đoạt và bố tôi ở trong căn bếp phía sau nhà.
      Hai mươi năm sau, bố tôi được VC cho phép qua Mỹ với chúng tôi theo diện bảo lãnh của thân nhân. Bố tôi đã già vì chúng không muốn ông ở lại vì không giúp được gì cho chúng. Mẹ tôi đón ông ở phi trường Denver, chúng tôi nhìn bố trong màn lệ. Cả gia đình đoàn tụ như xưa. Bố tôi thường hay ra vườn ngắm những bụi hoa thược dược mà mẹ tôi chăm sóc như ngày còn ở Việt Nam. Bố tôi vuốt từng chiếc lá và nói với mẹ tôi: ở đây, đến cái lá cũng không bị rách, bù với VN miếng sắn cũng không có mà ăn.
       Bố tôi mất trong vòng tay của mẹ tôi sau cơn bệnh. Chúng tôi có mặt đầy đủ trong giờ phút cuối cùng của bố. Tôi biết bố tôi cười mãn nguyện vì các con của bố đã thành công trên đường đời, đã trở thành những công dân có ích cho xã hội.
       Hôm nay là ngày lễ của Cha. Chúng con xin dâng bố những đóa hoa Thược Dược trong chiếc bình trắng này. Những đóa hoa mà bố yêu thích vì mẹ chúng con chăm sóc, vun trồng như mẹ đã săn sóc chúng con. Con biết bà giáo Tài cũng mỉm cười vì ngoài vườn hoa vẫn nở đầy lung lay trong gió thoảng.
Linh Đắc
Để tưởng nhớ đến Bố Tôi.

No comments:

Post a Comment