2/16/15

Ðám giỗ Thầy Phó Bá Long

Thưa quí bạn,
Hàng năm phần đông người Mỹ đều mong chờ đến ngày lễ President Day để weekend đó được nghỉ ba ngày liền. Ngày lễ luôn vào thứ hai. Tôi cũng vẫn mong đợi ngày này để đến đôt nén hưong tuởng niệm Thầy Phó Bá Long.


Thầy qua đời vào lúc 11 giờ đêm ngày 02/17/2009. Gia đình chọn dịp lễ này, sớm hơn hai ngày,  làm giỗ để bà con tiện đến đông đủ.

Từ ngày qua Mỹ (1984) tôi vẫn ở lẩn quẩn trong county Fairfax tiểu bang Virginia. Như vậy, cũng có thể đuợc gọi là chung một thành phố với Thầy. Tiện lợi này làm tôi có dịp thăm viếng và trò chuyện với Thầy nhiều hơn. Tôi hiểu Thầy khác với cái cách mà rất nhiều nguời đã hiểu. Thoạt đầu tôi suy nghĩ phải có bổn phận viết ra, nhưng đắn đo và cuối cùng thấy không cần thiết; bởi lẽ:
Thứ nhất, tôi không thể tự tiện làm một chuyện tài khôn, vì rằng nếu tôi có xin phép thì thầy vẫn từ chối. Thôi viết làm gì!
Thứ hai: Thầy là nguời trong cuộc, những bình phẩm về Thầy, thầy đều biết, nhưng với Thầy điều đó không quan trọng. Ai khen thì tốt, ai chê thì có quyền chửi. Tự do mà! Thầy khoan dung tự tại, việc gì mình thấy đúng thì cứ làm.
Tôi quan sát, nghiền ngẫm bỗng ngộ ra rằng, ngoài chuyện Thầy là thầy dạy của mình,Thầy còn là một bậc trưởng thượng khả kính. Tôi uớc ao khi lớn tuổi mình cũng sẽ có những đức tính như Thầy; tuy nhiên, vẫn luôn có một khó khăn cách  biệt.
Với tôi, san bằng đuợc phi lý lố bịch là một thứ hạnh phúc. Với Thầy nhẫn nhịn đuợc mới thật sự là hạnh phúc. Ngưỡng mộ Thầy, rất muốn đuợc như Thầy nhưng mỗi lần đến thăm Thầy dù thấy gần gũi truớc mặt, nhưng mơ hồ tôi cảm nhận Thầy như ở một cõi giới xa xăm mà tôi không vươn tới đuợc!
Thầy là một con chiên thuần thành. Khi mới tỵ nạn bà con Công giáo còn bơ vơ lạc lõng rất cần một nơi thờ phương trong một môi truờng gần gũi tưong ái, Thầy đã phụ giúp các linh mục xin thành lập giáo xứ Arlington. Công việc chính là của các linh mục, Thầy chỉ là một giáo dân phụ giúp. Nhờ không bị ràng buộc ngôn ngữ, vô hình chung Thầy là nhân vật chính. Trong ngày đọc đơn thỉnh nguyện thay vì đứng đọc, thầy đã quì đọc giữa nhà thờ. Thầy cung kính hạ mình nhưng bà con đã vô cùng cảm xúc và trọng vọng. Ðến nay trong họ đạo nhiều nguời lớn tuổi vẫn còn nhắc.
Bữa ăn sáng chung với nhóm K1 vào chủ nhật ngày 02/08/15 vừa qua tôi có nhắc tuần sau là đám giỗ Thầy Phó Bá Long thì không ai bàn luận thêm tiếng nào. Xin trình bày lại bằng một cách khác để thấy trong cái trống rỗng còn có cái thấm thía ngậm ngùi; nghĩa là, khi tôi thông báo đám giỗ Thầy Phó Bá Long thằng nào cũng nín thinh.
Bởi vậy tôi đi một mình.
Năm ngoái tôi đã gợi ý với Huỳnh Trung Trực rằng chờ chừng nào đám giỗ năm năm của Thầy anh em DC mình phải làm cho lớn
Trực hỏi nguợc lại: Bộ mầy muốn chọc cho tụi nó chửi hả?
Tụi nào chửi?
Tại sao phải sợ?
Một thiên cố sự kể rằng bên Tàu có một dũng sĩ bị bạo chúa xử chém, bỏ xác giữa chợ để thị uy. Một người bạn ra ôm thây than khóc. Ngày hôm sau người chị của kẻ bị chém cũng ra ôm thây than khóc. Chòm xóm bảo chị phải trốn đi, ló mặt ra không khéo sẽ bị liên lụy. Ngưòi đàn bà trả lời : “Thằng kia chỉ là bạn của em tôi mà dám liều thân tận tình tận nghĩa. Còn tôi là chị ruột chẳng lẽ sợ chết mà quên tình cốt nhục sao?
Biết ôn cố tri tân là một cách giữ gìn phẩm chất.
Giả dụ nếu Thầy về Việt Nam làm ăn lớn rồi thành đại gia, chuyện gì liên quan tới trường tới học trò thì Thầy đãi tiệc đãi tùng, thì số học trò tham gia chửi bới Thầy thật sự sẽ còn lại là bao nhiêu.
Một truờng hợp thực tế đã chứng minh.
Vây thì hợp lý ở đâu? Công bằng ở đâu? Trí tuệ ở đâu? Liêm sỉ ở đâu?
Mặt khác, giả dụ rằng trong một tưong lai nào đó khi minh bạch ra rẳng những việc Thầy làm đã gián tiếp tác động đến bước đầu thay đổi của nhà nuớc Việt Nam thì liệu những người bộp chộp a dua theo ngoại tộc để mạ lỵ Thày có đứng trước gương tự vấn về trình độ và tư cách của mình không
Những chi tiết này một Thụ Nhân khác nắm rõ hơn tôi , nhưng anh vẫn im lặng. Có thể do khôn ngoan anh thấy rằng ách giữa đàng tự nhiên sao lại phải mang vào cổ; hoặc giả, anh thấy rằng chưa đúng lúc. Thiên hạ còn quá nhiều thành phần cố chấp nói ra chỉ uổng lời. Nhưng cứ thử chờ xem!
Dân tộc là trường tồn. Chủ nghĩa, chế độ, chính quyền là thành phần ăn theo giai đoạn
Chúng ta đâu vì thù ghét chế độ mà quay lưng với dân tộc. Thời đại nào mà dân trí cao, thời đại đó đất nước quang vinh. Làm sao để phát triển dân trí? Chỉ có giáo dục. Chịu nhọc, chịu khó, chịu búa rìu dư luân, thầy Phó Bá Long đã lặn lội, len lỏi cầu xin để có cơ hội gieo hạt giống giáo dục lên một miền đất khô cằn văn hoá. Ðến lúc chết, thầy đã gục trên phím computer với nhưng hoài bão chưa thành
Ôi! Đau buồn thưong nhớ!

Chúng ta quá nhỏ bé truớc lịch sử, những gì thuộc về lịch sử nên để lịch sử phán xét.
Ngày hôm nay chủ nhật 02/15/15 trời quá lạnh, trên xa lô gió lắc lư tay lái, bà con già cả  đến được duy nhất người em gái 86 tuổi của Thầy. Những năm trước rất đông đủ. Khi tôi được giới thiệu là học trò cũ của Thầy hồi ở Dalat thì một bà cụ đứng gần nhìn tôi giọng chậm chạp yếu ớt:
Ồ! Quí hoá! Quí hoá!
Giọng nói Bắc Kỳ có những tiếng dù gộp lại chưa đủ thành câu nhưng khi lọt vào lỗ tai đã nghe như muốn rơi nước mắt. Bà cảm động một, tôi cảm động mưòi.
Từ vô thức như có tiếng nói vọng về: Ngày nào tôi còn sống, còn ở thành phố này mà không nhớ đến đám giỗ của Thầy là tôi rất lỗi đạo
Từ chốn linh thiên mong Thầy chứng giám.
Nguyễn Thanh Nhàn K1 (Email 15.02.2015)
1/Xem lại một hình ảnh xưa:

2/ Xem lại những dòng phân ưu cũ:
http://mocay.org/forum/viewforum.php?f=137





































No comments:

Post a Comment