Trọng Nghĩa (RFI)
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng (T) và Chủ tịch Ủy ban Châu Âu José Manuel Barroso, tại Bruxelles. Ảnh ngày 13/10/2014.Reuters
Trong khuôn khổ vòng công du Châu Âu, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã hội đàm với Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Manuel Barroso ngày 13/10/2014 tại Bỉ. Hà Nội và Bruxelles đồng ý đẩy mạnh các cuộc thương thuyết về một hiệp định tự do mậu dịch song phương để có thể ký kết trong "một vài tháng tới".
Phát biểu với báo chí sau cuộc họp, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh cả Hà Nội lẫn Bruxelles đều đánh giá rằng Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-Liên Hiệp Châu Âu (tên tắt tiếng Anh là EVFTA) « có thể giúp hai bên giải quyết các thách thức kinh tế hiện nay và trong tương lai ». Trên cơ sở đó, theo ông Dũng, hai bên đã : « Nhất trí tăng cường hoàn tất đàm phán để có thể ký EVFTA trong một vài tháng tới ».
Việt Nam không quên yêu cầu Liên Hiệp Châu Âu công nhận quy chế kinh tế thị trường đầy đủ cho Việt Nam vào cùng thời điểm hai bên kết thúc đàm phán về hiệp định tư do thương mại.
Liên Hiệp Châu Âu đóng một vai trò quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam, một vai trò đã được chính Chủ tịch Ủy ban Châu Âu José Manuel Barroso nhắc lại trước báo chí :Thị trường xuất khẩu cũng như đối tác thương mại thứ hai của Việt Nam, đồng thời là một trong những nhà đầu tư hàng đầu.
Đẩy mạnh quan hệ với châu Âu để giảm bớt lệ thuộc vào Trung Quốc
Theo một số nhà phân tích, Việt Nam đang mong muốn thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quan hệ thương mại với Liên Hiệp Châu Âu nhằm giảm bớt sự lệ thuộc kinh tế của Việt Nam đối với Trung Quốc, nhất là sau khi Bắc Kinh lộ rõ tham vọng bành trướng tại Biển Đông, với vụ hạ đặt giàn khoan HD-981 trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam vào tháng Năm vừa qua.
Theo chuyên gia Đức Martin Grossheim tại Đại học Passau, chính vì muốn thoát khỏi sự lệ thuộc vào Trung Quốc, mà Việt Nam đã thúc đẩy mạnh mẽ các cuộc đàm phán thương mại với Liên Hiệp Châu Âu.
Trả lời đài Truyền hình Đức Deutsche Welles ngày 13/10/2014, ông Grossheim nhận định rằng Việt Nam mong đợi không chỉ lợi ích kinh tế, mà cả lợi ích chính trị chiến lược, vừa giảm được mức lệ thuộc vào Trung Quốc, vừa lôi kéo được Liên Hiệp Châu Âu can dự nhiều hơn vào khu vực.
No comments:
Post a Comment