Showing posts with label Việt Nam Phong Tục. Show all posts
Showing posts with label Việt Nam Phong Tục. Show all posts

1/12/24

Làng người Kinh ở Trung Quốc

 Bài và ảnh: Lê Phong - Người Lao động

Người dân tộc Kinh hát quan họ Bắc Ninh, nói tiếng Việt tại Trung Quốc

Dân tộc Kinh ở Trung Quốc giao tiếp hằng ngày bằng tiếng Việt, ăn nước mắm và hát dân ca quan họ Bắc Ninh.

Đó là những người gốc Việt lưu lạc đến đây hơn 500 năm và hiện định cư tại khu vực Tam Đảo (thuộc xã Giang Bình, thị trấn Đông Hưng, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc), cách cửa khẩu Móng Cái của Việt Nam hơn 25 km.

"Người Kinh mình phải không?"

Khi chúng tôi vừa đặt chân đến đình An Nam nằm tại làng chài Vạn Vĩ, bà Tô Tiết đến nắm chặt lấy tay, hỏi rõ: "Người Kinh mình phải không?". Dứt lời, bà vội quay sang kêu chồng con và cả những người hàng xóm chạy ra để trò chuyện.

Tất cả xôn xao như vừa nhận được một tin vui. Thậm chí từ cuối xóm, hai bà lão ngoài 80 tuổi cũng chống gậy lần từng bước chân tới sân đình gặp chúng tôi. "Người Việt Nam sang đây chơi hả?", "Người Kinh đi thăm người Kinh đây nè"… là những câu mà hai cụ hỏi liên tục.

Chúng tôi kể cho họ nghe nơi chúng tôi sinh sống là TP HCM, cách biên giới Trung Quốc hơn 3 ngày đi ôtô. Nhưng tất cả đều không biết, họ chỉ nghe kể rằng từ hàng trăm năm trước, ông bà của họ có nguồn gốc từ Đồ Sơn (TP Hải Phòng) ra biển đánh bắt cá rồi theo con nước đến mảnh đất này và nay đã có hơn 20.000 người gốc Việt sinh cơ lập nghiệp ở đây.

"Chúng tôi không biết gì nhiều ở Việt Nam đâu. Nhưng người Việt mà qua đây thì phải ở lại đãi cơm. Để còn nói tiếng Việt cho chúng tôi nghe. Phải nói nhiều để chúng tôi không quên tiếng Việt" - bà Tiết nhiệt tình mời.

Không thể từ chối, chúng tôi gật đầu nhận lời ở lại dùng cơm với người dân trong làng. Trong lúc chờ mọi người chuẩn bị, chúng tôi mượn xe máy điện đi tham quan làng người Kinh. Càng đi sâu càng bất ngờ khi mọi thứ không khác gì làng quê ở vùng nông thôn Bắc Bộ.

Từ đầu làng đã tọa lạc một ngôi đình, kế bên là giếng nước và lũy tre thân thuộc. Cứ cách hơn 15 hộ lại xuất hiện một khu vườn trồng lúa, khoai và hoa màu. Những phụ nữ đội nón lá, cuốc đất và nói chuyện với nhau bằng tiếng nguồn cội bao đời.

Dừng trước một cửa hàng tạp hóa, chúng tôi nhận ra những bảng hiệu bán các món hàng Việt như thuốc lá, cà phê, kể cả tương ớt. Bà Đỗ Tú, chủ cửa hàng, bước ra khoe hẳn một chai nước mắm mới nhập từ bên kia biên giới: "Dân làng nơi đây sản xuất nước mắm và dùng nước mắm nêm vào tất cả món ăn. Nhập thêm hàng Việt Nam vì phòng ngừa mùa biển động không có cá để làm nước mắm".

Theo lời bà Tú, dù trải qua hàng trăm năm nhưng mọi sinh hoạt ở đây đều giữ nguyên gốc. Hơn 15 năm trước, khi điện thoại thông minh chưa phát triển, người dân nhập băng cassette thu những bài hát ru, hát quan họ để bán. "Thế hệ tôi và cả những đời trước đều được cha mẹ hát ru bằng dân ca. Rất nhiều người chơi được cả nhạc cụ Việt Nam" - bà Tú kể.

Không quên tiếng Việt

Quả thật, khi chúng tôi quay trở lại sân đình ăn cơm trưa thì dân làng đã kéo sẵn bộ đàn bầu ra chuẩn bị biểu diễn. Không một chút ái ngại, bà Tiết đứng giữa sân đình cất giọng hát mộc mạc: "Yêu nhau cởi áo ối à cho nhau, về nhà dối rằng cha dối mẹ… rằng a ối a qua cầu, tình tình tình gió bay…".

Vừa dứt bài, bà liền chuyển sang đánh đàn bầu bài dân ca quan họ Bắc Ninh "Trèo lên trái núi Thiên Thai".

Bà Tô Tiết, thế hệ thứ 10 của người dân tộc Kinh tại Trung Quốc, chơi đàn bầu

Để tìm hiểu thêm một số thông tin khác về nguồn gốc của người gốc Việt ở Trung Quốc, chúng tôi tìm đến Bảo tàng Dân tộc Kinh do tỉnh Quảng Tây quản lý.

Trước cổng bảo tàng là bức tượng hai vợ chồng đang đánh bắt cá trên biển nhằm mô phỏng lại những ngày đầu người Việt tới đây định cư; bên trong tái hiện những hình ảnh rước kiệu, không gian bếp, những món đặc sản của người Việt… Để có thể đọc và tìm hiểu hết thông tin trong bảo tàng mất gần 1 giờ. Bảo tàng mở cửa tất cả các ngày trong tuần và không thu phí.

Ông Lý Hiển, người trông coi bảo tàng, kể rằng trước kia, những người dân mà chúng tôi gặp được gọi là người An Nam, người Việt nhưng giờ đây được chính thức gọi là người Kinh. Đây là một trong những dân tộc thiểu số ít người nhất ở Trung Quốc.

Theo lời kể, xưa kia có 12 dòng họ tổ gốc Việt di cư theo luồng cá và chia nhau ở trên 3 hòn đảo lần lượt có tên là Vạn Vĩ, Sơn Tâm và Vu Đầu. Dần dần, 3 hòn đảo bị bồi lấp thành bán đảo Tam Đảo như hiện nay.

Ông Hiển cho biết chính quyền sở tại vừa cho phép các trường học ở khu vực có dân tộc Kinh sinh sống đưa tiếng Việt vào chương trình giảng dạy. Đây là môn không bắt buộc nhưng gần như cháu nào cũng đều đăng ký học thêm. "Vốn sẵn giao tiếp với cha mẹ ở nhà bằng tiếng Việt nên khi cô giáo dạy, những đứa trẻ tiếp thu rất nhanh" - ông Hiển nói.

Thiếu nữ ở Tam Đảo

Không những cố gắng giữ gìn tiếng nói mà dân ở đây hằng năm mời những bậc cao niên từ Trà Cổ (TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh) sang Tam Đảo để hướng dẫn tổ chức các lễ hội và cúng đình. Mỗi năm có 4 đợt lễ lớn và đó là dịp mọi người đến để chung vui, cầu may mắn.

Theo thống kê, tại Tam Đảo có hơn 120 người thuộc dân tộc Kinh chơi được nhạc cụ truyền thống Việt Nam và có hơn 400 cuốn sách ghi chép lại kho tàng văn học dân gian, bao gồm nhiều ca dao, tục ngữ, truyện cổ tích…

Khi tạm biệt Tam Đảo, chúng tôi để ý thấy trước làng có một cây đa chắc đã vài trăm năm tuổi. Dân ở đây đặt tên là cây Nam Quốc, như lời nhắc nhở thế hệ sau không quên nguồn cội dân tộc.

Bài đọc thêm:

Làng biển gốc Việt trên đất Trung Quốc 

(theo Báo Thanh Niên)

6/22/23

4 PHONG VỊ BÁNH BÁ TRẠNG, MÓN ĂN NGÀY TẾT ĐOAN NGỌ CỦA NGƯỜI HOA CHỢ LỚN

Bánh ú bá trạng là loại bánh nổi tiếng của người Hoa ở Chợ Lớn. Loại bánh này chỉ được gói bán vào dịp Tết Đoan Ngọ hàng năm. Ý nghĩa của loại bánh này cũng giống như món bánh ú tro của người Việt . Bánh bá trạng có nhiều hình dạng và kích cỡ khác nhau nhưng thường sẽ có hình tam giác tương tự như bánh ú tro và được gói bằng lá tre.


Bánh ú bá trạng - tinh hoa ẩm thực người Hoa vào dịp Tết Đoan Ngọ. Nhưng không phải cùng khẩu vị đâu nhé, họ sẽ chia ra theo từng vùng địa lý để chiếc bánh đúng với xực phàn của mình.

Có thể khác nhau về hình dạng nhưng bánh ú bá trạng đều được làm từ nếp dẻo và đậu phộng bên ngoài, trong nhân có trứng muối, đậu xanh, hạt điều, thịt heo và một số nguyên liệu khác.

Nhân bánh ú bá trạng rất đa dạng và ngày càng được biến tấu với nhiều nguyên liệu khác nhau tùy theo sở thích.

Vỏ ngoài của bánh sẽ là nếp và đậu được tuyển chọn từng hạt căng tròn. Nếp và đậu đều được ngâm qua một đêm cùng với các vị thảo dược cho ngấm và mềm trước khi làm bánh. Khi ăn, ngoài vị bùi của đậu bạn còn cảm nhận được vị mặn của thuốc bắc và mùi thơm thảo dược.

Người Hoa ở Chợ Lớn - Sài Gòn sẽ thường ăn bánh bá trạng theo khẩu vị của vùng: Quảng Đông, Triều Châu, Hải Nam, Phước Kiến, Nyonya, Kee.

Khẩu vị bánh bá trạng Quảng Đông



Bánh bá trạng của người gốc Hoa Quảng Đông ở Chợ Lớn nguyên liệu thường có đậu xanh cả hạt hoặc đậu xanh nghiền. Cách gói thường là dạng gói dài ít hình chóp nón như bánh ú.

Phần nhân bao gồm nếp (nêm muối, dầu tỏi), mỡ heo, thịt nạc, đậu xanh, lạp xưởng. Hương vị của bánh này thơm ngon và nếp tơi không dính. Bánh bá trạng của người Quảng Đông theo truyền thống chiếc bánh được gói đều 5 góc. Nhưng người gốc Quảng ở Chợ Lớn bây giờ họ thường gói gần giống hình vuông theo kiểu bánh chưng của người Việt.

Bánh bá trạng Phước Kiến


Bánh bá trạng của người Phước Kiến nhân và bánh có màu thẫm do ngũ vị hương, nước tương. Bánh có vị thơm ngon đậm đà.

Bánh bá trạng của người Phước Kiến thường có thêm bào ngư. Tất cả từ nhân đến nếp đều được xào lên trước khi luộc, hấp bánh.

Phần nhân bao gồm: Nếp rang sơ với ngũ vị hương và nước tương, thịt bụng heo, hạt dẻ, lòng đỏ trứng muối, tôm khô, không có đậu xanh và đậu phộng như bánh của người Quảng Đông. Hương vị của bánh bá trạng Phước Kiến thơm ngon riêng biệt, vị ngọt của nấm, hạt, cùng vị thơm của ngũ vị hương, nước tương.

Bánh bá trạng Tiều Châu


Đặc trưng của bánh bá trạng người Tiều là nhân bánh có cả mặn, ngọt hòa vào nhau. Bánh ú của người Tiều Châu và Phước Kiến thường được gói theo hình dạng 4 góc.

Nhân bao gồm: Nếp, nấm đông cô, thịt bụng, tôm khô, đậu đỏ hoặc hạt sen, mỡ chài, khoai môn. Hương vị bánh thơm ngon do sự pha trộn giữa nhân mặn, ngọt khiến bánh mềm và bùi hơn.

Bánh bá trạng Hải Nam


Bánh bá trạng Hải Nam với đặc trưng bề ngoài là loại bánh to nhất trong các loại bánh bá trạng.

Nhân bánh bao gồm: Nếp xào với tiêu đen, nước tương, thịt bụng, mỡ, hạt dẻ, nấm. Mỗi vùng có đặc điểm về văn hóa cũng như ẩm thực khác nhau nên cách gói bánh cũng khác nhau, nhưng tựu chung lại nguyên liệu chính vẫn là nếp, nấm đông cô, thịt heo hoặc mỡ heo.
Hương vị của bánh bá trạng Hải Nam thơm, ngọt hơn khi dùng với đường cọ.

Ở TP.HCM, nếu bạn muốn ăn bánh bá trạng size nhỏ làm nóng sẵn thì có thể ghé các cửa hàng bánh của người Hoa trên các con đường: 575 Nguyễn Trãi, Q.5 với hương vị Phước Kiến, 1133/44A đường Ba Tháng Hai, Q.11 theo kiểu truyền thống Triều Châu, NH Dim Tu Tac, NH Ngân Đình, NH Li Bai - theo phong vị Quảng Đông...

Ảnh: Quang Minh, Đại Phát, Tatlerasia
Theo: Thời Trang Trẻ
Nguồn :  Blog Lưu Khâm Hưng


Tài Liệu đọc thêm: Bánh Ú
Video Clip: Bánh Bá Trạng

Ca dao dân gian:
Tháng giêng ăn Tết ở nhà,
Tháng hai cờ bạc, tháng ba hội hè.
Tháng tư đong đậu nấu chè,
Ăn tết Đoan Ngọ trở về tháng năm.
Tháng sáu buôn nhãn bán trăm,
Tháng bảy ngày rằm xá tội vong nhân.
Tháng tám chơi đèn kéo quân,
Trở về tháng chín chung chân buôn hồng.
Tháng mười buôn thóc bán bông,
Tháng một, tháng chạp nên công hoàn toàn.

4/11/22

Nguồn gốc và ý nghĩa của Tiết Thanh Minh

 Tiết Thanh Minh là một đặc biệt quan trọng để con cháu thể hiện sự hiếu kính với tổ tiên, ông bà. Vậy Tiết Thanh Minh năm Nhâm Dần 2022 vào ngày nào?

1. Ý nghĩa của Tiết Thanh Minh

Với đạo lý "uống nước nhớ nguồn", từ xa xưa Tiết Thanh Minh đã trở thành ngày lễ quan trọng, thiêng liêng, đi sâu vào tiềm thức của người dân Việt Nam.