Showing posts with label Văn hóa-Xã hội. Show all posts
Showing posts with label Văn hóa-Xã hội. Show all posts

6/21/23

Giai Thoại văn Chương : Tết Đoan Ngọ

Cũng Tại Cái Ông KHUẤT NGUYÊN của nước Sở!

    Mùng 5 tháng 5 là TIẾT ĐOAN NGỌ 端午節, theo Ngũ hành Bát quái, vì số 5 thuộc dương, nên Tiết Đoan Ngọ còn gọi là Tiết ĐOAN DƯƠNG 端陽. ĐOAN: là Đầu mối, là mở đầu; NGỌ: là giờ Ngọ, là giữa trưa; còn DƯƠNG là mặt trời, là khí dương, ĐOAN DƯƠNG có nghĩa là bắt đầu lúc khí dương đang thịnh. Còn ĐOAN NGỌ là bắt đầu lúc giữa trưa. Theo truyền thuyết Trung Hoa...

     KHUẤT NGUYÊN 屈原 (340-278 TCN) : Vào cuối thời Chiến Quốc, có một vị đại thần nước Sở là Khuất Nguyên. Ông chẳng những là vị trung thần của nước Sở mà còn là nhà thơ, nhà văn hoá nổi tiếng của Trung Hoa. Ông là tác giả hai bài thơ bất hủ là LY TAO 離騷 và SỞ TỪ 楚辭, nổi tiếng trong văn hóa Trung Hoa cổ đại, thể hiện tâm trạng buồn vì đất nước suy vong. Do can ngăn Sở Hoài Vương không được, lại bị gian thần hãm hại, ông đã uất ức gieo mình xuống sông Mịch La tự trầm ngày mùng 5 tháng 5. Dân chúng nơi đó đã mang thuyền đến giữa dòng sông để cố gắng cứu vớt nhưng không thành. Để cho các loại cá và linh hồn của các yêu ma quỷ quái không lại gần được thi thể của ông họ đã đánh trống và vẩy nước bằng các mái chèo của họ. Sau đó để tưởng nhớ, tiếc thương cho một người trung nghĩa, mỗi năm cứ đến ngày mùng 5 tháng 5, dân Trung Hoa xưa lại làm bánh ú gói nhân thịt mỡ, quấn chỉ ngũ sắc bên ngoài (ý làm cho cá sợ, khỏi đớp mất) rồi bơi thuyền ra giữa sông, ném bánh xuống để cúng Khuất Nguyên. Do đó, hình thành hai tập tục trong ngày lễ Đoan Ngọ cho đến hiên nay là : Đua thuyền rồng và Ăn bánh ú.


    Trong văn học, tác phẩm LY TAO của Khuất Nguyên hình thành những từ như : Tao Nhân Mặc Khách, Tao Đàn ... Trong thơ ca Trung Hoa còn ghi nhận SỞ TỪ là nguồn gốc của thơ Thất ngôn sau nầy. Sau đây là hai bài thơ Thất ngôn Tứ tuyệt có liên quan đến Tết Đoan Ngọ ở đời Đường. 
 
        同州端午             ĐỒNG CHÂU ĐOAN NGỌ

     鶴髮垂肩尺許長,    Hạc phát thùy kiên xích hứa trường,
     離家三十五端陽。    Ly gia tam thập ngũ Đoan Dương.
     兒童見說深驚訝,    Nhi đồng kiến thuyết thâm kinh nhạ,
     卻問何方是故鄉。    Khước vấn hà phương thị cố hương ?
             殷堯藩                                         Ân Nghiêu Phồn


Có nghĩa :
              Tóc bạc qúa vai cả thước thường,
              Xa nhà ba mươi lăm Đoan Dương.
              Trẻ con nghe nói đều kinh ngạc,
              Cùng hỏi nơi nào là cố hương ?
 
        Tết giữa năm cũng khiến cho người lữ khách nhớ nhà như là Tết Nguyên Đán vậy ! Đọc bài thơ trên làm cho ta lại nhớ đến bài "Hồi Hương Ngẫu Thư" của Hạ Tri Chương... Ta đọc thêm một bài thơ về Đoan Ngọ nữa nhé !
 
         端午                  ĐOAN NGỌ

     節分端午自誰言,    Tiết phân Đoan Ngọ tự thùy ngôn,
     萬古傳聞為屈原。    Vạn cổ truyền văn vị Khuất Nguyên.
     堪笑楚江空渺渺,    Kham tiếu Sở giang không diểu diểu,
     不能洗得直臣冤。    Bất năng tẩy đắc trực thần oan !
                文秀                                                  Văn Tú

Có Nghĩa :
              Đoan Ngọ ai chia Tết tháng năm,
              Khuất Nguyên từ vạn cổ xa xăm.
              Nực cười sông Sở trôi trôi mãi...
              Rửa chẳng sạch oan đấng nghĩa thần !

      Sông Mịch La của nước Sở, nơi Khuất Nguyên nhảy xuống để tự trầm, mấy ngàn năm vẫn không thể rửa hết oan khiên cho đấng bề tôi trung nghĩa. Bài thơ nầy làm cho ta nhớ đến một "Giai thoại văn chương Việt Nam thời vua Tự Đức", ông vua rất giỏi văn thơ của Việt nam ta ...
              
      Trong "Giai thoại văn chương Việt Nam" của Thái Bạch có kể về tài ứng đối của Đinh Nhật Thận như sau : Đinh Nhật Thận sinh năm Ất Hợi (1815) tại làng Thanh Lạo, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, đỗ cử nhân khoa Đinh Dậu (1837), đỗ tiến sĩ khoa Mậu Tuất (1838) được bổ làm Tri phủ. Ông thường giao du với Cao Bá Quát và Nguyễn Hàm Ninh. Sau Cao Bá Quát dấy binh chống lại triều đình, Đinh Nhật Thận bị tình nghi, bắt giải về kinh giam lại, sau lại được thả ra. ("Quốc Triều Hương Khoa Lục" chép về Đinh Nhật Thận: “ Vì là bạn cũ của tên giặc Cao Bá Quát nên bị bắt giam, sau được thả”.


    Vì mến tài ông, vua Tự Đức lưu ông lại ở kinh đô để dạy cho con em trong hoàng tộc và cũng để dễ bề kiềm chế ông. Tục truyền khi ở kinh đô, một hôm Đinh Nhật Thận cùng các quan đại đại thần theo thuyền ngự đi ngoạn cảnh trên sông Hương. Nhân bàn luận về Nho giáo, ông nhắc đến câu: “Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung; Phụ xử tử vong, tử bất vong bất hiếu” và cho đó là một câu chí lý. Nghe xong, vua Tự Đức phán :
     - Vậy trẫm truyền cho khanh nhảy xuống sông này chết đi, khanh có dám làm không ?
     Nghe vua phán vậy, các quan trên thuyền đều lo sợ thay cho ông, vì không nhảy xuống sông thì không trung với vua, mà nhảy xuống thì chết là cái chắc. Ấy vậy mà ông vẫn bình tĩnh lạy nhà vua ba lạy xong đâu vào đấy, rồi lao mình nhảy tỏm xuống dòng sông. Mọi người đều bàng hoàng, tưởng đây là nơi an nghỉ ngàn thu của ông rồi. Nhưng chỉ trong giây lát, ông ngoi đầu lên khỏi mặt nước và vói tay bám vào mạn thuyền ngự. Vua Tự Đức hỏi: 
    - Sao khanh không ở dưới đó luôn mà còn trở lên đây chi vậy ?
      Ông bình tĩnh đáp rằng :
    - Chỉ tại cái ông Khuất Nguyên của nước Sở. Nhà vua ngạc nhiên hỏi :
    - Tại sao lại Khuất Nguyên ?. Ông chậm rãi kể :
    - Thần định ở luôn dưới đó, nhưng khi vừa xuống đến đáy sông thì thần gặp ông Khuất Nguyên, ông ấy đuổi thần lên và mắng thần rằng : 

             Ngã phùng ám chúa hàm oan nhẫn,     我逢黯主含冤忍,
             Nhữ ngộ minh quân nịch tử hà ?          爾遇明君溺死何?

   Có nghĩa :
          Ta gặp phải chúa hắc ám, nên phải chịu oan đã đành,
          Còn ngươi gặp được minh quân sao lại phải nhảy xuống đây trầm mình tự tử vậy ?

  ... hạ thần nghe ông ấy mắng quá đúng cho nên phải ngoi lên đây để tâu cùng bệ hạ rõ!

      Vua Tự Đức cả cười, sai thị vệ kéo ông lên thuyền ngự, lấy quần áo cho ông thay rồi đích thân rót một chén rượu để khen thưởng cho cái tài ứng đối mẫn tiệp, mặc dù biết đó là một câu chuyện hoàn toàn bịa đặt.


Giai thoại trên nghe thì rất lý thú, nhưng chỉ để kể cho nhau nghe chơi khi trà dư tửu hậu mà thôi. Nay nhân Tết Đoan Ngọ, ở nơi xứ lạ quê người nhớ về nơi chôn nhau cắt rốn, nên kể hầu chư vị cho vui với một ngày Lễ chỉ có ở vùng của các nước Đông Nam Châu Á mà thôi.

Đỗ Chiêu Đức 

5/18/23

Những chiếc xe mì của quá khứ

Đỗ Duy Ngọc @ 1/3/2018


Sài Gòn từ khi hình thành là nơi đất lành chim đậu, là nơi giao thoa các nền văn hoá khác nhau. Đó không chỉ là nơi hội tụ của người Việt từ ba miền Nam, Trung, Bắc; mà còn là nơi đón nhận nhiều phong tục, lối sống của nhiều dân tộc khác nhau trên thế giới nữa. Đặc biệt là văn hoá ẩm thực. Ở Sài Gòn, ta có thể thưởng thức món gan ngỗng béo ngậy của Pháp, món lẩu chua cay của Thái, mắm bò hóc và chè Kampuchia, món sushi của Nhật, món pizza của Ý, món cari của Ấn, món nướng của Hàn, món soup rau của Địa Trung Hải, món cháo ếch của Singapore, món Dim sum Hồng Kông... và đặc biệt không thể không nhắc đến những món ăn của người Hoa Chợ Lớn.

Ẩm thực của người Hoa thì vô cùng phong phú, kể ra cũng vài trang giấy. Ở đây, trong phạm vi những dòng ngắn ngủi đầu xuân, tôi chỉ nói tới món hủ tíu và mì của họ. Những món ăn luôn hấp dẫn tôi từ trước đến nay.

Nhắc tới món ăn này trước hết phải kể đến chiếc xe mì.
Đó là những chiếc xe thường xuất hiện vào lúc xẩm tối, bên vỉa hè, nơi góc chợ, chỗ có đông người qua lại. Đó là những chiếc xe chuyên dụng, chỉ dùng để bán hủ tíu, mì. Trên chiếc xe này được trang bị đầy đủ như một quán ăn, có bếp đốt bằng than củi, có chỗ xài bình ga, lửa xanh lét phì phì, có nồi nước lèo hai ngăn to bự chảng, một bên để trụng hủ tíu, mì, ngăn còn lại chứa nước lèo sôi sùng sục. Nước lèo thường được hầm với xương, củ cải trắng, mực, tôm khô, có nơi còn có cả sá sùng. Bên trên có tủ kiếng chia ngăn để thịt, rau hành. Đặc biệt luôn luôn bên cạnh thùng nước lèo có mặt một cái vịm bằng gốm, trong chứa mỡ nước và những miếng mỡ heo thái hạt lựu đã được thắng vàng. Tôi có mấy người bạn làm nghề này bảo rằng thứ làm cho tô mì ngon hay dở đều nằm trong cái vịm thắng mỡ này. Theo họ thì cái này không chỉ chứa mỡ mà còn được gia cố thêm bột nêm, bột ngọt và bí quyết riêng của mỗi xe mì. Trụng xong mì hay sợi hủ tíu, bỏ vào tô, cho thịt, xá xíu, hành, rau, lúc đó múc một muỗng mỡ vào rồi mới chế nước lèo lên. Không có cái muỗng mỡ này, tô mì ăn lạt nhách. Hơn nữa, nồi nước lèo nếu nêm nếm gia vị nhiều quá sẽ mau thiu, không thể để lâu được. Còn cái vịm mỡ gia vị đó thì để bao lâu cũng chẳng hư. Âu đó cũng là kinh nghiệm gia truyền.

Ba mặt của xe mì thường có ba tấm thiếc, nhôm hoặc inox hay ván gỗ, mở ra, cài hai cái móc, để thêm mấy cái ghế xếp nữa thành bàn. Trên đó để chai giấm, chai nước tương, hủ ớt dầm giấm và lon guigoz đựng muỗng đũa. Ông bà nào dân Việt thuần tuý đi ăn mì Tàu mà muốn kiếm nước mắm sẽ không bao giờ tìm thấy ở đây. Nếu quán đông khách, người ta kê thêm mấy cái bàn, vài cái ghế đẩu và quán hoạt động đến khuya.

Nhắc xe mì mà không nói đến những tranh kiếng đủ màu trang trí trên xe là một thiếu sót lớn. Đó là những tấm tranh vẽ những điển tích của văn hóa dân gian Trung Hoa. Đó là những cảnh minh họa truyện Tam Quốc như: nhân vật Quan Công mặt đỏ râu dài cỡi ngựa đỏ, Trương Phi râu rậm, mắt lồi dữ tợn, Triệu Tử Long múa đao, đó là cảnh Bát tiên phó hội, Bát tiên quá hải, Tôn ngộ không, Thất hiền, rồng phụng tương giao, cảnh sơn thuỷ...

Tất cả đều tô màu sặc sỡ, với một kỹ thuật đặc biệt và nét vẽ điêu luyện tuy chỉ do những người thợ mỹ nghệ làm ra. Đến nay, nghề này đã bị thu hẹp lại, các nghệ nhân xưa đã già hay đã qua đời, nghề lại ít người theo nên tranh kiếng ngày nay thiếu mất cái hồn, cái uy nghi, vũ dũng trong nét bút của thời xưa. Hồi đó, mỗi lần đi ăn mì, tôi say sưa ngồi ngắm những tranh vẽ đó, về nhà học vẽ theo đầy cả vở, bị ba tôi phạt hoài.

Ngày nay, những xe mì với tranh kiếng vắng bóng dần trên các vỉa hè, đôi khi lại tìm thấy trong các nhà hàng, người ta để như là một biểu tượng. Chiếc xe mì tranh kiếng nằm nơi góc chợ, bên lề đường có vẻ hay hơn, đắc địa hơn, có sinh khí hơn nhiều.

Ngoài những xe mì cố định, còn có xe mì lưu động. Đó là những chiếc xe nhỏ hơn, trang bị gọn hơn, ít khi có tranh kiếng, nếu có cũng vẽ đơn giản, sơ sài hơn. Ông chủ xe thường là tuổi trung niên, mặc cái áo thun ba lỗ, vai vắt khăn. Bên cạnh thường có những đứa bé cầm hai thanh tre đã lên nước nâu bóng gõ theo nhịp điệu muôn đời không đổi sực... tắc, sực... tắc. Tiếng gõ vang một góc đường, một con hẻm giữa đêm gợi cho ta thèm muốn một bát mì nghi ngút giữa đêm, giúp cho người đi chơi khuya về có bát mì ngon, giúp kẻ lỡ đường với số tiền ít ỏi qua cơn đói. Bởi những xe mì lưu động này bán giá rất bình dân, tuy vậy cũng có những xe mì lưu động rất ngon không khác gì những xe, những quán cố định.

Nhiều người đi xa có lúc nhớ về quê nhà lại nhớ tiếng sực tắc đêm khuya. Có những người đã già, nhớ lại thời bé dại, cũng có lúc lại nhớ tiếng gõ đều đều của hai thanh tre của chiếc xe mì đi qua ngõ quá khứ.

Tô mì hay hủ tíu thường được ăn cùng với xá xíu, những miếng thịt heo nạc màu đỏ xắt mỏng ăn thơm thơm mùi ngũ vị hương, ngòn ngọt của mật ong phết lên lúc quay lúc nướng. Cũng có mì hủ tíu ăn với cật, gan heo và con tôm hồng hào hấp dẫn. Còn có mì hoành thánh, sủi cảo chấm tương ớt hoặc nước tương. Bỏ vào miệng cảm được cái mềm mại của bột, cái dai dai béo béo đậm đà của thịt, cái ngọt lừ của nước lèo, tất cả hoà thành một hương vị đặc biệt khó quên. Người Hoa Chợ Lớn có người Tiều, người Quảng, người Hẹ, Phúc Kiến, người Hải Nam... Người vùng nào cũng có người làm nghề bán hủ tíu mì. Nhưng riêng tô hủ tíu mì của người Quảng thường có miếng bánh tráng mỏng nho nhỏ chiên vàng ươm, trên có một vài con tôm nhỏ để nguyên chân cẳng, râu càng. Cắn miếng bánh dòn rụm, húp thêm niếng nước lèo, đưa thêm vài sợi mì, ngon!

Sau này còn có Hủ tíu sa tế, gồm bò hoặc nai, ăn với một loại sauce cay cay trộn đậu phụng giã nát. Hình như những quán bán loại này đa phần là người Triều Châu, không biết đúng không bởi món này cũng không phổ biến lắm?

Tô mì ngon ngoài nước lèo ngọt, đậm đà, thịt chế biến giỏi còn có yếu tố quan trọng là sợi mì phải dai, ăn đến muỗng cuối cùng, mì vẫn không nhão nát. Mì được làm từ bột mì, thêm màu vàng óng của nghệ hoặc phầm màu và nghe đâu phải có tro tàu sợi mì mới dai ngon. Có loại sợi mì nhỏ như sợi bún, cũng có loại to dẹp, ngon dở tuỳ khẩu vị mỗi người mà lựa chọn. Khi trụng mì cũng là một kỹ thuật. Có nơi trụng bằng nước sôi, xong lại qua một lượt nước lạnh, rồi trụng sơ lại nước nóng lượt nữa mới cho vào tô. Trụng như thế sợi mì sẽ dai lâu mà không nát. Mì được khoanh từng vắt nhỏ dáng tròn tròn như hột vịt. Có người muốn ăn no, thường kêu ba hoặc bốn vắt một tô. Nhìn tô mì đầy nhóc thấy ớn. Cũng có đôi chỗ bán mì tươi, kéo mì tại chỗ thành những sợi dài, kiểu mì này cũng ít nơi bán vì rất mất thì giờ chờ đợi.

Sợi hủ tíu làm bằng bột gạo, sợi hủ tíu ngon là sợi hủ tíu không bị nhão khi ăn, nuốt vào miệng nghe trơn tuột và cũng cần kỹ thuật khi trụng.

Cũng có nhiều xe mì bán thêm món há cảo, bột được bọc với con tôm, đem hấp chín, khi ăn chấm với tương ớt và xì dầu.

Có người thích ăn chung một tô có mì lẫn hủ tíu, cũng là một cái thú vì ăn được hai thứ trong một tô. Thế nhưng có nhiều xe mì không chịu làm thế, hủ tíu là hủ tíu, mì là mì, không thế có thứ hỗn hợp như thế.

Đi năm châu bốn bể, kể cả một thời gian khá dài ở bên Trung Quốc, tôi vẫn không thấy đâu ngon bằng tô hủ tíu mì ở Việt Nam, đặc biệt là tô mì ở Chợ Lớn. Họ cũng gọi là mì nhưng thiếu cái hương vị mình đã dùng qua, cái cảm giác mà mình đã hưởng thụ. Ngay khi ra Hà Nội, hay về Đà Nẵng, vẫn thấy tô mì không giống tô mì Chợ Lớn. Bởi tô mì của quá khứ là tô mì quen thuộc, đã theo ta suốt một quãng đường dài của cuộc đời.
Bây giờ ở Sài Gòn, Chợ Lớn rong chơi, cũng chẳng khó khăn gì để kiếm một bát mì ngon, nhưng ăn trong quán, trong nhà hàng máy lạnh lại không có được cảm giác thú vị của ngọn gió đêm hiu hiu, ngọn đèn đường hắt hiu và phố xá có người qua, ăn trong âm thanh rộn rã của cuộc sống.

Tìm tô mì dễ dàng nhưng không còn thấy những chiếc xe mì lưu động, thay vào đó là những xe mì gõ mới không giống như cũ, tiếng sực tắc cũng chẳng còn âm thanh cũ, chất lượng, hương vị cũng đổi thay và tiếc nhất là những xe mì vỉa hè có những bức tranh kiếng. Giờ vẫn còn rải rác đâu đó để kiếm tìm, nhưng chắc chắn mốt mai, nó chỉ còn trong kỷ niệm.
Ai cũng có một món ngon của quá khứ, và chằc hẳn món đó là món ngon nhất trong tâm tưởng của riêng mình.


4/23/23

Giải Cino Del Duca 2023 được trao cho nhà văn Dương Thu Hương

Nhà văn Dương Thu Hương. Ảnh trên 

Vào ngày 21 tháng 4 năm 2023, dưới sự đề xuất, với đa số tuyệt đối, của Hội đồng Giải Cino Del Duca Thế giới, do bà Hélène Carrère d’Encausse, Thư ký Thường trực của Viện Hàn lâm Pháp làm chủ tịch, Ủy ban Quỹ Del Duca, do Xavier Darcos, Đổng lý văn phòng của Institut de France, thuộc Viện Hàn lâm nước Pháp, đã trao Giải thưởng Thế giới 2023, trị giá 200.000€, cho bà Dương Thu Hương, nhà văn Việt Nam đang sống tại Pháp.

Tên của bà đã được Daniel Rondeau, thuộc Viện Hàn lâm Pháp, công bố vào ngày 21 tháng 4 năm 2023 trong khuôn khổ Lễ hội Sách Paris.

Theo nhận xét của Hội đồng giải Cino Del Duca, Dương Thu Hương là một nhà văn tận tuỵ và dấn thân trong việc lên án những vấn nạn tại Việt Nam.

Tên tuổi của bà vượt ra khỏi biên giới Việt Nam. Bà nổi tiếng trên thế giới, đặc biệt tại Pháp, nơi nhiều tác phẩm của bà đã được dịch sang tiếng Pháp.

Từ Chốn vắng, cuốn sách được đọc nhiều nhất của bà và Đồi bạch đàn, đến Đỉnh cao chói lọi, dành riêng cho nhân vật Hồ Chí Minh, bà mô tả cuộc sống hàng ngày của người dân Việt Nam, sức nặng của quá khứ và truyền thống trong một xã hội mang trong lòng nhiều dấu vết của các cuộc chiến tranh bi thương.

Giải thưởng Cino Del Duca 2023 tôn vinh một nhà văn lớn mà tác phẩm và nhân cách đặc biệt đã chuyên chở những thông điệp về chủ nghĩa nhân văn hiện đại được Hội đồng giải thưởng công nhận.

Giải thưởng được lập ra bởi Simone Del Duca vào năm 1969 với mục đích tôn vinh sự nghiệp của một tác giả người Pháp hoặc nước ngoài có tác phẩm cấu thành, dưới hình thức khoa học hoặc văn học, một thông điệp của chủ nghĩa nhân văn hiện đại.

Với số tiền thưởng lên đến 200.000€, chỉ sau giải thưởng Nobel Văn học.

Ban giám khảo bao gồm 14 thành viên, phần lớn là thành viên của Institut de France, thuộc Viện Hàn lâm Pháp.

Giải thưởng quốc tế Cino Del Duca dành cho văn học thường được ví von như một “antichambre” của giải Nobel Văn học danh giá.

Thật vậy, Mario Vargas Llosa được trao giải Cino Del Duca vào năm 2008. Hai năm sau, nhà văn người Pérou và Tây Ban Nha đã dành giải Nobel Văn học.

Cũng vào năm 2010, nhà văn Pháp, Patrick Modiano là chủ nhân của giải Cino Del Duca trước khi được vinh danh vào năm 2014 với giải Nobel Văn học.

Ngoài ra còn có các nhà khoa học đã được trao giải Cino Del Duca trước khi được nhận các giải Nobel về Sinh học, Y học và cả giải Nobel Hoà bình.

Năm 2022, nhà văn Nhật nổi tiếng Haruki Murakami cũng được trao giải Cino Del Duca. Murakami là một cái tên nổi bật và thường được đề cử trong danh sách các ứng viên cho giải Nobel Văn học.

Ngoài ra còn có nhà văn người Pháp gốc Tiệp nổi tiếng Milan Kundera cũng được vinh danh với giải Cino Del Duca vào năm 2009. Milan Kundera là tác giả của tác phẩm nổi tiếng L’Insoutenable Légèreté de l’être (Đời nhẹ khôn kham).

Việc nhà văn Dương Thu Hương được trao giải Cino Del Duca là một sự kiện lớn trong nền văn học hiện đại Việt Nam. Đó cũng là một cú đấm vào bộ mặt chế độ Việt Nam vì những tác phẩm của bà thể hiện sự bất mãn của bản thân bà đối với chế độ cộng sản độc tài toàn trị. Bà đã từng phải vào tù vì dám lên tiếng phát biểu phê phán việc áp dụng chủ nghĩa Marx-Lenin vào Việt Nam và phản đối độc quyền của đảng cộng sản.

Hiện nay, các tác phẩm văn chương của bà vẫn bị cấm tại Việt Nam vì lý do chính trị.

Giải thưởng Thế giới Cino Del Duca sẽ được trao cho Dương Thu Hương dưới Mái vòm của Institut de France, Viện Hàn lâm Pháp, trong buổi lễ long trọng trao các Giải thưởng Lớn của Viện, vào ngày 21 tháng 6 năm 2023.

Nhắc đến Dương Thu Hương, người viết chợt nhớ đến lời nhận xét của một dịch giả nổi tiếng trong nước, khi gặp ông tại Lausanne, Thuỵ Sĩ: “Văn chương của Dương Thu Hương không có gì đặc biệt và khó đọc”. Khi ấy người viết có nói rằng “khó đọc” có lẽ vì nó trần trụi và khốc liệt khi phơi bày những sự thật, những nỗi thống khổ của người dân Việt Nam trong cái nhà tù khổng lồ lộ thiên! Văn chương của bà là thứ văn chương phản kháng mà không phải ai cũng có cái dũng và sự can đảm để viết…

Mong rằng Dương Thu Hương, một ngày không xa, sẽ được trao giải Nobel Văn học, để làm “thoả lòng” ông Nguyễn Xuân Phúc, nguyên Chủ tịch nước, khi ông này phát biểu: “Tôi luôn mong ước một ngày không xa Việt Nam sẽ có nhà văn đạt giải thưởng Nobel Văn chương, mang đến niềm tự hào cho đất nước. Tôi có niềm tin mạnh mẽ vào tất cả các nhà văn, tác giả trẻ hôm nay”.

Biết đâu, “niềm tự hào” ấy lại đến từ một ngòi bút sắt thép của một nữ nhà văn bất đồng chính kiến, đang phải sống tha hương, không hề run sợ, chùn bước trước bạo tàn và khủng bố của bộ máy độc tài toàn trị.

10/11/22

Cung Trầm Tưởng

EAGAN, Minnesota (NV) – Nhà thơ Cung Trầm Tưởng, tác giả của nhiều bài thơ nổi tiếng được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc như “Mùa Thu Paris,” “Chưa Bao Giờ Buồn Thế,”… vừa qua đời lúc 4 giờ 27 phút, chiều 9 Tháng Mười, tại bệnh viện United Hospital, thành phố Saint Paul, tiểu bang Minnesota.

“Bố tôi mất vì viêm phổi nặng và nhịp tim yếu quá!” Bà Hằng Cung, người con gái lớn trong bảy người con (bốn trai, ba gái) của nhà thơ, xác nhận với Nhật báo Người Việt.


Bà Hằng Cung nói thêm: “Chúng tôi rất buồn, rất sốc về sự ra đi của bố. Nhưng cũng rất tự hào về bố, về các bài thơ nổi tiếng của bố được bác Phạm Duy phổ nhạc quen thuộc mà nhiều người biết.”

10/5/22

Giấy Dó

Giấy dó là gì và dùng để làm gì?

Giấy dó là loại giấy được sản xuất từ vỏ những cây dó (như dó giấy, dó liệt...), theo quy trình thủ công được truyền lại qua nhiều thế hệ ở một số làng nghề [thủ công nghệ] ở Việt Nam. Giấy dó được dùng cho/[để] vẽ tranh trong mỹ thuật dân gian Việt Nam, đặc biệt là để làm giấy điệp cho tranh Đông Hồ, hay lưu giữ các tài liệu, nhờ vào nhiều ưu điểm, nổi bật nhất là độ bền theo thời gian.