Showing posts with label Tết Quý Mão. Show all posts
Showing posts with label Tết Quý Mão. Show all posts

1/18/23

Tất niên rước ông bà

Việc tế tự tổ tiên trong Tết Nguyên đán khởi đề từ lễ rước ông bà vào ngày cuối năm, thường tổ chức vào buổi chiều hôm đó, gọi chung là lễ cúng tất niên.

Vua chúa làm lễ hạp hưởng cung thỉnh các bậc tiên đế về dự Tết sớm hơn, vào ngày 22 tháng chạp. Lệ xưa, các quan lại làm lễ rước tổ tiên vào buổi sáng và dân chúng làm lễ rước ông bà của mình vào buổi chiều.

Theo miêu tả hồi đầu thế kỷ XX, cảnh tượng lễ rước ông bà ở Nam Kỳ thật trang nghiêm. Tất cả cửa lớn, cửa sổ đều mở toang. Người ta đốt nhang, cắm dày theo hai bên lối đi từ cổng vào cửa chính cốt để vong hồn tổ tiên biết lối về nhà.

Trẻ con mặc đồ mới tươm tất và mặt mày hớn hở. Chủ nhà hay con trai trưởng, hoặc người lớn nhất theo thứ tự trực hệ, mặc lễ phục đàng hoàng và giữ vẻ mặt tươi tắn nhưng trang nghiêm đứng ra thực hành việc tế tự. Khi lễ vật được bày biện đâu vào đó, chủ lễ bắt đầu thắp đôi đèn sáp và đốt hương.

Lễ lạy có 4 lạy. Lạy xong, chủ lễ bỏ trầm vào lư để đốt lên. Lễ xong bàn thờ tổ tiên bên nội, chủ lễ đến lễ bái tổ tiên họ ngoại... Kế tiếp là vợ và con, cháu lần lượt lễ bái tổ tiên.

Chủ lễ đứng hầu bên bàn thờ, thỉnh thoảng châm thêm rượu vào chung, cốt đủ ba tuần rượu. Khi nhang tàn, chủ lễ rót nước trà và tiến hành lễ bái tạ. Kể từ giờ phút đó đến lễ tiễn ông bà vào ngày mùng 4, tổ tiên luôn hiện diện ở đây.

Do đó, hàng ngày bày biện lễ vật cúng 2 lần chính và hai lễ phụ với bánh, mứt, kẹo, trà. Một cách tổng quát, tập tục thờ cúng tổ tiên có lịch sử lâu đời và chiếm vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa tâm linh của dân tộc ta.

Việc thờ cúng tổ tiên, một mặt, biểu thị lòng hiếu kính, khiến con cháu biết giữ lấy lòng “Báo bản tư nguyên” và thủ nghĩa “Uống nước nhớ nguồn”; mặt khác, việc thờ cúng tổ tiên còn là hành vi tôn giáo sùng bái linh hồn, trên cơ sở tín lý linh hồn bất diệt.

Theo đó, tập hợp vong hồn tổ tiên trở thành một trong các gia thần có công năng giám sát và phù hộ cho con cháu. Việc tế tự tổ tiên trong Tết Nguyên đán khởi đề từ lễ rước ông bà vào ngày cuối năm, thường tổ chức vào buổi chiều hôm đó, gọi chung là lễ cúng tất niên.

Về chức năng, lễ rước tổ tiên này có phần giống như lễ tiên thường trước ngày giỗ/kỵ, nhằm cung thỉnh vong linh người quá vãng về dự hưởng ngày giỗ chính. Điểm khác, đối tượng của lễ rước tổ tiên cuối năm là tất cả vong linh tổ tiên chứ không phải đối tượng chính của từng cuộc cúng giỗ.

Ở đây, cũng cần lưu ý một điều là theo Gia lễ của Nho giáo, tập tục thờ tự tổ tiên chủ vào 4 đời, tính từ thế hệ của người đảm nhận việc thờ tự tổ tiên của từng gia tộc.

Quy định “Ngũ đại mai thần chủ”: Tổ tiên đời thứ năm không thờ cúng nữa, và thần chủ/ bài vị của bậc tổ tiên đó phải đem chôn.

Đây là quy phạm được tuân thủ lâu đời, đã trở thành truyền thống, song do tín niệm linh hồn bất tử nên linh hồn các bậc tổ tiên nhiều đời, thần chủ đã được chôn, vẫn được coi là còn tồn tại trên cõi thiêng và vẫn là đối tượng cung thỉnh về dự lễ Tết, thậm chí cả trong các tế tự, giỗ quảy khác với tư cách là các vong hồn tổ tiên được cung kính thỉnh mời rằng “Đồng lai dự hưởng”.

Việc tế tự tổ tiên, ngoài việc tỏ bày lòng “báo bản tư nguyên” còn cầu linh hồn tổ tiên ban phúc, giúp gia đình/gia tộc hưng thịnh, mùa màng bội thu, vật nuôi phát triển, và việc làm ăn, học hành, thi cử... đều được hanh thông.

Nói cách khác, linh hồn tổ tiên là một loại gia thần hay rộng hơn là tập hợp phúc thần. Các dữ liệu dân tộc học cho thấy một số tộc người chỉ thờ cha mẹ, hoặc cha mẹ và ông bà nội là “ma nhà” (hiểu là vong linh thân tộc bảo hộ/giám sát con cháu hiện tiền sống trong gia đình) và tổ tiên thuộc thứ bậc trên (cố, cụ...) là ma mường, ma bản, ma nương, ma rẫy... tức tập hợp các bậc tổ tiên không thờ tự làm “ma nhà” vẫn là các vong linh bảo hộ cộng đồng.

Điều này chỉ ra rằng toàn bộ vong linh tổ tiên quá vãng là đối tượng được cung thỉnh trong lễ rước tổ tiên về ăn Tết cùng con cháu. Tín ngưỡng sùng bái tổ tiên được các nhà nghiên cứu cho rằng được xác lập từ chế độ thị tộc phụ hệ thuộc hậu kỳ xã hội nguyên thủy.

Về sau, với ảnh hưởng Nho giáo, việc tế tự tổ tiên được xác định là một chuẩn tắc của quy phạm hiếu đạo - nền tảng của chế độ tông pháp, nên trong chừng mực nào đó, tín ngưỡng sùng bái tổ tiên càng lúc có được vị trí áp đảo việc sùng bái thiên thần.

Do đó, việc tế tự tổ tiên có vị trí đặc biệt quan trọng trong ba ngày Tết. Khởi đi từ lễ rước tổ tiên đến lễ tiễn ông bà (mùng 3 hay mùng 4 Tết), thế gian bước vào một cảnh giới thiêng: Vong linh tổ tiên quá vãng cùng chung sống với cháu con.

Cảnh giới âm - dương song tồn này trong chừng mực nào đó tương đồng với khoảnh khắc thời gian mở cửa địa ngục của ngày rằm tháng bảy âm lịch, tức lễ vía Địa quan giải tội của Đạo giáo, hay lễ Vu Lan xá tội vong nhân của Phật giáo.

Chính vì vậy, Tết không chỉ là thời điểm thiêng của trời đất mà còn là cuộc sống đặt dưới sự chứng giám của tổ tiên. Do vậy, con cháu phải thận trọng từ lời ăn tiếng nói đến mọi hành vi.

Người ta tin rằng những gì diễn ra trong ngày đầu năm đều có tác động đến mọi việc tốt xấu trong cả năm và việc tế tự tổ tiên trong ba ngày Tết cũng được chú trọng sao cho tươm tất và trang nghiêm từ việc thực hiện tế tự đúng theo lễ nghi truyền thống đến việc chuẩn bị các lễ vật, cúng phẩm sao cho hợp lễ.

Sưu tầm

1/14/23

Đưa Ông TÁO về Trời



   Theo câu nói của Lịch Thực Kỳ 酈食其 trong Sử Ký của Tư Mã Thiên là :"Vương giả dĩ dân vi thiên, nhi dân dĩ thực vi thiên 王者以民為天,而民以食為天". Có nghĩa : "Kẻ vương già lấy dân làm trời, còn dân thì lấy cái ăn làm trời". Ý là : "Vua thì phải lấy dân làm trên hết, vì không có dân thì làm vua với ai đây ? Còn dân thì lấy cái ăn làm nhu cầu trên hết, vì không có cái ăn thì làm sao mà sinh sống cho được !" Vế sau của câu nói nầy thường bị nói trại thành "Dân dĩ thực vi TIÊN 民以食為先". Có nghĩa : "Dân lấy cái ăn làm TRƯỚC NHẤT".
         Vì dân lấy cái ăn làm trên hết, nên ông Táo cũng được thờ cúng trịnh trọng nhất trong gia đình. Ông Táo được tôn xưng là "Ngũ Tự Chi Thủ 五祀之首", là đứng đầu trong năm nơi phải tế tự ở trong nhà là Môn Thần, Hộ Thần, Tỉnh Thần, Táo Thần và Trung Lưu (Thổ Địa Thần và Trạch Thần) 門神、户神、井神、灶神、中溜 (土地神和宅神). Nên người Hoa khi rước dâu về đến nhà, sau khi lạy bàn thờ Trời Đất trước cửa thì người trưởng tộc dẫn cô dâu thẳng ra sau bếp lạy Ông Táo trước tiên rồi mới trở ra lạy Thần Tài Thổ Địa và bàn thờ ông bà. Cho ta thấy Ông Táo là ông thần được tôn vinh hàng đầu trong gia đình. Lại theo truyền thuyết dân gian là mỗi cuối ngày ông Táo phải bẩm báo với Ngọc Hoàng Thượng Đế về tất cả những hành vi tốt xấu của các thành viên trong gia đình; Nhưng diễn tiến theo thời gian lần hồi thì mỗi năm ông chỉ về chầu trời để bẩm báo có một lần thôi. Đó là vào ngày cuối năm 23 tháng Chạp, sau khi đã dọn dẹp quét tước nhà cửa sạch sẽ ngăn nắp để chuẩn bị ăn Tết. 
        Bắt đầu từ đời nhà Chu, hơn một ngàn năm trước Công Nguyên, tục tế Táo đã được đưa vào hoàng cung thành một nghi lễ chính thức. Còn trong dân gian thì theo như câu nói "Quan tam, dân tứ, thuyền gia ngũ 官三民四船家五" Có nghĩa : Quan thì cúng đưa ông Táo ngày 23, còn dân thì 24 và những người dưới ghe thuyền theo đời sống thương hồ thì cúng đưa ông Táo ngày 25. Vì có truyền thuyết là Ông Táo về trời sẽ tâu trình mọi việc tốt xấu trong nhà, nên thường thì cúng ông Táo không thể thiếu món ngon món ngọt, để ông Táo ăn cho ngọt mà báo cáo toàn việc "ngọt" việc tốt, lại thêm giấy vàng mã và xếp hình cò bay ngựa chạy để cho ông Táo có đầy đủ phương tiện để về trời. Trong văn học Việt Nam ta còn có thêm con cá chép để cho ông bà Táo cởi bay lên trời. Cung phụng đủ điều chỉ cốt lấy lòng để được báo cáo tốt mà thôi, lại còn phải van vái "nài nỉ ông đừng nói đến những chuyện không cần nói" như bài thơ Tống Táo Thi dưới đây :

      送 竈 詩                      TỐNG TÁO THI      
  麥芽糖餅餞行蹤,   Mạch nha đường bỉnh tiễn hành tung,
  拜祝佯癡且作聾。   Bái chúc dương si thả tác lung.
  只有一般應開口,   Chỉ hữu nhất ban ưng khai khẩu,
  煩君報我一年窮。   Phiền quân báo ngã nhất niên cùng !

竈: Tục quen viết là “táo”  (bộ hỏa)

 CHÚ THÍCH :
    1. Đường Bỉnh : là Kẹo bánh. Đường là Đường, mà cũng có 
        nghĩa là Kẹo nữa, còn Bỉnh là Bánh.
    2. Dương : là Giả đò.Tác : là Làm, ở đây có nghĩa là Làm bộ.
    3. Si : là Ngây, là Dại.  Lung : là Điếc.
    4. Nhất ban : là Mạo từ (Article) chỉ : Một Điều, Một Cái.
    5. Nhất niên : là Cả năm, suốt năm, chớ không phải MỘT NĂM.

 DỊCH NGHĨA :
       Mạch nha, Kẹo, bánh... đưa tiễn bước chân ông đi. Khi bái kiến và chúc tụng Thượng Đế xin ông giả ngây giả điếc dùm cho (đừng nói lung tung những chuyện không tốt của tôi). Chỉ có một điều ông nên mở miệng nói là.... Cảm phiền ông báo với Ngọc Hoàng là sao tôi lại nghèo suốt cả năm vậy ?!

 DIỄN NÔM :
                              THƠ TIỄN ÔNG TÁO
                       Mạch nha kẹo bánh tiễn chân ông,
                       Lên đó giả ngây giả điếc giùm.
                      Chỉ có một điều nên mở miệng,
                      Rằng ta nghèo suốt một năm ròng !

*****

Táo Thần 灶神 còn được gọi là Táo Quân 灶君, Táo Vương 灶王, Táo Vương Gia 灶王爺, Táo Công Táo Mẫu 灶公灶母 (Táo Ông Táo Bà ) và Đông Trù Ty Mệnh 東厨司命 là cái Tước được Ngọc Hoàng phong cho, nên ta thường thấy bốn chữ hoành phi viết ngang phía trên bàn thờ ông Táo là TY MỆNH TÁO QUÂN 司命灶君 để chứng tỏ là được Ngọc Hoàng Thượng Đế phong tước hiệu đàng hoàng chớ không phải làm thần "ngang xương ". Về câu đối mà ta thường thấy nhất ở hai bên bàn thờ ông Táo là :

                上天奏好事,      Thướng thiên tấu hảo sự,
                下界保平安.      Há giới bảo bình an.
Có nghĩa :
         - Lên trời thì tâu những việc tốt (việc xấu hãy quên đi!). Còn...
         - Xuống dưới hạ giới thì nên phù hộ cho gia chủ được bình an.

        Ta thấy, con người bình dân luôn luôn tỏ ra rất thân thiện và thực tế, coi thần thánh như là một thành viên đáng kính có nhiệm vụ phải bảo vệ và phù hộ cho gia đình. Nên bài vị thờ Thần Táo còn được viết là ĐỊNH PHƯỚC TÁO QUÂN 定福灶君. Có nghĩa "Táo Quân là người quyết định cho cái Phúc Lộc của gia đình.  Cao hơn một bậc, kẻ sĩ có học thức thì làm ra vẻ trang trọng đàng hoàng hơn, nên đòi hỏi phải có tiêu chuẩn hẵn hoi như câu đối sau đây :

                 有德能司火,   Hữu đức năng ty hỏa,
                 無私可達天。   Vô tư khả đạt thiên.

Có nghĩa :
             - Có ĐỨC thì mới có thể trông coi việc củi lửa bếp nút được.
             - Phải CHÍ CÔNG VÔ TƯ thì mới được lên chầu trời (để trình tấu mọi việc)











  Như vậy là cái TIÊU CHUẨN để được làm ông Táo đâu phải dễ dàng gì đâu. Phải có TÀI có ĐỨC và còn phải CHÍ CÔNG VÔ TƯ nữa ! Nên được làm Thần Táo là một việc rất đáng tự hào, như câu đối dưới đây :
      
                    天上四時春作首,   Thiên thượng tứ thời xuân tác thủ,
                    人間五祀灶為先。   Nhân gian ngũ tự Táo vi tiên !
Có nghĩa :
             - Trên trời có bốn mùa thì muà xuân là mùa đầu tiên, còn...
             - Ở dưới nhân gian nầy có năm điều tế tự thì tế Táo là việc đầu tiên !

       Ngày cúng đưa ông Táo, người Hoa gọi là Qúa Tiểu Niên 過小年, (Người Hoa gọi ĂN TẾT là QUÁ NIÊN, nên QUÁ TIỂU NIÊN không phải là Ăn Tết nhỏ, mà có nghĩa là Ăn Tết Sớm). Vì sau khi đưa ông Táo về trời thì tất cả các bàn thờ trong nhà đều dứt hương khói, chưn nhang cũ được đốt đi chỉ chừa lại ba cây coi cho đẹp, đến ngày ba mươi Tết làm lễ Rước Ông Bà về ăn Tết mới tiếp tục hương khói mới. Trong khoảng thời gian ăn Tết sớm và Tết Nguyên Đán gọi là "những ngày vô cấm kỵ", có làm gì cũng khỏi phải coi ngày tốt xấu gì cả. Vì thần thánh đã về trời hết rồi, cho nên một số thanh niên nam nữ lợi dụng những ngày luôn luôn tốt và vô cấm kỵ nầy để "Kết Hôn". Ta thường nghe nói là "Tân tuế Tân hôn Tân nương tử 新歲新婚新娘子" Năm mới, đám cưới mới, cô dâu mới. Việt Nam ta nói là "Cưới vợ ăn Têt" chính là lúc nầy đây. Không nói đến cái háo hức rạo rực của các anh chàng thanh niên, các cô gái cũng bàn luận nhỏ to xôn xao không kém, muốn có chồng trước Tết phức cái cho rồi ! Ta hãy đọc bài thơ tứ tuyệt truyền khẩu trong dân gian sau đây sẽ rõ :

                歲晏鄉村嫁娶忙,   Tuế yến hương thôn giá thú mang,
                宜春帖子逗春光。   Nghi xuân thiệp tử đậu xuân quang.
                燈前姊妹私相語,   Đăng tiền tỉ muội tư tương ngữ,
                守歲今年是洞房!   Thủ tuế kim niên thị động phòng !
Có nghĩa :
                 Cuối năm đám cưới khắp nơi nơi,
                 Cánh thiệp mừng xuân đã gởi rồi.
                 Tỉ muội trước đèn to nhỏ hẹn,
                 Giao thừa ta sẽ động phòng thôi !



Đó là chuyện vui cuối năm. Bây giờ nhìn lại thân ta...
       Tha phương cầu thực, gởi thân nơi xứ lạ quê người, ta cũng không tránh khỏi chạnh lòng khi đến ngày cúng đưa tiễn Táo Quân về trời, vì đó là tín hiệu của năm hết Tết đến. Lòng kẻ tha hương không tránh khỏi bồi hồi xúc động khi trông ngóng về quê xa. Mời cùng đọc bài thơ của nhà thơ yêu nước Văn Thiên Tường 文天祥 đời Tống khi thất cơ bại binh bị giặc bắt ở Yên Kinh. Cuối năm ngày 24 tháng Chạp ông đã cảm khái khi trông về quê cũ và quyết chí hy sinh :

                燕朔逢窮臘,    Yên sóc phùng cùng lạp,
                江南拜小年。    Giang Nam bái tiểu niên.
                歲時生處樂,    Tuế thời sanh xứ lạc,
                身世死為緣。    Thân thế tử vi duyên.
                鴉噪千山雪,    Nha táo thiên sơn tuyết,
                鴻飛萬里天。    Hồng phi vạn lý thiên.
                出門意寥廓,    Xuất môn ý liêu quách,
                四顧但茫然。    Tứ cố đản mang nhiên !
Có nghĩa :
                   Yên bắc năm đà hết,
                   Giang Nam Tết sớm rồi.
                   Năm tàn vui cũng dứt,
                   Thân thế chết thì thôi.
                   Qụa kêu ngàn núi tuyết,
                   Hồng bay vạn dặm khơi.
                   Ra cửa quê chẳng thấy,
                   Bốn phương bát ngát trời !

        Đưa Táo Quân về trời, cầu mong cho ông Táo tâu với Ngọc Hoàng Thượng Đế giúp cho thế giới năm châu năm tới QUÝ MÃO 2023 sớm ngày vượt qua cơn dịch lớn và chấm dứt chiến tranh, để cho mọi người mọi nhà đều được KHỎE MẠNH, VUI VẺ và AN KHANG THỊNH VƯỢNG !

Đỗ Chiêu Đức - 杜紹德
                                                                                    

1/13/23

CÂU ĐỐI TẾT QÚY MÃO 2023


Tiễn Nhâm Dần 2022 đón Qúy Mão 2023, đưa chúa sơn lâm uy vũ hung ác với các thiên tai dịch bệnh đi, để đón về em Qúy Mão hiền lành dễ thương dù là Thỏ hay Mèo gì đều rất biết nhỏng nhẻo với con người. Mong rằng trong năm tới thiên nhiên sẽ ưu đãi, xã hội sẽ an bình, chiến tranh sẽ chấm dứt để cuộc sống của mọi người dân được no ấm yên vui trong cảnh xuân tươi đẹp như câu đối sau đây :

                有地有天皆麗日,  Hữu địa hữu thiên giai lệ nhật,
                無人無處不春風。  Vô nhân vô xứ bất xuân phong.
Có nghĩa : 
       - Nơi nào có đất có trời là nơi đó có nắng đẹp của mùa xuân;
       - Không người nào không nơi nào là không được gió xuân thổi đến !

      Mong rằng tất cả mọi người mọi nơi trên trái đất mùa xuâm năm tới nầy đều hưởng  được niềm vui của :

                人壽年豐歌盛世,  Nhân thọ niên phong ca thịnh thế,
                山青水秀慶新春。  Sơn thanh thủy tú khánh tân xuân.
Có nghĩa :
       - Người sống thọ, năm được mùa, cùng nhau ca ngợi cuộc đời hưng thịnh;
       - Núi xanh xanh, nước xinh xinh, cùng nhau mừng đón mùa xuân mới.


 Mong rằng tiễn đưa Nhâm Dần 2022 đi, đón năm Qúy Mão 2023 về, sẽ như :

                  東風放虎歸山去,   Đông phong phóng hổ quy sơn khứ,
                  明月探春引兔來。   Minh nguyệt thám xuân dẫn thố lai.
Có nghĩa :
               - Gió xuân thả hổ đi về núi,
               - Trăng sáng vào xuân dẫn thỏ về.

      Thả hổ về rừng núi để tránh hiểm nguy và để đề phòng hậu hoạn; Mong vầng trăng sáng sẽ nhân mùa xuân mà đem con ngọc thố hiền lành về với mọi người như câu đối sau đây :

                  玉兔迎春至, Ngọc thố nghinh xuân chí,
                  黃梅報福來。 Huỳnh mai báo phúc lai.
Có nghĩa :
                - Thỏ ngọc mang xuân đến,
                - Mai vàng báo phước về.

 Và để cập nhật theo như người Việt Nam ta, MÃO là con MÈO, mời xem câu đối sau đây :

                虎去威猶在,   Hổ khứ uy do tại,
                貓來運轉昌。   Miêu lai vận chuyển xương.
Có nghĩa :
        - Cọp đi nhưng uy vũ vẫn còn ở lại (Ý chỉ trong năm cọp vừa qua, các thiên tai dịch bệnh vẫn còn để lại nhiều hậu quả).
        - Mèo đến chắc chắn vận hạn sẽ được chuyển đổi để khá hơn năm qua.

       Chẳng những vận hạn sẽ được chuyển đổi cho khá hơn năm qua, mà còn phải phấn khởi vùng lên để dương uy lập nghiệp :

                    喜玉兔今年奮起,   Hỉ ngọc thố kim niên phấn khởi,
                    慶御貓此歲揚威。   Khánh ngự miêu thử tuế dương uy.
Có nghĩa :
             - Mừng thỏ ngọc năm nay vùng dậy,
             - Chúc mèo vua năm mới dương oai !

      Ai sinh vào dịp xuân về trong những ngày Tết, thì sẽ được chúc bằng câu đối lý thú sau đây :

                   福如東海滔滔至,  Phước như đông hải thao thao chí;
                   財似春潮滾滾來。  Tài tự xuân triều cổn cổn lai.
Có nghĩa :
              - Phước tợ bể đông cuồn cuộn đến,
              - Tiền như sóng biển dập dồn sang.

      PHƯỚC NHƯ ĐÔNG HẢI 福如東海 và THỌ TỈ NAM SƠN 壽比南山 là lời chúc thọ cho những người sống trên một Hoa Giáp (60 tuổi) Vì theo tài liệu thống kê, vào đời Đường tuổi thọ của con người chỉ trong khoảng 40 đến 45 mà thôi, nên người nào sống được 60 tuổi trở lên thì gọi là HƯỞNG THỌ, còn chết dưới 60 tuổi thì gọi là HƯỞNG DƯƠNG. Ví dụ :
              - Anh A mất, HƯỞNG THỌ 60 tuổi, còn...
              - Anh B mất, HƯỞNG DƯƠNG 59 tuổi.
      Nên hễ sống trên được 60 tuổi là người ta tìm hết những lời hay ý đẹp để Chúc Thọ như đã nêu trên. Những người sống thọ nếu chịu khó siêng năng cần cù làm ăn dù không giàu sang phú qúy thì cũng có cuộc sống tương đối dễ chịu với con cháu nội ngoại đề huề, nên xuân về Tết đến chỉ mong :

              迎喜迎春迎富貴,   Nghinh hỉ nghinh xuân nghinh phú qúy,
              接財接福接平安。   Tiếp tài tiếp phước tiếp bình an.
Có nghĩa :
        - Đón niềm vui, đón xuân về, đón phú qúy đến;
        - Nhận tiền tài, nhận phúc lộc, nhận cả sự bình an.

      Nghe có vẻ tham lam nhưng lại rất thực tế : Có ai mà không muốn đón xuân về đón cả niềm vui và sự phú qúy đâu ? và cũng không ai từ chối nhận về phúc lộc, tiền tài và cả sự bình an qúy báu cho gia đình cả ! Nhưng ông bà ta cũng đã dạy là "Gia hòa vạn sự hanh 家和萬事亨". Có nghĩa : Gia đình hòa thuận thì muôn việc đều hanh thông suông sẻ. Câu nầy thường "bị" nói trại thành : Gia hòa vạn sự HƯNG 家和萬事興. Có nghĩa: Gia đình hòa thuận thì muôn việc đều hưng vượng. Nói theo ý nào cũng tốt cả, chủ yếu là "HÒA THUẬN" vì "Hòa khí sẽ sanh tài 和氣生財 mà. Nên câu đối sau đây cũng rất được ưa chuộng :

                和順滿門生百福,   Hòa thuận mãn môn sanh bách phước,
                平安二字值千金。   Bình an nhị tự trị thiên kim.
Có nghĩa :
        * Mãn môn 滿門 là Đầy cửa đầy nhà, có nghĩa là Một nhà, là Cả nhà.
            - Cả nhà hòa thuận sẽ sanh ra trăm ngàn phúc lộc,
            - Hai chữ BÌNH AN đáng giá đến ngàn vàng !


Vâng, phải BÌNH AN 平安 mạnh khỏe yên lành thì mới hưởng được vinh hoa phú qúy, còn cứ bệnh rề rề hay gia đình luôn xào xáo thì dù cho có thật nhiều tiền cũng không cảm thấy được cuộc sống vui vẻ đáng yêu và hạnh phúc. Nên VUI VẺ cũng là yếu tố cần thiết cho một gia đình hạnh phúc :

                合家歡樂財源進,   Hợp gia hoan lạc tài nguyên tấn,
                內外平安好運來。   Nội ngoại bình an hảo vận lai.
Có nghĩa :
          - Cả nhà vui vẻ thì nguồn tiền sẽ tự tìm đến,
          - Nội ngoại đều bình yên thì vận tốt cũng sẽ tự đến nhà.

       Cuối cùng là câu đối mừng đón mùa xuân về với đất trời, về với muôn người và về với cảnh trí chung quanh cuộc sống của ta :

                處處紅花紅處處;   Xứ xứ hồng hoa hồng xứ xứ,
                重重綠柳綠重重。   Trùng trùng lục liễu lục trùng trùng !
Có nghĩa :
               - Nơi nơi đỏ thắm nơi nơi thắm,
               - Lớp lớp liễu xanh lớp lớp xanh !

      
Xuân về trăm hoa đua nở, hồng thắm khắp nơi, liễu non xanh biếc tràn đầy sức sống. Cầu chúc cho mọi người, mọi giới, mọi miền khắp nơi trên trái đất nầy đều có được một mùa xuân AN KHANG và THỊNH VƯỢNG !

Đỗ Chiêu Đức  杜紹德