Showing posts with label Lý Trinh Trường. Show all posts
Showing posts with label Lý Trinh Trường. Show all posts

4/30/23

Hoa nhị phu nhân - 花蕊夫人

 Cám ơn anh K. chia sẻ bài thơ về chuyện mất nước của Hoa Nhị Phu Nhân (花蕊夫人).

Quân vương thành thượng thụ hàng kỳ     君王城上豎降旗, 

Thiếp tại thâm cung na đắc tri                 妾在深宮那得知.

Thập tứ vạn nhân tề giải giáp                 十四萬人齊解甲,

Ninh vô nhất cá thị nam nhi                     寧無一個是男兒.


Dịch ý bài thơ

Vua chúa giơ cờ trắng trên nóc thành 

Thiếp ở chốn cung sâu đâu được hay.

Mười bốn vạn quân đều đầu hàng

Nào ai xứng đáng với đấng nam nhi。


Bài thơ nói lên tâm trạng đau xót khi đất nước lâm nạn và niềm nhớ nước thương nhà, ưu sầu khôn nguôi của Hoa nhị phu nhân, thương cho phận hồng nhan bạc nhược, đơn độc; thân gái yếu ớt dù yêu nước thiết tha cũng đành chịu cuốn trôi theo cơn lốc ai oán của vận mệnh đất nước.


Hoa nhị phu nhân cũng lấy làm kinh ngạc và hổ thẹn cho mười bốn vạn quân sĩ mang danh bảo vệ tổ quốc đã đồng loạt giải giáp, cởi chiến bào, hạ binh đao đầu hàng. Trong lúc đất nước lâm nạn, chẳng có ai xứng với bậc tu mi nam tử để ra tay buồm lái với cuồng phong.

Quốc thù gia hận nợ tang bồng, tránh sao được binh đao chiến loạn cõi trần thế? Những câu từ ai oán đoạn tràng của bài thơ "vong quốc" đã khiến người đọc cảm thán và khâm phục tài sắc vẹn toàn của Hoa nhị phu nhân.


Nhằm góp phần cho sự phong phú trong diễn đàn để cùng học hỏi, tôi xin chia sẻ một bậc văn học tài tử khác của thời Bắc Tống, Tô Đông Pha.


                                                           Tô Đông Pha

Tô Đông Pha, một bậc văn học kỳ tài, thiết nghĩ mọi người đều không xa lạ với ông, văn hào kiệt xuất đã góp phần làm rạng rỡ nền văn học lừng lẫy thời Bắc Tống.

Ở bất kỳ bộ môn nào, văn từ thi phú, sáng tác của ông đều tỏ ra vượt trội, phong phú cả về thể loại lẫn số lượng. Với hơn 1700 bài thơ, 300 bài từ, và rất nhiều bài tản văn nổi tiếng như Phóng Hạc đình ký, Tiền Xích Bích phú, Hậu Xích Bích phú, v.v...


Các bạn thích loạt bài nào của Tô Đông Pha? Trong số rất nhiều tác phẩm tâm đắc của ông, riêng ở đây tôi chỉ xin đề cập đến bài "Định Phong Ba" (定風波), Đó là cảnh giới hiểm có của thế hệ văn chương trong lịch sử văn hóa Trung Quốc.  Ngưỡng mộ thái độ nhân sinh khoát đạt, cởi mở tự nhiên khi đối diện với nghịch cảnh và trắc trở thể hiện trong từng câu chữ của bài thơ.


Trong cuộc sống đời thường, khi đối mặt với phong ba, vinh nhục, được mất của cuộc đời, tôi tự thấy hổ thẹn với lòng mình, cảm thấy mình không thể bình thản ứng xử với mọi hoàn cảnh giống như Tô Đông Pha. Đó cũng là nhân duyên khiến tôi tìm hiểu thêm cách đối nhân xử thế của bậc kỳ tài này, để những câu từ hàm chứa ý nghĩa thâm thúy luôn nhắn nhủ và soi sáng tôi mỗi khi sa vào nghịch cảnh trong cuộc đời.


Bài thơ “Định Phong Ba” viết vào mùa xuân năm 1082. có một vài lời mở đầu như sau:

Tam nguyệt thất nhật, Sa Hồ đạo trung ngộ vũ. Vũ cụ tiên khứ, đồng hành giai lang bái, dư độc bất giác, dĩ nhi toại tình, cố tác thử (三月七日,沙湖道中遇雨.雨具先去,同行皆狼狽,餘獨不覺,已而遂晴,故作此.) Dịch nghĩa: Ngày mồng 7 tháng 3, trên đường đến Sa Hồ thì gặp trời mưa. Người có dụng cụ đi mưa đã rời khỏi. Những người cùng đi đều cảm thấy bối rối, chỉ có tôi không cảm thấy như thế. Qua một lúc thì mưa tạnh, nên làm bài từ này.


                        Định Phong Ba" (定風波)

Mạc thính xuyên lâm đả diệp thanh         (莫聽穿林打葉聲),

Hà phương ngâm khiếu thả từ hành         (何妨吟嘯且徐行).

Trúc trượng mang hài khinh thắng mã     (竹杖芒鞋輕勝馬), 

Thùy phạ         (誰怕)? 

Nhất thoa yên vũ nhậm bình sinh             (一蓑煙雨任平生).

Liệu tiễu xuân phong xuy tửu tỉnh            ( 料峭春風吹酒醒),

Vi lãnh         (微冷),

Sơn đầu tà chiếu khước tương nghinh     (山頭斜照卻相迎).

Hồi thủ hướng lai tiêu sắt xứ                 (回首向來蕭瑟處),

Quy khứ     (歸去),

Dã vô phong vũ dã vô tình                 也無風雨也無晴).


 Dịch ý bài thơ

Đừng nghe rừng đang lay động luân chuyển và những chiếc lá lìa cành rơi lả tả.

Cứ thong thả mà đi và vù hát ngâm nga.

Tay chống gậy trúc, đôi chân với thảo hài thoải mái hơn là đi ngựa,

Ai sợ?

Một áo tơi sờn cũ ôm ấp suốt đời.

Se lạnh gió xuân hiu hắt làm cho người tỉnh táo như chợt tỉnh sau cơn men rượu.

Hơi lạnh

Đầu non bóng xế tà đang đón chào niềm nở

Hồi đầu chợt thấy sự quạnh vắng của chặng đường đã qua

Trở về,

Đâu thấy gió mưa cảnh chiều tà.


Tôi có cảm giác khác nhau trong mỗi giai đoạn đọc “Định Phong Ba”. Khi trước tôi chỉ nghĩ rằng Tô Đông Pha khoáng đạt tự tại, bây giờ lại cảm thấy có nhiều ý nghĩa sâu xa hơn ẩn tàng trong những câu chữ của bài thơ.


Tô Đông Pha viết bài thơ này 2 năm sau khi bị lưu đày đến Hoàng Châu, một miền đất lúc ấy hãy còn sơ khai hoang dã. Sự giáng chức này mang ý nghĩa thế nào đối với Tô Đông Pha. Từ một tài tử bậc nhất trong lĩnh vực văn học đương thời, danh vọng lừng lẫy đến bị giam trong tù tra cứu cả trăm ngày, rồi bị bọn tiểu nhân gièm pha cho lưu đày đến chỗ tận cùng gốc khuất xa xôi hẻo lánh. Tô Đông Pha như người lạc vào một hành tinh khác, lạc lõng bơ vơ, không bổng lộc, không chức tước; mất cả ánh hào quang danh vọng, không bạn bè, mất cả lý tưởng phục vụ tổ quốc. Nhiều người cho rằng Tô Đông Pha cởi mở khoáng đạt, dù bị cách chức lưu đày vẫn an vui tự tại như thường. Bình tâm mà nói ai có thể thản nhiên trước một biến cố kinh động ngặt nghèo như vậy?


Nếu chúng ta đọc tiểu sử của Tô Đông Pha sẽ thấy, sau khi đến Hoàng Châu, ông bắt đầu cuộc sống mới, một cuộc sống cam go từ dưới đáy sâu cuộc đời. Tại chùa An Quốc ở Hoàng Châu, ông gác qua thế sự thị phi, tịnh tâm quán chiếu. Lúc ấy, chỉ có Phật và Đạo soi sáng và dẫn dắt Tô Đông Pha trở về con đường chánh đạo để khỏi đắm chìm trong cơn phong ba của bể khổ tuyệt vọng.


Rồi ông cũng trút bỏ xa hoa, khoác lên mình chiếc áo nhà nông, tự đào giếng tìm nguồn nước sinh hoạt, cày sâu cuốc bẫm, trồng trọt để có miếng ăn. Sau khi trải qua những ngày tháng thê lương, sống nhờ vào sức lao động của đôi bàn tay, dần dần đánh thức, khơi dậy cái cảm giác hạnh phúc và niềm vui đơn giản trong cuộc sống. Tô Đông Pha từ từ ý thức được việc quan trọng nhất trên đời chỉ gói trọn trong “ăn” và “ngủ.”


Vì vậy, mùa xuân năm 1082, hai năm sau khi bị cách chức lưu đày, Tô Đông pha lần nữa lấy lại niềm tin cuộc sống, thoát thai hoán cốt từ sự điêu đứng của hoạn đồ thăng trầm, và đã viết lên bài thơ “Định phong ba” này. Từ những lời thơ, chúng ta có thể thấy được cảnh giới của ông đã có một bước chuyển ngoặt, vượt qua gian nan, tiến về cảnh giới thênh thang và khoáng đạt hơn.


Đứng ở góc nhìn xa hơn, chúng ta hãy cùng khám phá một danh tác văn học bất hủ của đại văn hào Tô Đông Pha.

Các nhà văn thường dùng mưa gió để ẩn dụ gian nan trong cuộc sống. Tô Đông Pha cũng mượn câu chuyện gặp mưa tại Sa Hồ để ngầm chỉ cảnh ngộ bi đát trên hoạn đồ chìm nổi của mình. Nhưng Tô Đông Pha có thái độ gì khi đối mặt với biến cố cuộc đời?


Trong đoạn đầu của bài thơ,Tô Đông Pha dùng các từ: Đừng nghe, ai sợ, không có sao, mưa gió có gì đáng ngại. … nghe thoáng qua thì có vẻ khoáng đạt, nhưng thực ra là tự mình an ủi.


Bởi vì nếu thản nhiên trước mưa gió, thì tại sao lại đừng nghe đừng sợ. Như vậy, ngay lúc đầu Tô Đông Pha có thái độ kháng cự chứ không phải chấp nhận gian khổ. Đó là cảnh giới thứ nhất khi ông gặp nghịch cảnh. Người đời thường nói: "sau cơn mưa trời lại sáng, khó khăn nào rồi cũng qua, phải sống lạc quan và an nhiên trước mọi biến cố." Nhưng bao nhiêu người thực sự làm được như vậy. Chúng ta vẫn biết đau khổ và hạnh phúc, đều là tặng phẩm của đất trời. Tuy nhiên, gian nan làm mình khó chịu và đau khổ là sự thực. Tô Đông Pha không phải là siêu nhân, ông cũng có bản năng kháng cự với gian nan và những phản ứng lo sợ, quằn quại, đau khổ như mọi người khi gặp nghịch cảnh. Tuy nhiên ông không bị nhấn chìm bởi nghịch cảnh, nhờ sự quán chiếu và chuyển hóa, Tô Đông Pha mạnh dạn kinh qua mưa gió cuộc đời, đồng thời là ngọn đuốc soi sáng cho người đời sau.


Tiếp theo là đoạn giữa của bài thơ, "nhất thoa yên vũ nhậm bình sinh, liệu tiễu xuân phong xuy tửu tỉnh"(一蓑煙雨任平生, 料峭春風吹酒醒), áo tơi tuy đơn sơ, miễn sao che mưa che gió là được. Sau khi mưa thuận gió hòa, những tia nắng chiều vàng vọt dịu dàng trên đầu non mang đến cho Tô Đông Pha sự bình yên thanh tịnh, khiến ông cảm giác như chợt tỉnh sau cơn say. Áo tơi trong bài thơ cũng ẩn ý cuộc sống thanh đạm, ông cất nhà tranh bên vách núi phía đông (đông pha), từ đó lấy hiệu là Đông Pha cư sĩ, cày ruộng trồng trỉa, sống y như một lão nông, thanh bần nhưng an ổn. Đó là cảnh giới thứ hai khi Tô Đông Pha gặp nghịch cảnh. Tâm bình thường là đạo. Người sống với tâm bình thường là người biết đủ, tâm an trú trong sự bình an, trong sáng. 


Thưởng thức một danh tác là tìm hiểu giá trị chân thiện mỹ của bài viết đối với người đời. Nhà văn và nghệ thuật gia phú cho tác phẩm sinh mạng lần thứ nhất, đọc giả diễn giải phú cho tác phẩm sinh mạng lần thứ hai, vì vậy diễn giải cũng là một bộ phận của nghệ thuật. Tiếp theo đây, chúng ta thử phân giải đoạn cuối, cũng là giá trị cốt tủy của bài thơ. 


Ở đời chuyện nghịch ý mười điều chiếm hết tám chín. Thiết nghĩ mọi người đều đã từng trải nghiệm ít nhiều những khốn khổ, bất như ý trong cuộc sống. Nhưng chúng ta vẫn phải sống cho dù sinh hoạt có muôn vàn khó khăn, thực vậy, con người có bao giờ lép vế với nghịch cảnh đâu.


Nghịch cảnh nào rồi cũng sẽ tận, gian nan nào rồi cũng sẽ qua. “Hồi thủ hướng lai tiêu sắt xứ” (回首向來蕭瑟處), quay đầu nhìn lại đoạn đường quá khứ, Tô Đông Pha cảm khái mà nói: "Dã vô phong vũ dã vô tình" (也無風雨也無晴). Sau nhiều lần suy ngẫm, tôi diễn giải là: suốt hai năm dày công tu tập, gạn đục lóng trong, Tô Đông Pha ngộ ra chân lý, tìm lại sự thanh tịnh và ý thức được điều then chốt để vượt qua bất cứ nghịch cảnh nào chính là ở tâm thái. "Trần cư bất nhiễm bụi trần thế," ngoài trời mây hay nắng, tâm thức lúc nào cũng như như bất động trước những biến thái ngoài đời.


Chúng ta có thể hiểu "VÔ" ở đây là không hề gì, không sao cả ,cũng có thể hiểu theo ý nghĩa của nhà Phật, "VÔ" không phải là không có, mà là hư vọng.

"Phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng (凡所有相,皆是虚妄).” Bất cứ vật gì hễ có hình tướng đều là không thật. Đó là cảnh giới thứ ba khi Tô Đông Pha gặp nghịch cảnh. Mưa gió hay trời trong, đau khổ hay hạnh phúc, vinh hay nhục, được hay mất ... Mọi sự chung quy đều tan biến như khi tỉnh giấc sau cơn mê mộng. Nếu biết tất cả chỉ là mộng ảo, thì chúng ta còn chấp hay không? chắc chắn là không.


Tô Đông Pha dùng bài thơ để diễn đạt quá trình vượt qua gian nan của mình. Từ thái độ chống cự tiêu cực "đừng nghe đừng sợ" đến chấp nhận nghịch cảnh, sau cùng đạt đến cảnh giới thông suốt, khoáng đạt và siêu thoát. Tại sao bài thơ "Định Phong Ba" là danh tác bất hủ, ngàn năm không ai sánh kịp, là vì sự khoáng đạt của Tô Đông pha là sự kết tinh của tận cùng đau khổ, nảy mầm từ tận đáy sình lầy, như hoa sen vươn lên từ chốn bùn, rồi lan tỏa mùi hương thanh khiết.


Quá trình phần đấu với gian nan của Tô Đông Pha tựa như cuộc thỉnh kinh của thầy trò Đường Tăng trong Tây Du Ký. Đó cũng là con đường bắt buộc phải qua của bất cứ người nào muốn vượt qua mọi thử thách trong cuộc sống đầy phong ba bão tố. Từ xưa đến nay, chúng ta đều đã và đang trên đường gập ghềnh, chịu đựng những khổ đau như Tô Đông Pha trên hành trình truy tầm chân lý. Mỗi thời đại của quá khứ, hiện tại và tương lai đều có Tô Đông Pha. Bởi thế,Tô Đông Pha là bạn đồng hành, cũng là người giơ cao ngọn đuốc soi sáng hành trình của chúng ta.


Trường

04-30-2023


4/18/23

Nghiệp

Vài hôm trước, một người bạn chia sẻ video: "Những Điềm Báo Chấn Động Tại Trung Quốc". Nội dung là, người dân Trung Quốc đang sống trong xã hội động loạn và hoàn cảnh kinh hoàng bất an gồm:

- Thủ đoạn khủng bố trong cuộc đàn áp tín ngưỡng.

- Đặt hàng trăm triệu Camera trên toàn quốc để tăng cường khả năng giám sát.

- Nạn bắt cóc trẻ em phụ nữ ngang nhiên hoành hành khắp nơi ở Trung Quốc.

- Nạn buôn người và buôn bán nội tạng càng lúc càng nghiêm trọng. Đạo đức xã hội Trung Quốc xuống thấp nhất trong lịch sử, và có lẽ cũng thấp nhất thế giới.


Rồi bạn tôi hỏi: Anh nghĩ sao về Nhân Quả?


Quả nhiên thế, mọi sự việc trên đời đều vận hành và được chi phối bởi luật Nhân Quả. Theo thiển kiến của tôi, ngoài luật Nhân Quả, còn một yếu tố quan trọng khác mà chúng ta thường thấy trong kinh Phật, đó là chữ "Nghiệp." Nhằm mục đích trau dồi và khuyến khích trong tinh thần học hỏi, nên xin chia sẻ một vài cảm nghĩ về Nghiệp.


                    Nghiệp                                                


Chúng ta đang sống trong thế giới đại thị phi, nếu cần phải dùng một chữ để hình dung, đó là chữ "LOẠN". Thực vậy, nếu chúng ta để ý quan sát, hầu hết các hệ thống truyền thanh, truyền hình, mạng lưới đều truyền đạt tin tức phiến diện: thiên tai nhân họa, tranh giành đấu đá, gian tham lừa đảo, ân oán tình thù ... Vì vậy, tâm tư của chúng ta thường bị giao động và bất an trước sự giao lưu tạp nhạp của hệ thống mạng lưới và sự thông tin quá mức của môi giới truyền thông.


Nhà Phật cho rằng trong nhân gian, cõi đời là cõi ta bà. "Ta Bà" là Phạn ngữ, dịch ý là "thế giới kham nhẫn," có nghĩa là con người phải chịu đựng các phiền não, khổ lụy, bất bình, bất mãn, bất như ý...


Chúng ta thường thắc mắc băn khoăn tự hỏi khi đứng trước những nghịch cảnh trớ trêu, nhất là những điều có phần vô lý. Tại sao nạn cơ hàn cứ xảy ra tại Châu Phi? Tại sao cuộc chiến Việt Nam kéo dài gần 20 năm và sau đó dấy lên làn sóng vượt biên tạo nên những mất mát thê thảm của thế kỷ? Tại sao Putin phát động cuộc xâm lăng Ukraine khiến hàng triệu người dân vô tội sống trong cảnh màn trời chiếu đất? Thậm chí có câu hỏi nghịch lý: Tại sao đời cha ăn mặn lại để đời con khát nước? Vân vân và vân vân…


Quả nhiên thế.


Cuộc đời là dòng chảy muôn thuở. Bao điều khiến chúng ta suy ngẫm mãi: thiên tai nhân họa, điềm báo kinh động.... Những tưởng là nghịch lý nhưng nhìn kỹ ta sẽ thấy các sự kiện trong cuộc sống luôn liên kết với nhau bằng những mắt xích. Và rồi trong những góc khuất đâu đó của cuộc đời bất ngờ chúng ta ngộ ra lắm điều ý vị và cơ duyên từ những điều kỳ diệu trong cuộc sống.


Kỳ thực, thế giới chúng ta đang sống là một sân khấu không bao giờ hạ màn tắt ánh sáng. Trong vòng luân hồi truyền kiếp làm sao chúng ta tránh khỏi những tương tác liên quan đến những cá nhân, sự kiện khác.


Và rồi khái niệm chữ “nghiệp” trong kinh Phật được người ta đề cập đến. Nghiệp nói nôm na là nhân duyên tạo thành từ những hành vi gồm thân khẩu ý mà cuối cùng sẽ tạo ra các kết quả khác. Tuy nhiên nghiệp có thể thay đổi, nói đúng hơn là nghiệp có thể chuyển hóa. Nó sẽ xấu đi nếu mình không biết duy trì những đạo hạnh tinh tấn. Hoặc nó sẽ được cải thiện nếu như ai đó thực hiện những việc làm đạo đức nhân bản từ bi rộng lượng với muôn loài.


Trở lại vấn đề tại sao ở hiền nhưng không gặp lành. Ở ác lại thong dong tự tại? Tại sao chúng ta phải sống tốt, phải sống thiện, trong khi những tồi tệ và điềm dữ vẫn cứ xảy ra không ngừng khắp thế giới. Nhân quả cuộc sống xem ra chẳng đi theo những quy luật bình thường như ta kỳ vọng. Cuộc sống phũ phàng khiến ta có câu nói mỉa mai: "Thật thà, thẳng thắn thường thua thiệt!"


Rồi nếu chúng ta quay về nội tâm để phản tỉnh quán chiếu, những lời dạy trong kinh Phật về "biệt nghiệp và cộng nghiệp" chính là những nỗ lực cố gắng giải thích các sự kiện mang tính mâu thuẫn nghịch lý trong cuộc sống hầu giúp người tu tập có một hướng đi trên đường đời lẫn đường đạo chững chạc và tốt đẹp hơn. 


Chữ nghiệp trong nhà Phật không có nghĩa một chiều, hễ nói nghiệp thì phải có điều xấu điều ác. Nghiệp cũng có nghiệp chung và nghiệp riêng. Nghiệp riêng thì gọi là biệt nghiệp và nghiệp chung thì gọi là cộng nghiệp.


Chúng ta sinh ra đời, mỗi người mang theo nghiệp riêng của mình, mà cùng sống chung với nhiều người khác. Khi chúng ta biết mỗi người có mỗi nghiệp riêng, mình là kẻ ngoại cuộc không có nghiệp đó thì không hiểu được nghiệp của người khác, cũng chính vì nghiệp riêng của họ mà khiến họ hành xử nhiều khi không hợp lô-gích của người đời. Hiểu như vậy, chúng ta sẽ có thái độ sống dung hòa không thắc mắc, mà thông cảm được hoàn cảnh và tình huống của người khác.


Biệt nghiệp là nhân duyên của mỗi cá nhân, là ai làm nấy chịu. Cộng nghiệp là ảnh hưởng của các mối quan hệ nhân duyên giữa ta và những thành viên khác. Khi nạn động đất vừa xảy ra  gần đây tại Turkey, nhiều người đã tỏ ra ái ngại và xót thương cho những nạn nhân kém may mắn. Nếu động đất gây ra tác hại lớn và bao khó khăn cho cả một vùng ảnh hưởng đến nhiều người phải chăng đó là cộng nghiệp? Dân chúng sống tại nơi đó ai cũng bị thiệt hại, không ít thì nhiều. có những trường hợp tồi tệ nghiêm trọng hơn? Tức cùng sống trong vùng có thiên tai nhưng có kẻ bị nặng, tỷ như mất mạng; người bị nhẹ, tỷ như hư hao nhà cửa? phải chăng đó là biệt nghiệp?


Từ lâu, chúng ta thường nghe nói tạo nhân thì phải thọ quả báo, tức là gây nhân nào thì chịu quả nấy. Có một số người mới tu lại nghĩ rằng : Xưa kia làm điều tội ác, ngày nay tu hành là mong giảm bớt khổ đau. Nhưng, nếu trước đã gây nhân nào sau phải chịu quả nấy thì tu để làm gì ? Bởi thế, thiết nghĩ chúng ta nên tìm hiểu luật nhân quả tường tận hơn để không thối chí trên con đường tu hành và truy tầm chân lý.


Phật có dạy trong Kinh A-hàm: Người gây nhân bất thiện, trước hoặc sau họ biết tu thân, tu giới, tu tâm thì quả sẽ chuyển hóa, đổi thay. Đức Phật dùng thí dụ hạt muối để diễn giải về sự chuyển nghiệp, mà vẫn không trái với định luật nhân quả. Người tạo nghiệp bất thiện, nhận lấy nghiệp quả xấu, như người bỏ nắm muối vào một ly nước, nước trong ly sẽ rất mặn không thể uống được. Nếu như trong đời sống hiện tại, người ấy biết sống thiện, tạo duyên lành thì ví như người bỏ nắm muối vào lu nước lớn, vị muối loãng ra, có thể uống được. Nếu người ấy sống đạo đức, tu thân, tu giới, tu tâm, thì ví như người bỏ nắm muối vào trong hồ ao, thì nước sẽ không còn mùi mặn. “Muối” là nghiệp nhân ác, còn “nước” là nghiệp nhân thiện, nước càng nhiều, muối càng loãng ra cho đến vị mặn còn rất ít, không đáng kể.

Cho nên tu là chuyển quả xấu. Chuyển nghiệp không phải là tạo nhân mà không chịu quả, mà là chuyển không thọ đúng như khi gây nhân. Tới đây, đi xa hơn một chút, chúng ta cùng tìm hiểu lý "nhân quả" theo tinh thần Thiền tông. Trong “Chứng đạo ca” của thiền sư Huyền Giác có nói: "Nghiệp chướng bổn lai không." Có nghĩa là nghiệp chướng vốn dĩ là không có thật.


Trong công án của Thiền tông có ghi cuộc đối thoại giữa thiền khách Hạo Nguyệt và thiền sư Trường Sa.

Thiền khách Hạo Nguyệt hỏi:

- Nghiệp chướng bổn lai không. Nhưng tại sao Tổ Huệ Khả lại còn phải chịu quả báo?

Thiền sư Trường Sa trả lời :

- Vì thiện tri thức chưa biết bổn lai không.

Thiền khách Hạo Nguyệt hỏi tiếp:

- Thế nào là bổn lai không?

Thiền sư Trường Sa trả lời:

- Nghiệp chướng.

- Thế nào là nghiệp chướng ?

- Bổn lai không.

Tại sao nói nghiệp chướng bổn lai không?


Tu hành của Thiền tông là phải biết soi lại để nhìn thẳng nội tâm, biết cái gì hư dối thì buông xả, cái gì chân thật để nhận lại. Khi tâm chúng ta mê là chúng ta còn mang nghiệp, nếu biết thức tỉnh chuyển nó thì nó sẽ thay đổi, nên nói nghiệp vốn không thật. Tuy không thật, nhưng nếu chúng ta mê thì nó kéo đi mãi trong vòng luân hồi sinh tử không dừng.


Đã nói “Nghiệp chướng bổn lai không” tại sao Tổ Huệ Khả chết trong tù ? Trong kinh, Phật nói có nhân là có quả, nhưng quả đến còn tùy theo sức tu cao thấp mà chuyển hóa.

Tổ Huệ Khả cũng vậy, khi Ngài ngộ đạo ở Tổ Bồ-đề-đạt-ma, sau Ngài truyền tâm ấn cho Tổ Tăng Xán. Ngài nói : “Ta còn chút duyên phải đi trong nhân gian”. Rồi Ngài đến giáo hóa ở một vùng nọ, bị ngoại đạo sàm tấu cho là Ngài truyền bá tà giáo. Quan địa phương tin lời gièm pha và bắt giam Ngài. Khi bị giam trong khám, Ngài không giận không buồn. Ngài nói duyên ta hết ở đây, rồi Ngài tịch trong khám. Tổ Huệ Khả là người tu hành đắc Đạo, minh tâm kiến tánh. Ngài thấy rõ đầu đuôi gốc ngọn của nhân duyên. Như vậy trả mà không khổ, rồi từ đó được giải thoát sanh tử. Thậm chí cái quả mà chúng ta nghĩ là Ngài trả, nhưng đối với Ngài thì không có trả.


Tâm có nhiễm tất mê, tâm không nhiễm tất giác, cũng như chúng sanh vô minh vọng chấp tạo ra các nghiệp dữ nên bị luân hồi sanh tử, nếu giác ngộ tu hành chuyển nghiệp thì sẽ thoát vòng tục lụy. 


Trên con đường từ mê tới giác cũng như cuộc thỉnh kinh của thầy trò Đường Tăng trong Tây Du Ký. Cuộc hành trình ngàn dặm từ Đông Thổ Đại Đường đến Tây Phương Thiên Trúc, thầy trò Đường Tăng gặp thiên ma vạn quỷ ngăn đường cản lối; cũng như trên đường đời của cõi ta bà, con người phải luôn đương đầu với nhiều trắc trở, nghịch cảnh và khó khăn, suốt cuộc hành trình đầy phong ba thử thách, chúng ta phải cố gắng phấn đấu, học hỏi rồi trưởng thành.


Nhân sinh bất như ý thập thường bát cửu, ở đời chuyện nghịch ý mười điều chiếm hết tám chín. Thiết nghĩ mọi người đều đã từng trải nghiệm ít nhiều những khốn khổ, bất như ý trong cuộc sống. Đến khi nào chúng ta cố gắng lòng trong gạn đục, giữ tâm thanh tịnh và bằng lòng với cuộc sống hiện tại, bình tâm trước những nghịch cảnh và thử thách, trân quý những bài học giá trị tiềm ẩn trong những sự kiện của cuộc sống, cả tốt lẫn xấu.


Nghiệp là vậy. Duyên cũng là vậy? Đều có điều tốt đẹp sau mỗi lần chúng ta trải qua những dằn vặt đau khổ. Lúc đó, chúng ta sẽ bình tâm trước những ảnh hưởng của cộng nghiệp xấu khi chứng kiến cảnh bất công của chúng sanh (chính mình và người khác) ngụp lặn giữa bể khổ sân si.


"Có thờ có thiêng, có kiêng có lành." “thiêng” và “lành” ở đây không phải ở việc cúng bái, cầu xin, lạy lục, mong bề trên ban phước lành ...  mà ở tâm của con người. “Sống là động nhưng lòng luôn bất động, sống là thương nhưng lòng chẳng vấn vương.” Dầu là biệt nghiệp hay cộng nghiệp, nhân duyên hay quả báo, hẳn chúng ta sẽ nhận ra cuộc đời mãi mãi là một dòng chảy vô thường trong đó mỗi chúng ta bất quá chỉ là một giọt nước đắm chìm trong dòng chảy mênh mông bao la vĩnh hằng ấy.


Trường

04-15-2023


3/31/23

Cảm Ơn Nghịch cảnh

Sáng thứ Ba tuần rồi (03-14-2023), khu nhà tôi ở không có điện vì giông tố bão bùng. Tình trạng này kéo dài hơn 30 tiếng đồng hồ. Tối hôm đó tôi trải qua một đêm dài hãi hùng giá buốt. Đêm ấy tôi phải mặc đến 3 áo lạnh, 1 áo khoác ngoài mà vẫn thấy lạnh vì khí hậu dị thường tại California. Đây là đêm mà tôi phải chống trả với cái lạnh, theo tôi, đó là đêm lạnh nhất từ khi tôi đặt chân đến đất Mỹ. Không đèn đóm, không có hơi sưởi ấm, tôi phải sống trong đêm tối dày dạn, vì trước đây chưa bao giờ xảy ra tình trạng này, nên tôi không có cù bị những thiết bị chiếu sáng như đèn dầu, đèn pin hoặc nến. Không ngủ được tôi mong cho trời mau sáng. Thời gian như dài ra, nằm co ro nghe tiếng tít tắc của đồng hồ trên tường, thỉnh thoảng trời chớp sáng lên kèm theo tiếng sấm của cơn thịnh nộ thiên nhiên.


Tôi chợt nghĩ tới những người vô gia cư đang co ro bên góc đường ngoài phố và run rẩy trong cơn mưa bão gió lạnh; đồng thời nghĩ đến các chuyên viên PG&E đang ngày đêm cố gắng hồi phục nguồn điện bằng mọi cách có thể trong hoàn cảnh vô cùng khắc nghiệt của cơn giông thế kỷ, hầu mang lại hơi ấm cho những gia đình đã và đang chống chọi với cái lạnh suốt đêm dài tối mù tối mịt...


Thương xót những người vô gia cư vì số mệnh lận đận, chịu thiếu thốn những vật dụng tối thiểu trong đời sống, đang sống cơ hàn bên lề rìa của xã hội. Cảm ơn đời cho chúng ta được ấm no.


Thực vậy, nếu để ý chúng ta sẽ thấy trong cuộc sống mỗi ngày có vô số ưu đãi để chúng ta phải cảm ơn cuộc đời, cảm ơn mọi người. Hàng ngày khi thức giấc mở mắt đón chào một ngày mới, hãy cám ơn cuộc đời đã cho ta được vui sống thêm một ngày. Khi đọc tin tức 39 người chết ngạt trong container trên đường đến Anh Quốc tìm sinh kế, hãy cám ơn đời ta may mắn không nằm trong số phận bi thảm như 39 người đó. Để rồi khi nghĩ đến bao nhiêu người khác đã thiệt mạng trên đường tìm tự do trước kia, tôi lại tạ ơn trời đất vì mình may mắn không phải dùng mạng sống để đánh đổi hạnh phúc, để còn được hít thở bầu không khí tự do.


Đêm không điện không gas mang lại nhiều sự bất tiện và khổ não cho cuộc sống, nhưng cũng vì khổ mà chúng ta biết trân quý sự khả quý của những giây phút an lạc hạnh phúc, biết cảm nhận sự bất hạnh không may của người khác.


Biết khổ là cội nguồn của tâm thức giác ngộ. Nhân sinh bất như ý thập thường bát cửu, ở đời chuyện nghịch ý mười điều chiếm hết tám chín. Tuy nhiên, khổ đau và hạnh phúc luôn đồng hành bên nhau, gặp nghịch cảnh cố gắng sống với nghịch cảnh và chuyển hóa nghịch cảnh, ví như hạt cát vô tình lọt vào vỏ trai, con trai nhẫn nại, chịu đựng rồi tiết ra hoạt chất bao bọc hạt cát lại, lâu ngày trở thành viên ngọc trai lóng lánh quý giá.


Cảm ơn nghịch cảnh khó khăn khiến ta suy ngẫm. Nếu cuộc đời không có khó khăn thì ai biết trầm tư, tìm lối thoát để vượt qua trở ngại, tiến đến thành công?

Cũng như anh hùng chỉ xuất hiện khi thời loạn lạc, không có loạn lạc thì không có anh hùng vì nếu có thì xã hội cũng không ai cần đến. Đó cũng là lý do tại sao Đức Phật giáng thế ở đất nước nghèo nàn như Ấn Độ mà không phải ở một nơi giàu có, sung sướng.


Sinh hoạt hiện nay tại nước ngoài nếu thiếu những tiện nghi mà chúng ta đã thụ hưởng bấy lâu nay như điện, nước, gas là một điều vô cùng khổ não. Đó còn chưa kể đến thiên tai nhân họa, ví dụ điển hình là cơn đại dịch Covid. Thiết nghĩ mọi người đều đã từng trải nghiệm ít nhiều khốn khổ này trong cuộc sống. Mọi người đương nhiên đều muốn có sinh hoạt hạnh phúc, nhưng hầu như không có ai được sống trọn vẹn với hạnh phúc vì bản chất vô thường của trần thế. Đó không phải là một sự đe dọa, mà là một sự thực để chúng ta cảnh tỉnh để biết sống thiện, yêu thương mọi người, luôn mang lòng tri ân và chuẩn bị sẵn sàng hầu đối diện với nhiều thử thách để giữ tâm được bình an trong mọi biến cố bất ngờ của cuộc sống. 


Vì một lần không điện kéo dài suốt trong đêm tối lạnh giá khiến tôi luôn luôn biết ơn cuộc sống, biết ơn khó khăn, biết ơn vô thường mà mỗi sớm mai thức giấc tôi có thêm một ngày nữa để yêu thương, để sống thật chậm, thật chậm, để nuốt trọn những cảm xúc thăng trầm, để nếm đủ vị đời chua ngọt đắng cay, để tận hưởng trọn vẹn những niềm vui, nỗi buồn và những hạnh phúc an lạc mà cuộc đời đã mang đến cho tôi. Cũng không quên cầu nguyện cho những ai vẫn đang hối hả, ngụp lặn, trôi nổi trên dòng đời hư ảo sẽ sớm quay đầu, chuyển hóa thân tâm, tìm lại cái thanh tịnh tinh khiết đã sẵn có trong ta, mà lâu nay bị bụi trần che lấp, để làm hành trang cho những bước đi ung dung vào con đường quang minh trong cõi Ta Bà.

Cảm ơn cuộc sống ấm no

Cho tôi đồng cảm âu lo cơ hàn 

Cảm ơn những lúc gian nan

Cho tôi sức mạnh hiên ngang hào hùng

Cảm ơn bệnh tật ốm đau

Cho tôi chia gánh khổ sầu người mang

Cảm ơn hoàn cảnh trái ngang

Cho tôi đứng dậy vững vàng đi qua

Cảm ơn mọi người gần xa

Cho tôi ấm áp, đậm đà vui tươi

Cảm ơn nước mắt – nụ cười

Cho tôi trọn vẹn phận người phù du.


Trường

31-03-2023