Showing posts with label Điểm phim. Show all posts
Showing posts with label Điểm phim. Show all posts

12/30/23

The Little Nyonya 小娘惹 (Tiểu Nương Nha)

Mấy tuần trước (Dec-10-2023), anh K. có chia sẻ bộ phim truyện "The Little Nyonya 小娘惹". Đây là món quà bất ngờ và quý giá đối với tôi trong dịp lễ Giáng Sinh này. 

Tôi học được một từ mới "Nương Nha”, là phiên âm của Hán tự "娘惹", tiếng Malaysia là "Nyonya", là hậu duệ của người Trung Hoa nhập cư ở vùng Nam Dương thuở trước, nay là các nước Malaysia, Singapore và Indonesia. Nói cho đúng "Nyonya" dùng để chỉ phụ nữ còn "Baba" là đàn ông. 


Khi xưa, "Nyonya" thường là người đàn bà giúp việc cho các nhà giàu và trong dinh thự của hoàng gia. Từ ngữ "Nyonya" khiến tôi nghĩ đến cụm từ "ô-sin" của tiếng Nhật," "lọ lem" của Việt ngữ, "nô tỳ" của Trung văn.


Cũng như chuyện tình của những cô gái lọ lem khác, phim truyện "Tiểu Nương Nha" (小娘惹) nói về con đường tình yêu éo le, số phận hẩm hiu và sự cố gắng truy tầm hạnh phúc của hai mẹ con "Nyonya": Cúc Hương và Nguyệt Nương. Thực vậy, phấn đấu trong cuộc sống khó khăn vẫn là bài học suốt đời của chúng ta. 


Từ xưa đến nay, người ta luôn cho rằng một tình yêu trọn vẹn phải là kết tinh bằng một hôn lễ cho hai đối tượng về chung một mái ấm. Dù rằng lắm khi giữa chàng và nàng là cả một thế giới đầy những khác biệt tương phản, nhưng truyện cổ tích vẫn cho họ sánh duyên với nhau. Thế mới có chuyện Sọ Dừa cưới cô út xinh đẹp, Thạch Sanh lấy công chúa, cô Tấm trở thành hoàng hậu; hoặc là câu truyện "đôi giày thủy tinh" và mối tình cô gái "Cinderella" của Tây phương.


Ai cũng đã từng trải qua một tuổi thơ êm đềm với những câu truyện cổ tích đầy thơ mộng, một thế giới trong đó mọi người đều ước mơ và khao khát. Truyện thay mặt nhân dân thực thi công lý trừng trị kẻ ác và mang hạnh phúc đến cho những người lương thiện. Cho nên truyện cổ tích thường có kết cục đầy nhân văn và hướng chúng ta đến gần với Chân Thiện Mỹ.


Thoát ra ngoài thế giới của cổ tích để trở lại với đời thường. Trong thời đại ngày nay, giả sử một cô gái xuất thân từ hoàn cảnh như cô bé lọ lem, thì liệu những chàng trai giỏi giang thành đạt có để mắt tới nàng không? Nói cách khác, trong đời thường, liệu bạch mã hoàng tử có sẵn sàng cưới lọ lem làm vợ?


Thử đặt hai người đó cạnh nhau, chúng ta sẽ có ngay câu trả lời, thật đáng tiếc, họ sinh ra không phải để dành cho nhau! Đó là một thực tế phũ phàng. Tại sao?Lý do là, khi thế giới của cô gái - tạm gọi là Lọ Lem, chỉ quanh quẩn trong không gian nhỏ bé của ngôi nhà chật chội, quanh năm chỉ loay hoay với những công việc vặt vãnh trong xó bếp; trái lại thế giới của chàng trai kia - một thiếu gia - là cả một bầu trời mơ ước, kể cả một tương lai huy hoàng với những người cùng đẳng cấp. Dù muốn hay không, chắc chắn cả đời của chàng trai chẳng có chút nhân duyên nào để gặp gỡ cô gái. Nếu may mắn được gặp nhau thì cũng chỉ là “vô duyên đối diện bất tương phùng”. Rõ ràng, họ như hai con người đến từ hai thế giới khác nhau và chẳng có điểm chung nào để có thể cùng “nắm tay nhau thật chặt, giữ tay nhau thật lâu”, cùng nhau đi suốt đoạn đường đời. 


Trong thực tế, hoàng tử khó lòng xe duyên với lọ lem. Tất nhiên có một ngoại lệ, đó là khi cô ấy thoát khỏi thân phận một lọ lem đáng thương và tỏa sáng như một nàng công chúa để xứng đôi với hoàng tử của đời mình.


Vì vậy, truyện tình cô gái lọ lem đã truyền cảm hứng và làm nền cho sự ra đời của bộ phim truyện "Tiểu Nương Nha." Với chủ đề nói lên sự phấn đấu của hai mẹ con "Nyonya" - Cúc Hương và Nguyệt Hương về quá trình vượt khó và không ngừng tự vươn lên sau mỗi thất bại, cố gắng để làm nên một cuộc đời theo ý nguyện của chính mình. Chứ không như cổ tích có ông Bụt bà Tiên dùng phép màu để thay đổi số phận túng quẫn của họ.


Tuổi thơ của mọi người thường gắn liền với những câu chuyện cổ tích và những câu chuyện ấy luôn đi cùng với sự trưởng thành qua những tháng ngày của chúng ta.


"Tiểu Nương Nha" không chỉ là câu chuyện đầy xúc động về tình yêu, còn là niềm hy vọng của thế hệ trẻ về một xã hội tiến bộ, văn minh, bình đẳng trong cuộc hôn nhân dựa trên nền tảng tình yêu chân chính chứ không phải sự so bì của địa vị hay giai cấp mà người xưa thường ví von là "môn đăng hộ đối"(門登户對).


Nói đến "môn đăng hộ đối", người ta thường liên tưởng đến thời phong kiến xa xưa, khi mà hôn nhân đặt nặng trên sự căn bằng tỷ đối giữa gia đình bên nam và bên nữ phải tương xứng với nhau về giai cấp, tài sản, địa vị xã hội ...


Một số người không đồng tình với quan điểm này bởi họ cho rằng: "Đến Lọ Lem còn lấy được hoàng tử" hay "Rất nhiều thiên kim tiểu thư nhà giàu vẫn sánh duyên cùng những chàng trai khố rách áo ôm, con nhà nghèo đó thôi?"


Tuy nhiên, tình yêu và hôn nhân chỉ mới là trang đầu của cuốn trường thiên tiểu thuyết lắm hồi nhiều chương đầy hỷ nộ ái ố, bi hoan ly hợp. Người ta yêu nhau bởi giác quan, nhưng sống với nhau phải nhờ những tố chất cân bằng dựa trên: thân thế, gia cảnh, kinh tế, học thức, tính nết,  chí hướng … Trong hôn nhân không chỉ là trăng sao trên trời huyền diệu, hoa thơm trong vườn Lộc Uyển, mà còn là gạo dầu mắm muối của đời sống thực tế. Hôn nhân nhất định phải nhìn vào hoàn cảnh gia đình. Bởi vậy ngày xưa hôn nhân được xây dựng trên nền tảng "Môn đăng hộ đối".


Trong truyện cổ tích, chưa bao giờ người ta nhắc tới việc sau khi kết hôn với hoàng tử, Lọ Lem sống có thực sự hạnh phúc hay không? Cũng không ai đưa ra hình ảnh cụ thể về việc một thiên kim tiểu thư nhà giàu có thực sự hòa hợp với một ông chồng xuất thân từ gia đình nghèo khó hay không?


Vì thế, "môn đăng hộ đối" chưa hẳn hoàn toàn không có giá trị. Nó không những là lăng kính để chọn lựa tình yêu, mà còn có chỗ đứng trong xã hội ngày nay, lắm khi nó còn vượt ra khỏi ranh giới hôn nhân, phổ cập trong giao tiếp xã hội ngày nay.


Phim truyện "Tiểu Nương Nha" hàm chứa nhiều triết lý nhân sinh, sự phấn đấu và nghị lực trong cuộc sống đầy thách thức và khó khăn, đồng thời cũng dựng nên câu chuyện tình yêu đầy xúc động với những cảnh bi hài của hai mẹ con Cúc Hương và Nguyệt Nương.


Trong tập thứ 34 (tập cuối), Nguyệt Nương trước lúc lâm chung, có lời trăng trối rất có giá trị với con gái của mình: "Người mà mình yêu chưa hẳn họ có yêu mình; người mà yêu mình cũng chưa hẳn mình có yêu họ. Tuy nhiên, con cần có quyết định theo sự hướng dẫn của lương tâm." (你愛的人,不一定對你好;對你好的人,不一定是你所愛,但是你還是要做出你認為是對的決擇). Thực vậy, mỗi người mình gặp gỡ trong đời đều có nhân duyên:


- Người thích mình cho mình ấm áp và dũng khí.

- Người mình thích cho mình biết tình thương và kính mến.

- Người mình không thích dạy mình sự bao dung và tôn trọng.

- Người không thích mình để mình tự kiểm thảo và  trưởng thành.


Nguyệt Nương, một cô gái tài hoa, thông tuệ, duyên dáng và tình tứ nhưng số phận lại bạc bẽo, nhiều gian truân. Nguyệt Nương đã gặp một chàng trai mà cô yêu thương say đắm, nhưng hồi kết của mối tình này lại không có kết cục hạnh phúc mà chúng ta thường thấy trong các câu truyện cổ tích.


Thân phận mong manh, đáng thương của Cúc Hương và Nguyệt Nương phải chăng là ấn chứng của câu nói "tự cổ hồng nhan đa bạc mệnh", xưa nay, bạc phận cứ đeo bám và song hành cùng kiều nữ giai nhân. 


Chợt nghĩ đến cuộc đời của Thúy Kiều trong "Đoạn Trường Tân Thanh", một cô gái có tài, có sắc, có hiếu... dồi dào cả 3, mà phải sống một cuộc đời lận đận, cam go, đầy giông tố, phải trải qua hầu hết những khổ đau bất hạnh của con người trần thế. Có thể nói, ai cũng có thể tìm thấy một phần đời của mình trong những cảnh ngộ khác nhau của thân phận Thúy Kiều.


Nhân dịp thưởng thức phim truyền, đồng thời cảm thương cho kiếp hồng nhan bạc mệnh của Thúy Kiều, Cúc Hương và Nguyệt Nương. Tôi muốn mượn mấy vần thơ trong phần kết truyện Kiều của Nguyễn Du:


“Ngẫm hay muôn sự tại trời,

Trời kia đã bắt làm người có thân

Bắt phong trần phải phong trần

Cho thanh cao mới được phần thanh cao.

Có đâu thiên vị người nào

Chữ tài chữ mệnh dồi dào cả hai.”


"Tiểu Nương Nha" đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong lĩnh vực phim truyền hình về vai trò chuyển tải đạo lý nhân sinh. Cuộc sống vốn dĩ chẳng dễ dàng, câu chuyện về sự cố gắng và nghị lực của con người trước cuộc sống đầy phong ba thử thách luôn khiến chúng ta cảm thấy động lòng.


Mặc dù xây dựng dựa trên nền tảng của một câu truyện cổ tích, nhưng "Tiểu Nương Nha" kết hợp với một số thực trạng xã hội, đã lột xác từ những truyện cổ tích có phần giống như thần thoại truyền thuyết và trở thành một bức tranh sống động, đa sắc đa màu về cuộc sống và tình yêu, đồng thời đi sát với cuộc đời cụ thể của chúng ta. Nhiều tình tiết hấp dẫn ly kỳ lôi cuốn khán giả theo sát sự diễn biến của câu chuyện qua từng giây từng phút, bộ phim này xứng đáng để bạn dành thời gian thưởng lãm. Còn bạn, đã sẵn sàng tham gia vào hành trình đầy bi thương và rồi lại hy vọng cho một ngày mai tươi sáng?


Trường K5

12-29-2023



Phim truyền hình : Tiểu Nương Nha (phụ đề tiếng Anh)

11/14/21

“NGƯỜI TIỄN ĐƯA”: Cái Chết là khởi đầu của một chuyến đi đẹp đẽ

Lệ Thu - RFI ngày 13.11.2021

Nghe phần âm:


Phim « Người tiễn đưa » (Departures) của đạo diễn Takita Yõjirõ, dựa theo cuốn hồi kí của Aoki Shinmon, là bộ phim Nhật đầu tiên gặt hái danh hiệu cao quý “Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất” trên thảm đỏ Oscar 2009. Gabriel BOUYS AFP/File

Có một sự thật đáng ngạc nhiên về “Người tiễn đưa” là tác phẩm này đã phải đi đường vòng để đến được với công chúng Nhật dù đây là một bộ phim của Nhật Bản. Phim của đạo diễn Takita Yõjirõ, dựa theo cuốn hồi kí của Aoki Shinmon, được ra mắt tại Liên hoan phim thế giới Montreal vào tháng 08/2008, đạt được giải thưởng lớn và một tháng sau đó mới có cơ hội ra mắt bản tiếng Nhật ở trong nước.

Ngay lập tức, “Người tiễn đưa” (tên tiếng Anh là Departures) đã gây tiếng vang lớn, nhận được giải thưởng của Viện Hàn Lâm Nhật Bản, trở thành bộ phim có doanh thu cao nhất năm, đồng thời, là bộ phim Nhật đầu tiên gặt hái danh hiệu cao quý “Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất” trên thảm đỏ Oscar vào năm 2009.