10/11/23

Xung đột Israel-Hamas - Tại sao Dải Gaza là tâm điểm của xung đột giữa Israel và Palestine ?

 RFI Tiếng Việt - Đăng ngày 9/10/2023. Chi Phương

Cuối tuần vừa qua, tổ chức Hamas (Phong trào kháng chiến Hồi giáo) đã bất ngờ tấn công Israel, phóng hàng ngàn tên lửa, các nhóm chiến binh đột nhập vào nhiều nơi sát gần dải Gaza. Theo thống kê sơ bộ, hàng trăm người Israel thiệt mạng, hàng ngàn người bị thương và rất nhiều người bị bắt làm con tin. Đây là cuộc xung đột mới nhất giữa hai hai kẻ thù « không đội trời chung » từ hàng thập kỷ qua. 

Ảnh hinh họa

Kể từ khi nhóm phiến quân Hồi giáo Hamas vào năm 2007 kiểm soát được dải Gaza (Gaza) nhỏ bé với hơn 2 triệu dân sinh sống, nơi đây trở thành điểm xung đột quân sự đẫm máu giữa Israel và người Palestine.     

Hamas là gì ?
Hamas dịch từ tiếng Ả Rập có nghĩa là phong trào kháng chiến Hồi Giáo, được thành lập vào năm 1987 trong cuộc nổi dậy chống lại sự chiếm đóng của Israel ở Gaza và Cisjordanie (Bờ Tây Jordanie) – hai lãnh thổ “tị nạn” chủ yếu của người Hồi giáo Palestine.

Sau khi được thành lập, Hamas đã soạn ra Hiến Chương, tuyên bố rằng “Palestine được Thượng Đế ban tặng cho người Hồi giáo” và yêu cầu tất cả người Hồi giáo chống lại những kẻ thù “chiếm đoạt” những vùng đất đó. Hamas muốn xoá bỏ Israel và khôi phục Palestine thành một quốc gia Hồi giáo. Vào năm 2017, theo trang Sky News, có thông tin cho rằng Hamas đã sửa đổi Hiến Chương, chấp nhận Nhà nước Palestine nằm trong các biên giới đã tồn tại trước Chiến tranh Israel Sáu ngày năm 1967.

Hiện nay, tổ chức Hamas do Ismail Haniyeh lãnh đạo, kiểm soát và quản lý dải Gaza. Tổ chức này bị Israel và hầu hết các nước phương Tây như Mỹ, Canada và các nước thuộc Liên Hiệp Châu Âu coi là khủng bố. Tuy nhiên một số nước khác như Iran công nhận Hamas là chính quyền hợp pháp tại Gaza. Theo trang Wall Street Journal, Iran cũng được cho là nước đã hỗ trợ Hamas trong cuộc tấn công quy mô lớn và công phu của tổ chức này vào Israel cuối tuần vừa qua.

Theo một số chuyên gia, Iran muốn hỗ trợ xung đột để ngăn Ả Rập Xê Út xích gần lại Israel.

Dải Gaza là khu vực như thế nào ?
Dải Gaza dài 40 km và rộng khoảng 14 km, được bao quanh bởi Israel, Ai Cập và biển Địa Trung Hải. Vùng đất này từng nằm dưới sự cai trị của đế chế Ottoman và sau đó là đế quốc Anh. Dải Gaza đã trở thành nơi tị nạn của hơn 200 000 người Palestine, phải rời bỏ quê hương sau Chiến tranh Ả Rập – Israel năm 1948. Ai Cập cai trị Gaza cho tới khi khu vực này rơi vào tay của Israel trong cuộc Chiến 6 ngày 1967. Năm 2005, Israel rút quân khỏi Gaza, từ bỏ các khu định cư cho người Israel.

Trong khoảng một thập kỷ, cho đến năm 2006, dải Gaza nằm dưới sự quản lý của cơ quan quyền lực Palestine, cơ quan này cũng quản lý Bờ Tây Jordanie. Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) với nòng cốt là phong trào Fatah, đã chi phối mạnh mẽ cơ quan quyền lực Palestine và đã ký một thỏa thuận hòa bình với Israel.

Tháng Giêng năm 2006, Hamas chiếm được đa số trong cuộc bầu cử lập pháp. Vốn không thừa nhận sự tổn tại của Nhà nước Do Thái và chống Israel cực đoan, Hamas đã xung đột với Fatah. Và đến năm 2007, Hamas rút sang Gaza. Israel ban hành lệnh phong tỏa, với lý do “bảo vệ người dân của mình”.

Kể từ đó, các cuộc đối đầu đẫm máu đã xảy ra giữa Israel và Hamas ở Gaza. Trong khi Hamas kiểm soát an ninh ở Gaza, nguồn tài trợ cho y tế, năng lượng và các dịch vụ khác chủ yếu đến từ Liên Hiệp Quốc và các nước ngoài, trực tiếp hoặc thông qua chính quyền Palestine.

Tại sao Hamas lại tổ chức cuộc tấn công có quy mô lớn vào Israel cuối tuần vừa qua ?

Theo trang The Guardian, hiện vẫn chưa rõ lý do chính xác, nhưng có thể nói rằng tình trạng bạo lực đã gia tăng từ nhiều tháng qua giữa quân đội cũng như người Israel và người Palestine ở Bờ Tây.

Tuần trước, một số người Do Thái đã đến cầu nguyện bên trong Nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa ở Jerusalem, vốn được gọi là một trong ba nơi linh thiêng nhất của người theo đạo Hồi (sau Mecca và Medina ở Ả Rập Xê Út). Nhưng trong đạo Do Thái đây cũng là một địa điểm linh thiêng. Những người Hồi giáo cho rằng hành động cầu nguyện là khiêu khích. Hamas gọi chiến dịch tấn công hiện tại là trận « Mưa bão al-Aqsa ».

Ngoài ra, việc bị Ai Cập và Israel phong toả trong gần 16 năm đã khiến kinh tế của dải Gaza kiệt quệ, người dân khốn đốn.

Hamas và Israel đã 4 lần gây chiến, nguồn căn của các cuộc xung đột là do đâu ?

Kể từ khi Israel rút quân khỏi dải Gaza, đây là cuộc chiến thứ năm giữa Hamas và Israel. Bốn cuộc chiến trước đó xảy ra vào những năm 2008, 2012, 2014 và 2021. Cuộc xung đột đẫm máu nhất là năm 2014, kéo dài 7 tuần, khiến hơn 2000 người Palestine và 74 người Israel (trong đó 68 người là binh sĩ) thiệt mạng.

Cũng giống như nhiều nước ở Trung Đông, Hamas phẫn nộ với việc thành lập nước Israel năm 1948, sau Đệ Nhị Thế Chiến, vốn được nhiều nước phương Tây ủng hộ. Theo trang Skynews, Hamas và các nhóm Palestine khác cho rằng lãnh thổ của họ bị đánh cắp, và người Palestine là chủ sở hữu, người chiếm đóng hợp pháp.

Tuy nhiên, những người ủng hộ Israel cho rằng khu vực này là quê hương tổ tiên của người Do Thái, vốn đã bị lưu đày sau cuộc xâm lược của Đế quốc Babylon hơn 2.500 năm trước.

Vào ngày 29/11/ 1947, Liên Hiệp Quốc đã ra nghị quyết, khuyến nghị phân chia lãnh thổ của người Israel, từng là thuộc địa của Anh Quốc thành khu vực cho Nhà nước Do Thái, các nước Ả Rập và khu vực Thánh địa tách biệt. Tuy nhiên bạo lực đã nổ ra ngay lập tức giữa phe Do Thái và phe Ả Rập. Israel được tuyên bố độc lập ngày 14/05/1948 thì ngay hôm sau các quốc gia láng giềng Ả Rập đã tham chiến. Cuối cùng Israel đã chiếm được một nửa lãnh thổ mà Liên Hiệp Quốc vốn chia cho các Nhà nước Ả Rập.

Theo Sky News, tại khu vực Bờ Tây mà Israel đã chiếm được, nhiều khu vực định cư của người Do Thái được xây dựng khiến Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc từng lên án Israel « vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế ».

Cuộc xung đột đã khiến hàng ngàn người thiệt mạng từ hàng thập kỷ qua, cả người Palestine lẫn người Do Thái. Ai là bên vi phạm nhân quyền ?

Hamas đã bị cáo buộc vi phạm quyền con người ở Gaza qua các vụ hành quyết, tra tấn, bắt cóc. Tổ chức từng có liên hệ với phong trào Huynh đệ Hồi giáo, cũng bị cáo buộc bởi các tổ chức nhân quyền vì hạn chế quyền tự do ngôn luận, hội họp.

Vào năm 2022, chính quyền Hamas ở Gaza đã hành quyết 5 người Palestine vì bị cáo buộc làm gián điệp cho Israel. Nhiều tổ chức phi chính phủ và các phương tiện truyền thông đã cung cấp bằng chứng về việc Hamas bắn tên lửa vào các khu đông dân cư, sử dụng người dân làm bia đỡ đạn.

Tuy nhiên, Israel cũng bị cáo buộc vi phạm nhân quyền. Tổ chức Amnesty International đã cáo buộc Israel « áp bức » người dân Palestine, phân biệt chủng tộc, cả ở Israel và các vùng đã chiếm đóng. Amnesty International đã cáo buộc Israel « chiếm giữ đất đai, tài sản, gây thương tích nghiêm trọng » đối với người Hồi giáo Palestine.

No comments:

Post a Comment