9/16/23

Trung Quốc : Mặc trang phục « làm tổn hại tinh thần dân tộc » có thể bị kết án.

RFI tiếng Việt, trích tạp chí đặc biệt - ngày 16.09.2023  

Nghe phần âm thanh:


Chính phủ Trung Quốc dự định sửa đổi luật an ninh công cộng : những bình luận, những bộ trang phục hay biểu tượng « làm suy yếu » hoặc có thể « làm tổn hại tinh thần dân tộc » có thể bị kết án hình sự. Theo đài France 24, nếu dự luật được Quốc Hội Trung Quốc thông qua, những ai vi phạm có thể sẽ bị giam giữ 2 tuần hoặc phải nộp khoản tiền phạt tương đương vài trăm đô la.

(Ảnh minh họa) - Hai người phụ nữ Trung Quốc trong trang phục truyền thống Kimono của Nhật Bản chụp ảnh lưu niệm tại công viên Yuyuantan ở Bắc Kinh, ngày 30/09/2019 nhân lễ hội hoa anh đào. AP - Andy Wong

Thông tín viên Stéphane Lagarde từ Trung Quốc gửi về bài tường trình :

« Rõ ràng, người dân Trung Quốc rất nhạy cảm và đảng Cộng Sản Trung Quốc muốn có ý định tấn công bất cứ điều gì có thể « làm tổn thương tình cảm dân tộc ». Dự luật này, hiện đang được đưa lên trang web của Quốc Hội để lấy ý kiến ​​công chúng, đã gây ra rất nhiều phản ứng trên các mạng xã hội.

Các luật sư đặc biệt lo ngại về nguy cơ « chệch hướng, lạm dụng tùy tiện » do có một số điều mơ hồ. Theo các chuyên gia và bloggeur, dự luật này trên thực tế là nhằm kết tội hình sự bất cứ điều gì có thể gây tổn hại đến điều họ xem là « tình cảm của đất nước » hay « tinh thần dân tộc », những khái niệm vừa mơ hồ vừa mang tính bao quát rất rộng.

Trên tài khoản Twitter (được Reuters trích dẫn), Tong Zhiwei, chuyên gia luật hiến định tại Đại học Khoa học Chính trị Hoa Đông, đặt câu hỏi : Ai sẽ khẳng định điều gì thuộc về « tinh thần dân tộc Trung Quốc » ? Và theo những thủ tục gì ?

Năm ngoái, một người phụ nữ Trung Quốc mặc kimono (trang phục truyền thống Nhật Bản), đang đi trên đường thì bị cảnh sát bắt giữ. Cảnh sát Trung Quốc, giống như những người làm công tác kiểm duyệt, đôi khi không cập nhật các xu hướng thời trang.

Cách nay vài ngày, một số người Trung Quốc mặc trang phục nhà Đường bị ngăn vào một công viên ở thành phố Vũ Hán. Những nhân viên bảo vệ ở đó đã nhầm tưởng là những chiếc ô, dù cầm tay và trang phục của những người này là trang phục Nhật Bản, kiểu trang phục có thể xúc phạm tới « tinh thần dân tộc » Trung Quốc ».

Dự luật được đưa ra « lấy ý dân » đến hết ngày 30/09/2023, nhưng hiện giờ đang vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ từ công luận. Nhật báo Hồng Kông South China Morning Post, được France 24 trích dẫn, cho biết chỉ trong một tuần, đã có tới 70.000 người đưa ra ý kiến, đa phần là phản đối dự luật. Một số phương tiện truyền thông Nhà nước bảo thủ, thậm chí còn yêu cầu chính phủ giải thích, điều mà nhà nghiên cứu về Trung Quốc, Marc Lanteigne, tại Na Uy cho là khá hiếm xảy ra tại Trung Quốc.

Đây không phải lần đầu tiên chính quyền Trung Quốc lợi dụng những điều mơ hồ để dễ bề kiểm duyệt. Thế nhưng, lần này theo ông Ho Ting “Bosco” Hung, chuyên gia về Trung Quốc tại Nhóm Nghiên cứu An ninh Quốc tế Verona (ITSS Verona), việc chính quyền « động chạm » đến trang phục - một khía cạnh thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày - khiến người dân lo sợ rằng, chẳng hạn, mặc những bộ quần áo nhập khẩu từ nước ngoài đến công sở sẽ bị quy tội. Ông Ho Ting “Bosco” Hung, nhắc lại : « Từ những năm 1980 đã có một kiểu thỏa hiệp quốc gia ngầm, theo đó Nhà nước không can thiệp vào cách ăn mặc của người dân ».

Một luật sư nói đến lực lượng « cảnh sát đạo đức », liên hệ đến những vụ việc đau lòng tại Iran hoặc Afghanistan, liên quan đến những quy định khắc nghiệt về trang phục của phụ nữ Hồi giáo.

No comments:

Post a Comment