4/29/20

Bàn Tiếp Dịch Corona

Lòng người nóng như lửa đốt trước sự tàn phá dữ dội của dịch corona, số người mắc bệnh tại Mỹ đã lên tới triệu người, mà còn tiếp tục gia tăng. Đó là hiện tượng của đại công nghiệp và là dấu hiệu của ngày tận thế đang cận kề.
Sống trong loạn thế chúng ta cần phải có trí tuệ sáng suốt và sám hối chân thành. Trí tuệ giúp ta nhìn thấu suốt, sám hối giúp ta dễ buông xả.
Chúng ta hãy cùng nhận thức trận dịch corona qua ba khía cạnh: y học, sanh tử và họa phước.

1.- Nhìn dịch dưới khía cạnh y học

Coronavirus là một siêu vi khuẩn mang độc tố. Tại sao vi khuẩn nho nhỏ như vậy lại gây ra nỗi khiếp sợ dữ dội cho hàng tỷ người, đó là một vấn đề đáng suy nghĩ.

Bác sĩ Từ Tuệ Nghi, chuyên gia về bệnh độc giải thích, coronavirus không phải là sinh vật, không sống được ở bên ngoài; vì vậy, virus cần có môi giới, sinh vật trung gian để sống bám như heo, gà, chuột... Trong quá trình sống bám để sinh tồn, một khi tiếp xúc loài người, virus sẽ nảy nở nhanh chóng trong tế bào của cơ thể con người. Trước sự xâm nhập của virus, chúng ta cần lực lượng bảo vệ của hệ miễn dịch, hệ miễn dịch tốt ví như đoàn quân dũng mãnh để chống địch. Thật ra, tin đồn còn đáng sợ hơn virus, tin tức trên mạng, chít chát qua phone tay, lời truyền khẩu qua miệng lưỡi gây nhiều hoang mang lo sợ. Tâm nhiễm độc tai hại hơn độc tố của virus, ưu tư buồn phiền sẽ ảnh hưởng trầm trọng hệ miễn dịch, virus sẽ thừa cơ xâm nhập và tàn phá sức khỏe của con người.

Sống lạc quan vui vẻ, không bị ám ảnh áp lực là phương cách thứ nhất để phòng dịch.

Như vừa kể, virus phải sống bám vào sinh vật khác. Trong thời gian này, virus luôn luôn tìm mọi cách để sinh tồn, muốn sinh tồn phải biến dạng, biến dạng để sống lâu, sống mạnh. Cùng một lý, loại người muốn được sống trong cơn dịch hoành hành hiện nay, cũng phải tùy cơ ứng biến. Trước hết, virus ẩn núp trong thú vật rồi chờ cơ hội tiến vào cơ thể con người; vì vậy, sự ứng biến tốt nhất của chúng ta là: ít tiếp xúc với thú vật, bớt ăn thịt thú, và thay đổi cách thức ăn uống của mình.
Chay tịnh và giữ giới chân thành là phương cách thứ hai để phòng dịch.
Bây giờ chúng ta hãy nhìn cơn dịch dưới khía cạnh thứ hai.

2.- Nhìn dịch dưới khía cạnh sinh tử

03-17-2020 California thi hành biện pháp "Shelter at home" (cư gia phòng dịch). Em tôi cũng tự bế quan tỏa cảng không ra khỏi nhà. Tôi hỏi chế nhạo:" Corona có đáng sợ như vậy sao?" Em tôi trả lời: " Có thể chết người mà!"

Câu trả lời khiến tôi nghĩ đến "Bất Tử Chi Đạo" (Con Đường không chết) của Lão Tử trong Đạo Đức Kinh. Tôi xin trích một đoạn ngắn, trích nguyên văn rồi giải thích sau.

" Xuất sinh nhập tử, sinh chi đồ thập hữu tam, tử chi đồ thập hữu tam, nhân chi sinh, động chi tử địa, dịch thập hữu tam, phu hà cố? Dĩ kỳ sinh sinh chi hậu. Cái vấn thiện nhiếp sinh giả, lục hành bất ngộ tự hổ, nhập quân bất bị giáp binh; tự vô sở đầu kỳ giác, hổ vô sở thố kỳ trảo, binh vô sở dung kỳ đao, phu hài cố? dĩ kỳ vô tử địa."
("出生入死. 生之徒十有三, 死之徒十有三, 人之生, 動之死地, 亦十有三. 夫何故? 以其生生之厚. 蓋聞善攝生者, 陸行不遇兕虎, 入軍不被甲兵; 兕無所投其角, 虎無所措其爪, 兵無所容其刃.夫何故? 以其無死地.")

Đời sống là gì? "xuất sinh nhập tử"_ bước vào cuộc sống rồi đi lần vào chỗ chết.
Có sống có chết cũng như hoa nở hoa tàn, vốn là hiện tượng rất tự nhiên, nhưng con người vì muốn sống lâu mà làm quá sức, rốt cuộc trái với ý nguyện, muốn sống lâu lại càng chết sớm.

"Phu hà cố? dĩ kỳ sinh sinh chi hậu." Tại sao vậy? Tại vì con người ăn uống quá độ, bảo vệ quá đáng, cũng như đóa hoa được nuôi trồng trong phòng ấm, không chịu đựng được sương gió của cuộc sống bên ngoài. Muốn hoa nở hoa lại tàn; muốn sống tốt lại càng không tốt, tức là Lão Tử nói: "Nhân chi sinh, động chi tử địa"

" Cái vấn thiện nhiếp sinh giả, lục hành bất ngộ tự hổ, nhập quân bất bị giáp binh."_ Người biết chú trọng cuộc sống của mình thì hy vọng không gặp trục trặc trong đời (trên hành trình không gặp mãnh thú), đôi bên giao chiến mà không bị tổn thương, nhưng khi đi vào chỗ nguy hiểm thì làm sao biết được chuyện gì xảy ra, ví dụ, một khi mua cổ phiếu, bước vào thị trường chứng khoán thì phải chuẩn bị có rủi ro. Đời người vô thường, may rủi khó đoán, sự việc trên đời thường ngoài ý muốn của mình, cũng như người tham sống hy vọng không gặp thú dữ nhưng lại càng dễ gặp.

"Tự vô sở đầu kỳ giác, hổ vô sở thố kỳ trảo, binh vô sở dung kỳ đao, phu hài cố? dĩ kỳ vô tử địa."
Tuy nhiên, dù có gặp thú dữ, nhưng trong ta không có chỗ cho sừng thú cắm vào, không có chỗ cho nanh vuốt cào cấu, trong khi đụng trận, địch không tìm được chỗ yếu của ta. Tại sao? "Phu hà cố? dĩ kỳ vô tử địa"_ tại vì trong lòng không có chừa chỗ cho chết, thì chết từ đâu mà đến? Không chấp về sinh, tử sẽ không đến. Hiện nay, nhiều người sợ bệnh dịch, dù không có bệnh cũng nghĩ là mắc bệnh, cứ bàng hoàng sợ sệt; nhiều người thì lo quá xa, sợ chết đói, thiên hạ tranh giành tồn trữ nước uống lương thực, thậm chí cả giấy đi cầu. Như vậy, tức là có chừa chỗ chết, từng giây từng phút đều sống trong ám ảnh của tử vong.

Tôi đậu Tú Tài nhất năm 17 tuổi, năm sau thi Tú Tài toàn phần, lúc đó tôi đang bận rộn cho năm tốt nghiệp của chương trình Hoa ngữ tại trường Bác Ái. Cho nên tôi chỉ chuẩn bị một tháng hơn rồi đi dự thi Tú Tài đôi, kết quả thi đậu. Thi đậu là vì tôi có thể thi không đậu, bởi vì tôi chỉ gấp rút chuẩn bị một tháng hơn. Vả lại đậu Tú Tài toàn phần lúc đó còn hơi sớm so với tuổi của tôi (thông thường thi Tú Tài đôi 19 tuổi). Thế nên, tôi không có áp lực về đậu hay rớt, thong thả mà đi thi, ung dung mà ra về, rốt cuộc, không ngờ có thể đậu mà lại đậu.

Cổ nhân có câu:"phải sống thì không chết, phải chết thì không sống";"sinh tử hữu mệnh, phú quí tại thiên."

Thản nhiên về bệnh dịch, yên lòng trước mọi thử thách là phương cách thứ ba để phòng dịch.
Sau đây, chúng ta hãy nhìn bệnh dịch dưới khía cạnh thứ ba.

3.- Nhìn dịch dưới khía cạnh họa phước

Lão tử nói:"họa phước tương y" nghĩa là họa đi theo phước, phước đi sau họa. Chuyện thế sự, không thể định giá tốt xấu trong ngắn hạn, mà phải nhìn lâu dài.

Lịch sử Việt Nam cho thấy, lúc Hoa Kỳ đưa quân tiếp viện Việt Nam, toàn quốc hân hoan tưng bừng, kề vai tác chiến với siêu cường thế giới, Việt Nam sẽ vững như bàn thạch, quốc thái dân an.
Mỹ kim tràn vào Việt Nam như nước chảy mưa sa. Tiền như nước, nước có thể đưa tàu đi, cũng có thể lật tàu chìm.

Thường thì có tiền thì nghĩ đến hưởng thụ, hưởng thụ sẽ khiến con người sa đọa, quân lính Mỹ Việt từ đó ăn xài phung phí, ngày đêm say mê tửu sắc.
Phước trong đồng tiền là cái mầm của tai họa.

1975, cộng sản đưa quân vào Nam, nhân nào quả nấy, chỉ một thời gian ngắn, Mỹ rút quân, Việt Nam đầu hàng. 04-30-1975 chính thức mất nước, tiếp theo cộng sản đánh tư sản mại bản, đàn áp nhân dân miền Nam, và tiếp đến là cao trào vượt biên tìm tự do mà hậu quả là hàng triệu người phải bỏ xác ngoài biển.

Sự phồn vinh do Hoa Kỳ mang đến lúc đó là nguyên do khiến Việt Nam mất nước ngày hôm nay?
"Tái ông đắc mã, yên tri phi họa", Được ngựa thoáng nhìn là phước nhưng họa đã theo sau. Mọi việc trên đời, đều có hai mặt, có tốt có xấu, có âm có dương, lúc tốt, xấu xen lẫn bên trong, khi xấu cũng ngầm chứa hạt giống tốt. Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta phải có thái độ thản nhiên trước mọi thử thách, vượt qua trở ngại, phiền não tức là bồ đề.

Hè 1972, gia đình của một người bạn vì làm ăn thất bại, phải thanh lý tài sản, trang trải nợ nần, cuộc sống tuy khó khăn nhưng cũng tạm ổn. Đến 1975 Việt Nam mất nước, cộng sản đánh tư bản, tất cả thương gia có buôn bán đều bị tra cứu, bị tịch thu tài sản và đưa đi kinh tế mới. Bàn dân vô tội trở nên vật hy sinh của kẻ thắng lợi. Gia đình bạn tôi tuy làm ăn thất bại ba năm về trước, nhưng được xem như là đã rời khỏi hàng ngũ tư bản, cho nên yên thân thoát nạn.
"Tái ông thất mã, yên tri phi phước"_ Kinh doanh thất bại thuở trước là không bị thanh trừng bởi chế độ mới hôm nay.

"Nhân sinh bất như ý thập thường bát cửu", mọi người đều muốn tránh xa thất bại, tuy nhiên thất bại cũng có giá trị của nó trong cuộc sống.

Đông Phương Bất Bại trong tiểu thuyết Kim Dung nói: Sướt đời của Đông Phương Bất Bại chưa bao giờ thất bại, mãi đến cuộc đấu cuối cùng mới bị đánh bại, mà chỉ một lần thất bại thì mất mạng. Đó khiến ta suy nghĩ giá trị thất bại trong cuộc sống của con người. Sống trên đời làm sao tránh được thất bại, vậy thà rèn luyện nhân cách kiên cường của mình trong thất bại, không nên vì chưa từng thất bại rồi sinh ra kiêu căng lạnh nhạt. Một người luôn luôn thuận ý, không bao giờ thất bại, cuối cùng vì trở tay không kịp, hậu quả sẽ thảm thương vô cùng.

Ngoài Đông Phương Bất Bại còn có một vị Độc Cô Cầu Bại vì bản lĩnh quá cao cũng chưa bao giờ bị đánh bại; chính vì vậy mà cảm thấy không hứng thú tại vì không có đối thủ ngang hàng ngang sức với mình, phải đi khắp nơi tìm đối thủ, muốn cầu bại mà không được, suốt đời buồn bã không vui. Thất bại đối với họ trân quí vô cùng, hễ biết có cao thủ xuất hiện, bất cứ giá nào, dù phải đi đến chân trời góc biển cũng tìm đến, chỉ muốn cầu bại mà thôi.
"Thất bại lớn nhất lại là không bao giờ thất bại". Thất bại thường xảy ra trước mắt của chúng ta, nhưng mọi người đều muốn tránh xa. Thất bại của Độc Cô Cầu Bại thì xa xôi ngàn dặm, cầu thất bại lại không được.
"Đau khổ lớn nhất là chưa từng đau khổ". Vì đau khổ là động lực thúc đẩy phấn đấu và rèn luyện ý chí vững mạnh trong cuộc sống. Nếu cuộc đời xuôi chèo mát mái, còn ai muốn vượt trở ngại để lên đến tột bậc.
"Tái ông thất mã"_ mất ngựa, người thường cho là họa; người có trí tuệ thì nhìn thấy phước ngầm chứa trong họa.

Coronavirus _  bi quan thì thấy virus; lạc quan lại thấy sự chuyển biến của bệnh dịch.

Bước chân của xã hội nhanh như gió, mọi người đều chạy đua với thời gian, hầu như không có thì giờ ngồi yên suy nghĩ cho cuộc sống của mình. Mấy tháng nay, California thi hành lệnh "Stay at home"(ở nhà) để phòng dịch, phải chăng đây là sự sắp xếp của Bề Trên để mọi người ngừng bước mà suy nghĩ, suốt thời gian lăn lóc trong danh lợi, bôn ba vì sinh kế, mình có bỏ sót điều gì quan trọng hay không? như là tình thương, tình cảm, tình bạn... Rồi cố gắng sắp xếp lại thời khóa biểu trong tương lai, để cuộc sống được thêm ý nghĩa.

Tôi tin rằng sau dịch corona,sau khi giải tỏa lệnh "Shelter at home" (cắm trại tại nhà), không còn ai than phiền việc làm của mình, đồng thời mọi người đều ý thức được đời sống vô thường, phải trân quí tuổi xuân. Tôi càng hy vọng các vị lãnh tụ nhìn thấy sự kinh hoàng của bệnh dịch mà ý thức được sự phá hoại khủng khiếp gấp trăm lần của cuộc chiến sinh hóa, nếu có, và nghĩ lại bài học đau lòng lúc bom nguyên tử thả xuống Hiroshima và Nagasaki năm 1945. Mong các quốc gia hưởng ứng hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân và sinh học (UN Nuclear & Biological Weapon prohibition Treaty). Nếu được như vậy, đó chính là câu mà Lão tử đã nói:"Họa Trung Chi Phước" (phước nằm trong họa).
Tây phương có câu:"Thượng Đế đóng một cánh cửa đồng thời cũng mở một cánh cửa khác". Thiên hạ sự, được biết đâu là mất, mất mới thật sự là được.

Hoàng phi Diana có tất cả: sắc đẹp, tiền tài, quyền thế, danh vọng, nhưng cuộc sống của nàng có vui hay không?

Mẹ Teresa hai bàn tay trắng, chỉ có lòng thương, suốt đời phục vụ người nghèo khổ, sau khi mất được truy phong hạng "Thánh", lưu truyền muôn thuở. Câu chuyện của Mẹ Teresa có đánh thức chúng ta để giác ngộ được gì hay không?
Tin nhân quả, thấu họa phước là phương cách thứ tư để phòng dịch.

                                           4-Thế Giới Cộng Mệnh

Nhà từ thiện thế giới Bill Gates diễn thuyết về dịch corona có hai câu chí lý:
"Virus đối xử mọi người bình đẳng, không phân biệt giai cấp, văn hóa, tôn giáo, tài chánh và danh vọng."
"Dù mình có vĩ đại cách mấy, virus cũng có thể khiến toàn thế giới suy sụp bại liệt."

Nhà Phật nói:"Vô duyên đại từ"_ Từ tâm thương người không cần điều kiện; "Đồng thể đại bi"_ chúng sinh với ta là một, phải giúp đỡ thương xót lẫn nhau.

Phật Đà có kể một câu chuyện:

Tại miền bắc của Hy Mã Lạp Nhã sơn có một con chim tên là chim cộng mệnh, có hai cái đầu nhưng chỉ có một thân xác. Một hôm chim bay vào rừng tầm thực, đầu bên phải tìm thấy nhiều cây trái thơm ngon, nhưng chỉ muốn ăn một mình, không chia cho đầu bên trái, đầu bên trái rất buồn bực, tự tìm thức ăn, tìm mãi thấy có một quả dại, mà quả dại đó lại có độc, nhưng vì đầu bên trái oán hận đầu bên phải, nên ăn quả độc vô bụng.
Câu chuyện chỉ kể đến đó. Hiện nay chúng ta thấy, gia đình là chim cộng mệnh, quốc gia là chim cộng mệnh, ngay cả thế giới cũng là chim cộng mệnh, nếu chúng ta không biết thương xót lẫn nhau, giúp đỡ lẫn nhau, thì chim cộng mệnh sẽ chết.

Chúng ta sống chung cùng một bầu trời, phải biết tương thân tương trợ, nhìn thấy giấy đi cầu biến mất nhanh chóng trên quày hàng siêu thị, cho ta biết trái đất mình đang sống chung có bệnh, và bệnh rất nặng. Môi hở răng lạnh, nếu vẫn không chịu ý thức sớm, tiếp tục sống quá ích kỷ, thì con chim cộng mệnh sẽ chết.

Đời người vô thường, phải biết đối xử chân thành và trân quí lẫn nhau. Tôi nguyện dù tương lai có bao nhiêu thử thách và trở ngại, tôi vẫn giữ lấy lòng tri ơn thanh tịnh để cầu nguyện cho lòng người trong sạch, xã hội an lành, thế giới không tai họa.


Lý Trinh Trường ( biệt danh : Lý đại ngốc )
April 19, 2020



No comments:

Post a Comment