12/22/18

KỂ CHUYỆN BẠN NGHE

Các bạn vàng thân mến,
Hôm nay SR sẽ kể lại cho các bạn vài nét chính trong ĐÊM HỘI NGỘ TN1-2 tại SÀI GÒN, LỄ TƯỞNG NIỆM CHA VIỆN TRƯỞNG SIMON NGUYỄN VĂN LẬP, ĐÊM GALA CỰU SINH VIÊN VIỆN ĐẠI HỌC ĐÀ LẠT, về chuyến CITY TOUR và ĐÊM LỬA TRẠI TN1-2 tại ĐÀ LẠT, và một số thông tin về NGÀY TRUYỀN THỐNG CỦA VIỆN ĐẠI HỌC ĐÀ LẠT.
ĐÊM HỘI NGỘ TN1-2
Đêm Hội Ngộ TN1-2 được tổ chức tại nhà hàng Continental từ lúc 17.30 giờ do Ban Đại diện TN1-2 (Trần Văn Hải, Trịnh Hiếu Tường, Nguyễn thị Việt Anh) tổ chức. Có khoảng 60 anh chị em hiện diện, trong đó rất đang ghi nhận là có mặt đa số "cụ ông cụ bà 80 trong nước và hải ngoại" (thiếu niên trưởng Nguyễn Văn Huệ), đặc biệt là Nguyễn Minh Tuấn (đang bị bệnh nặng), Trần Văn Minh (vừa bị tại nạn xe cộ).

Bắt đầu là lời tuyên dương và túi quà lưu niệm cho "những bậc cao niên". Xúc cảm ... tràn trề. Kế tiếp là lời xưng tụng 12 "cặp đôi hoàn hảo" và kỷ niệm chương. Vui hết biết. SR không quên 3 cặp đôi nửa đường gãy gánh, 1 cặp đôi nửa đường rã gánh và đôi bạn thân thương Nguyễn Đức Quang - Nguyễn Thị Minh Thông từ lâu không mong gặp lại!
Các "cây" ca và tếu lừng danh của TN1-2 đã lên hát và kể chuyện cho nhau nghe và nhớ lại : Nguyễn Minh Tuấn, Lưu văn Dân, Nguyễn Thành Chấn, Trần Phú Hữu, Phan Thạnh ....
Đêm Hội Ngộ kết thúc vui vẻ vào lúc 21 giờ.
LỄ TƯỞNG NIỆM CHA VIỆN TRƯỞNG SIMON NGUYỄN VĂN LẬP
Ngày 18/12, lúc 6.30 giờ, đoàn cựu SV Viện Đại học Đà Lạt lên đường đi Đà Lạt. Nhóm TN1-2 do Trần Văn Hải lãnh đạo, gồm 46 người (18 cặp đôi A-B, 9 solo, 1 C). Đường dài lắm chuyện kể nhau nghe về những đổi thay của cảnh vật, thị trấn, phát triển kinh tế và đô thị, ... về những ngày cũ bị đấp mô.
Buổi tối, TN1-2 có một bữa cơm riêng tại một nhà hàng "nhà rường Huế".
Sáng ngày 19/12, lúc 8.30 giờ, toàn thể cựu sinh viên về thăm Viện cũ (nay là Trường). Nhóm TN1-2 về thăm lại từ Văn phòng Viện (nay đã xây dựng lại rộng lớn hơn, nhưng vẫn giữ thiết kế cũ), nhà Cha Viện trưởng, nhà lưu trú của các Giáo sư, giảng đường Spellman, nhà Cha Ngô Duy Linh, lầu III Đại học xá (nơi làm lễ khai giảng K1 - 28/9/1964), các dãy Nam Đại học xá, giảng đường Thụ Nhân, nhà nguyện Năng Tĩnh (nơi làm lễ tốt nghiệp K1 - ngày 7/1/1969, các giảng đường của Văn khoa, Khoa học, Thư viện, và ... cây cầu đỏ, nơi Khoa trưởng Trần Long tập họp các sinh viên vào cuối giờ học cuối cùng của Thầy (khoảng 10 anh chị em) để nói lời chia tay đầy xúc động.
Người nhớ kẻ quên cùng nhắc nhở và bổ sung cho nhau, cùng hoài niệm.
Lúc 10.15 giờ, cả đoàn cùng đến Trung Tâm Mục Vụ để hành lễ tưởng niệm Cha Viện trưởng Simon Nguyễn Văn Lập, do các Cha của Don Bosco và Trung tâm Mục vụ chủ tế. Đây là một buổi lễ với các nghi thức tôn giáo. Có 2 bài đáng ghi nhớ là bài "văn tế" các Cha, các Thầy, các bạn đồng môn của Phan Thạnh với kết thúc là 2 chữ "thượng hưởng"; và bài tưởng niệm 60 năm thành lập Viện, 50 năm ngày thành lập Trường CTKD của Võ Đức Trung (K7 CTKD).
Lúc 18.30 giờ, cả đoàn cùng đến Trung tâm Hội nghị Hoàng Anh Gia Lai dự đêm Gala toàn thể cựu SV Viện. Trước mặt là 2 panneaux tròn 60 năm Viện và 50 tốt nghiệp K1-2 Trường, đặt 2 bên tấm tranh vải viết dòng Ngày Truyền Thống. Có 2 giáo sư của Văn khoa tham dự. Năm nay Thầy Nguyễn Khắc Dương vì yếu nên không đến tham dự như các năm trước.
Đêm Gala này chủ yếu là ăn và ca hát. Không có phút mặc niệm ai cả và cũng chẳng ai nói gì về truyền thống.
CHUYẾN CITY TOUR
Sáng 20/12, lúc 8 giờ, đoàn TN1-2 đi một vòng chốn xưa để nhìn lại cảnh cũ. Từ hồ Xuân Hương, vườn hoa Thành phố, Trung tâm Nguyên tử lực cuộc, ngang qua Thung lũng tình yêu, đến Công ty rừng hoa Đà Lạt. Đoàn nghỉ chân ở đây để tham quan các loại hoa tươi, hoa khô, hoa đất sét làm theo công nghệ Nhật Bản, uống cà phê ngắm rừng thông Đà Lạt bên đồi Mộng Mơ.
Đoàn đi ngang Lạc Dương, xa xa là đỉnh Lâm Viên còn mờ trong sương, dừng chân trước resort Pinetta đang xây dựng của Nguyễn Quang Tuyến (Tuyến đang ở Sài gòn có việc "quan trọng" nên anh chị em đành tham quan ... bên ngoài).
Sau đó đoàn đi ... "lên" Suối Vàng ngắm hàng thông ven hồ, nghe chuyện lượm vàng găm, và chụp ảnh. Đoàn về Cam Ly Thượng quan sát thành phố rau hoa, nhà lưới san sát còn hơn một đô thị kéo dài hơn 10 km. Nhà mồ của Nguyễn Hữu Hào (cha của hoàng hậu Nam Phương) nay cũng được trùng tu. Thác Cam Ly cũng được tái khai thác, nhưng câu hát ngày xưa "Đà Lạt có thác Cam Ly, có hồ Than Thở anh đi sao đành" chắc không còn giá trị mấy vì thác Cam Ly, hồ Than Thở nay đều ... hết thơ mộng!
Đoàn đi ngang Dinh 3 Bảo Đại đến Trúc Lâm Thiền Viện. Anh em chiêm bái chánh điện với đức Phật Thích Ca, Bồ tát Văn Thù, bồ tát Phổ Hiền, đức Bồ Đề Đạt Ma, gác chuông, lầu trống và hàng trăm kỳ hoa dị thảo.
Sau cùng của buổi sáng là ăn lẩu rau tại đỉnh đồi Robin.
Tối đêm 20/12 là đêm Gala của riêng TN1-2. Đoàn đến Dinh 2 vào lúc 17 giờ, tham quan chụp ảnh và ăn tối ở Nhà hàng Dinh 2, sau đó ra rừng thông đốt lửa trại, có khoai lang nướng, bắp nướng, thịt nướng, có 1 chai Courvoisier 1 lít của Hà Minh Quang gửi cho các bạn hâm nóng những hoài niệm.
Bên ánh lửa bập bùng, tất cả đều ôn và nhớ lại Viện xưa, trường xưa, Cha xưa, Thầy xưa, bạn xưa, những người đã khuất, những buổi sinh hoạt, những ngày lửa trại, những công tác xã hội - thiện chí. MC Phan Thạnh, Trần Phú Hữu vẫn lưu loát, vừa dẫn chương trình, vừa kể chuyện, vừa ngâm thơ. Lưu văn Dân - Nguyễn Thành Chấn vẫn đầy duyên dáng với những chuyện "nửa chay nửa mặn", nhà thơ Ánh Xuân vẫn còn "sức" nhả ngọc phun châu, anh Trần Văn Nghĩa (phu quân của Nguyễn Thị Huệ) cũng hòa đồng điệu với những chuyện kể duyên dáng, SR kể về một số nicknam của các bạn K1, một số Dala bí sử. Nhộn, mong các bạn không buồn lòng, vì "chuyện xưa tích cũ" mà! Sau mỗi câu chuyện là ... 1 ly mới và cạn chai Courvoisier, lúc 21 giờ.
VỀ NGÀY TRUYỀN THỐNG
Từ khi Cao Đình Phúc (K1) giữ chức Chủ tịch Sinh viên Viện Đại học Đà Lạt, rồi chuyển giao lại cho Trần Văn Bá (K6) đến nay, ngày Truyền Thống được định là ngày 19/12 hằng năm, cũng là ngày giỗ Cha Nguyễn Văn Lập. Có lẽ để tiện việc tổ chức (?!).
Thật ra, ngày Truyền thống của Viện Đại học Đà Lạt đã được Cha Viện trưởng Nguyễn Văn Lập tổ chức một lần vào ngày 6/1/1969 (trước lễ tốt nghiệp của sinh viên các khoa trường 1 ngày) kỷ niệm 10 năm thành lập Viện và nhằm xây dựng truyền thống của Viện, được Tòa thánh Vatican, đích thân Giáo hoàng Paulus PP.VI gửi lời chúc mừng (xem trang 22, VIỆN ĐẠI HỌC ĐÀ LẠT GIỮA LÒNG DÂN TỘC VIỆT NAM 1957-1975, của Hòa Giang Đỗ Hữu Nghiêm, Dayton, Ohio, June 2006).
Do chuyện gọi ngày 19/12 là ngày Truyền thống, đã có nhiều cựu sinh viện thắc mắc, nhất là sinh viên các khoa khác có trước CTKD và các sinh viên CTKD từ 1970-1975 : (1) đó là ngày giỗ Cha Lập, tại sao lấy ngày giỗ làm ngày truyền thống (2) tại sao không nhắc nhớ và làm giỗ Cha Lê Văn Lý.
Lật lại lịch sử của Viện, chúng ta có 3 Cha Viện trưởng : Trần Văn Thiện (1957-1960), Nguyễn Văn Lập (1961-1970), Lê Văn Lý (1970-1975).
Cha Lê Văn Lý mất ở hải ngoại, SR không biết các bạn ở nước ngoài có tổ chức lễ tang cho Cha không, có làm giỗ Cha hằng năm không, chứ ở bên này chúng tôi có làm lễ truy điệu Cha tại nhà thờ Regina Pacis, năm 1992, với khoảng 30 cựu sinh viên CTKD tham dự, do Phan Thạnh làm trợ tế, và hằng năm đều có tưởng niệm các Cha, các Thầy, các bạn (cùng với lễ giỗ Cha Nguyễn Văn Lập).
Nhắc lại lịch sử để đặt câu hỏi : Nên chọn ngày nào để gọi là NGÀY TRUYỀN THỐNG cho chính danh?
MỘT BÀI THƠ GỬI CÁC BẠN HIỀN NHÂN NGÀY HỌP MẶT
Có còn gặp mặt nữa thôi
hay là góc biển chân trời nhớ nhau.
Lao xao hồn mộng lao xao
để cho góc biển nhớ nhau chân trời.
Ngậm ngùi hồn mộng ngậm ngùi
để cho góc biển chân trời nhớ nhau.
Gặp đây rồi biết khi nào
tay trong tay nắm nghẹn ngào cố nhân.
đêm 20/12/2018
LYSA


No comments:

Post a Comment