Showing posts with label Tản văn - ký sự -Truyện ngắn. Show all posts
Showing posts with label Tản văn - ký sự -Truyện ngắn. Show all posts

10/15/23

ĐẬU PHỤ NƯỚNG

Nhà văn Quyên Di

Mỗi lần nhắc đến đậu phụ là tôi lại thấy xấu hổ đỏ cả mặt, cái xấu hổ của kẻ dốt mà cứ tưởng mình thông. “Đậu phụ,” mà bà con miền Nam kêu là “đậu hủ,” và ngay cả lối gọi “tofu” của người Mỹ đều là cách phiên âm hai chữ 豆腐.
Dốt là như thế này:
Bao nhiêu chục năm, cứ thấy ai gọi món đó là “đậu hủ” thì tôi lại cười thầm trong lòng. Tôi không dám cười ngoài mặt vì giữ lịch sự. “Phải gọi là “đậu hũ” chứ! Bà con miền Nam, miền Trung mình phát âm trật lất!”


Hoá ra là mình trật lất chứ không phải bà con mình trật lất. Tra chữ Hán mới biết “hủ” (腐) có nghĩa là cũ, là hư, là rữa nát. Cái món “đậu hủ” làm bằng đậu nành, phải đợi khi đậu rữa nát ra, lên men thì mới làm thành đậu phụ/đậu hủ/tofu/豆腐 được. Bố tôi là đông y sĩ, giỏi chữ nho, nhưng khi tôi còn bé, ông chỉ mới dạy tôi cây hoa dành dành gọi là sơn chi, cây hoa giun gọi là sử quân, hạt hoa giun gọi là sử quân tử thôi. Bố chưa dạy đến cái chữ “đậu hủ” này.

10/20/22

XÓM CHIẾU

Huy Văn                                      

Ba tôi làm thư ký đánh máy trong Công Ty điện lực Đông Dương của Pháp trên Nam Vang ( Compagnie Des Eaux Et D' Électricité De L' Indochine, Phnom Penh- Cambodge ), vào cuối thập niên 40 của thế kỷ trước. Sau khi Cambodge được trao trả độc lập cuối năm 1953, rồi đến năm 1954 nền đệ nhứt Cộng Hòa của miền Nam Việt Nam được hình thành; ba tôi liền xin vào làm việc trong Tổng Nha Công Vụ, trực thuộc Phủ Thủ Tướng, văn phòng đặt tại đường Catinat-Tự Do, thủ đô Sài Gòn ( đối diện Bộ Nội Vụ ).

Sau gần 4 năm đi đi, về về giữa Nam Vang và Sài Gòn, ba tôi quyết định đưa cả nhà về sống hẳn ở Việt Nam, thay vì vẫn ở chung với bà Nội tại đường Dekcho Damdin trên Nam Vang. Nhà của Nội tuy là một căn phố, nhưng khá khang trang và nằm giữa con đường rậm mát bóng me xanh, với hai đầu là hai ngã tư- có thể nói là- sầm uất nhứt của thủ đô xứ Chùa Tháp lúc bấy giờ. Hai ngã tư đó, cũng là nơi tọa lạc của hai rạp xi nê tối tân nhứt Nam Vang vào thời đó. Phía trái, ở bên kia đường, tại ngã tư Dekcho Damdin và Norodom Blvd là Ciné Lux. Còn phía bên phải, cùng dãy với nhà bà Nội, là rạp Prom Bayon Cinema tại giao lộ Preah Ang Yukanthor và Dekcho Damdin.


9/29/22

Tân Định, thức cả trăm năm…

Bút ký của Hoàng Nguyên Vũ

Nơi đây giữ lại những hồn cốt của đất và người Sài Gòn trong chặng hành trình trầm tích những giá trị bản thể hàng trăm năm; cũng như những giá trị tính cách khó thể nào mất đi của người dân Sài Gòn.
Người ta nhớ thương về Tân Định nhiều khi không phải vì những giá trị lớn lao nào cả, mà người ta nhớ thương về những điều thân thuộc. Có khi, chỉ là một quán cà phê, một lối đi về; hay cũng có khi chỉ là một cơn mưa rất nhẹ của năm nào vương trên cây hoàng lan ngoài hiên cũ…

Với những người Sài Gòn xa xứ, Tân Định là một cái tên đủ nặng, đủ sâu như thế.

Theo dấu người năm cũ

Nhà ông bạn tôi nằm trên đường Thạch Thị Thanh. Căn nhà kiến trúc Sài Gòn cũ, với thép là ý tưởng chủ đạo ở cửa chính và các ô cửa sổ. Tường trét đá rửa, chia ô vuông trang trí theo họa tiết hình học, một thứ phong cách kiến trúc Âu Mỹ khá phổ biến ở Sài Gòn mấy chục năm trước.

9/8/22

ĐOẠN TRƯỜNG AI CÓ QUA CẦU

Võ Kỳ Điền
Pulau Bidong Island

Ở một cái đảo hoang như đảo Bidong, nhắc đến việc đổ rác, nghe mà thấy cười. Ai nấy cũng tưởng chuyện nầy chỉ có ở những thành phố văn minh, chớ ở đây rừng núi, biển cả mênh mông đó tha hồ mà quăng, ai hơi đâu cấm cản. Chỗ nào lại quăng không được. Vả lại phần đông người tỵ nạn khi đến đảo chỉ còn hai bàn tay trắng, quần áo chỉ một bộ, làm gì có rác để quăng tới quăng lui… cho vui! Nhưng chuyện đời, dầu là chuyện đơn giăn nhứt như chuyện rác rến, cũng không đơn giản chút nào. Đảo Bidong thiệt tình quá nhỏ, đất đai gì tìm mòn con mắt để dựng một cái lều cũng không còn, phải leo tuốt lên sườn núi, nói chi đến khoảng đất trống dành riêng cho việc đổ rác… Ban đầu các thanh niên tình nguyện của khối vệ sinh lần lượt đào mười mấy cái hố rác trên bãi cát, dọc theo bờ nước, mỗi hố lớn bằng cái nhà, vuông vức ngó mà phát mê. Bao nhiêu rác rến đều được gom lại tống hết vô đó. Nào giấy vụn, bao ny lông, hộp lon cá mòi, xác chuột, phân người… tha hồ mà quăng. Mà ngộ lắm, chỗ nào có rác thì chỗ đó có ruồi. Hai vật nầy như hình với bóng chặt không đứt, bứt không rời. Những con ruồi to đen lớn, bằng con ong bầu đậu đầy trên mặt rác, lốm đốm như mâm xôi đậu. Ruồi ở đảo nhiều cho đến nỗi, mỗi lần rót nước để uống, cả chủ lẫn khách đều phải lấy tay che kín miệng ly, nếu không, sẽ có một con chun vô. Ly là hộp lon Coca được cắt rồi chà cho bằng mặt. Trại có phát cho nhang đun muỗi nhưng thiệt ra dùng để đun ruồi. Cũng như ở đảo, ngủ phải có mùng. Mùng dùng để ngăn ruồi bay đậu trên đầu trên mặt… Muỗi cũng có nhưng chỉ ở những vùng khuất gió, những nơi sát bờ biển gió lộng tư bề thì rất ít không đáng kể.

Thiệt ra thì mỗi người tỵ nạn đâu có được bao nhiêu rác nhưng có điều số lượng người chen chúc quá đông nên số rác trở nên khủng khiếp. Mấy hố rác vừa đào xong ngày hôm trước thì ngày sau đã thấy hơi đầy đầy… đến vài ngày sau nữa thì bắt đầu tràn ngập, vun cao và có mòi tràn ra ngoài. Ban vệ sinh phải è ạch đào ngay một hố cạnh bên, lấy cát của hố mới, đắp lên hố cũ… và cứ như vậy mà tiếp tục. Nhưng điều đáng lo là diện tích của bãi cát còn lại cũng chỉ có bấy nhiêu, đâu có rộng ra thêm chút nào. Đào xới hoài cũng có ngày hết chỗ, mà đã hết chỗ rồi thì phải làm sao, không lẽ đào lại những hố cũ. Thiệt là nhức cái đầu!

Ban quản trại bèn nghĩ ra cách ổn thỏa nhứt là quăng hết rác xuống biển. Biển cả thì mênh mông vô cùng tận, tha hồ mà quăng. Rác nhiều bao nhiêu cũng không sợ. Ruồi thì càng không lo. Người ta bèn làm ra những bè cây thiệt lớn, dừng vách bốn bên để chứa những núi rác khổng lồ, cho ghe kéo tận ra ngoài xa, rất xa, rồi đổ ùn hết xuống biển. Thiệt gọn hết sức! Nước biển mặn đắng sẽ giết hết trứng ruồi, tẩy rửa sạch những dơ bẩn… rồi tất cả mọi vật sẽ tan biến trong lòng đại dương. Chương trình thực hiện được đâu vào ngày hôm trước, cả trại yên tâm ngủ ngon được một đêm. Nào ngờ, sáng hôm sau, số rác rến vừa được tống khứ ra khơi, tất cả đều lần lượt được sóng gió đưa trở về, nằm sấp lớp khoe mình trên bãi cát trắng, một số nhấp nhô trên mặt nuớc… ngó thấy mà ứa gan! Làm sao bây giờ! Thôi, đành kiếm chỗ… đào tiếp, nếu cần thì cũng phải đào trên đỉnh cao!

Nhưng dầu gì đi nữa thì vấn đề rác rến cũng còn có cách để trị, tuy chưa nghĩ ra. Ở Bidong nầy còn có một thứ khổ hơn rác vì khi nhắc tới nó, ai cũng lắc đầu chịu thua, vì hết phương cạy gỡ. Đó là khói nấu nướng của cả chục ngàn cái bếp trên đảo bốc lên, tỏa ra, lan trong gió mờ mịt, bay lên cao lưng chừng trời, rồi không tan hết được, trở xuống bay là là trên những nóc lều, trộn lẫn trong không khí, tạo nên một đám mây màu xám tro đục ngầu.
Từ ngoài khơi nhìn vô đảo, nơi khu vực cư trú, dưới những thân dừa suôn đuột, người ta thấy cả một vùng khói trắng xám, phủ khắp chưn núi xanh, vướng vít trên những nóc lều san sát, tạo nên một bầu trời mờ mịt như một đóng un lớn. Cứ tưởng chừng trong giây lát gió biển từ ngoài khơi thổi vô, khói sẽ tan biến trên đầu núi. Nhưng không, đám khói mù ấy bao trùm lấy Bidong, từ sớm mơi tới chiều tối, từ ngày nầy qua ngày kia, không bao giờ dứt. Cũng có thể đám khói mù ấy sẽ bay mất trong một khoảng thời gian ngắn vào lúc nửa đêm khi mọi người đều yên giấc, không còn ai nấu bếp nữa… rồi lại xuất hiện vào lúc tang tảng sáng hôm sau.
Không khí của đảo bị ô nhiễm nặng nề, đủ thứ mùi hôi nhưng khói bếp là nguy hại nhứt. Trên núi có một loại cây gì không biết, sớ gỗ màu đỏ rất cứng. Mỗi lần đóng đinh để dựng cột hay làm mặt sàn rất khó khăn. Đinh bị cong vẹo không biết bao nhiêu lần mới đóng được một cây. Nếu lấy nó làm củi đốt thì lại nhiều khói. Ở lều tôi, bếp được đắp bằng đất sét trộn lẫn với các hộp lon cá mòi tròn, cạnh bên hông lều, hẹp té. Củi mua lại của một anh bạn ở trước mặt, sắp được đi Úc nên bán lại, phần lớn phơi chưa khô, đốt rất khó cháy, khói um cả lều. Cả ngày khói mù như vậy, ai nấy đều ho sặc sụa. Hai lá phổi chắc đống đầy khói bếp. Khi nấu nướng phải đứng canh chừng, quạt lửa luôn tay, cho tới khi đồ ăn chín. Ngưng quạt là bếp tắt nửa chừng, khói bốc lên mù mịt, khổ sở trăm bề. Nhưng không lẽ không nấu… Đúng là cái vòng lẩn quẩn! Ai cũng sợ khói nhưng ai cũng phải bằng mọi cách… đi kiếm củi, để đốt cho có.. khói!

*****
Thường thường cứ sáng Chủ nhựt thì hẹn nhau đi đốn củi trên núi. Buổi đầu tiên tôi đi với Sơn, vì ở lều Sơn, anh Hiền và mấy đứa em có được hai cây cưa. Đi lên núi đốn củi chỉ cần cây cưa là đủ. Anh Hiền vì ở đây đã lâu nên đi trước dẫn đường. Cả đám đi hàng một len lỏi qua các con đường hẻm quanh co, bên những chiếc lều san sát như trong ổ chuột. Đường lên dốc từ từ. Càng lên dốc cao lều càng thưa dần, tầm mắt thấy rộng hơn. Khu định cư chỉ còn một lõm nhỏ ở dưới kia, tai tôi nghe văng vẳng tiếng loa phóng thanh khi mờ khi tỏ. Đường lên núi, càng lúc càng dốc. Mồ hôi đã tươm ra đầy mặt đầy lưng. Hơi thở bắt đầu gấp rút, phì phò. Nắng chói lọi tỏa hơi nóng gay gắt. Sơn đi cạnh bên, hỏi tôi:
- Mệt không?
- Ừ, coi bộ mệt dữ rồi, gần tới chưa?
Sơn cười:
- Đi núi là không được nói mệt nghen, phải nói là khỏe lắm… khỏe lắm….
Tôi vừa nói, vừa thở hổn hển:
- Leo dốc dựng đứng như vầy, khỏe gì nổi, thở không ra hơi nè!
Hai bên đường mòn có dấu vết rừng bị cháy rụi, còn trơ ra những thân cây trơ chìa, nám đen, dưới đất tro than đen xám vương vãi. Cạnh đó một vùng cây bị đốn, dấu cưa sát gốc. Đường đi trở nên ngoằn ngoèo, phải nhảy trên nhiều tảng đá cheo leo. Cây vụn bị chặt bỏ ngổn ngang, bừa bãi. Chợt nhìn thấy một cây vừa tầm nằm dọc theo đường đi, tôi nói với Sơn:
- A, có một cái cây tốt quá, mình cưa khúc đem về, khỏi phải tìm kiếm mất công.
Anh Hiền cản lại:
- Đừng thèm lấy, nó không dùng được việc gì nên người ta bỏ lại đó.
Tôi ngạc nhiên:
- Tại sao vậy?
- Muốn lấy cây làm củi chụm phải lựa cây nào suông thẳng, sớ cây thưa, mới dễ bửa nhỏ ra mà chụm được. Còn cây nầy cong vẹo mà lại có nhiều mắt to, làm sao anh lấy búa bửa ra cho nổi…
Ở đây chỉ có cây và đá. Những tảng đá thật lớn sừng sững bên vách núi. Cây mọc chen nhau chật cứng, vươn tàn lá lên cao để giành hứng ánh nắng mặt trời. Ở giữa các nhánh có những cây ráng mọc chen, lá xanh um, dáng như gạc nai. Đôi khi cũng có những cây phong lan đong đưa trong gió. Có lẽ rừng núi đầy người phá phách nên không thấy một bóng chim bay, cũng không thấy một con thú rừng như thỏ, như sóc… Cả bọn leo dốc từ từ lên cao nữa, quẹo trái rồi quẹo phải. Tôi thấy một đám cây mọc đều đặn, cây nào cây nấy nhỏ bằng cây cau suôn đuột. Có lẽ nơi đây chăng? Đúng rồi, anh Hiền dừng bước, miệng nói:
- Nghỉ mệt một chút cho khỏe… rồi mình lựa cây.
Đứng ở vị trí nầy khá cao, tôi đưa mắt nhìn quanh. Bên kia là một thung lũng thấp, cây cối thấp hơn nhưng cũng đang bị đốn phá nhiều hơn. Có những quãng trống thưa thớt. Xung quanh đây đó, đầy những người di động ồn ào. Tiếng cây bị cưa, ngã đổ ầm ầm vang dội rền đi từ vách núi. Tiếng người nói chuyện líu lo, ồm ồm… Sơn nói:
- Hủ Tiếu và đám bộ hạ đang đốn cây ở dưới kia kìa…
Tôi rán mà nhìn, thấy Hủ Tiếu đương đứng với một đám đông, chắc là mấy đứa con rể A Son, A Tài… Tiếng cưa, tiếng búa, tiếng nói chuyện cười giỡn vang dội cả khu rừng vắng. Có ai mà ngờ được, nơi đỉnh núi hoang, giữa biển vắng nầy lại có lúc ồn ào náo nhiệt như ở giữa chợ, thiên nhiên đắm mình trong giấc ngủ triền miên ngàn năm, cũng phải giựt mình thảng thốt với sự tấn công xâm lấn của con người. Mới có một thời gian ngắn chừng bảy tám tháng, kể từ ngày trại tỵ nạn Bidong được thành lập, đỉnh núi đất đầy cây rậm rạp lần lần bị cưa, bị đốn, một ngày một nhiều… như một cái đầu bị rụng tóc, sói sọi. Hiện tại thì bị một lõm to ở giữa và một đường cong queo dài ngoằn từ dưới chân lên tới đỉnh với những vết loang rộng… nếu mà tình trạng nầy kéo dài thì rừng núi Bidong, sẽ không còn là chỗ trú ngụ của chim chóc, của thú rừng, cây cối sẽ bị đốn mất hết, chỉ còn những tảng đá trơ lỳ với tháng năm…
Anh Hiền đứng ngắm nghía chọn lựa rồi chỉ một cây, Sơn và thằng Tí bắt đầu cưa. Thịt cây còn tươi rói nên lưỡi cưa ăn vô ngọt xớt, mạt cưa văng ra trắng gốc. Hiền nói:
- Phải cưa mở miệng nghiêng xéo một bên, để khi cây ngã theo ý mình muốn. Nếu không để ý thì nguy hiểm lắm, nó đè chạy không kịp…
Rồi Hiền giải thích thêm cho tôi nghe:
- Điều đáng sợ nhứt là đa số không phải là thợ rừng nên không biết cách cưa cây cho ngã theo ý muốn. Có nhiều trường hợp cưa xong, bị cây ngã đè bị thương hay là chết. Cũng có khi cây mọc dầy đặc, cưa xong một cây, xô hoài nó không ngã vì ở trên ngọn, cành lá chằng chịt vướng víu nhau. Không biết làm sao được, người ta đành bỏ đi cưa cây khác. Vài ngày sau cây khô trơ cành ra, gió thổi lắc lư. Vô phước cho anh nào đi lớ ngớ tới, cây ngã đè thì khó tránh khỏi nguy hiểm... Muốn biết cây nào đã bị cưa thì cứ ngó lên đọt, thấy lá héo vàng thì phải liệu mà tránh cho xa...
Tôi ngó một vòng, quên mất mình đang kiếm củi, nhìn xuống thung lũng tươi xanh rậm rì, cây đá chen nhau, máu sắc hình khối lẫn lộn như một bức tranh thiên nhiên kỳ thú. Nhìn quay ra biển, thấy biển ở tuốt dưới xa, phong cảnh mờ ảo. Cây cối ở phía dưới chưn núi như nhỏ quắt lại, sóng biển lăn tăn nhỏ xíu, vài chiếc thuyền con lênh đênh như trong mặt hồ, cảnh vật một màu xanh mướt. Mây từng dải mờ nhạt như khói, như sương bay lững lờ dưới chưn núi như tấm lụa mỏng nõn nà... cảnh giống y như những bức tranh phong thủy của Tàu, đẹp tuyệt vời. Không khí trên cao im mát... Tôi rán tìm mặt trời để định hướng. Bây giờ nó đã lên cao ở gần đỉnh núi, chói lòa. Anh Hiền thấy tôi quay qua quay lại hỏi:
- Anh muốn kiếm cái gì vậy?
- Tôi muốn coi Việt Nam mình ở về hướng nào?
Anh Hiền chỉ ngược về hướng rừng sâu. Có thấy gì đâu, ở đó có chỉ có cây cối chằng chịt. Tôi ngước mắt nhìn lên phía trên xa thấy vài đám mây bay lãng đãng... Cả bầu trời xanh trong, rải rác từng cụm mây di chuyển chầm chậm. Hướng nào cũng đầy bóng mây... Bốn phương mây trắng một màu, trông vời cố quận biết đâu là nhà...
Ngó tới ngó lui, tôi trực thấy một thân cây dài ai đã cưa sẵn sát gốc, bỏ nằm cạnh một bụi rậm. Cây bị cháy xám đen ngoài vỏ nhưng bên trong ruột cây còn nguyên, sớ thẳng và trắng. Đúng là một khúc cây lý tưởng. Tôi lấy cưa, cưa một đọan dài cở chừng ba thước, không nặng quá để còn đủ sức mà vác trên đoạn đường xa. Cái cây tốt như vậy mà bị bỏ lại đây có lẽ vì nguời ta sợ bị dính than đen lem luốc, khi vác về ngang chợ. Khúc cây được cắt xong, tôi lấy tay khiêng lên coi thử nặng nhẹ. Thiệt là vừa hết sức, định vác luôn. Anh Hiền cản:
- Khoan đã, cả tuần mới đi núi một lần, ở chơi lâu lâu rồi hảy về!
Sơn đề nghị:
- Có ai muốn đi... vô bụi với tôi không?
Thấy mọi người còn đứng yên, Sơn nói tiếp:
- Đi đốn củi trên đỉnh núi, khoái nhứt là cái vụ nầy! Thứ nhứt quận công, thứ nhì... đồng!
Chưa kịp rủ đến lần thứ hai, ai nấy nghe bùi tai đều lần lượt kiếm chỗ tốt. Trời đất mênh mông, tha hồ mà thơ thẩn!

Cả bọn sắp xếp đi xuống núi. Cũng anh Hiền đi trước dẫn đường. Trên vai mỗi người bây giờ là khúc một cây dài đong đưa. Tí nhỏ nhứt trong đám mà lại vác một khúc cây lớn khá nặng, cái lưng nó oằn xuống. Trên đầu cây của Hiền và Sơn còn có treo lủng lẳng cây cưa. Tôi đi sau chót. Vừa ra khỏi một khúc quanh tôi nhìn thấy một dốc lài thoai thoải, phía dưới là bãi cát trắng phau. Nhìn về phía trước, đoạn đường quá dài, lại loanh quanh trắc trở, phải vượt qua những bực đá cheo leo, khúc cây đang vác mỗi lúc càng trở nên nặng hơn... Tôi bèn quyết định đổi hướng, quyết vạch một con đường mới đi thẳng xuống bãi, rồi sau đó, tìm cách trở về. đảo Bidong nhỏ xíu, làm sao mà lạc được...

Các bạn đi trước lo vác cây lầm lũi đi, có biết đâu tôi tự ý sửa đổi lộ trình. Tôi ngắm hướng một hồi rồi đứng trên cao dùng hết sức quăng khúc gỗ xuống dưới thấp. Khúc cây theo đà quăng, tung ra xa rớt xuống phía dưới cỏ, rồi trớn lăn còn mạnh nó tiếp tục rơi xuống, đập vào gốc cây nầy, bá vào bụi cây kia, vài ba bận rồi mới chịu nằm yên. Tôi khoái chí lò dò leo xuống theo. Hướng nầy ít cây mọc, cỏ dầy ngang ống chưn nên xuống khá dễ dàng. Tôi lại tiếp tục quăng cây xuống thấp. Có nhiều bận nó vướng vào bụi rậm, phải len lỏi vào, vác ra nơi quang đãng rồi quăng xuống tiếp. Trên đường dốc tôi gặp hai con suối cạn, dòng nước nhỏ xíu chảy lờ đờ lẫn trong đám cỏ xanh um tùm, có dấu vết người ta đến tắm rửa, giặt giũ, bọt xà bông trắng đầy, vương vải hai bên bờ. Nhờ có con suối, cây cối chỗ nầy mọc chằng chịt. Cuối cùng rổi thì tôi cũng xuống tới chưn núi. Khỏe quá, đoạn đường được rút ngắn mà lại khỏi phải khiêng vác lôi thôi. Tôi đứng vịn khúc cây cháy đen, nhớ tới anh Hiền mà thấy cười. Tại sao lại phải về theo lối cũ, tại sao cứ phải theo lối cũ, chi cho cực khổ vậy!
Bãi cát chỗ nầy trắng xóa, không một dấu chưn người. Vạn vật còn y nguyên đấu vết hoang sơ. Năm ba thân cây mục rữa nằm trơ vơ giữa trời đất vô tình. Kế đó là những bụi dứa dại xen lẫn với những gốc dừa... Toàn cảnh hoang vắng đến ghê rợn, không một cánh bườm, không một bóng chim, không một dáng người, không còn tiếng loa phóng thanh, không một túp lều nhỏ. Chỉ có cây đá, mây nuớc... và tôi... với khúc cây cháy đen!
Tôi bèn ngắm hướng một hồi rồi vác khúc cây lên vai, đi dọc theo bãi cát. Như vầy thì thế nào cũng về tới trại. Cứ vòng theo bãi cát. Đi một đọan ngắn, lối đi bị vách đá chớn chở chắn ngang, nhìn về hướng cũ, phía bên kia cũng vậy. Bãi cát chỉ có một lõm ở giữa mà thôi! Chết rồi, làm sao mà về, tôi đi lạc quá xa. Không ngờ Bidong cũng lớn quá. Vậy mà lúc đứng trên đỉnh núi nhìn xuống, nó có chút xíu!
Tôi vừa đứng, vừa thở vừa lo. Nắng cháy trên đầu, nắng nóng dưới chưn. Tay chưn trầy trụa xơ xác vì khúc cây nặng. Hướng nào để trở về? Bây giờ thì tôi không còn định hướng được nữa. Rõ ràng hồi sáng đi lên, đốn củi xong thì đi xuống, tại sao lại lạc kỳ cục vầy nè? Phải làm sao bây giờ, chỉ có cách là leo trở lên đỉnh núi, trở về chỗ cũ, rồi tìm đường về trại. Nhưng đâu phải là chuyện dễ. Leo dốc núi một mình giữa trưa đứng bóng là một chuyện rất vất vả, khó khăn. Bụng đói cồn cào, cổ lại khát khô. Vả lại còn có khúc cây dài tới ba thước, nặng chình chịch, vác nó mà leo trở lại chỗ cũ thí chắc có nước chết. Hay là bỏ quách nó lại ở đây, ra về tay không? Tôi suy đi tính lại, nếu ra về tay không thì mấy đứa em ở nhà cười cho thúi đầu. Mang tiếng là đi kiếm củi mà không có một cây, thì coi sao được. Hơn nữa trước khi đi đã dặn Tiến ở nhà lo mượn búa để có sẵn mà bửa củi ngay chiều nay. Tôi tưởng tuợng ra cảnh trở về tay không, mặt mày bơ ngơ báo ngáo, mấy đứa em xúm lại mà chọc, đâm phát rầu! Không được, không cách gì mà về tay không, thôi phải rán vác vậy. Tôi đau khổ mà vác khúc củi cháy trở lại lên vai, lần mò leo trở lại chỗ cũ. Khúc cây giờ nầy nặng hơn đá, vướng víu bực mình. Mỗi bước đi mồ hôi tuôn ra như tắm, tóc tai ướt mem... Đã thấy lại con suối cạn.. rồi tới con suối thứ hai. Không biết tôi phải ngừng lại để thở bao nhiêu lần, cuối cùng rồi cũng trở về được chỗ cũ. Mừng quá, đã về đúng được chỗ cũ. Tôi bỏ khúc cây nằm lăn bên đường mòn, ngồi bệt xuống đất mà thở. Chờ cho hết mệt, tôi vác khúc cây đến một ngã ba. Có lẽ phải quẹo trái? Nhưng muốn cho chắc khỏi bị lạc nữa, tôi hỏi thăm một người đang cưa cây. Anh ta chỉ đường xong rồi hỏi:
- Anh ở đây lâu mà sao còn bị lạc?
Tôi ngạc nhiên:
- Tôi mới đến Bidong chưa đầy một tuần, tại sao anh lại nói tôi ở lâu?
Anh bạn đó cười ha hả trả lời liền:
- Tại anh đen thui giống Mã Lai!
Tôi cũng bật cười, cám ơn rồi vác khúc củi đi. Nhớ lại là cả tháng trời ở đảo Pulau Kapas, tắm biển phơi nắng suốt ngày, qua Bidong râu tóc lại không cạo gọt, một phần nửa khúc cây quỷ dịch nầy cháy đen hòa với mồ hôi bết đầy người lem luốc, vậy mà phải ôm vác từ sớm mơi tới giờ. Thây kệ nó ở nơi khỉ ho cò gáy nầy, xấu đẹp cũng đâu có ai để ý tới. Mới có một tháng trời mà thay đổi quá nhanh...
Tôi trở về đúng con đường cũ, đường xuống dốc dễ đi hơn. Khúc cây đè nặng theo nhịp đi, lâu lâu tôi phải ngừng lại để đổi vai. Cũng may khúc cây dài chỉ có ba thước, phải nó to hay lớn hơn chút nữa thì không biết phải làm sao. Dần dần trên con đường mòn tôi gặp lũ lượt từng toán năm ba người cũng vác cây trở về. Có người lực lưỡng vác cây lớn thân cỡ bằng cây chuối đi coi nhẹ nhàng như không. Có những thiếu nữ không đủ sức để khiêng vác nặng, họ lượm những cành khô nhỏ, bó gọn lại rồi ôm về... Thấp thoáng qua những cành lá, những nóc lều xanh xanh chợt ẩn chợt hiện ở phía dưới triền đồi. Tôi lắng nghe thấy tiếng loa phóng thanh văng vẳng từ xa. Rồi toàn khu chợ trời hiện ra dưới thấp. Xa hơn một chút, ở ngoài bãi cầu tàu supply nhỏ xíu với các ghe tàu đậu xung quanh. Tôi đi loanh quanh trong các ngõ hẻm, về tới lều gần hai giờ trưa. Tôi vội quăng khúc củi nợ đen thui đằng trước ngõ, đứng thở một hồi lâu mới lại sức. Mình mẫy lấm lem, phải dội hết mấy thùng nước mới sạch. Buổi trưa đó mặc kệ trời nóng như thiêu như đốt, tôi ngủ một giấc mê man không còn biết trời trăng mây nước...

Các lần sau đi lấy củi đã quen nên tôi không còn lạc đường nữa, củi lấy được cũng nhiều hơn. Có lần lên núi với Tiến và Chiêu, trở về lối cũ, chưa ra tay cưa cắt gì, chợt thấy một đống cây đã vạt từng lát mỏng cỡ chừng ba bốn phân tây, bỏ đầy trắng cả đất. Thì ra đó là cây của dân buôn lậu. Họ chọn những cây to lớn, đốn ngã xong rồi dùng búa vạt thân cẩy ra thành từng tấm ván nhỏ dài cỡ hai ba thước để đóng ghe. Những chiếc ghe thật mỏng manh. Họ lấy dầu chai trét ghe bằng cách khoét bọng cây rồi đốt lấy dầu. Nhiều khi lửa cháy lan, gây thành đám cháy rừng, ban đêm đỉnh núi đỏ rực, dòng lửa ngoằn ngoèo như rắn bò. Mỗi lần rừng cháy, cả đảo kinh hoàng, nếu ngọn lửa cháy lan xuống trại thì cả ngàn người bị thiêu sống. Vật liệu xây cất ở trại toàn bằng chất dẫn lửa, cây ván, bao ny lông, dầu lửa đốt đèn, bếp núc nấu nướng sát vách... vậy mà trời thương, Bidong chưa bị cháy lần nào.
Tôi tìm thấy được đống ván vụn nầy trong một góc rừng. Loại cây có được sớ to, thân thẳng băng, thịt trắng rất dễ bửa nhỏ ra để làm củi chụm. Mà cần gì phải lo, người ta đã bửa vụn ra gần hết rồi, quăng vụt một đống ngổn ngang, bừa bãi! Chiêu và Tiến chạy đi bứt dây rừng, bó làm ba bó. Mỗi bó lớn cỡ vòng ôm. Tôi thấy ham quá, cứ nhét vô thêm cho tới đầy cứng, đến lúc khiêng về, nặng muốn gảy xương sống luôn! Hơn nữa khiêng một thân cây còn nguyên dễ hơn là vác một bó củi lớn. Khúc cây tuy nặng nhưng gọn gàng, còn củi vụn cũng nặng nhưng bề bộn, cứ mỗi bước đi có một hai thanh tuột ra, chỉ chực rớt xuống, lâu lâu phải ngừng để cột lại cho chắc. Kỳ gỗ đó dùng được thật lâu, mãi cho đến khi tôi rời đảo, cũng còn lại một mớ...

Có đi lấy củi mới biết cảm thông thân phận người tỵ nạn Bidong không một đồng xu dính túi. Ở đảo, người gan dạ có máu phiêu lưu mạo hiểm thì đóng ghe chèo ra biển buôn lậu, còn như chậm lụt hơn thì chỉ có nước lên núi đốn củi để bán. Ngoài việc bán củi để chụm, người ta còn bán cây lớn cỡ cườm tay để làm cột lều, bán cây nhỏ cỡ ngón tay để làm vạt giuờng... Muốn có một thước củi để bán, đâu phải dễ dàng gì, phải đốn cây từ núi cao, vác về cưa cắt rồi bửa nhỏ ra, một ngày lao động cật lực, chưa chắc kiếm được bảy đồng Mã Lai! Thiệt là gian nan và nguy hiểm vô cùng.
Rắn cắn cũng chết, cây ngã đè cũng chết, đường núi trơn trợt, té va đầu vào đá.. cũng chết! Cái gì cũng có thể làm cho người ta chết được hết, chỉ vì một ước muốn duy nhứt, họ muốn có tiền để... sống còn!

Võ Kỳ Điền
Trích Pulau Bidong Miền Đất Lạ 

8/1/22

CON KỲ NHÔNG XANH TRÊN LUỐNG DÂU


Ở Úc họ trồng dâu tây (Strawberry) trên những luống đất thật dài, được bọc kỹ bởi một loại vải nhựa dệt thưa, nhưng có độ bền để có thể chịu đựng được nắng mưa, ờ giữa luống họ khoét những lỗ tròn trên tấm bọc đất, cây dâu được trồng vào đấy, và cứ thế luống dâu liên tục kéo dài. Những luống dâu chạy dài thành nhiều hàng trông thật đẹp mắt, thân cây dâu không phải là loại thân mộc, nằm xòe trên luống, nên khi ra trái, trái dâu sẽ được nằm trên luống đất đã được bọc kỹ bằng vải nhựa, nhờ thế mà trái dâu không bị tiếp xúc trực tiếp với đất, nên trái dâu chín sẽ không bị hư hoại.

Đám thanh niên VN tỵ nạn chúng tôi, những ngày mới đến Úc, chưa thể tìm một công việc thích hợp ngay, nên thường thì đành kéo nhau đi làm ở farm ( nông trại ) để kiếm tiền mà có thể dành dụm gửi về VN cho gia đình ở bên nhà. Đến mùa dâu thì đi hái dâu ở các farm dâu, nghe công việc đi hái dâu tưởng đâu là nhàn hạ và thơ mộng lắm, nhưng thật ra chúng tôi phải khom lưng suốt cả ngày, vì bởi như đã nói ở trên, dâu tây ra trái trên những luống dâu chỉ cách mặt đất chừng 3 tất, vì vậy người hái dâu phải đứng khom lưng bên vồng dâu, một cái khay được quàng ở khủy tay, tay kia thì hái trái, trong điều kiện là phải cong lưng xuống để hái, và cứ thế khom lưng đi lần theo chiều dài của vồng dâu mà tìm hái những trái dâu vừa chín đỏ lẫn trong đám lá dâu xanh…

Ôi, lứa dâu đầu mùa và cũng là lứa trái đầu tiên của loạt trồng mới nầy, nên trái nào trái nấy to tướng, chín đỏ, căng phồng, nhất là trong buổi sớm tinh mơ, lấp lánh dưới ánh nắng hồng qua những hạt sương mai còn đọng lại, trái dâu trông lại càng hấp dẫn làm sao… Chủ nhân của nông trại trồng dâu nầy, họ là một cặp vợ chồng người Úc chính thống, Farmer (nông gia) ở Úc không phải như những người nông dân chân lấm tay bùn ờ bên nhà, mà người chồng là một Kỷ Sư Nông Nghiệp chính hiệu, nên họ đối xử với đám tỵ nạn VN đi làm công chúng tôi rất ư là thân thiện, lịch sự, đầy hiểu biết và cảm thông, nhất là bà chủ nông trại, với một gương mặt hiền hòa, miệng luôn nở một nụ cười và kèm theo là những lời nói rất ân cần, tử tế…-“ Các bạn hái dâu, nếu thấy bất cứ trái dâu nào ngon nhất và nuốn ăn thì cứ hái ăn tại chổ tự nhiên nhé! Mình làm việc trên farm dâu mà không được ăn những trái ngon nhất thì cũng không hợp lý phải không? “  
Nghe những lời nói ấy, bọn chúng tôi thật thấy mát cả lòng, và cũng có cơ hôi để…tha hồ thưởng thức những trái dâu nào to nhất, mọng đỏ nhất và đặc biệt là với nụ cười rất ân cần của nhị vị chủ nhân thật dễ thương kia.

Vừa khom lưng lần theo luống dâu chạy dài, vừa tay làm và hàm nhai những trái dâu còn mát lạnh trong buổi sớm tinh sương, vừa trầm trồ xuýt xoa sao mà họ trồng giỏi quá, vụ dâu này họ thu hoạch chắc khẳm tiền…và đôi khi thả hồn đi lạc với nỗi buồn mênh mang của kiếp đời tỵ nạn, của phận đời lưu vong với những ngày mới đặt chân nơi xứ người…

Ồ, không được rồi, chuyện gì vậy?!  Những trái dâu chín đỏ trên vồng dâu được phát hiện là đã bị con gì ăn loang lổ khắp cùng, không phải một vài trái mà là cả một vạt dâu chín, trái nào cũng bị cắn dang dở rất ư là bực mình, người nầy nói với người kia, và hiện tượng lạ nầy đã được truyền nhanh đến nhiều người trên các vồng dâu khác…Và đây rôi, thủ phạm cắn phá dâu đã được một vài anh em người Việt tìm thấy là một con kỳ nhông xanh khá to và dài cỡ một cánh tay, đang “thoải mái” bò giữa luống dâu với những trái dâu bị cắn ăn loang lổ. Thế là phản ứng rất tự nhiên, một vài anh em đã bỏ khay dâu xuống và tìm nhặt những khúc cây quanh đấy, rồi hè nhau rượt đuổi và đánh đập chú kỳ nhông xanh kia không chút nương tay.

Lấy làm lạ với hiện tượng nhốn nháo ở ngoài farm, tiếng rượt đuổi, reo hò, tiếng đập cây bình bịch, bà chủ farm đã vội vàng chạy ra và hỏi: “ what’s the matter ? “ ( chuyện gì vậy? ) vừa chạy nhanh đến nơi những thanh niên người Việt với những khúc cây trên tay, bà đã sững sờ nhìn họ và thốt lên tiếng kêu thảng thốt “ Oh! My God “ khi bà nhìn thấy vẻ mặt hớn hở của mấy người kia, vì đã lập được thành tích với chủ nhân là đã tiêu diệt được kẻ phá hoại trên các vồng dâu chín nầy. Con Kỳ Nhông xanh đang nằm sóng soải trên mặt đất, với nỗi đớn đau quằn quại, không biết còn sống được không! Một vài anh em đã vội hái một số trái dâu bị cắn ăn dang dở, đưa cho bà chủ xem và nói:
– Bà xem đây nầy, may mà chúng tôi tìm thấy nó, chứ không thì nó sẽ còn phá hoại dâu của bà không biết bao nhiêu nữa đấy!
– Oh ! No, nó không phá hoại gì cả!
Vừa nói câu ấy xong để trả lời với mấy công nhân người Việt, bà chủ vừa quỳ xuống đất, đưa hai tay run rẩy bồng con kỳ nhông xanh lên và khóc nức nở:
– “ Sorry darling…, xin lỗi cưng ơi, sao họ có thể đánh cưng ra nông nỗi nầy…”
Quay sang các bạn VN mình, bà chủ vừa khóc vừa nói :
– Nó là một con vật rất dễ thương, nó không cắn hay làm hại ai cả, vậy sao các bạn lại đánh nó và làm nó bị thương trầm trọng thế nầy?
Câu trả lời của các anh em VN là:
– Có chứ, nó cằn phá rất nhiều trái dâu chín của Bà kia kìa…
– Không đâu, nó không hề phá hoại, nó chỉ đi kiếm ăn thôi mà…mà dẫu cho nó vừa ăn, vừa cắn phá chút ít thì nó cũng không làm hại ai cả, nó cũng không làm tôi nghèo, nó là người bạn rất dễ thương của chúng tôi, chúng tôi mời nó cứ thoải mái ăn kia mà… xin làm ơn đừng làm hại chúng nữa!

Nói xong, bà đã vội vàng bồng con kỳ nhông chạy nhanh vào nhà và gọi chồng bà tức tốc lái xe đưa con kỳ nhông đến “Vet” (bác sĩ thú y) để chăm sóc và trị liệu vết thương cho con kỳ nhông. Khoảng nửa giờ sau bà trở về với con kỳ nhông đã được băng bó ở chân và ở lưng, bà nhẹ nhàng đặt nó nằm giữa vồng dâu có nhiều trái chín nhất và ân cần nói:
– Bạn cứ ăn thoải mái nhé, tôi đã nói với họ rồi, họ sẽ không rượt đánh bạn nữa đâu, hãy mau chóng khỏe lại nhé, chúc may mắn !…

Qua chuyện con Kỳ Nhông ăn trái chín trên vồng dâu này, tôi tự hỏi :
– Từ tâm phát sinh từ đâu nhỉ? – Từ trong bản chất ? hay từ sự được dạy dỗ và khuyên bảo?
– Bản chất của người Việt chúng ta rất hiền từ nhân ái cơ mà?  
Nhưng có lẽ “ Cái khó nó bó cái khôn” việc gì cũng nghĩ đến cái lợi của mình, và có lòng tốt muốn bảo vệ của cải của người, nhưng lại vì cái lợi rất nhỏ nhoi mà có thể đánh mất đi cái từ tâm cao quý của bản chất con người !
– Sự dạy dỗ, khuyên bảo trong đối xử, chúng ta chỉ đặt nặng sự tử tế giũa con người với con người mà quên đi quyền sống của các loài vật khác cũng cần được tôn trọng và bảo vệ.

Câu chuyện đã xảy ra hơn 35 năm rồi, vẫn còn ghi đậm trong lòng tôi một nỗi niềm cảm phục tính nhân hậu của vợ chồng ông bà chủ farm dâu nói riêng và có lẽ của hầu hết những người Úc nói chung. Cám ơn rất nhiều, không phải chỉ bởi cuộc sống ở nơi đây mà thôi, mà những bài học về nhân ái của xứ sở nầy luôn là một dấu ấn đậm nét trong tâm thức của chúng tôi trên đất nước vô cùng xinh đẹp nầy.

Gia Hiếu