Showing posts with label Phiếm luận. Show all posts
Showing posts with label Phiếm luận. Show all posts

5/30/23

"Ruột đau chín chiều" có nghĩa là gì?

Ta thường nghe câu ca dao:

“Chiều chiều ra đứng ngõ sau
Ngó về quê mẹ ruột đau chín chiều”


Hoặc:

"Vẳng nghe tiếng vịt kêu chiều
Bâng khuâng nhớ mẹ chín chiều ruột đau"


Câu ca dao của người xưa, thật là sâu sắc.

“Ruột Đau Chín Chiều”: đó là những chiều nào?

Tại sao lại nói “ruột đau chín chiều”? Đó là những chiều nào, hướng nào? Hay đó là chín buổi chiều?

Có bao giờ chúng ta tự hỏi tại sao ruột đau không phải ba bốn chiều hay tám chiều mà lại “chín chiều” ?

Thực ra nói đến chín chiều là ngầm ý nhớ đến công lao ơn nghĩa cha mẹ đã sinh ra và nuôi ta khôn lớn, người xưa thường dùng “cửu tự cù lao
九字劬勞 - chín chữ cù lao” là 09 điều khó nhọc khi làm cha mẹ sinh dưỡng con cái. Chín chữ đó là:

1 - Sinh (sanh đẻ)

2 - Cúc 鞠 (chăm lo nuôi nấng)

3 - Phủ 拊 (vuốt ve, trìu mến)

4 - Súc 畜 (cho bú mớm)

5 - Trưởng 長 (nuôi nấng khôn lớn)

6 - Dục 育 (dạy dỗ)

7 - Cố 顧 (trông nom)

8 - Phục 復 (xem tính nết mà uốn nắn)

9 - Phúc 腹 (bảo vệ)

Vì vậy mới có câu: ngó về quê mẹ ruột đau chín chiều. Bài ca dao là tình cảm mẹ con, tình cảm gia đình sâu sắc trong tâm hồn mỗi chúng ta. Tình thương nỗi nhớ gắn liền với tấm lòng biết ơn sâu nặng của những người con với tình cảm mẹ con, gia đình...

Nhân những ngày lễ giỗ, những họp mặt gia đình nhân ngày cuối năm tìm hiểu và tự nhắc nhở mình đôi điều về chín chữ cù lao để gọi là xin đền đáp trong muôn một thâm ân cha mẹ.
Nguồn: st


Bài đọc thêm: Duyên hội ngộ, đức cù lao (Truyện Kiều câu 601)

5/19/23

Người Mẹ Trong Căn Nhà Thụ Nhân ở Atlanta

 

Nguyễn Thành Đức (bên trái),  Lê Đình Thông

Ngày 17/1/2023, tôi nhận được điện thư của anh Nguyễn Thành Đức gửi riêng cho tôi, thay vì gửi chung cho nhóm gồm 17 Thụ Nhân, trong số có các TN quen thuộc trong lãnh vực truyền thông như Thạch Lai Kim ở Đức, Lưu Văn Dân ở Pháp, Châu Tấn Xuyên ở Houston, nhà thơ Ai Cơ. Nội dung điện thư như sau : 
‘‘Chiều hôm nay tôi đọc bản tin Thụ Nhân #41, tôi mới biết anh bị bịnh và hiện đã khỏe nhờ phép lành do Đức Mẹ ban cho. Hồi sáng tôi có gởi cho anh tấm hình mà tình cờ tôi tìm ra được. Trong hình có tượng Đức Mẹ đứng ngay sau lưng như để che chở. Tôi thấy lạ lắm. Tại sao lại có sự trùng hợp như vậy. Tôi chịu thua. It’s above and beyond me. Xin phép được cầu nguyện cho anh và gia đình được khỏe mạnh và bình an nhân dịp Xuân về. May God Bless!’’ 

Tôi phân vân không biết nên giữ riêng cho mình, hay công bố như một chứng từ nói lên lòng thương yêu của bậc Hiền Mẫu đối với các con cái. Anh Lưu Văn Dân thờ cúng tổ tiên nhưng trên bàn thờ có tượng Đức Mẹ. Mỗi năm, anh chị đều đi hành hương ở một đan viện bên Ý. 

Trước đây, anh Nguyễn Thành Đức ở trong một biệt thự bầy biện giống như ở quê nhà, có hàng trúc, cây thông, có hoa đào, quỳnh hoa. Lần gặp gỡ biến thành buổi trà đàm, anh Đức pha trà sen để cùng nhớ lại hương quê. 

Tôi thiết nghĩ không cần nhắc lại bài báo đã đăng trong Bản Tin Thụ Nhân 41 do anh Lưu Văn Dân làm chủ bút. Tôi cảm phục lòng yêu mến bạn bè của anh Đức. Tấm hình chụp đã lâu mà anh vẫn còn giữ, có tượng Đức Mẹ mà tôi gọi là Người Mẹ : Người Mẹ của Đức Ông Nguyễn Văn Lập và của rất nhiều Thụ Nhân. 

Thụ Nhân tha phương quây quần ở Nam, Bắc Cali, Houston có hai TN Hướng đạo cũng ở trong nhóm 17 người : anh Trần Văn Lược và anh Trần Văn Trang. Các tiểu bang khác có một vài Thụ Nhân như anh Nguyễn Thành Đức ở Atlanta. Thành phố Atlanta nằm trong tiểu bang Georgia còn nói lên tinh thần hướng đạo của huân tước Baden-Powell. 

Cũng như Đà Lạt thuở xưa, Atlanta nằm trong vùng đồi núi tây bắc của tiểu bang Georgia, phía đông nam Hoa Kỳ, có bốn mùa rõ rệt. Sang đến mùa xuân, Atlanta cũng có hoa đào tô điểm phố phường thêm thắm tươi. Hai quận Gwinnett và DeKalb có đông người Việt sinh sống. Tiểu bang Georgia lấy tên hiệp sĩ Georges vung kiếm chiến đấu chống lại rồng thiêng. Nơi đây lưu dấu hành trình của Martin Luther King Jr. và cũng là nơi thực hiện cuốn phim ‘‘Gone with the Wind’’(Autant en emporte le vent) có Scarlett O’Hara (Vivien Leigh) và Ashley Wilkes (Clark Gable). Cuốn phim này được sắp vào hàng tuyệt phẩm của điện ảnh thể giới. 

Trong tác phẩm ‘‘Génie du christianisme’’, nhà văn François-René Chateaubriand cũng nói đến Virginie.

Trong tác phẩm ‘‘Scouting for boys’’, huân tước Baden-Powell (1857-1941), viết tắt B.P., đã dùng danh hiệu của thánh Georges (thế kỷ III) làm bổn mạng của phong trào hướng đạo.
Các nhận định của B.P. về giáo dục tương đồng với ý kiến của Đức Ông Nguyễn Văn Lập (1911-2001). Trước khi vào chủng viện, cậu Simon cũng là một hướng đạo sinh. Ngài từng dăn dò các TN phải luôn thương yêu, giúp đỡ nhau.

Các nhận định của B.P. về giáo dục bao gồm : ‘‘L’éducation par l’amour au lieu de l’éducation par la crainte’’ và ‘‘Un officier ne peut être un bon chef que s’il aime ses
hommes’’.

Trong sách ‘‘Scouting for boys’’, huân tước Baden-Powell đưa ra 10 điều luật hướng đạo.
Điều 3 : giúp đỡ người khác.

Người Mẹ trên tủ kính nhà anh Nguyễn Thành Đức luôn ‘‘giúp đỡ người khác’’, trong số có chúng tôi. Tôi viết bài này là để cám ơn Người Mẹ mà tất cả chúng ta đều tôn kính.

Lê Đình Thông

5/11/23

Nắm Và Buông

Sách vở cổ kim đều khuyên chúng ta buông xả, cho rằng buông là tự do, là hạnh phúc, là siêu thoát v.v... Tôi cũng biết phải buông xả, nhưng nhiều khi rất muốn buông sao cứ buông không được. Gần đây tôi đọc “Trang Tử”, Trang Tử cũng khuyên chúng ta buông. Nhưng lần này tôi lại đọc được một vài ý nghĩa hơi khác với lúc trước.

Chương "Đạt Sinh" (達生) trong “Trang Tử ngoại biên)” đề cập đến cuộc đàm thoại giữa Khổng Tử và Nhan Hồi. Một lần, Nhan Hồi hỏi Khổng Tử: Thưa thầy, ngày nọ đệ tử qua đò trên đoạn sông sâu nước chảy xiết, đệ tử rất khâm phục sự khéo léo và thông thạo của người lái đò. Đệ tử có hỏi ông lái đò làm thế nào để biết được cách lái đò? ông lái đò nói nếu biết bơi lội rồi thì rất dễ cho việc học lái đò. Thưa thầy tại sao vậy? Khổng Tử trả lời, là vì họ không sợ nước. Những người biết bơi lội có bản năng thích ứng với nước, họ bơi trong nước tựa như đi bộ trên cạn. Cho nên họ rất thong dong tự tại với sông nước. Bất luận đối mặt với dòng sông cuồn cuộn, gió mạnh sóng to hay bất cứ tình huống nguy hiểm nào, cũng không làm rối loạn nội tâm của họ. Từ đó Khổng Tử dẫn bày ra một triết lý: Phàm nội trọng giả nội chuyết (凢外重者内拙). Có nghĩa là con người sẽ trở nên đần độn vụng về nếu nội tâm dính mắc với vật thể bên ngoài.


Lúc đầu tôi đọc thoáng qua câu chuyện này, nghĩ rằng Thánh Hiền cổ kim đều nhân từ, Khổng Tử cũng mượn câu chuyện lái đò để dạy Nhan Hồi và khuyên người đời nên buông xả, đừng dính mắc với ngoại vật. Lúc sau tôi đọc tường tận rồi suy ngẫm, người biết bơi lội đương nhiên không sợ nước, nhưng người khác chắc chắn không cách nào thản nhiên vô sự trước sông nước. Cho nên tư duy của tôi bắt đầu đặt nặng ở "người bơi lội đã quen thuộc và thích ứng với môi trường nước" chứ không phải là con người phải tránh sự dính mắc với ngoại vật. Nói cách khác, điều kiện để buông xả nỗi lo sợ với sông nước là không chấp với nước hoặc nói xa hơn nữa là không tiếp cận với môi trường nước. Cũng như chúng ta sợ gai bông hồng thì đừng sờ hoặc đến gần cây hoa hồng. Không gần gũi hoặc tiếp xúc với sông nước và cây hoa hồng sẽ đâu có bị ám ảnh bởi những vật thể đó. Chưa từng bao giờ muốn nắm giữ một cái gì thì có cái gì để mà "buông bỏ"?


Trên đời vẫn có những người bẩm sinh đã có căn giác ngộ, họ lúc nào cũng ý thức được buông xả là cội nguồn của hạnh phúc và luôn giữ tâm thanh tịnh, không chấp chước, sống an nhiên với mọi hoàn cảnh trong cuộc đời. Tuy nhiên, đa phần người đời đều sống khổ đau trong sự đối lập và giằng co giữa nắm và buông. Bởi vì con người vốn có lòng tham, vì dục vọng tư hữu mà muốn nắm, đồng thời cũng biết tự mình khuyên nhủ là phải buông, rồi thường bị vướng víu trong sự vấn vương day dứt của hai ý niệm "nắm" là mê, "buông" là giác; "nắm" là khổ, "buông" là hạnh phúc, tổn hao quá nhiều năng lượng trong tâm tư của mình.


Vẫn biết buông xả là con đường dẫn đến tự do và hạnh phúc, tuy nhiên con đường gạn đục lóng trong để trở về chánh đạo “buông xả” đương nhiên rất khó, vì bắt buộc phải đi ngược dòng thế tục đời thường, chính vì thế nhiều hành giả cổ kim phải ngậm ngùi than thở: “Nẻo về bến ấy chông chênh lắm!"


Phải chăng đó cũng là tâm lý thế gian, làm Phật Tiên thời phần đông ai cũng muốn cũng ham, nhưng mà nhìn lại cõi trần, tuy bản chất là khổ, nhưng những cảnh tượng cớ sao mà muôn màu muôn vẻ, đầy sức quyến rũ và cuốn hút, chèng ơi, vui quá! cho nên bỏ đi cũng chẳng đành. Đạo thì cũng muốn tu thành Phật, theo Đạo mà lại còn tiếc đời.


Vì vậy, sống là một hành trình phấn đấu không ngừng giữa mê và giác; giữa nắm và buông. Có đi ắt có đến, có chí thì nên. Tô Đông Pha phải trải qua bao nhiêu nghịch cảnh và trắc trở, mới hiểu rằng phải buông bỏ thế sự thị phi, giữ tâm thanh tịnh để sống đời đạm bạc, rồi từ đó thoát thai hoán cốt từ sự điêu đứng của hoạn đồ thăng trầm để đạt đến cảnh giới: "Dã vô phong vũ dã vô tình" (也無風雨也無晴). Trời mưa hay trời trong, đau khổ hay hạnh phúc, vinh hay nhục, được hay mất ... Mọi sự chung quy đều tan biến như khi tỉnh giấc sau cơn mê mộng.


Lý Thúc Đồng cũng có nhiều trải nghiệm cực kỳ cam go về sự khổ lạc tụ tan trong cuộc sống, và những giao động khắc cốt ghi tâm trong tình yêu, tình bạn và tình đời … dần dần ý thức được phải buông bỏ mọi vấn vương của thế tục hồng trần, rồi chuyển hóa nội tâm, từ cảnh giới ngộ ra vô thường như trong bài nhạc "Tống Biệt" cho đến nhất tâm bất loạn trong sự tu hành tinh tấn, Lý Thúc Đồng mới thoát phàm nhập thánh, trở nên bậc Tổ Hoằng Nhất Đại Sư trong Luật Tông.


Quá trình phấn đấu của Lý Thúc Đồng, Tô Đông Pha cho ta thấy, sự thành công và giác ngộ của các bậc anh hùng hào kiệt xưa nay là từ có đến không, từ nắm tới buông, từ mê đến giác. Cho nên, muốn nắm thì cứ nắm, muốn lấy thì cứ lấy. Nếu giờ đây bạn nói, tôi cần tiền, tôi muốn kiếm rất nhiều tiền, vậy thì cứ tha hồ mà kiếm tiền; nếu giờ đây bạn nói, tôi thích người đó, tôi muốn người đó thuộc về mình, vậy thì cứ tha hồ mà theo đuổi. Rồi một ngày nào đó, chúng ta tích lũy khá nhiều tài sản trong tay, đột nhiên ý thức được tiền tài chẳng qua là vật ngoài thân, nó không thể đem đến cho ta niềm vui và hạnh phúc chân thực; hoặc một ngày nào đó, chúng ta chợt thức tỉnh trong cơn mê mộng của tình yêu, phát hiện tất cả đều chỉ là ảo tượng, Tôi chỉ yêu thích một cái tôi khác từ sự thương mến người đó mà thôi. Tất cả hình dáng hữu hình hay cảm giác vô hình chung quy sẽ tan biến theo luật vô thường của thế gian. Ắt chúng ta sẽ tự nhiên mà buông ngay, và chính cái buông đó, mới thực sự là buông.


“Cõi ta bà như mặt biển lênh đênh  

Vui buồn lặng ngụp bồng bềnh khơi xa

Nào danh lợi nào phù phiếm xa hoa

Mê trong được mất khiến ta khổ sầu


Cõi hồng trần hạnh phúc có bao lâu

Ân ân oán oán trong câu tình đời

Hãy nhủ lòng buông bỏ thế gian ơi

Cho tâm nhẹ gánh thảnh thơi an nhàn.”


Trường

05-11-2023

2/4/23

Bộ lọc tóc được cho là để làm sạch biển: Thợ làm tóc Pháp muốn ngăn chặn ô nhiễm

Hàng tỷ búi tóc được cắt mỗi ngày tại các tiệm làm tóc trên khắp thế giới. Dài và ngắn, xoăn và thẳng, sáng và tối. Một số trong số chúng, những cái đặc biệt dài, được giữ lại, làm thành tóc giả, và nếu may mắn, nó sẽ đội lên đầu người khác . Nhưng phần lớn trong số đó rơi xuống đất, bị cuốn lên một cách bất cẩn và cuối cùng bị bỏ vào thùng rác. Một số người thậm chí còn ghê tởm khi tóc của họ bị cắt hoặc rụng.

Tóc có thể làm được nhiều hơn thế: Nếu được tái chế, nó có thể được sử dụng làm vật liệu cách nhiệt trong xây dựng nhà ở hoặc có thể hấp thụ chất lỏng.

Một người biết điều này là Thierry Gras đến từ Brignoles ở miền nam nước Pháp. Gras đã là một nhà tạo mẫu tóc hơn 30 năm và đã quen thuộc với các đặc tính đa dạng của tóc mà ông cắt từ đầu của khách hàng mỗi ngày. Anh ấy càng ngạc nhiên hơn khi phát hiện ra rằng tóc vẫn chưa được tái sử dụng ở bất cứ đâu - không phải ở Pháp hay phần còn lại của châu Âu.

Vì vậy, Gras bắt đầu tự nghiên cứu, mày mò và cuối cùng phát triển các bộ lọc đặc biệt từ tóc cắt của khách hàng, được cho là có thể làm sạch nước biển. Bởi vì một cân tóc có thể hấp thụ tám cân dầu từ biển. Kem chống nắng phảng phất trên bề mặt đó, hoặc xăng dầu bị mất do tàu hoặc nhà máy.

Bộ lọc tóc đầu tiên được thử nghiệm tại cảng Cavalaire-sur-Mer.

Làm thế nào nó hoạt động? Trong các xưởng dành cho người khuyết tật, tóc được xử lý thành một loại tóc cuộn cùng với tất nylon cũ, sau đó được thả xuống nước. Điều này sau đó nổi lên, ví dụ, trong lưu vực bến cảng của khu nghỉ mát bên bờ biển Địa Trung Hải của Cavalaire-sur-Mer, nơi có rất nhiều kem chống nắng để hấp thụ.

3200 thợ làm tóc tham gia

Thoạt nhìn, kem chống nắng dường như chỉ là giọt nước làm tràn ly trong một đại dương bị ô nhiễm bởi nhựa và dầu. Nhưng ảnh hưởng của nó không phải là không đáng kể: theo " FAZ ", chỉ riêng nó đã đảm bảo rằng từ 6.000 đến 14.000 tấn chất độc hại kết thúc trong nước biển mỗi năm. Thierry Gras nói với watson: “Do đó, các lô cuốn tóc được đặt ở bến cảng, ao hồ hoặc các vùng nước bị ô nhiễm khác để lọc dầu mặt trời và hydrocarbon. "Nước được làm sạch nhờ khả năng hấp thụ dầu mỡ của tóc."

Vì cách này hoạt động rất hiệu quả nên Gras đã thành lập tổ chức Coiffeurs Justes để thu thập tóc từ các tiệm làm tóc khác và xử lý thành bộ lọc tóc. Hiện có khoảng 3.200 thợ làm tóc tham gia, chủ yếu ở Pháp, Bỉ, Thụy Sĩ, Luxembourg và các nước châu Âu khác. Hơn 40 tấn tóc hiện đã được tái chế theo cách này.

Thierry Gras đã là một nhà tạo mẫu tóc trong hơn 30 năm - và cuối cùng cảm thấy mệt mỏi với việc vứt bỏ mái tóc mà mình đã cắt đi
Các thẩm mỹ viện đối tác của Coiffeurs Justes nhận được túi giấy đựng tóc đã cắt. Tóc của tối đa 220 khách hàng nằm gọn trong một chiếc túi mà các tiệm làm tóc phải trả một euro. Dù thẳng hay xoăn, ngắn hay dài, nhuộm màu hay tự nhiên - tất cả tóc đều có thể được tái chế. Chúng chỉ cần sạch sẽ, nhưng dù sao thì đó cũng là trường hợp sau khi bạn gội đầu ở tiệm làm tóc.

Bộ lọc sau này trở thành vật liệu cách điện

Thierry Gras nói: “Các thành viên của chúng tôi được nhắc đến thường xuyên hơn trên các phương tiện truyền thông và do đó nhận được nhiều sự chú ý hơn. Tuy nhiên, ngoài việc quảng cáo , điều quan trọng đối với Gras là các thợ làm tóc tham gia chia sẻ các giá trị chung, rằng họ đấu tranh cho một môi trường tốt hơn, rằng niềm đam mê dành cho tóc là có. Trong tương lai, Gras cũng muốn hợp tác với nhiều cộng đồng khác nhau để thiết lập các bộ lọc tóc ở nhiều cảng hơn nữa.

Nhân tiện, khi lưới tóc đã hoàn thành nhiệm vụ của mình, chúng có thể được giặt và tái sử dụng tới tám lần. Và ngay cả sau đó, các thợ làm tóc của Justes cho biết, chúng vẫn có thể hữu ích: chẳng hạn như vật liệu cách nhiệt tòa nhà, hoặc làm phân bón cho phân trộn. Ngay cả khi chúng ta không còn cần đến chúng trên đầu nữa, thì mái tóc của chúng ta vẫn có thể làm được rất nhiều việc.

1/25/23

Phiếm luận về Mẹ

  Mẹ 

Mấy hôm trước, nhân anh LN Minh chia sẻ bài thơ về “Mẹ”, làm trỗi dậy cảm xúc lâu nay nằm sâu trong đáy lòng.


Mẹ Ta Trả nhớ về Không

“Ngày xưa chào mẹ ta đi
Mẹ ta thì khóc, ta đi thì cười
Mười năm rồi lại thêm mười
Ta về thì khóc, mẹ cười lạ không
Ông ai thế? Tôi chào ông
Mẹ ta trí nhớ về mênh mông rồi
Ông có gặp thằng con tôi
Hao hao...tôi nhớ nó... người... như ông.
Mẹ ta trả nhớ về không
Trả trăm năm lại bụi hồng... rồi đi…”

Khi tôi viết những dòng chữ này thì Mẹ tôi đã quy tiên gần 40 năm rồi. Mỗi năm khi gió bắc mưa lạnh bao phủ lên cảnh vật, cũng là lúc người người rộn rịp chuẩn bị cho mấy ngày lễ cuối năm đoàn tụ gia đình. Tôi lại ngậm ngùi nhớ đến Mẹ tôi, người Mẹ đã suốt đời lam lũ, tần tảo nuôi con. Những dòng chữ rất riêng tư này, tôi nghĩ rằng sẽ được nhiều bạn thông cảm lượng thứ. Thiết nghĩ mọi người hẳn có cùng tâm sự như tôi, tâm sự của đứa con vì tự do cơm áo phải phiêu bạt rong ruổi tha phương, cứ đến mùa đông hiu hắt lại ngậm ngùi nhớ về người Mẹ ở phương trời khác xa tít mịt mù.

Tất cả những ai khi mái tóc đã điểm sương mà vẫn còn có được người Mẹ để thương yêu phụng thờ thì thử hỏi có hạnh phúc nào lớn hơn thế nữa?

Ngày đi học, nghe thầy cô giáo giảng về sự tích của Địch Nhân Kiệt (狄仁杰) thời Đường, có ai trong thế hệ chúng tôi lại không rưng rưng cảm động? Địch Nhân Kiệt từng giữ chức tể tướng thời nữ hoàng Võ Tắc Thiên trị vị. Trong những năm đầu làm quan, lúc nhiệm chức tại Tĩnh Châu, Cha Mẹ thì ở Hà Dương, cách Tĩnh Châu mấy ngày đường. Một hôm lên núi Thái Hàng, nhìn đám mây trắng bềnh bồng nơi hướng quê nhà, ông bùi ngùi thốt lên: “Ngô thân xá kỳ hạ” (吾親舍其下) “Nhà cha mẹ ta ở dưới đám mây trắng đó”. Ông đứng nhìn ngậm ngùi khá lâu, đợi đám mây bay khuất rồi mới bồi hồi quay về.

Câu chuyện chỉ đơn giản có thế, mà được người xưa trân trọng nâng lên và trở thành một điển tích trong văn học Trung Quốc, đủ thấy tâm hồn của người xưa đôn hậu biết bao. Với nền văn minh và khoa học tân tiến hiện đại khiến không gian như thu hẹp lại, nhưng khoảng cách của lòng người lại dần thêm xa cách và lạnh nhạt, không mấy ai còn rung động bởi những câu chuyện bình dị như trên. Chữ “Hiếu” dường như đã dần trở thành “xa xỉ phẩm” trong một xã hội mà mọi quan hệ đều bị cuốn vào cơn lốc của Danh Lợi và lòng vị kỷ. Người ta quên mất rằng một xã hội mà chữ Hiếu được coi trọng mới là một xã hội thật sự thanh bình lành mạnh, vì đạo Hiếu là nền tảng của đạo Nhân.

Khi còn bé, vì ham chơi và tính nghịch ngợm của trẻ con, tôi thường được dạy dỗ bởi những trận đòn roi của nghiêm phụ, mong cho con cái trưởng thành. Mỗi lần như vậy, mẹ tôi không can gián được, xót ruột quay mặt đi mà đầm đìa nước mắt. Mẹ khóc tôi cũng khóc theo, tôi khóc vì bị đòn roi thì ít, mà đa phần vì đã làm tổn thương Mẹ hiền. Lớn lên, tôi mới thấu hiểu rằng những giọt nước mắt lặng lẽ của Mẹ hiền còn khiến những đứa con nghịch ngợm lo sợ hơn những trận đòn roi và chính cái tình thương lặng lẽ ấy đã thức tỉnh bao con thơ hồi đầu quy chánh.

Tôi thường nghe câu nói được lưu truyền trong dân gian: “Ai còn Mẹ xin chớ làm Mẹ khóc”. Câu nói đơn sơ nhưng gói trọn ý nghĩa thâm sâu của lẽ hiếu đạo. Những người dân quê chân chất ít học hồi xưa sao lại hiểu cái đạo lý “ hiểu thảo” dễ dàng bằng những câu nói bình dị mà thiết tha đến thế? Giờ nay nước mắt trận đòn roi đã cạn, nhưng những giọt lệ vẫn cứ tuôn ra vì những vết roi đời khắc nghiệt đắng cay trong cuộc sống thăng trầm ngược xuôi nơi đất khách quê người.

Mỗi năm cứ đến mùa lễ Vu Lan, tăng ni Phật tử trong các chùa tụng kinh báo hiếu; hội từ thiện "Tzu Chi" cho diễn lại các vở ca kịch mang nặng ý nghĩa hiếu ân với mục đích hoằng dương hiếu đạo và tưởng nhớ công ơn của bậc sinh thành. Truyền thuyết Bồ Tát Mục Kiền Liên xuống địa ngục cứu Mẹ có thể chỉ là hư cấu, nhưng tấm lòng hiếu thảo của Bồ Tát Mục Kiền Liên gây chấn động cả chư Phật mười phương lại là điều tất nhiên, bình dị và dễ hiểu.

Sở dĩ đạo Phật được lưu truyền mấy ngàn năm là vì ngoài mục đích cứu nhân độ thế, đạo Phật còn luôn nhắc nhở con người không được quên đạo làm con, làm người.

Rồi sau này, khi đọc "Nhị thập tứ hiếu" (二十四孝) của Quách Cư Nghiệp, tôi càng cảm phục trước tấm gương của những người con hiếu thảo trong sách. Đó là những câu chuyện mà cứ mỗi lần nhớ đến, tôi đều xúc động nghẹn ngào. Tôi thầm nhủ với lòng mình rằng, nếu một ngày nào đó, bản thân có quên đi tất cả mọi chuyện trên đời, thì cũng sẽ không dám quên công ơn dưỡng dục bằng trời của cha mẹ.

Lòng Mẹ thương con biển hồ lai láng. Chỉ có những ai đã từng đứng trước biển cả bao la mà dụng tâm suy ngẫm mới hiểu được tại sao người ta lại ví lòng thương yêu của người Mẹ với biển hồ mênh mông. Biển dung nạp được tất cả mọi thứ nhơ bẩn trên cõi đời, mà muôn đời biển vẫn trong xanh. Mẹ chịu đựng tất cả những điều nghiệt ngã nhất trên đời này, mà lòng Mẹ vẫn hân hoan, bao dung độ lượng. Những đứa con thành đạt hay hư đốn Mẹ đều một mực thương yêu với cái tâm vô sai biệt. Cũng như tất cả chúng sinh đều bình đẳng trước Tam Bảo, tất cả những người con đều bình đẳng trước trái tim từ ái quảng đại của Mẹ hiền.

Trong giáo lý nhà Phật, “quy luật nhân quả” là quy luật bất di bất dịch của tất cả mọi sự vật trong vũ trụ. Ngày nay, nền văn minh khoa học tiến bộ, người ta thường dương dương tự đắc với tài năng tri thức của mình mà quên mất cái "quả" có từ cái "nhân". Khi thấy một vườn cây đầy những loài cây trái xum xuê nặng trĩu quả ngọt, người ta thường chỉ trầm trồ ca ngợi công sức của người làm vườn, mà quên mất rằng tất cả những trái cây tươi tốt trong khu vườn ấy phần lớn đều lấy chất dinh dưỡng từ lòng đất. Lòng đất đó chính là “phúc đức tại phụ mẫu tổ tiên”. Chúng ta thường vô tình để cuộc sống hạnh phúc riêng của mình che khuất mất hình ảnh cội nguồn của Mẹ, của Cha. Nếu không ý thức được điều này, thì những câu ca dao "Công cha như núi Thái Sơn, Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra" bỗng trở thành những tiếng kêu thương lạc điệu.

Ngôn ngữ là công cụ tư duy của con người, cũng là hiện tượng của nền văn hóa tinh thần. Văn tự của mỗi quốc gia tuy khác nhau, nhưng có điều kỳ diệu là rất nhiều ngôn ngữ trên thế giới tiếng “Mẹ” đều bắt đầu bằng phụ âm “M” rất tương đồng: Mutter trong tiếng Đức, Mère trong tiếng Pháp, Mother trong tiếng Anh, Mẫu/Má trong tiếng Hán, Mẹ trong tiếng Việt. Có phải chăng Thượng Đế đã tạo lập tiếng nói đầu đời "ma... ma..." qua cửa miệng mọi trẻ sơ sinh trên đời, Mẹ là âm thiêng liêng nhất trong thế giới âm thanh của loài người.

Thi ca nhân loại khắp Đông Tây kim cổ đã nói rất nhiều về người Mẹ. Nhưng nói mãi mà sao vẫn chưa nói hết được những gì muốn nói, vẫn luôn còn một cái gì đó về Mẹ mà không sao nói cho hết được. Người Ấn Độ có một câu ngạn ngữ tuyệt vời : “Thượng Đế không thể hóa thân khắp nơi, nên Ngài phải tạo ra mẫu người Mẹ để thay thế cho Ngài”. Câu nói đơn giản đó có lẽ đã hàm chứa tất cả hình ảnh và ý nghĩa về trái tim Mẹ. Trái tim Mẹ dành cho con là trái tim của Thượng Đế dành cho nhân loại.

Mẹ tôi mất hồi thập niên tám mươi. Tấm thân tứ đại tạm mượn sáu mươi năm, đã trả về cho tứ đại. Năm đó tôi vừa hơn 30, mới vượt biên qua Mỹ bắt đầu cuộc sống mới, xứ lạ quê người khiến người khách lữ thứ tha phương cầu thực không làm tròn được hiếu đạo của phận làm con. Đến khi đời tôi tạm ổn định, tôi muốn được gần gũi Mẹ tôi để đáp đền phần nào ơn dưỡng dục cù lao thì lại không còn cơ hội. Đó là một trong những điều đau đớn day dứt nhất trong đời, mà cứ mỗi khi nghĩ đến thì ngấn lệ lại dâng trào. Tôi tự an ủi rằng mọi sự tụ tan trên đời đều do nhân duyên, tôi không có phúc phận được cận kề để chăm sóc Mẹ tôi, có lẽ vì tôi chưa hội tụ đủ Duyên lành.

Mỗi năm đến mùa Vu Lan, Phật tử thường lên chùa cài lên ngực những bông hoa màu khác nhau. Ai còn Mẹ thì cài một bông hoa đỏ lên áo; ai không còn Mẹ thì cài bông hoa trắng tinh nguyên. Bao nhiêu năm rồi, tôi chưa bao giờ có dịp được cài một đóa hoa để nói lên sự thiêng liêng của tình mẫu tử. Nhân đọc bài thơ "Mẹ ta trả nhớ về không", tôi nguyện vun bồi đóa hoa lòng luôn tươi thấm để ghi nhớ công ơn dưỡng dục và sự hy sinh của Cha Mẹ đã dành cả đời cho con cái.

Trường
01-21-2023 (ngày giao thừa Tết Quý Mão)

Từ Hi Thái Hậu vốn xuất thân trong gia đình chẳng mấy tài giỏi, tư chất của bà cũng không phải học cao hiểu rộng gì, cho nên, bà không đủ kiến thức, văn chương chữ nghĩa để làm thơ.

Từ Hi Thái Hậu làm duy nhất một bài thơ nhưng vẫn được lưu truyền.



Bài thơ Từ Hi Thái Hậu viết cho mẹ vào ngày mừng thọ lần thứ 70, tức năm 1877. Do có việc bận nên Từ Hi không thể tham dự tiệc chúc mừng. Bà đã viết một bài thơ và gửi kèm theo một số lễ vật thay cho sự vắng mặt của mình dành tặng riêng cho mẹ.






Hán - Việt:
Chúc mẫu thọ thi                                           祝母寿诗
Thế gian đa ma tình tối chân,                世間爹媽情最真,
Lệ huyết dung nhập nhi nữ thân.           淚血溶入兒女身.
Đàn kiệt tâm lực chung vị tử ,               殫竭心力終為子,
Khả liên thiên hạ phụ mẫu tâm !           可憐天下父母心!

Dịch nghĩa:
Chúc sinh nhựt mẹ
Tình yêu của cha mẹ là thứ tình cảm chân thành nhất trên thế gian
Máu và nước mắt chảy vào trong cơ thể con cái
Vắt kiệt tâm lực suốt đời vì con
Thương thay cho tấm lòng của kẻ làm cha mẹ trong thiên hạ!

So với thơ của Lý Bạch hay thơ của Càn Long đế, bài thơ của Từ Hi Thái Hậu được đánh giá là quá kém cỏi. Tuy nhiên, câu cuối cùng của bài thơ lại mang đầy ý nghĩa về tình cảm giữa bố mẹ và con cái, phù hợp với mọi thời đại. Cho nên, dù dở tệ nhưng bài thơ độc nhất cả đời Từ Hi Thái Hậu vẫn còn lưu truyền mãi đến ngày sau, đặc biệt là câu cuối cùng.
St