Showing posts with label Di tích - lịch sử. Show all posts
Showing posts with label Di tích - lịch sử. Show all posts

11/9/22

NÉN HƯƠNG cho NGƯỜI NẰM LẠI

Hàn Sĩ Phan  

Khoảng giữa tháng bảy năm 2007, nghĩa là sau gần 12 năm đến định cư ở Mỹ theo diện H.O. vào gần cuối tháng 9-1995, đây là lần đầu tiên chúng tôi đến thăm Thủ Đô Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ…Và nơi tôi nhờ bạn học đưa đến thăm trước nhất không phải là vùng Hoa Anh Đào dọc bờ sông Potomac vì đã qua mùa hoa nở, mà là nghĩa trang Quốc Gia Arlington. Đi rảo viếng vòng vòng trong Nghĩa Trang hơn hai tiếng đồng hồ lòng tôi bâng khuâng tràn đầy cảm xúc và ngưỡng mộ…Ngưỡng mộ không phải chỉ vì nó rộng lớn, ngăn nắp, khang trang mà là sự trân trọng với những tấm bia kích thước ngang nhau được xây dựng cho Người đã nằm xuống dù ở chiến tuyến nào trong cuộc nội chiến tương tàn 1860 – 1865, kể cả dành nơi trang trọng để lưu niệm cho những chỉ huy của cả hai phía và bia mộ cho các chiến sĩ vô danh, không tìm được danh tính lúc tử trận trong cuộc nội chiến, của cả hai bên. Đúng là Điểm Son không cần tô vẽ bằng khẩu hiệu của những con người có ý thức văn minh nhân bản và đủ đầy nhân cách của một nhân sinh đúng nghĩa. Không biết trong ngôn ngữ văn học của Mỹ có câu “Nghĩa tử là nghĩa tận” hay không..? nhưng Họ đã thể hiện đúng trong thực tế đời thường.

   

 Khoảng gần cuối tháng chín năm nay 2022 tôi lại về thăm quê hương VN và trú ngụ tại nhà người thân ở quận ba, Sài Gòn. Lần nầy nơi thăm viếng đầu tiên của tôi là Nghĩa Trang Quân Đội VNCH ở gần xa lộ Biên Hòa cũ ( nay được gọi là nghĩa trang nhân dân Bình An, thuộc xã Bình An, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương ). Chốn nầy đã từng là nơi an nghỉ của từ 16,000 đến 25,000 Tử Sĩ Quân Lực VNCH và một số công chức cấp cao. Mặc dù nhiều năm qua tôi đã nghe nói, nghe kể và xem một số  băng Video phô bày sự hoang phế của những mộ phần trong khu nghĩa trang còn lại nầy…nhưng bây giờ có cơ hội phải đến tận nơi để nhìn tận mắt và đốt nén nhang cho những người còn nằm lại trong hoang tàn, đơn lạnh : Có người hơn, có người gần NỬA THẾ KỶ !

     

Nơi hoang tàn, đơn lạnh có nghĩa là nó còn tồn tại…Bởi vì những mộ phần nơi đây có thể sẽ biến mất dần dần…Một phần rất ít được người thân bốc mộ cải táng hoặc thiêu lấy tro cốt, nhưng phần lớn chắc sẽ bị san ủi…Bởi vì ai cũng biết đất ở VN, nhất là trong, ngoài Sài Gòn rồi đến Thủ Đức, Biên Hoà, Bình Dương v.v..đều được tính từng mét vuông bằng vàng, bằng ngoại tệ…Những khu dân cư có người sống sờ sờ, mặc dầu đã liều mạng đấu tranh để giữ đất nhưng nếu đã nằm trong tầm ngắm thì đều bị chính quyền xua đuổi để chiếm với đồng tiền bồi thường bèo bọt, rẻ mạt và kéo dài dây dưa vô tận…huống chi là khu mộ phần của những người đã nằm xuống bất động mà lại thuộc về phía bại trận…! Cũng may nhờ có sự góp phần của những tiếng nói Hải ngoại…


Vào cuối tháng 10-2017 một Phái Đoàn Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ Đã đến viếng khu Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa nầy, sau đó được chính giới trong chính phủ Hoa Kỳ và 19 Dân Biểu Hạ Viện Liên Bang vận động lưu giữ và trùng tu. Dĩ nhiên vì lý do bang giao và những quyền lợi trao đổi phát sinh cho nên khu nghĩa trang cũ đã được tồn tại mặc dù không biết đến bao giờ ? Còn trùng tu thì chỉ mới qua loa như xây một khu bệ nhỏ để hoa quả và đúc đặt một lư hương để có chỗ dâng nhang cho những người đến lễ viếng.( Chỗ nầy ở dưới khu mộ phần gần sát vách tường của Lễ Đài chính cũ, còn Lễ Đài thì vẫn đóng vì hình như không được cho ra vô bình thường ).  Ngoài ra, khu mộ thì có nơi được dọn dẹp phát quang cây, cỏ dại và đặc biệt có lẽ do yêu cầu, các rễ cây lớn đâm vào dưới mộ đã được cắt, chặt…Tuy nhiên chỉ vào dịp gần TẾT Âm Lịch thì những mộ phần mới được dọn dẹp kỹ hơn nhờ có thêm một số người thiện nguyện tham gia, trong số người thiện nguyện nầy có lẽ có một số chiến hữu cũ đến góp phần thể hiện chút công quả hy vọng làm ấm hương linh người qúa cố được chút nào hay chút nấy. Hơn nữa, nếu có người yểm trợ điều kiện, thường là thân nhân hoặc các mạnh thường quân thì một số mộ được quét vôi và trét đắp những vết nứt. Còn như chúng tôi đến thăm vào những ngày tháng bình thường thì chỉ nhìn thấy cảnh hoang sơ, đơn lạnh…rêu phong phủ kín mộ phần !

     

Con đường đi vào nghĩa trang bây giờ là ở phía sau, có cửa sắt đóng mở theo giờ. Bên trong gần sát cổng có căn nhà dành cho nhân viên quản lý và bảo vệ. Muốn vào thăm mộ thì phải trình báo ở đây để được hướng dẫn. Điều nầy làm chúng tôi hơi bất ngờ vì thật ra mình không có mộ người thân nằm ở trong nầy…Tuy nhiên mọi việc cũng dễ dàng, tôi nói là ở nước ngoài về và có người bạn thân nhờ tìm giùm mộ người nhà để gần Tết ta về thăm cho được dễ dàng và thuận lợi…rồi nói đại tên nguyễn văn X, hạ sĩ quan, mất vào khoảng cuối tháng 3-1975. Tôi cũng nói là đi cầu may thôi vì người bạn cho biết là đã từ lâu lắm không được tin tức, cũng không chắc tìm được…nhưng nhân tiện có dịp đốt nén nhang cho những chiến hữu đã nằm lại ở đây. Cậu trưởng toán quản lý khoảng ngoài 30, người miền nam, đã xong nghĩa vụ quân sự năm năm, hiểu được tình đồng đội, tính tình cũng dễ dãi, dễ thương…Cậu ghi sổ khách viếng rồi hướng dẫn lối vào và hướng đi. Tôi có hỏi mua vài bó nhang, cậu nhanh nhẩu đưa cho tôi một bịt nhang lớn và cái bật lửa rồi nói : “Mỗi ngày con cũng có chia ra đốt nhang cho từng khu, nay có các bác đốt thay cho thì khu nầy con khỏi đốt…không cần phải trả tiền nhang đâu, đã có chi phí cho mục nầy”. Không biết có phải thấy tôi với bà xã và Long ( Nguyễn thăng Long ) lớn tuổi, lại nói là ở nước ngoài về nên được đối xử tử tế, lễ phép như vậy không ? Tôi nhìn sâu vào mắt người đối thoại và thấy nét chân thật lộ rõ trên gương mặt của cậu trẻ người nam bộ dễ thương nầy nên có cảm tình ngay…(dĩ nhiên là sẽ được đáp trả thoải mái khi xong chuyện theo đúng nguyên tắc giao tiếp rồi).

     

Tôi với bà xã và Long đến khu có bàn cúng và lư hương đốt bó nhang lớn…Trời đã gần trưa nên có nhiều tia sáng xuyên cành, trong không gian tĩnh mịch có tiếng xào xạc nhẹ nhàng lưa thưa của những chiếc lá lìa cành…Nơi chốn nầy từ hơn nửa thế kỷ hoặc gần nửa thế kỷ có những chiến hữu, đồng đội của chúng tôi đã gửi thân xác lại đây…Có những xác nguyên vẹn nhưng cũng có những thân xác không còn nhìn rõ hình hài…Rồi cuộc chiến kết thúc trong bi thảm…Họ là tử sĩ của bên thua cuộc ! nên hứng chịu chung niềm oan khuất của phía bại trận : “ Tủi hờn trong hoang lạnh cô đơn”. Bây giờ đứng ở đây nhìn những nấm mộ phủ kín rêu phong, lòng dâng trào cảm xúc nghẹn ngào ! Xin được quỳ xuống hôn mảnh đất mà hình như khắp mọi nơi trong khu nầy đều thấm đậm và hòa trộn niềm u uẩn với hương linh chưa siêu thoát của các chiến hữu còn phảng phất đâu đây…Vài nén nhang với tất cả lòng thành xin kính bái Anh Linh người đã khuất. 

….. “Ngày Anh đi, anh đi…Anh đi từ tổ ấm

        Anh ơi, địa danh nào thiếu dấu chân anh ?

        Đợi anh về…Chỉ còn trên vầng trán đứa bé thơ

Tấm khăn sô…”.

     

     Trong lúc đi cắm nhang trên một số mộ phần, tôi đã tình cờ tiếp cận một hoàn cảnh buồn đau đến mủi lòng . Một ông lão khoảng trên 70 cầm mấy nén nhang vừa đi vừa lẩm bẩm : “- Anh biết chú nằm ở đâu đây mà…Bình ơi ! Bình ! Sao chú lại đi vào những ngày gần cuối đó chứ…sao không chờ anh đưa về…Rồi sau đó lại giận anh không cho anh biết chổ chú nằm ở đâu? Em ơi ! Em có đói không ? Em có lạnh không ?”. 

   -Tôi rất ngạc nhiên nhìn ông lão đang lẩm bẩm một mình, gọi là ông lão nhưng tôi tin ông ta không hơn tuổi xấp xỉ 80 của tôi…nhưng có lẽ nét gian khổ hằn sâu trên gương mặt đã làm ông già đi trước tuổi rất nhiều. Tôi tiến lại gần và hỏi ông ta :

    - Ông anh đang đi tìm người thân ?


      Ông nhìn tôi, hình như cố nở nụ cười nhưng miệng vẫn còn méo xệch và mắt ngấn lệ :

     - Em tôi nó giận tôi, nó không cho tôi biết chỗ nằm…nhưng tôi sẽ tìm được thôi, nó đừng hòng ! hà..hà.

     Tôi chào ông và chúc ông tìm được người thân…nhưng không hỏi thêm gì nữa vì hiểu rằng có lẽ nỗi đau kéo dài đã làm cho tâm trí ông trở nên bất bình thường ! Tôi định trở về lại chỗ cũ, khu có lư hương thì thấy cậu quản lý trẻ đi vào, tay cầm bình xịt trừ muỗi nho nhỏ…cậu ta thấy tôi và gọi : - Bác ơi, ở đây muỗi nhiều lắm, để con xịt cho bác một chút thuốc cho đỡ…Cháu đã xịt cho bác gái và ông bạn của bác rồi. Quả thật muỗi khá nhiều, muỗi rừng nho nho nhưng chích rất nhanh và đau. Tôi bảo cậu trẻ xịt luôn cho ông lão và nhân tiện hỏi thêm về ông ta…

       - Này cậu, cậu có biết gì về ông lão tìm mộ người thân nầy không ?

       - Dạ ông cụ Hòa đó hả ? Con biết ông ta đi tìm mộ người em tên là Bình. Con đã giúp tìm nhiều lần nhưng không được vì hình như ở Nghĩa Trang Quân Đội cũ nầy không có ngôi mộ đó. Chuyện ông cụ dài lắm. Cách đây hơn năm năm, sau khi xong nghĩa vụ con được ông Cậu xin đưa vào làm việc ở đây thì đã nhiều lần thấy cụ Hoà đi tìm mộ em rồi. Cậu con kể ông ấy có người em tên Bình là hạ sĩ nhất Biệt Động Quân, lính Cộng Hoà…còn ông ta là trung sĩ làm việc ở Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung ở Hóc Môn…nhà cũng ở vùng đó. Vào khoảng giữa tháng 4/75 ông nghe nói em ông ta bị thương nặng từ chiến trường Long Khánh…có đem về Bệnh Viện Quân Đội Cộng Hòa ở Gò Vấp…Lúc đó tình hình lộn xộn, ông chưa kịp tìm hỏi rõ ràng thì tan hàng…rồi sau đó từ từ không biết thêm tin tức gì nữa… Sau nầy, khoảng năm, bảy năm gần đây có lẽ nghe người ta nói những binh sĩ VNCH lúc đó chết ở Saìgòn được đem chôn ở Nghĩa Trang nầy nên ông ta lại đến tìm. Cậu của con còn cho biết những lần đầu đến tìm ông còn rất tỉnh táo nói rõ Họ Tên, cấp bậc và khoảng thời gian chết của người em nhưng tìm mãi cũng không có dấu tích, nên cứ tự trách mình là đã bỏ bê để cho em chết mất xác…Rồi dần dần cứ tự trách móc, dằn vặt mãi nên có lẽ đã làm tinh thần ông suy sụp và không còn bình thường nữa… Thật tội nghiệp ! Bây giờ thì lâu lâu ông lão mới đến và càng ngày càng suy yếu, con thấy vậy cũng thương và cũng theo lời cậu con dặn là khi ông đến cứ trao cho ông mấy nén nhang rồi cứ để ông tự nhiên đi tìm người đã mất…chừng nào ông muốn ra về thì về, chỉ chú ý là nếu ông đến buổi chiều thì đừng để ông ở lại trễ.

     

Ôi cuộc chiến bi thảm và tàn nhẫn ! Gia đình ông lão đi tìm người em, chết mất xác vào những ngày gần tàn chinh chiến, chắc chắn mơ ước một cuộc sống bình yên, không có cảnh bom rơi, súng nổ, đạn bay nên đã đặt tên cho hai đứa con trai là Hoà – Bình. Nhưng rốt cuộc một đứa chết mất xác vì chiến tranh, đứa còn lại cũng chịu hệ lụy sau cuộc chiến để trở nên tinh thần bất ổn !!! Vì cái lý tưởng gì đây ? Giải phóng dân tộc ? Xây dựng một thiên đàng ảo tưởng ? Phải ! Cuộc chiến hơn hai mươi năm đã giải phóng sinh mạng hàng triệu, hàng chục triệu con người chết tức tưởi, oan khiên…Sau cuộc chiến kẻ thắng trận còn giáng đòn thù : bức tử vô số sinh mạng khác trong ngục tù, dọc đường chạy trốn chế độ trong rừng thẳm, ngoài biển khơi !!! Còn “Thiên Đàng” thì không phải hoàn toàn Hư Ảo mà cũng có dành riêng MỘT GÓC RẤT THẬT, thật đến trần truồng dành cho Cán Bộ, Đảng Viên cao cấp xây dựng biệt điện, dinh thự, lâu đài để hưởng thụ trác táng, cất trữ vàng bạc, ngoại tệ, thưởng thức cao lương mỹ vị đắt giá như “bò dát vàng” chẳng hạn v.v.và v.v..

   Chỉ Còn Một Lời Để nói là “Không còn gì để nói”!!!

   Thôi xin tỏ bày một chút tâm tình nơi đồng đội, chiến hữu còn nằm lại trong hoang lạnh, ngậm ngùi :


 

           Bạn  nằm đây  nửa  chiều  dài thế kỷ,

Vẫn chưa được an nghỉ giấc nghìn thu.

Bởi chúng mình thuộc về phía bị thua…

Đành tủi hờn trong âm  u hoang lạnh.


Sầu vong quốc chung chia niềm bất hạnh,

Người nằm lại trong hiu quạnh  cô đơn.

Những nấm mộ  rêu phong phủ xanh rờn,

Thêm  xác lá  như  giọt buồn  đọng lại !


Đời quân ngũ… những ngày xưa thân ái,

Nay  còn  gì ?  ngoài  tê  tái  cõi  lòng.

Nắm xương tàn chưa thoát kiếp long đong,

Hồn vất vưởng  chờ trông ngày  siêu độ.


Đến  thăm bạn vào đầu Thu  lá  đổ,

Qùy hôn mảnh đất gần chỗ bạn nằm,

Tấm chân tình xin khấn nguyện Hồng Ân,

Giúp bạn siêu thoát : Vĩnh Hằng an nghỉ.

 

Đốt  nén  nhang  tỏ  chút  tình  tri  kỷ,

Cùng chiến hữu chung nghiệp dĩ tang thương:

Kẻ gục ngã, người viễn xứ tha hương.

Nay linh cảm : Cõi Âm-Dương hội ngộ.


Thoáng ngọn gió tựa tiếng ai bày tỏ,

Lá  xạc xào  như  lời ngỏ  thì thầm,

  Vang vọng về từ một cõi xa xăm…

Hồn Tử  Sĩ đã nhiều năm vất vưởng !

 

 Trong hương khói với lòng thành hướng thượng,

 Cầu người khuất mặt an hưỡng bình yên.

 Đã chung đường thì  ắt cũng hữu duyên ?

 Rồi sẽ trùng phùng nơi miền vĩnh cửu.


 BÁI BIỆT ANH LINH BẠN HIỀN CHIẾN HỮU


 Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa

 Một Ngày Mùa Thu 16/09/2022 - HÀN SĨ PHAN


Xem Video: HS Phan & NT Long viếng thăm NTQĐ BH



Đọc thêm: Điêu khắc gia Nguyễn Thanh Thu 

10/5/22

Giấy Dó

Giấy dó là gì và dùng để làm gì?

Giấy dó là loại giấy được sản xuất từ vỏ những cây dó (như dó giấy, dó liệt...), theo quy trình thủ công được truyền lại qua nhiều thế hệ ở một số làng nghề [thủ công nghệ] ở Việt Nam. Giấy dó được dùng cho/[để] vẽ tranh trong mỹ thuật dân gian Việt Nam, đặc biệt là để làm giấy điệp cho tranh Đông Hồ, hay lưu giữ các tài liệu, nhờ vào nhiều ưu điểm, nổi bật nhất là độ bền theo thời gian.

2/16/22

Cầu Ba Cẳng


Cầu đi bộ đầu tiên ở Saigon với hình dạng và thiết kế độc đáo.



Thiết kế độc đáo của Cầu Ba Cẳng. Ảnh chụp vào khoảng thời gian 1920-1929
Ảnh: Mạnh Hải Flickr

Không chỉ có hình dáng lạ lùng, cầu Ba Cẳng còn gắn liền với những câu chuyện về giang hồ Sài Gòn trước 1975. Cầu do người Pháp xây dựng, có ba hướng, hình vòm và gắn liền với một phần lịch sử khu Chợ Lớn xưa.

12/9/21

Huyền Không tự: Ngôi ‘chùa treo’ kỳ hiểm nhất thế giới, mãi là bí ẩn thiên cổ - Mạn đàm về Huyền Không Tự

Hương Thảo - DKN 06/11/2021

Huyền Không tự* ở núi Hằng Sơn, Sơn Tây, Trung Quốc, là một ngôi chùa lơ lửng trên vách đá, không có địa căn mà chỉ có một số cột gỗ chống đỡ. Vậy mà trải qua hơn 1400 năm phong vũ thăng trầm, thiên tai địa chấn, Huyền Không tự vẫn đứng sừng sững nguy nga như một ấn chứng về lịch sử và tôn giáo không thể phai mờ…


Vào tháng 12 năm 2010, tạp chí “The Time” của Mỹ đã đưa ra danh sách mười công trình kiến ​​trúc kỳ hiểm nhất trên thế giới, và ngôi chùa treo Huyền Không ở Sơn Tây, Trung Quốc đã được bình chọn. Khi thi tiên Lý Bạch vân du đến đây, kỳ cảnh này đã làm ông chấn động. Và ngôi chùa này cũng từng xuất hiện trong tiểu thuyết võ hiệp “Tiếu ngạo giang hồ”.

11/3/21

ĐẠI SỬ GIA TƯ MÃ THIÊN - CHA ĐẺ BỘ LỊCH SỬ ĐẦY ĐỦ ĐẦU TIÊN CỦA TRUNG HOA

Tư Mã Thiên (司馬遷) sinh vào khoảng năm 145 trước Công nguyên vào thời nhà Hán (漢朝) (206 TCN–220 SCN). Ông được xem là sử gia đầu tiên và vĩ đại nhất của Trung Hoa với tác phẩm đồ sộ Sử Ký (史記), hay còn gọi là Thái Sử Công Thư (Sách của quan Thái Sử).

Tư Mã Thiên lớn lên trong một gia đình có truyền thống làm sử quan lâu đời. Cha của ông là Tư Mã Đàm, từng giữ chức Thái sử lệnh dưới thời vua Hán Vũ Đế.

Tư Mã Đàm chịu trách nhiệm theo dõi thiên văn và lịch pháp cho các buổi lễ, cũng như ghi chép thường nhật về các sự kiện trong triều. Từ nhỏ, Tư Mã Thiên chăm chỉ nghiên cứu lịch sử và các tác phẩm kinh điển dưới sự hướng dẫn của cha ông.